Thứ sáu, Tháng mười hai 6
Shadow

Xét xử vụ Hà Văn Thắm: Bị bắt, lái xe mới biết mình là… Tổng Giám đốc

Khai nhận trước tòa, bị cáo Trần Văn Bình – cựu Tổng Giám đốc Công ty Trung Dung – cho rằng, bản thân bị cáo chỉ là lái xe. Đến khi bị cảnh sát điều tra, xét hỏi, bị cáo mới biết mình đứng tên làm Tổng Giám đốc Công ty Trung Dung. >> Xét xử Hà Văn Thắm cùng đồng phạm: Làm rõ nghi vấn hồ sơ bị đánh tráo >> Hơn 700 người được triệu tập tại phiên xử Hà Văn Thắm sáng nay >> Hai cựu Chủ tịch ngân hàng Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh cùng hầu toà

Lái xe đứng tên làm Tổng Giám đốc

Phiên xử vụ án Hà Văn Thắm cùng đồng phạm chiều 29/8 bước sang phần xét hỏi. Bị cáo Trần Văn Bình – cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trung Dung (Cty Trung Dung) – là người được thẩm vấn đầu tiên.

phạm công danh, hà văn thắm, Trần Văn Bình, Ngân hàng Đại Dương, Sân vận động Chi Lăng, ocean bank

Trần Văn Bình khai bản thân chỉ là lái xe.

Theo cáo trạng truy tố, ngày 23/11/2012, Trần Văn Bình với tư cách là Tổng Giám đốc Cty Trung Dung đã ký Hợp đồng tín dụng trung dài hạn với Nguyễn Văn Hoàn – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Dương – vay 500 tỷ đồng với mục đích vay bù đắp vốn mua tài sản là quyền sử dụng đất tại Sân vận động Chi Lăng (TP Đà Nẵng); đồng thời giải ngân 500 tỷ đồng vào tài khoản của Cty Trung Dung tại Ngân hàng Ngoại thương – Chi nhánh Phú Thọ (TPHCM), sau đó chuyển đến tài khoản của Cty Trung Dung tại tại Ngân hàng TMCP Xây dựng.

Ngày 10/12/2012, Nguyễn Thị Quỳnh Trang, nhân viên văn phòng Tập đoàn Thiên Thanh, làm thủ tục chuyển khoản và mở 4 sổ tiết kiệm.

Ngày 27/12/2012, Phạm Công Danh chỉ đạo tất toán 4 sổ tiết kiệm rồi chuyển tổng số tiền gốc, lãi là hơn 500 tỷ đồng để thanh toán cho 5 hợp đồng tín dụng của nhóm Hứa Thị Phấn tại Ngân hàng Xây dựng và được hạch toán vào việc Danh trả tiền mua cổ phần tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (sau này là Ngân hàng TMCP Xây dựng) của nhóm bà Phấn.

Hiện Cty Trung Dung và Phạm Công Danh không có khả năng thanh toán và Ngân hàng Đại Dương không có khả năng thu hồi khoản vay trên.

Trả lời HĐXX, bị cáo Bình cho biết, bản thân bị cáo chỉ là nhân viên lái xe cho tập đoàn Thiên Thanh, phía văn phòng “điều” đi đưa đón lãnh đạo, cán bộ nào thì thực hiện.

Xem thêm  Vụ 2 thi thể trong khối bê tông: Chủ nhà cũ lật mặt người phụ nữ bí ẩn

Được hỏi về chức vụ Tổng Giám đốc Cty Trung Dung, bị cáo Bình khai rằng, chỉ đến khi cảnh sát điều tra, xét hỏi thì bị cáo mới biết mình làm Tổng Giám đốc.

Hàng loạt các câu hỏi sau đó của HĐXX như bị cáo có ký vào các Hợp đồng vay tài sản của Cty Trung Dung với Ngân hàng Đại Dương không?, việc thành lập Cty Trung Dung, nhân sự công ty và việc đóng góp tài sản vào công ty này, Trần Văn Bình đều lặp lại “điệp khúc” không nhớ, không biết.

“Bị cáo không nhớ thì có cần chủ tọa công bố lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra không?” – chủ tọa phiên tòa gay gắt.

Cựu Tổng Giám đốc Cty Trung Dung im lặng.

Làm rõ mối quan hệ giữa Phạm Công Danh – Hà Văn Thắm

Trả lời các câu hỏi của HĐXX liên quan đến việc thành lập, hoạt động của Cty Trung Dung, bị cáo Phạm Công Danh – nguyên Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (Cty Thiên Thanh) – cho biết, Cty Trung Dung thuộc Tập đoàn Thiên Thanh. Ngoài Cty Trung Dung, Tập đoàn này còn rất nhiều công ty khác trực thuộc.

Theo bị cáo Danh, không ai đề xuất Trần Văn Bình làm Tổng Giám đốc Cty Trung Dung mà chính bị cáo Bình xin đứng tên, không ai o ép.

phạm công danh, hà văn thắm, Trần Văn Bình, Ngân hàng Đại Dương, Sân vận động Chi Lăng, ocean bank

Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên xử chiều 29/8.

Về quan hệ với Hà Văn Thắm, bị cáo Danh khai, bản thân đã giao dịch tín dụng với bị cáo Thắm rất nhiều năm. Thời điểm không được Chính phủ đồng ý với đề xuất mở thêm ngân hàng về lĩnh vực xây dựng, Phạm Công Danh được Hà Văn Thắm cho biết cần tái cơ cấu lại Ngân hàng Đại Tín. Tổng dư nợ Tập đoàn Thiên Thanh khoảng 1.000 tỷ đồng, bị cáo Thắm nói sẽ trả phần dư nợ này nếu tập đoàn này tiếp quản Ngân hàng Đại Tín.

Phạm Công Danh khai, bản thân bị cáo đồng ý nếu bị cáo Thắm chuyển 800 tỷ đồng để giải quyết dư nợ, nhưng trước mắt bị cáo Thắm chỉ chuyển cho 500 tỷ đồng.

Xem thêm  Những vụ vượt ngục khó tin của tử tù ở Việt Nam

Theo bị cáo Danh, trong cuộc gặp bà Hứa Thị Phấn tại khách sạn của bị cáo Thắm gần Sân bay Tân Sơn Nhất, bị cáo Danh nói với bà Phấn chuyển giao Ngân hàng Đại Tín lại cho Danh nhưng bà Phấn không đồng ý. Sau nhiều lần Hà Văn Thắm nói chuyện với bà Phấn, bà này mới đồng ý nhưng trên thực tế bị cáo Danh không điều hành công ty của bà Phấn.

“Sau đó, bị cáo có ngồi lại với bà Phấn thỏa thuận chuyển giao toàn bộ nghĩa vụ và trách nhiệm cho bị cáo với tư cách là đại diện các cổ đông.” – Phạm Công Danh khai.

“Ai là người nghĩ ra việc vay 500 tỷ đồng của Ngân hàng Đại Dương?” – HĐXX hỏi.

Phạm Công Danh khai, thời điểm đó, Ngân hàng Đại Tín đang khó khăn, cần phải thanh khoản nên bà Phấn đề nghị bị cáo Danh thực hiện nghĩa vụ hỗ trợ. Chính bị cáo Phấn là người đưa ra ý kiến vay 500 tỷ đồng của Ngân hàng Đại Dương.

Trình bày kỹ về khoản vay 500 tỷ đồng, Phạm Công Danh khai rằng, bản thân bị cáo và bà Hứa Thị Phấn đã nhiều lần gặp nhau. Bị cáo Phấn thuyết phục nhiều lần và Danh đã đồng ý vay 500 tỷ đồng.

“Tại sao bị cáo không lấy danh nghĩa của Tập đoàn Thiên Thanh để vay mà lại đứng tên Ngân hàng Đại Tín?” – HĐXX vặn hỏi. Phạm Công Danh “nại” rằng, thời điểm đó, Tập đoàn Thiên Thanh đang hoạt động tốt, nếu đi vay mượn mà không trả được sẽ ảnh hưởng đến tập đoàn này.

HĐXX tiếp tục làm rõ về việc sử dụng khoản vay 500 tỷ đồng và trách nhiệm của các cá nhân về số tiền này.

Đối với việc bị truy tố theo khoản 3 Điều 179 Bộ luật Hình sự liên quan khoản vay 500 tỷ đồng, Phạm Công Danh cho rằng: “Phán quyết như thế nào là do HĐXX, bị cáo chỉ biết trình bày đúng sự thật. Trước đây bị cáo không có liên quan nhưng sau lại bị truy tố, đề nghị HĐXX làm rõ vấn đề này.” – Phạm Công Danh nói trước tòa.

Phiên xử tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo.

Theo dân trí