Thứ sáu, Tháng mười hai 6
Shadow

Vua chúa Trung Hoa đều mặc long bào màu vàng, tại sao đồ của Tần Thủy Hoàng lại có màu đen?

Vì lý do gì, Tần Thủy Hoàng lại chọn long bào màu đen thay vì màu vàng vốn được hầu hết vua chúa Trung Hoa sau này ưa chuộng?

Trong ấn tượng của hậu thế, long bào của các Hoàng đế Trung Hoa thường lấy màu vàng làm chủ đạo. Cũng bởi vậy mà đã từng có giai đoạn màu sắc này được xem như tượng trưng của bậc Thiên tử cửu ngũ chí tôn.

Thế nhưng ít ai biết rằng, vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc lại chọn một màu sắc đặc biệt cho long bào của mình.

Năm xưa trong nghi lễ lên ngôi, Tần Thủy Hoàng đã lựa chọn một bộ long bào màu đen. Cũng trong giai đoạn đó, màu sắc này đã đóng vai trò chủ đạo trong những bộ y phục của ông.

Điều đáng nói là từ sau khi Tần triều suy vong, các Hoàng đế đời sau dần dần không còn dùng màu sắc trên để tạo tác long bào.

Liệu rằng có phải chiếc long bào màu đen của Tần Thủy Hoàng ẩn chứa huyền cơ gì khiến các hậu nhân đều phải kiêng kỵ?

Phía sau chiếc long bào màu đen được Tần Thủy Hoàng và bách tính tôn sùng

Tần Thủy Hoàng không chỉ thường xuyên mặc long bào màu đen mà còn coi màu sắc này như quốc sắc của vương triều. (Ảnh minh họa).

Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng được coi là vị Hoàng đế đầu tiên thống nhất thiên hạ.

Mặc dù sự thống trị của ông bị đánh giá là tàn bạo, nhưng ít ai có thể phủ nhận được một số thành tựu nổi bật của vị vua được mệnh danh là là “thiên cổ nhất đế” này.

Thông qua những tranh vẽ còn sót lại cũng như các bộ phim tái hiện lịch sử Tần triều, những người tinh ý sẽ dễ dàng nhận ra rằng Thủy Hoàng từ sau khi lên ngôi thường xuyên mặc long bào màu đen.

Từ thời xa xưa, long bào không chỉ tượng trưng cho Hoàng quyền mà còn được coi là vật có quan hệ mật thiết với quốc gia đại thể. Đây cũng là lý do mà màu sắc và thiết kế của loại trang phục này đều vô cùng được chú trọng.

Vậy nguyên nhân nào đã khiến vị Hoàng đế ấy lại chọn màu đen làm màu chủ đạo cho long bào?

Về vấn đề này, có các kiến giải như sau:

Việc Tần Thủy Hoàng mặc áo bào màu đen là kết quả của quá trình tính toán dựa trên Ngũ hành. Vào thời bấy giờ, thuật âm dương cùng học thuyết Ngũ đức rất được xem trọng.

Xem thêm  Em ruột Cẩm Ly trả toàn bộ chi phí đưa thi hài nghệ sĩ Anh Vũ từ Mỹ về Việt Nam

“Sử ký” của Tư Mã Thiên có ghi lại, Tần Thủy Hoàng cho rằng các triều Hạ, Thương, Chu, Tần lần lượt ứng với Mộc Đức, Kim Đức, Hỏa Đức, Thủy Đức.

Như vậy Tần triều thuộc Thủy Đức, mà theo học thuyết trên thì màu đen đại diện cho nước, cho nên liền lấy màu sắc này để may long bào để thể hiện Thủy Hoàng lên ngôi là thuận theo ý trời. Cách giải thích này được phần đông học giả đồng tình.

Cách giải thích thứ hai cũng có liên quan tới Ngũ hành, tuy nhiên lại đề cập nhiều hơn tới sự nghiệp của Thủy Hoàng.

Năm xưa, Tần Thủy Hoàng từng thống nhất lục quốc. Sáu nước này trong mắt ông chính là những ngọn lửa tản mác đang bùng cháy.

Theo quan niệm của thuật âm dương thời bấy giờ, Tần Thủy Hoàng ứng với thủy đức nên Tần quốc có thể ví như nước làm dập tắt những ngọn lửa tản mác kia.

Nước dập hết lửa có lúc sẽ để lại một số vệt đen, cho nên lựa chọn màu đen làm màu sắc chủ đạo của long bào cũng tượng trưng cho việc Tần quốc thống trị thiên hạ, sáu nước kia sẽ chẳng có cơ hội “tro tàn cháy lại”.

Bên cạnh những nguyên nhân được ghi lại trong chính sử một vài giai thoại dân gian cũng đưa ra kiến giải về lý do Thủy Hoàng và Tần triều tôn sùng màu đen. (Tranh minh họa).

Theo một số giai thoại dân gian, Thủy Hoàng vốn mang họ Doanh. Tương truyền rằng tổ tiên của ông năm xưa từng có công giúp Đại Vũ trị thủy cho nên được Thuấn Đế ban họ này.

Bởi cơ nghiệp của gia tộc Thủy Hoàng có liên quan đến nước nên người Tần quốc năm xưa vốn vô cùng coi trọng yếu tố nước trong Ngũ hành. Vì vậy màu đen không chỉ được Thủy Hoàng yêu thích mà còn được bách tính hoan nghênh.

Dưới thời kỳ Tần triều trị vì, màu đen không chỉ được dùng riêng cho long bào mà còn phổ biến trong văn hóa đại chúng.

Các quan lại thời bấy giờ khi lên thiết triều vẫn thường mặc triều phục màu đen. Cờ xí và vải lều trại sử dụng trong quân đội cùng các trang sức nơi hoàng cung phần lớn đều lấy màu này làm chủ đạo.

Tương truyền rằng năm xưa Thủy Hoàng từng hạ lệnh, nếu phát hiện người nào dám dùng loại cờ có màu sắc khác thì sẽ lập tức bị xử tử, kể cả đó có là họ hàng thân thích của Hoàng đế.

Xem thêm  Bi hài vợ chồng trẻ ĐỘNG PHÒNG lần 2 vẫn không thành vì gặp phải rắc rối trời ơi đất hỡi này

Lý do thực sự khiến các Hoàng đế đời sau dần kiêng kỵ long bào đen

Kể từ sau khi Thủy Hoàng qua đời, Tần triều suy vi, long bào màu đen dần dần bị thất sủng bởi các Hoàng đế đời sau. (Ảnh minh họa).

Sau khi Thủy Hoàng qua đời, giang sơn Tần triều rất nhanh đã đến hồi mạt vận và bị lật đổ bởi Lưu Bang – Hạng Võ.

Sau này, Hạng Võ bại trong tay Lưu Bang, Hán triều kế thừa giang sơn, thay Tần triều cai quản thiên hạ.

Có giai thoại truyền lại rằng, Lưu Bang một mực tin tưởng chính vì Thủy Hoàng chọn màu đen làm long bào nên triều đại nhà Tần mới diệt vong nhanh chóng như vậy.

Vì nghĩ màu đen là màu sắc mang đến sự xui xẻo, tang tóc, từ thời nhà Hán trở đi, các Hoàng đế dần dần ít sử dụng loại màu sắc này để may long bào.

Một lý giải khác dựa trên học thuyết Ngũ Đức thì khẳng định, Tần triều ứng với Thủy Đức, Hán triều lại thuộc Hỏa Đức. Màu biểu trưng cho hỏa là màu đỏ, vì vậy các Hoàng đế nhà Hán lấy sắc đỏ làm màu chủ đạo của long bào để thuận theo âm dương ngũ hành, còn màu đen chỉ mang công dụng “làm nền”.

Cũng có ý kiến cho rằng, Tần Thủy Hoàng vốn có uy danh lẫy lừng. Các vua đời sau biết rằng họ khó có thể đạt tới thành tựu như vị “thiên cổ nhất đế” ấy, cho nên dần đổi long bào thành những màu sắc khác để tỏ lòng tôn kính.

Tới thời nhà Thanh, màu vàng đã trở thành màu sắc cố định đối với long bào và cũng được coi như biểu tượng của Hoàng đế cùng hoàng tộc. (Tranh minh họa).

Dù có nhiều cách giải thích khác nhau, tuy nhiên sự thực là sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời, Tần triều diệt vong, long bào màu đen cũng dần dần thất sủng.

Mặc dù màu sắc này vẫn xuất hiện trên trang phục của Hoàng đế, tuy nhiên không còn đóng vai trò chủ đạo, cũng không mang ý nghĩa tôn quý hay được hoan nghênh như vào thời nhà Tần.

Tới thời nhà Tùy, màu vàng mới dần được sử dụng để may y phục cho nhà vua. Và phải đến khi Thanh triều cai trị Trung Hoa, màu sắc này mới thực sự trở thành biểu tượng của Hoàng đế cùng hoàng tộc.

Theo Trần Quỳnh- Thời Đại/Soha

Link