Thứ ba, Tháng Một 14
Shadow

3 câu chuyện thú vị về nhà triết học Socrates: Đọc để thấy cuộc đời đơn giản hơn bạn tưởng

Ba mẩu chuyện liên quan đến triết gia nổi tiếng của Hy Lạp, Socrates sẽ cho bạn thấy đôi khi, đáp án cho những vấn đề hóc búa hóa ra lại vô cùng đơn giản. 

Câu chuyện thứ nhất: Bí quyết thành công

Ngày xưa, có một thanh niên trẻ tìm đến nhà triết học Hy Lạp nổi tiếng Socrates (470 – 399 TCN), người được cho là rất thông thái, để hỏi bí quyết thành công. 

Socrates kiên nhẫn lắng nghe người đàn ông trẻ nói, rồi hẹn gặp anh ta ở gần một con sông vào sáng hôm sau để đưa ra câu trả lời.

Sáng hôm sau, Socrates bảo anh ta cùng mình lội xuống sông. Họ cùng nhau lội đến một chỗ khá sâu, rồi Socrates bất ngờ dìm đầu anh ta xuống nước.

(Tranh minh họa: Internet)

Quá hoảng loạn và sợ hãi, chàng thanh niên vùng vẫy bằng mọi cách để ngoi lên mặt nước. Thế nhưng, Socrates rất khỏe mạnh và đủ sức giữ anh ta cho đến khi anh ta dần trở nên tái mét. Đến lúc này, ông mới kéo đầu anh ta lên mặt nước.

Chàng thanh niên thở hổn hển rồi hít một hơi thật sâu. Socrates hỏi lại, “Khi ở trong nước, anh muốn thứ gì nhất nào?” Người thanh niên trẻ đáp, “Không khí ạ”.

Lúc này, Socrates mới cười mà nói rằng, “Đó chính là bí quyết thành công đấy. Khi anh muốn có được sự thành công giống như anh muốn có không khí để thở khi bị dìm đầu xuống nước, thì anh sẽ có được nó. Ngoài ra không có bí quyết nào khác”.

Lời bình: Khát khao cháy bỏng là điểm khởi đầu của mọi thành tựu. Giống như một ngọn lửa nhỏ không có đủ sức nóng, một mong muốn yếu ớt không thể đem lại kết quả.

Câu chuyện thứ 2: Con ngựa của Plato

Xem thêm  Nữ sinh lớp 8 mang bầu 12 tuần: Giữ hay bỏ thai nhi đều rất thận trọng

Plato, cũng là một triết gia nổi tiếng của Hy Lạp (428 – 348 TCN), là một học trò của Socrates. Ông thường dạy học trò bằng phương pháp thảo luận.

Một hôm, Plato cùng Socrates dẫn vài học trò rời thành Athen tới bờ biển Aegean như một hoạt động ngoại khóa. Họ ngồi quanh một hòn đá ở bên và cùng tranh luận xem một con ngựa đực trưởng thành có chính xác bao nhiêu chiếc răng.

(Ảnh minh họa: Internet)

Glaucon nói vì miệng con ngựa nhỏ như thế nên rõ ràng nó không thể có quá 15 chiếc răng được.

“Thật vô lý, bất kỳ kẻ ngốc nào cũng thấy con ngựa có một cái hàm rất dài nên nó phải có 42 chiếc răng”, Thrasymachus hét lên.

Nhưng rồi lại có một người khác tên là Aristophanes phản đối. Theo Aristophanes, vì mỗi 1 con ngựa mất 23 phút để nhai hết một bó cỏ khô, nên hẳn là nó phải có 23 chiếc răng.

Cuộc thảo luận bắt đầu căng thẳng hơn vì không ai chịu ai. Bản thân Plato thì nghĩ con ngựa có tới 82 chiếc răng vì ông đã từng nhìn thấy một hình vẽ con ngựa trên hang động. Tuy nhiên ông không đưa ra ý kiến của mình.

Đến lúc này, người lặng im suốt từ đầu đến cuối cuộc tranh luận là Socrates mới cất lời. Socrates bảo thay vì tiếp tục cuộc tranh cãi dường như không có hồi kết này, họ nên đi ra chỗ buộc đám ngựa đã đưa họ tới đây, mở miệng của chúng ra mà đếm là xong.

Cả nhóm học trò của Plato lúc này mới há hốc miệng, ngạc nhiên trước đáp án đơn giản, bất ngờ mà hết sức khôn ngoan từ người thầy của thầy mình.

Lời bình: Đôi khi những đáp án cho những vấn đề hóc búa trong cuộc sống lại xuất hiện một cách vô cùng đơn giản, nếu bạn để ý và quan sát xung quanh. Ngoài ra, câu chuyện còn đề cao tính thực tế. Thực tế luôn có ý nghĩa thiết thực hơn mọi lý thuyết.

Câu chuyện thứ 3: Bộ lọc của Socrates

Xem thêm  Tiếc nuối cả đời của Khổng Minh và 3 bài học về nghệ thuật lãnh đạo đỉnh cao từ Tam Quốc

Một ngày kia, có một người quen bắt gặp Socrates hỏi ông, “Ông có biết tôi nghe được chuyện gì về bạn ông không?”

“Đợi một chút”, Socrates đáp lại. “Trước khi kể cho tôi bất kỳ điều gì, tôi muốn anh làm qua một thử nghiệm nhỏ mang tên Thử nghiệm 3 bộ lọc”.

“Ba bộ lọc ư?”, người bạn này hỏi lại.

(Ảnh minh họa: Internet)

“Đúng”, Socrates tiếp tục. “Trước khi anh kể cho tôi về bạn của tôi, có lẽ dừng lại một chút và lọc qua những gì anh định nói sẽ là ý hay. Đó là lý do tôi gọi nó là Thử nghiệm 3 bộ lọc. Bộ lọc thứ nhất là Sự thật. Anh có hoàn toàn chắc những gì sắp kể cho tôi là sự thật 100% không?”

“Không”, người đàn ông trả lời, “Thực ra tôi chỉ nghe người ta nói và…”

“Được rồi”, Socrates đáp lại. “Vậy là anh cũng không biết điều đó có thật hay không. Giờ hãy nói tới bộ lọc thứ 2, bộ lọc về Sự tốt đẹp. Điều mà anh định nói cho tôi về bạn tôi có tốt đẹp không?”

“Không, ngược lại”.

“Vậy là anh định nói về một điều chẳng tốt đẹp gì, và anh cũng chẳng chắc chắn là nó đúng sự thực. Và bây giờ là bộ lọc cuối cùng, bộ lọc về Sự hữu ích. Điều anh định nói về bạn tôi có đem lại lợi ích cho ai không?”

“Không, không hẳn”, người bạn này lại trả lời.

“Vậy thì”, Socrates kết luận, “Nếu điều anh định nói cho tôi chẳng tốt đẹp gì, cũng chẳng hữu ích và cũng chưa chắc có thật, thì tại sao anh lại muốn kể cho tôi?”

Lời bình: Người thông minh không để những câu chuyện tầm phào, vô bổ làm vướng bận họ, khiến họ mất thời gian và dễ rơi vào những tình huống thị phi rắc rối. Họ tập trung trí lực và sức lực cho những vấn đề thiết thực và ý nghĩa với mình.

Dịch từ các báo nước ngoài

Thanh Hương – Trí thức trẻ

Link