Đây là 1 vụ án có thật và những tình tiết tuyệt vời của nó vẫn còn được nhắc lại cho tới ngày nay dù nó đã diễn ra cách đây gần 100 năm.
Tình thế đáng thương của kẻ phạm tội
Vào một ngày mùa đông của những năm 30, cũng như ở các nơi khác của Mỹ, New York đang chìm trong những ngày ảm đạm của thời kỳ Đại Suy thoái, cuộc sống của người dân hết sức khốn khó.
Khắp nơi trong thành phố, những người nghèo đang chật vật với cái đói, cái rét.
Bức ảnh nổi tiếng thời Đại suy thoái ở Mỹ có tên “người mẹ di cư” của Dorothea Lange chụp năm 1936, cho thấy sự khổ cực đến tận cùng của dân chúng.
Trong một phiên tòa diễn ra ngày hôm đó, bên nguyên là chủ một cửa hàng tạp hóa, còn bên bị là một người phụ nữ bị kết tội ăn trộm một ổ bánh mỳ.
Biện hộ cho hành động sai trái của mình, người phụ nữ cho biết con gái bà đang bị ốm, còn các cháu ngoại thì sắp chết đói, vì bố của chúng đã bỏ rơi gia đình, bà chẳng còn cách nào khác ngoài việc ăn cắp bánh mỳ để các cháu khỏi chết đói.
Trong khi đó, người bán hàng bị mất ổ bánh mỳ khăng khăng không từ bỏ cáo buộc. Ông ta cho rằng việc xét xử người phụ nữ nghiêm minh sẽ là cách răn đe kẻ khác không được làm liều trong thời buổi loạn lạc này.
Vị thẩm phán thở dài. Đã từng xét xử không ít các vụ việc, nhưng chưa bao giờ ông cảm thấy phân vân như lần này. Ông không muốn kết tội người phụ nữ, song chẳng còn lựa chọn nào khác.
“Tôi rất tiếc. Nhưng tôi không thể cho phép một ngoại lệ nào. Luật pháp là luật pháp. Tôi tuyên bố bà bị phạt 10 đô la, và nếu không có tiền nộp phạt thì bà sẽ phải ngồi tù 10 ngày”, vị thẩm phán tuyên bố.
Quyết định mang tính bước ngoặt của thẩm phán
Nghe phán quyết của tòa, người phụ nữ vô cùng suy sụp. Nhưng bà không hề biết rằng, ngay khi đọc phán quyết cũng là lúc vị thẩm phán rờ tay vào túi quần, lấy ra đồng 10 đô la để giúp bà nộp phạt.
Sau đó, ông bỏ chiếc mũ mình đang đội, ném tờ 10 đô la vào trong, đưa cho một nhân viên và nói với đám đông những người đang ngồi nghe xử án bên dưới:
“Tôi cũng sẽ phạt mỗi người trong phòng xử án này 50 cent vì sống ở một thành phố mà không hề biết có người phải đi ăn cắp bánh mỳ để cứu các cháu khỏi chết đói. Giờ anh nhân viên của tôi sẽ đi thu số tiền phạt này và đưa cho bị cáo”.
Thế rồi, cuối buổi xét xử hôm đó, bị cáo đã được trở về nhà với 47,5 đô la, trong đó có 50 cent là của người chủ cửa hàng tạp hóa, người đã đưa ra cáo buộc với người phụ nữ.
Và trong khi bị cáo rời tòa với những giọt nước mắt xúc động của lòng biết ơn, bà không quên ngoái lại để chứng kiến một cảnh tượng chưa bao giờ có ở New York, trong một tòa án: Tất cả các cảnh sát và những tên tội phạm chờ xét xử đều đứng cả lên, không ai bảo ai, đồng loạt vỗ tay và dành cho vị thẩm phán cái nhìn đầy trân trọng.
Tại sao phán quyết của vị thẩm phán lại đi vào lòng người đến thế?
Phán quyết của vị thẩm phán đã đảm bảo được 2 điều tưởng như đối lập nhưng thực ra lại có mối quan hệ khăng khít với nhau: Đó là Công lý và Lòng trắc ẩn.
“Sự tử tế, dù nhỏ tới thế nào, không bao giờ là lãng phí”. (Ảnh minh họa: Internet)
Không thể cứ khó khăn là có lý do để “làm chuyện xấu”. Tất nhiên, với các mức độ khác nhau, họ sẽ phải trả những cái giá khác nhau. Nhưng điều mà vị thẩm phán muốn gửi gắm, đó là luật pháp không thiên vị bất kỳ ai, ai cũng phải chịu trách nhiệm cho mọi hành động của mình.
Trong khi đó, khoản tiền phạt mà mọi người ở phiên tòa đã vui vẻ nộp chính là 1 biểu hiện của sự lương thiện. Nó không chỉ là sự đối lập với những thói xấu của con người, đó là sự lạnh lùng, tàn nhẫn, tư lợi, xảo trá, mà còn giống như một kiểu “khế ước” về tinh thần.
Con người khi sinh ra trên đời, không thể chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân mình, mà còn phải có trách nhiệm với xã hội. Đó cũng chính là tiền đề cho sự phát triển của nhân loại. Nếu ai cũng chỉ nghĩ cho bản thân, chẳng mấy mà cả thế giới này sẽ diệt vong.
Lời bàn: Khi trí tuệ và lòng nhân từ gặp nhau, bạn sẽ có cả công lý và hòa bình. Hay như nhà văn Hy Lạp Aesop (620 – 564 TCN) từng nói, “Sự tử tế, dù nhỏ tới thế nào, không bao giờ là lãng phí”.
*Câu chuyện được ghi lại trong cuốn One Hundred Wisdom Stories from Around the World của tác giả Margaret Silf (Tạm dịch: 100 câu chuyện trí tuệ trên toàn thế giới)