Khi gia đình có người mắc sốt xuất huyết, người thân trong quá trình chăm sóc cần tránh những sai lầm dưới đây để giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
1. Không được uống Aspirin và Ibuprofen
Mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, nhiều người đi mua thuốc Aspirin và Ibuprofen với mục đích hạ sốt cho người bệnh. Tuy nhiên, 2 loại thuốc này đều có khả năng gây xuất huyết trầm trọng hơn.
Việc dùng kháng sinh với bệnh nhân sốt xuất huyết là điều hoàn toàn không cần thiết. Dùng kháng sinh không đúng cách ở bệnh nhân sốt xuất huyết thậm chí có thể làm tăng độc tính trên gan, thận, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình trạng người bệnh.
Thuốc hạ sốt an toàn nhất cho bệnh nhân sốt xuất huyết là Paracetamol, ngoài ra không được cho người bệnh uống các loại thuốc khác để hạ sốt.
Ảnh minh họa
2. Không nên cạo gió xông hơi
Liên quan đến việc cạo gió, xông hơi cho người bệnh bị sốt xuất huyết, ThS. BS Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, cho biết cạo gió, xông hơi là phương pháp truyền thống thường sử dụng cho người bệnh bị cảm cúm. Phương pháp này có thể có hiệu quả với bệnh nhân bị cúm hoặc cảm thông thường.
Tuy nhiên, khi bị sốt xuất huyết, bệnh nhân sẽ bị yếu thành mạch và giảm tiểu cầu. Do vậy, nếu người bệnh được cạo gió thì sẽ làm tăng sự xuất huyết dưới da, các thành mạch sẽ bị vỡ và tiểu cầu giảm, bệnh nhân bị chảy máu dưới da rất nhiều. Vì vậy, khi bị sốt xuất huyết, người bệnh không được cạo gió.
Với phương pháp xông hơi, ThS. BS Nguyễn Nguyên Huyền cũng khuyến cáo người bệnh không nên sử dụng phương pháp này, bởi không những không có tác dụng gì với bệnh sốt xuất huyết mà còn làm giãn mạch, chảy máu mũi.
Ảnh minh họa
3. Không cho người sốt xuất huyết ăn đồ cay nóng, đồ uống có chứa caffein
Theo ThS.BS Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết, thuốc đặc hiệu, do đó chế độ dinh dưỡng chăm sóc đóng vai trò cực kỳ quan trọng bởi lẽ khi sức đề kháng kém thì bệnh sẽ nặng hơn, sợ nhất là gây sốc cho bệnh nhân. Bên cạnh việc chủ động, tích cực phòng chống sốt xuất huyết, cần có chế độ ăn uống hợp lý với bệnh nhân sốt xuất huyết.
Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết, người nhà không nên cho bệnh nhân ăn những thực phẩm như:
Đồ ăn cay nóng
Những thực phẩm cay nóng như gừng, ớt, mù tạt… sẽ sản xuất rất nhiều nhiệt trong cơ thể, khiến người bị bệnh sốt xuất huyết thêm nặng, ảnh hưởng đến sự hồi phục của bệnh nhân bị sốt.
Nước ngọt đóng chai, mật ong
Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh không nên uống nước soda hay bất kỳ loại nước ngọt đóng chai nào. Không sử dụng mật ong và các loại đường tự nhiên khác. Việc tiêu thụ đường sẽ khiến cho các tế bào máu trắng diệt khuẩn chậm chạp hơn và vì thế bệnh càng trở nên nặng, lâu khỏi.
Nước dừa rất tốt cho người bệnh sốt xuất huyết
Rượu, bia, caffein, thuốc lá
Người bị sốt xuất huyết cần giảm lượng caffeine, tránh uống rượu và ngừng hút thuốc vào thời điểm này.
Trà đặc
Uống nhiều trà và uống trà quá đậm đặc sẽ làm cho não ở trạng thái bị kích thích, làm tăng huyết áp, dẫn đến làm tăng thêm nhiệt độ cơ thể người bệnh. Nếu bệnh nhân mắc sốt xuất huyết mà uống trà sẽ làm giảm tác dụng hoặc mất hẳn tác dụng của thuốc hạ sốt. Ngoài ra, trong trà có một số chất sẽ khiến cho nhiệt độ cơ thể có thể tăng lên, không tốt cho người bệnh.
Những đồ ăn quá nhiều dầu mỡ
Những đồ ăn nhiều dầu mỡ cũng nằm trong danh sách kiêng kỵ đối với người bệnh sốt xuất huyết. Bởi những thức ăn quá nhiều dầu mỡ sẽ khiến người bệnh bị đầy bụng khó tiêu, tình trạng sốt có thể trở nên trầm trọng thêm.
Trứng gà
Trong trứng gà có rất nhiều protein nên sau khi ăn sẽ tạo ra một nhiệt lượng lớn. Những người bị sốt, nhất là trẻ em ăn trứng gà sẽ làm cho nhiệt lượng cơ thể tăng lên không phát tán ra ngoài được, do vậy sốt càng cao và rất lâu khỏi. Nên uống nhiều nước, rau quả tươi và hạn chế những thứ có chứa nhiều protein.
Thực phẩm sẫm màu
Người bệnh sốt xuất huyết rất dễ bị xuất huyết (chảy máu), do đó nên kiêng ăn uống bất kỳ loại thực phẩm nào có màu đỏ, nâu, đen như nước xá xị, nước trái cây sẫm màu, nước coca, canh củ dền, dưa hấu… Mục đích là để các bác sĩ không bị nhầm lẫn, có thể nhận biết dễ dàng bệnh nhân có bị chảy máu dạ dày trong quá trình nôn ói hay là do màu thực phẩm.
Tuy nhiên, người bị sốt xuất huyết cũng không nên kiêng cữ quá kỹ. Nên ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng và ưu tiên ăn các loại thức ăn lỏng dễ tiêu như cháo cá, cháo thịt băm nấu cùng với một ít rau củ quả các loại, súp các loại, uống nước Oresol, nước đun sôi để nguội, sữa, nước trái cây đặc biệt là nước dừa để bổ sung chất điện giải, chất khoáng bị mất do cơ thể mất nước.
Theo VTV News