Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

36 giờ và 2 kì tích Việt: Câu chuyện của thế hệ vàng có nền tảng, hiểu rõ mình để giành vinh quang

36 tiếng đồng hồ sau khi đội tuyển bóng đá Việt Nam đoạt chức vô địch AFF Cup 2018, người đẹp H’Hen Niê đã làm nên kì tích cho nhan sắc Việt tại đấu trường Miss Universe. Họ – một thế hệ vàng, thành công và truyền cảm hứng từ chính sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chính mình.

Chiều sớm ngày 15/12, không khí ở các khu chợ cóc trong lòng Hà Nội như ngày tuần. Nhiều người trung tuổi đi mua hoa quả về thắp hương. Hôm đó không phải Rằm hay Mồng Một, nhưng nhiều gia đình đã thực hành tín ngưỡng để cầu nguyện cho đội tuyển bóng đá Việt Nam trong trận chung kết lượt về, quyết định chủ nhân chiếc cúp vô địch AFF Cup 2018.

Đêm 15/12, những hình ảnh từ mạng xã hội, Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và nhiều thành phố lớn khác nhuộm đỏ các con đường. Người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã chờ đợi tới 10 năm để có một ngày như ngày 15/12, ngày mà bốn chữ “Việt Nam vô địch” không còn là khẩu hiệu cổ động mà là sự thật.

Nhưng niềm vui của ngày hôm nay khác với niềm vui của 10 năm trước. Bởi chiến thắng của hôm nay mang mồ hôi và máu của một hành trình dài cùng những gam màu xán lạn của tương lai.

Những người yêu bóng đá đích thực không chỉ vui vì chức vô địch AFF Cup. Người hâm mộ vui vì chứng kiến sự trưởng thành và bùng nổ của một thế hệ cầu thủ mới – một thế hệ được đào tạo bài bản, chuẩn mực, có ý chí mạnh mẽ, có đạo đức nghề nghiệp và có tinh thần thể thao cao thượng. Một thế hệ chuyên nghiệp thực thụ mà nền bóng đá Việt chưa từng có trước đây.

Thế hệ ấy được gây dựng từ những ông bầu có tâm lớn lao dành cho bóng đá Việt. Những đứa trẻ được tuyển chọn, được đào tạo, được dạy dỗ và được giám sát kĩ lưỡng. Để sau 10 năm kiên trì, các lò đào tạo đó cho ra sân những cầu thủ đúng nghĩa: thi đấu vì mục đích thể thao tối thượng, có ý thức rõ ràng trong việc giữ gìn cơ thể vì sự bền vững của sự nghiệp, xa rời những tệ nạn xã hội như cá độ, bia rượu, gái đẹp và tiêu xài.

Nhiều người trong số họ còn có khả năng cập nhật xu hướng sân cỏ của thế giới, ý thức về vai trò giải trí của thể thao để xây dựng hình ảnh đẹp đẽ, chỉn chu, hấp dẫn trong mắt công chúng, lôi kéo sự quan tâm của ngày càng đông đảo của người hâm mộ với trái bóng tròn.

Thánh Gióng chỉ có trong cổ tích. Còn đời thực, sẽ không có ai vươn vai một cái mà từ đứa trẻ ba tuổi thành một tráng sĩ sức vóc hơn người. Thành công của bóng đá Việt Nam ngày hôm nay là sự nỗ lực không mệt mỏi của rất nhiều người hùng thầm lặng trong suốt 10 năm qua, những con người dám nghĩ xa và nghĩ cao, dám vứt bỏ cái cũ để đập đi xây lại cái mới dù sẽ mất nhiều công sức, tiền bạc lẫn thời gian, dám chờ đợi và dám kiên trì đến cùng một mục tiêu. Để nuôi dưỡng một thế hệ trong bầu không khí thể thao trong lành, vì một nền thể thao trong lành.

Ngày ấy cuối cùng cũng đến. Như một phép nhiệm màu. Nhưng ai cũng biết không có phép màu nào cả. Không có sự may mắn dành cho bóng đá Việt trong chuỗi thành tích mà họ lập nên suốt từ tháng 12/2017 cho đến tháng 12 của năm 2018. Đó là kết quả xứng đáng của sự nỗ lực không ngừng của từng cá nhân biết vì tập thể.

Xem thêm  Những quyết định bất lợi của trọng tài với Việt Nam

Ngài Park – ông tiên đến từ xứ sở kim chi – với chiến thuật và tài dùng người “thần thánh” đâu có đũa thần cổ tích để chạm vào cầu thủ nào thì cầu thủ ấy thành sao. Mà nếu có, thì các cầu thủ “thế hệ Y” đã thực sự trải qua một hành trình dài khổ luyện trước khi có cơ hội được đũa thần của ngài Park chạm vào và tỏa sáng. Họ tỏa sáng vì họ thực sự xứng đáng.

Đó mới là niềm cảm hứng mạnh mẽ cho hàng triệu người hâm mộ, chứ không phải chiếc cúp vô địch. Các cầu thủ thế hệ Y đã cho công chúng thấy rằng không có sự khổ luyện nào mà không thành công, không có sự nỗ lực nào mà không được đền đáp, không có sự tử tế nào mà không nhận quả lành.

Họ đã khiến chúng ta cởi bỏ sự yếm thế bọc kín tâm thức người Việt trong nhiều chục năm trời. Họ đã khiến chúng ta tin rằng, người Việt rất giỏi, dân tộc Việt rất mạnh nếu mỗi con người chúng ta không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, dám mơ ước lớn lao và dám bắt tay vào thực hiện mơ ước đó.

Lần đầu tiên, chúng ta có một niềm cảm hứng mạnh mẽ để thay đổi bản thân. Không phải từ Nick Vujicic, không phải từ Obama, không phải từ Ngô Bảo Châu – một GS toán học được đào tạo bởi CH Pháp. Mà từ chính những con người mười tám đôi mươi dồi dào sức trẻ sinh ra, lớn lên, trưởng thành và gặt hái thành công ngay trên mảnh đất quê nhà. Như Michelle Obama – cựu đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ – đã nói: “Chúng ta có thể làm được tất cả mọi thứ và trở thành bất kỳ ai mà ta hằng mong ước”.

H’Hen Niê, cô gái Ê Đê vừa làm nên kì tích cho nhan sắc Việt tại đấu trường Miss Universe 2018 cũng là một biểu tượng truyền cảm hứng như thế.

Trong chương trình chung kết Miss Universe phát sóng sáng 17/12, khán giả nhận ra ông Y’Krin Êban và bà H’Ngơn Niê chạy thoáng qua trên màn hình. Họ mặc bộ trang phục truyền thống của người Ê Đê – bộ đồ đẹp nhất mà hai ông bà có được – ngồi ở hàng ghế khán giả bằng chiếc vé mà BTC Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam mua tặng, giữa bốn bề xung quanh là những người giàu có đến từ khắp thế giới.

Trên sân khấu, con gái của họ, H’Hen Niê, lần lượt được MC xướng danh vào Top 20, Top 10 rồi Top 5. Ông bà Y’Krin và H’Ngơn không hiểu gì cả. Họ không biết tiếng Việt, và càng không biết tiếng Anh.

Cô gái ấy cách đây 5 năm vẫn còn là một sinh viên đi làm giúp việc theo giờ cho một gia đình ở TP.HCM, nghề mà người Việt hay gọi miệt thị bằng từ “osin” – một nhân vật trong bộ phim truyền hình Nhật Bản chiếu trên tivi cách đây 25 năm. Công việc của H’Hen là đón em bé ở trường, tắm rửa cho em, trông nom em và nấu nướng dọn dẹp cho đến khi chủ nhà về.

H’Hen Niê tìm đến công việc này sau khi đã trải qua nhiều nghề làm thêm khác từ rửa bát thuê, phát tờ rơi, phục vụ bàn… Cô làm “osin” trong hơn 1 năm vì thu nhập ổn định, được chủ nhà yêu thương và học hỏi nhiều điều mà cô cho là quý giá: cách chăm sóc trẻ con khoa học, cách sử dụng thiết bị gia dụng hiện đại và cách ứng xử của hai vợ chồng trong gia đình.

4 năm sau, cô bé “osin” ấy đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. 1 năm tiếp theo, cũng chính cô ấy lọt Top 5 thí sinh đẹp nhất hành tinh tại Miss Universe 2018.

Xem thêm  Ấn định ngày xử ca sĩ Châu Việt Cường nhét tỏi vào miệng cô gái dẫn tới tử vong

Ai theo dõi hành trình của H’Hen Niê từ căn nhà sàn cũ kĩ nghèo khó ở buôn Sứt M’đưng đến vị trí Top 5 trên sân khấu Miss Universe ở nhà hát Impact Arena, Thái Lan đều thấy đó là một kì tích.

Chưa bao giờ có một cô gái dân tộc thiểu số sinh trưởng trong cộng đồng dân tộc thiểu số lại mang tới cho cộng đồng người Việt đa số nhiều giá trị lớn lao đến như vậy. Một cô gái đậm đặc bản sắc văn hóa Tây Nguyên, yêu dòng máu Ê Đê chảy trong người và khao khát mãnh liệt một sự thay đổi cho cộng đồng Ê Đê của mình. Cô ấy đã thực hiện được ước mơ, bằng những nỗ lực tự thân đáng nể.

“Xin chào! Tôi là H’Hen Niê. Tôi là người dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Theo tục lệ, tôi phải lấy chồng từ năm 14 tuổi. Nhưng tôi nói không. Tôi chọn con đường giáo dục. Và hôm nay tôi ở đây. Tôi đã làm được và bạn cũng vậy.” – Đó là phần giới thiệu bản thân của H’Hen Niê trong Top 10.

Không có ai xuống đường trước thành tích xuất sắc của H’Hen Niê. Nhưng sẽ có hàng trăm cô gái Ê Đê, hàng ngàn cô gái dân tộc thiểu số sẽ thay đổi cuộc đời, từ bỏ hủ tục tảo hôn từ chiến tích này của H’Hen. Và sẽ có thêm rất nhiều người khác nữa biết cách trở nên hạnh phúc hơn nhờ cô ấy.

Người ta sẽ nhớ mãi những chia sẻ của H’Hen Niê về cuộc sống, về gia đình “nghèo, không có tiền những không có việc gì cần phải tiêu nhiều tiền”, về cách nhìn đời “tự nhiên như nhiên” của người Tây Nguyên hồn hậu xem “mọi khó khăn là những điều bình thường phải có trong cuộc sống nên không đáng để buồn”.

Giữa xã hội mỗi ngày một hỗn tạp và làng giải trí thượng vàng hạ cám tua rủa cạm bẫy, H’Hen Niê vẫn sự được sự chân thật hồn nhiên đại ngàn ấy mà không cần phải cố gắng. Sự chân thật hồn nhiên chảy trong dòng máu Ê Đê của cô.

Con mắt tinh đời và góc nhìn văn minh về cái đẹp hiện đại của BTC Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2018 đã mang tới cho công chúng một Hoa hậu đúng nghĩa. Một cô gái đẹp từ bên trong đẹp ra mà không quá lệ thuộc vào những kĩ nghệ đào tạo nhan sắc tinh vi.

Không thể phủ nhận sự đầu tư chuyên nghiệp của ê kíp đứng sau H’Hen Niê trong hành trình tới Miss Universe 2018, nhưng giữa dàn thí sinh gần 100 người đẹp hội tụ từ khắp năm châu, H’Hen Niê không nổi trội hơn các bạn thi của mình về ngoại hình.

Có rất nhiều vóc dáng nóng bỏng, có rất nhiều bộ đầm dạ hội lộng lẫy, có rất nhiều bước catwalk điêu luyện. Nhưng H’Hen Niê vẫn vượt qua 87 cô gái khác để điền tên mình vào Top 5. Đó chính là nhờ tinh thần của cô, tinh thần của một cô gái mạnh mẽ, dành phần lớn cuộc đời để cười và sống một cách hồn nhiên.

Bởi thế nên, dù phần đa công chúng dành cho các cuộc thi nhan sắc một cái nhìn hờ hững, xem như trò mua vui, giải trí tức thời thì người ta vẫn bị lay động mạnh mẽ bởi H’Hen Niê. Tinh thần của cô ấy là niềm cảm hứng khôn nguôi để chúng ta biết cách mỉm cười và nói lời cảm ơn với cuộc đời.

“Chúng ta có thể làm được tất cả mọi thứ và trở thành bất kỳ ai mà ta hằng mong ước”. H’Hen Niê đã làm được. Bóng đá Việt Nam đã làm được. Và chúng ta cũng vậy.

Theo Hoàng Hồng- Helino/Afamily

Link