Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

Xử lý thế nào nếu 2.102 tỷ trong tài khoản bà Thảo không còn?

Bà Diệp Thảo

“Nếu bà Thảo đã sử dụng hết số tiền này vào mục đích gì thì bà phải giải trình, chứng minh để xác định rằng phục vụ cho lợi ích chung của cả hai bên”, luật sư Học nêu quan điểm.

“Nếu bà Thảo đã sử dụng hết số tiền này vào mục đích gì thì bà phải giải trình, chứng minh để xác định rằng phục vụ cho lợi ích chung của cả hai bên”, luật sư Học nêu quan điểm.

Tại phiên tòa chiều 1/3, HĐXX thông báo tạm dừng xét xử để xác minh các khoản tiền gửi của nguyên đơn (bà Lê Hoàng Diệp Thảo) tại 3 ngân hàng Eximbank, BIDV, Vietcombank, theo yêu cầu phản tố của bị đơn (ông Đặng Lê Nguyên Vũ) tại phiên tòa.

Khoản tiền cần phải xác mình là 2.102 tỷ đồng – tổng giá trị tiền, vàng đứng tên bà Thảo tại 3 ngân hàng nêu trên. Phía ông Vũ đề nghị tòa xác minh để đưa vào phân chia vì cho rằng đây là tài sản chung của hai vợ chồng tích lũy trong 20 năm chung sống. “Không ai ngoài nguyên đơn là bà Thảo có thể rút số tiền này”, phía ông Vũ nhận định.

Tuy nhiên, tại các ngày xử trước đó, phía bà Thảo không đồng ý với yêu cầu này của ông Vũ. Người đại diện theo pháp luật của bà cho rằng số dư tài khoản xác minh mà Tòa công bố là vào năm 2015-2016. Sau thời điểm này, số tiền không còn.

“Phải đặc biệt lưu ý là chỉ chia tài sản ở thời điểm hiện nay thôi, ví dụ như khi lấy nhau vợ chồng có 1.000 tỷ chẳng hạn, nhưng đến ngày ly hôn chỉ còn 1 tỷ thôi thì chỉ chia 1 tỷ thôi, chứ không thể nào chia 1.000 tỷ được”, bà Thảo bày tỏ quan điểm.

2.102 tỷ đồng là tài sản chung

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng về nguyên tắc, số tiền 2.102 tỷ đồng ở 3 ngân hàng bà Thảo thừa nhận có (chưa nói đến việc dùng hết hay chưa) thì đó đương nhiên xem tài sản chung.

Theo quy định của pháp luật, tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất. Nguyên tắc giải quyết tài sản chung của vợ chồng khi không thỏa thuận được là tài sản chung được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố hoàn cảnh của gia đình, của vợ, chồng, công sức đóng góp của vợ chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.

Bà Diệp Thảo
Theo luật sư, 2.102 tỷ là tài sản chung của hai vợ chồng ông Vũ. Ảnh: Lê Quân.

 

Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định về nguyên tắc phân chia tài sản khi ly hôn sẽ chia những tài sản mà họ có.

“Ông Vũ yêu cầu chia và ông ấy chứng minh thời điểm trước đó (đã xác minh) trong tài khoản có tiền và bà Thảo là người giữ. Như vậy là đủ căn cứ để yêu cầu chia”, vị luật sư nêu quan điểm.

Luật sư Hoan cũng nói thêm trong trường hợp này, ông Vũ có đủ căn cứ để được chia số tiền 2.102 tỷ này kể cả thời điểm hiện tại bà Thảo nói không còn.

Nếu tiền không còn, bà Thảo phải chứng minh

Trong thông cáo báo chí phía bà Thảo gửi sau khi TAND TP.HCM tạm dừng phiên xử, có đề cập việc đề nghị HĐXX yêu cầu ông Vũ cung cấp tài liệu là căn cứ chứng minh số tiền 2.102 tỷ theo phản tố là tài sản chung.

Về điều này, luật sư Trần Bá Học cho rằng vì Tòa xác minh tại các ngân hàng là có số tiền này và bà Thảo đã thừa nhận là có nên ông Vũ không cần phải chứng minh. Trong trường hợp bà Thảo phủ nhận không có thì ông Vũ mới phải chứng minh.

“Cho đến hiện nay, nếu bà Thảo đã sử dụng hết số tiền này vào mục đích gì thì bà phải giải trình, chứng minh để xác định rằng phục vụ cho lợi ích chung của cả hai bên”, luật sư Học nói.

Bà Diệp Thảo
Ông Vũ trao đổi với luật sư tại phiên tòa chiều 1/3. Ảnh: Lê Quân

 

Luật sư Hoan nói thêm, theo thông tin trên báo chí, ông Vũ đã xác minh tài khoản ngân hàng trước đó (trước khi yêu cầu chia tài sản). Do đây là số tiền lớn nên việc chi tiêu trong gia đình, theo luật sư là “không thể”.

Luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm, nếu bà Thảo chứng minh được tiền đó sử dụng vào mục đích chung của hai vợ chồng thì thôi, coi như đã chi tiêu chung. Còn nếu không thì nó vẫn được coi là tài sản chung do bà Thảo đang quản lý.

“Bà Thảo phải chịu trách nhiệm giải trình. Không giải trình được thì coi như bà đang chiếm giữ số tài sản chung này. Lúc đó, sẽ tổng cộng số đó vào tài sản chung để tính tổng giá trị tài sản chung. 2.102 tỷ bà Thảo giữ coi như đã nhận được một phần giá trị tài sản chung và sẽ được khấu trừ khi chia”, luật sư Nam phân tích.

Chứng minh việc chi tiêu không khó

Về số tiền 2.102 tỷ, luật sư Hoan cho rằng con số rất lớn nên “chỉ có thể tẩu tán thì số tiền đó mới hết được. “Trong trường hợp bà Thảo tẩu tán thì ông Vũ vẫn có căn cứ và yêu cầu Toà chia số tiền này. Nếu bà Thảo không trả ông Vũ thì có thể cấn trừ sang những tài sản khác”, luật sư này nhận định.

“Nếu bà Thảo cố tình tẩu tán thì Tòa vẫn có căn cứ để chia đôi và bắt buộc bà Thảo phải hoàn trả cho ông Vũ 50% số tiền này”, luật sư Hoan nói thêm.

Bà Diệp Thảo
Luật sư cho rằng không khó để chứng minh việc chi tiêu số tiền “khủng” 2.102 tỷ đồng. Ảnh: Lê Quân.

 

Luật sư Thu Nam cũng dự liệu không loại trừ khả năng bà Thảo “tẩu tán” tài sản chung. Tuy nhiên, việc chứng minh tiền dùng vào mục đích gì, theo luật sư Nam không khó.

“Tòa không nên chỉ căn cứ vào lời khai của bà Thảo mà có thể lấy sao các kê tài khoản gửi tiền của bà Thảo để xem rút ra những ngày nào, số tiền bao nhiêu? Sau đó yêu cầu bà Thảo giải trình lần rút tiền đó sử dụng vào việc gì? Xác định tài sản đó là tài sản chung thì buộc phải xác minh làm rõ để phân chia theo luật định”, vị luật sư nói.

Xem thêm  3 "hoạt động phá hoại" của bà Lê Hoàng Diệp Thảo qua lời kể của sếp Trung Nguyên

Theo Zing