3 vị quý nhân này từng giúp đỡ Lưu Bị rất nhiều trong buổi đầu lập nghiệp, thế nhưng ông lại không dám kết nghĩa huynh đệ với họ như với Quan Vũ, Trương Phi.
Mỗi khi nhắc tới những người huynh đệ vào sinh ra tử cùng Lưu Bị trong tác phẩm “Tam Quốc diễn nghĩa”, độc giả sẽ nhớ ngay tới Quan Vũ – Trường Phi cùng điển tích kết nghĩa vườn đào nổi tiếng.
Vào thời điểm kết làm huynh đệ với Quan – Trương, Lưu Bị lúc này đã bước sang tuổi 28. Thế nhưng điều kỳ lạ nằm ở chỗ, vì sao một người được miêu tả là “thích kết giao với hào kiệt trong thiên hạ” phải đợi tới thời điểm này mới có được hai người huynh đệ chí cốt?
Theo tờ báo nổi tiếng Trung Quốc là QQNews, Lưu Huyền Đức trước khi gặp Quan Trường còn có 3 mối giao tình vô cùng sâu đậm.
Những người này đều là các quý nhân đóng vai trò to lớn đối với ông trong buổi đầu sự nghiệp. Ba nhân vật đó chính là Trịnh Huyền, Lư Thực và Công Tôn Toản.
Vậy tại sao Lưu Bị khi xưa dù đã nhận nhiều ân huệ nhưng lại không kết nghĩa với họ mà phải chờ đến khi Quan Vũ, Trương Phi xuất hiện?
Trịnh Huyền – người thầy từng có ơn cứu mạng Lưu Huyền Đức
Trước kia, Lưu Huyền Đức vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đã từng có thời gian hành nghề đan giày, dệt chiếu. Thế nhưng mặc dù có xuất thân nghèo khổ, ông từ sớm đã nuôi hùng tâm tráng chí và được người nhà cho đi bái sư học đạo.
Nhờ vậy mà từ năm 15 tuổi, Lưu Bị có cơ hội quen biết với Trịnh Huyền, Lư Thực cùng Công Tôn Toản – 3 nhân vật có ảnh hưởng vô cùng sâu sắc tới cuộc đời cũng như sự nghiệp của ông.
Bấy giờ, Trịnh Huyền cùng với Lư Thực đều là những bậc đại Nho nổi tiếng trong thiên hạ.
Về mối quan hệ của Huyền Đức và vị danh sư họ Trịnh này, Tam Quốc diễn nghĩa hồi 22 từng miêu tả:
“Đời vua Hoàn đế, Trịnh Huyền làm quan Thượng thư. Đến sau gặp loạn mười tên hoạn quan, Huyền bỏ quan về quê ở Từ Châu là ruộng. Huyền Đức khi ở Trác Quận đã thờ làm thầy, đến khi làm mục ở Từ Châu, thường thường vẫn đến hầu rất mực tôn kính”.
Từ đó có thể khẳng định, Trịnh Huyền từng sở hữu xuất thân và sự nghiệp trái ngược hoàn toàn so với bối cảnh của Lưu Bị.
Về việc ông đã truyền dạy cho Huyền Đức những gì, diễn nghĩa cũng không có ghi lại rõ ràng, chỉ biết rằng mối quan hệ của hai người trước sau vẫn luôn rất tốt đẹp.
Đặc biệt là khi Lưu Bị bỏ về Từ Châu và trở nên căng thẳng với Tào Tháo, Trịnh Huyền đã từng viết một bức thư thuyết phục Viên Thiệu xuất binh cứu giúp cho Huyền Đức.
Chi tiết này cũng từng được đề cập trong “Tam Quốc diễn nghĩa” hồi thứ 22:
“Bấy giờ Huyền Đức nghĩ ra người ấy, lấy làm may mắn, liền cùng Trần Đăng đi đến nhà Trịnh Huyền, xin Huyền viết thư cho Viên Thiệu. Huyền nhận lời viết ngay một bức thư, giao cho Huyền Đức. Huyền Đức sai Tôn Càn đi suốt ngày đêm đưa thư đến cho Viên Thiệu,
Thiệu xem xong nghĩ rằng:
-Huyền Đức vừa đánh em ta, đáng nhẽ không giúp, nhưng vì có lời của Trịnh Thượng thư, đành phải đi cứu”.
Do đó sẽ không quá lời nếu đưa ra khẳng định, Trịnh Huyền không chỉ là danh sư từng dìu dắt Lưu Bị mà còn là ân nhân cứu mạng của ông trong lần ấy.
Lư Thực – danh sư tài ba đem tới cho Lưu Bị muôn vàn khởi đầu thuận lợi
Lư Thực sinh thời vốn là một nhà giáo dục, nhà chính trị, nhà quân sự nổi danh vào cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc.
Trong tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa”, ông xuất hiện tại hồi 1 khi đang tham gia đánh Khăn Vàng và bị gièm pha, sau đó bị bắt về triều.
Về tình nghĩa thầy trò giữa Huyền Đức và danh sư họ Lư, La Quán Trung có viết: “Huyền Đức năm 15 tuổi, mẹ cho đi học, thờ Trịnh Huyền và Lưu Thực làm thầy”.
Cùng với đó là: “Mới rồi nghe tin quan trung lang tướng Lư Thực cùng Trương Giốc đánh nhau ở Quảng Tôn. Bị này trước kia có học Lư tướng quân, nghĩa đạo thầy trò, muốn sang giúp sức”.
Như vậy Lư Thực cũng giống như Trịnh Huyền, đều đóng vai trò là những người soi đường đầu tiên trong cuộc đời nhiều sóng gió của Lưu Bị.
Cũng nhờ bái danh sư họ Lư làm thầy, Lưu Bị đã được truyền thụ nhiều vốn liếng kiến thức đáng quý và đặc biệt là có cơ hội quen biết với Công Tôn Toản – vị quý nhân đã giúp ông bước những bước đầu tiên trên con đường gây dựng nghiệp bá thiên hạ.
Công Tôn Toản – huynh đệ đồng môn có công nâng đỡ Lưu Bị bước vào đường quan lộ
Công Tôn Toản (? – 199), là tướng nhà Hán và quân phiệt thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa.
Trong tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa”, ông được giới thiệu ngay từ hồi 1 với tư cách là bạn đồng môn của Lưu Bị và cũng từng bái Lư Thực làm thầy.
Vốn có xuất thân danh môn nên Công Tôn Toản đã gây dựng thế lực từ rất sớm. Vì vậy khi Huyền Đức vẫn còn đang lao đao trong buổi đầu sự nghiệp thì người bạn đồng môn này đã chiếm cứ U Châu, làm quan đến chức Trung lang tướng và được phong Đô Đình hầu.
Mặc dù có xuất phát điểm khác nhau một trời một vực, nhưng Công Tôn Toản luôn hết lòng giúp đỡ người bạn Lưu Bị.
Cụ thể là hồi 2 của diễn nghĩa cũng từng viết:
“Công Tôn Toản lại dâng biểu tâu công đánh giặc trước của Huyền Đức và tiến cử làm quan Tư mã, lĩnh chức Huyện lệnh Bình Nguyên. Huyền Đức ở Bình Nguyên nhờ có lương tiền và quân mã nên có vẻ phong quang dễ chịu hơn trước”.
Do đó có thể nói, Công Tôn Toản chính là một quý nhân đã nâng đỡ Lưu Bị trong buổi đầu lập nghiệp, thậm chí còn đem tới cho ông cơ sở để khởi nghiệp từ mảnh đất Bình Nguyên nhỏ bé.
Cũng nhờ sự tiến cử của người đồng môn họ Công Tôn ấy, Lưu Huyền Đức mới có thể xem là chính thức bước lên con đường quan lộ.
Về mối giao tình của Lưu Bị và Công Tôn Toản, “Tam Quốc diễn nghĩa” hồi 5 có đề cập qua một câu thoại của Huyền Đức:
“Ngày trước em nhờ anh được cử làm Huyện lệnh Bình Nguyên, nay nghe thấy đại quân qua đây, nên em lại hầu. Xin anh hãy vào thành nghỉ ngựa”.
Vì vậy, có thể khẳng định rằng bản thân Lưu Bị không chỉ biết ơn sự giúp đỡ của Công Tôn Toản mà còn từng dốc lòng dốc sức báo đáp người đồng môn này.
Nếu xét về mức độ thâm giao với Lưu Bị với Trịnh Huyền, Lư Thực hay Công Tôn Toản, không khó để nhận thấy ông đều đã có giao tình với họ từ thuở niên thiếu.
Thế nhưng dù quen biết ba nhân vật trên sớm hơn nhiều năm so với Quan Vũ, Trương Phi, thế nhưng Lưu Huyền Đức không kết giao với họ mà chỉ nhận Quan – Trương làm huynh đệ.
Lý giải về điều này, trang QQNews cho rằng rào cản lớn nhất giữa Lưu Bị và những quý nhân trên chính là sự chênh lệch về địa vị và thân phận.
Về Trịnh Huyền và Lư Thực, Tam Quốc diễn nghĩa không đề cập tới tuổi tác của họ, thế nhưng hai danh sĩ này đều là thầy dạy của Huyền Đức, đồng thời cũng từng giữ những chức quan cao trong triều, bối cảnh xuất thân so với Lưu Bị năm xưa có thể xem là vô cùng cách biệt.
Còn đối với huynh đệ đồng môn như Công Tôn Toản, mặc dù ông từng dốc lòng nâng đỡ Huyền Đức trong buổi đầu lập nghiệp, nhưng chung quy cũng xuất thân từ danh gia vọng tộc, thậm chí còn xưng bá một phương từ rất sớm.
Chính sự cách biết quá xa về thân phận và địa vị ấy đã khiến mối quan hệ giữ họ vĩnh viễn chỉ dừng lại ở nghĩa thầy trò, tình đồng môn và được Lưu Bị xem như những quý nhân phù trợ cần báo đáp.
Có lẽ đây cũng là lý do khiến Lưu Huyền Đức trong diễn nghĩa lựa chọn kết nghĩa với Quan Vũ, Trương Phi – những người không có sự chênh lệch quá xa về xuất thân và đều bắt đầu bước những bước chân đầu tiên trên con đường thực hiện lý tưởng và gây dựng sự nghiệp trong thời loạn thế.
>>6 võ tướng khỏe nhất trong Tam Quốc diễn nghĩa: Quan Vũ, Lữ Bố vẫn xếp sau nhân vật này
Theo Trí thức trẻ soha