Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

Vụ hơn 20 khách hàng “mất tích” sổ tiết kiệm ở OceanBank: Phát hiện nhờ…xét xử vụ Hà Văn Thắm

20 khách hàng, sổ tiết kiệm, ocean bank, giám đốc chi nhánh, trần thị kim chi

Chân dung giám đốc chi nhánh OceanBank bỗng dưng mất liên lạc từ 31/8 Trần Thị Kim Chi

Sự việc gian dối liên quan đến sổ tiết kiệm đã phát sinh từ năm 2012 nhưng đến nay mới được phát hiện nhờ ngân hàng này cử cán bộ về chi nhánh hỗ trợ trong thời gian một số cán bộ chi nhánh tham gia dự tòa xử vụ Hà Văn Thắm.

Như chúng tôi đã thông tin, từ cuối tháng 8 và đầu tháng 9, một số khách hàng của OceanBank chi nhánh Hải Phòng đến chi nhánh để rút tiền trong sổ tiết kiệm nhưng nhận được câu trả lời của cán bộ ngân hàng là sổ tiết kiệm không có trong hệ thống. Số tiền của các khách hàng gửi vào rất lớn, tới hàng trăm tỷ đồng.

Sau đó các khách hàng này đã có đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng, đề nghị giải quyết, trả lại số tiền mà họ đã gửi tiết kiệm tại ngân hàng trên.

Ngày 15/9, OceanBank Hải Phòng đã tổ chức cuộc đối thoại với các khách hàng dưới sự chủ trì của Tổng giám đốc và các phó tổng giám đốc ngân hàng này.

Chiều ngày 17/9, Ngân hàng Thương mại Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đại Dương (OceanBank) đã thông tin chính thức về vụ việc.

Theo đó, vụ việc được phát hiện thông qua công tác kiểm tra, giám sát nội bộ và điều chuyển cán bộ trụ sở chính về hỗ trợ Chi nhánh trong thời gian một số cán bộ chi nhánh tham dự phiên tòa xét xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm từ ngày 25/8/2017.

Trong thời gian này, OceanBank đã phát hiện dấu hiệu vi phạm tại OceanBank Chi nhánh Hải Phòng về nghiệp vụ huy động tiền gửi tiết kiệm: thông tin trên Thẻ tiết kiệm không khớp với thông tin được hạch toán trong hệ thống corebanking về tên người gửi và số tiền gửi.

Trong khi đó, bà Trần Thị Kim Chi – nguyên Giám đốc Chi nhánh, Nguyễn Thị Minh Huệ – nguyên Trưởng phòng Kế toán kho quỹ, Lê Vương Hoàng – nguyên Kiểm soát viên kế toán không đến chi nhánh làm việc, mặc dù đã liên hệ qua điện thoại nhiều lần mà không được.

Xem thêm  Quà "tình nghĩa" hàng tỷ đồng và đường phố luôn tắc nghẹt trước đêm 30 tết

Nhận thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật, OceanBank đã có văn bản tố giác tội phạm tới Bộ Công an; văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Kiểm soát đặc biệt Ngân hàng Đại Dương và các Cơ quan chức năng; Đồng thời, thành lập đoàn công tác hỗ trợ nghiệp vụ, bố trí nhân sự thay thế để đảm bảo hoạt đông kinh doanh của Chi nhánh Hải Phòng.

Sau đó, Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Trần Thị Kim Chi cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Chi nhánh OceanBank Hải Phòng để điều tra làm rõ.

Được biết, Trần Thị Kim Chi làm việc tại OceanBank từ 15/1/2010, có chồng là cán bộ trong ngành dầu khí. Nguyễn Thị Minh Huệ nguyên là trưởng phòng kế toán và Lê Vương Hoàng nguyên Kiểm soát viên cùng làm việc từ 12/6/2010. Đây là 3 người đã trực tiếp liên quan vụ việc và bị khởi tố.

OceanBank cho biết, tại ngày 15/9/2017, một số người có Thẻ tiết kiệm có số tiền chênh lệch ghi trên Thẻ tiết kiệm với số tiền theo dõi hạch toán trên hệ thống corebanking và Thẻ tiết kiệm không có tên khách hàng/không có hạch toán trong hệ thống corebanking của OceanBank.

Qua xác minh ban đầu, sự việc gian dối này phát sinh từ năm 2012. Để phục vụ công tác xác minh điều tra, ngân hàng được yêu cầu giữ nguyên hiện trạng hồ sơ tài liệu, dữ liệu hệ thống của các giao dịch liên quan đến vụ án cho đến khi có quyết định của cơ quan điều tra và cơ quan chức năng khác có thẩm quyền; Tạm dừng giao dịch những Thẻ tiết kiệm có dấu hiệu làm giả.

Xem thêm  Người Trung Quốc sẽ được tự lái xe vào Lạng Sơn

Các ngày 7-9, 8-9, 11-9 và 15-9 vừa qua, OceanBank đã họp/đối thoại với khách hàng, ghi nhận thông tin khách hàng cung cấp. Đồng thời giải thích để khách hàng bình tĩnh cùng phối hợp với ngân hàng thông báo cơ quan điều tra làm rõ; Thực hiện chi trả cho khách hàng có Thẻ tiết kiệm khớp với thông tin hạch toán trong hệ thống corebanking của OceanBank.

OceanBank là ngân hàng được NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần giá 0 đồng vào ngày 24/5/2015 và chuyển đổi thành Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Từ khi trở thành “ngân hàng 100% vốn Nhà nước”, NHNN đã chỉ định VietinBank tham gia hỗ trợ quản lý, điều hành.

Trong một diễn biến khác, hồi tháng 7 năm nay, ông Bùi Huy Thọ – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng (Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước) đã chia sẻ rằng đang có ngân hàng nước ngoài khu vực châu Á muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu Ngân hàng Đại Dương. Nhà băng này đang xúc tiến giai đoạn 2 về đánh giá năng lực, hoạt động của OceanBank.

Tuy không tiết lộ danh tính ngân hàng ngoại muốn mua lại OceanBank, song đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhà đầu tư ngoại khá nghiêm túc trong thương vụ lần này.

“Việc mua lại một tổ chức tín dụng không phải thương vụ đơn giản, cần nhiều thời gian xem xét, đánh giá”, ông Thọ nhận xét, đồng thời nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc khuyến khích ngân hàng ngoại tham gia vào việc cơ cấu lại các ngân hàng mua lại bắt buộc 0 đồng trước đây. Nếu thương vụ M&A này được thực hiện thành công, Việt Nam sẽ có thêm một ngân hàng 100% vốn nước ngoài.

Theo cafeF