Thấu hiểu được bài viết này, bạn chắc chắn sẽ tìm thấy chìa khóa thành công cho cuộc đời của mình.
Trong suốt cuộc đời của mình, người mà ta chung sống lâu nhất không phải cha mẹ, không phải bạn đời, mà chính là bản thân mình.
Mỗi ngày, ta đều giao lưu với bản thân bằng cách này hay cách khác. Nhưng trải qua cả một kiếp nhân sinh dài đằng đẵng, liệu đã có mấy ai thực sự thấu hiểu được cái tôi của chính mình hay chưa?
Thấu hiểu bản thân: Chìa khóa duy nhất giúp con người không gục ngã!
Khi đang thuận lợi tiến bước trên con đường chinh phục mục tiêu, không ít lần ta thường tự đem bản thân mình đánh giá quá cao. Ta cho rằng mọi điều mình mong muốn đều sẽ có được dễ như trở bàn tay, thậm chí còn đánh đồng vận may và cơ hội thành giá trị của bản thân mà tự vui vẻ ngộ nhận.
Nhưng tới lúc mọi chuyện không được như ước nguyện, ta lại đem bản thân hạ thấp quá mức, coi nỗi khổ và bất lợi trở thành sự vô dụng của chính mình. Mà trên thực tế, năng lực chân chính của ta đã bị lớp mặt nạ hèn nhát ấy đè nén, chèn ép đến mức không thở nổi.
Để có thể chân chính hiểu được bản thân mình, chúng ta cần trở thành những con người thực tế một cách tỉnh táo, biết được ưu điểm cũng như ý thức được nhược điểm của mình.
Nên nhớ rằng thực tế so với tưởng tượng luôn khác xa, cho nên ta có quyền ước mơ, nhưng cũng không cần kỳ vọng cao quá. Biết nghênh đón, biết khiêu chiến, nhưng phải luôn nắm rõ phương hướng.
Vậy mới có thể biết mình, hiểu mình. Và một khi đã hiểu được chính mình, thì chẳng có cửa ải khó khăn nào là không thể vượt qua.
Biết thưởng – biết thương mới có thể hiểu được chính mình
Muốn thấu hiểu phải biết tự “thưởng”
Muốn thấu hiểu được bản thân, trước nhất ta phải học được cách tự thưởng thức, tự đánh giá chính mình.
Cổ nhân có câu “nhân vô thập toàn”. Trong số chúng ta, chẳng có ai là thực sự hoàn hảo, cũng chẳng có ai là mười phân vẹn mười. Thế nhưng mỗi người đều sở hữu một sức hút riêng biệt.
Có thể trí thông minh của bạn không xuất sắc, diện mạo không có gì nổi bật, nhưng cũng không nên vì thế mà phải ủ rũ cúi đầu. Có lúc, bạn sẽ phải trải qua một quãng đời lận đận, chìm đắm trong nghịch cảnh, nhưng cũng không được phép khiến chính mình tự sa ngã.
Vào những giây phút tưởng như chẳng còn ý thức được mình là ai, hãy đem tâm tư trấn tĩnh lại để tự nhìn nhận bản ngã của mình.
Thấu hiểu được giới hạn chịu đựng, tìm kiếm được dũng khí, nuôi dưỡng được niềm tin, cuộc sống của chúng ta ắt sẽ có được tư vị ngọt ngào sau khi trải qua muôn vàn khổ ải.
Muốn thấu hiểu cũng cần tự thương
Muốn hiểu được chính mình, cũng cần phải biết tự thương xót, đau lòng cho bản thân.
Khi tức giận, hãy tìm một chỗ yên tĩnh để nghĩ cho thông suốt, không nên để ngọn lửa phẫn nộ giày vò tâm linh quá lâu.
Khi ưu thương, đừng tự giày vò trái tim của mình, hãy tìm một vài người bạn tốt tâm sự để cho bản thân phấn chấn trở lại.
Chỉ có chân chính hiểu được bản thân, chân chính biết rõ bản thân, chân chính thưởng thức bản thân, chân chính đau lòng cho bản thân, ta mới không bị lạc đường giữa cuộc đời trăm phương ngàn hướng.
Lời kết
Bài hát có tiêu đề “Một mình” của ca sĩ Trung Quốc – Hàn Hồng – từng có những ca từ đầy tâm sự:
“Hiện thực tàn nhẫn đánh vào lồng ngực tôi. Tôi muốn biết rằng tôi ở trước mặt rốt cuộc là ai? Hết thảy đã thay đổi, đã chẳng còn dáng hình như thuở ban đầu…”.
Trong nhạc phẩm “Mẹ à, con không muốn hát những bài ca bi thương nữa”, nhạc sĩ nghiệp dư Quán Đào cũng đã từng làm ban giám khảo rung động bởi một câu hát:
“Mẹ nào biết trong giấc mơ đêm qua con cũng sợ hãi, sợ rằng vào lúc tỉnh dậy, con đã quên đi chính bản thân mình…”.
Dường như trong chúng ta, ai cũng mang trong mình một nỗi sợ hãi âm thầm, sợ rằng một ngày kia, ta sẽ chẳng còn nhận ra mình là ai, chẳng hiểu rõ mình đang tồn tại vì điều gì.
Để cuộc đời không còn là những khúc bi ca, hiểu rõ chính mình mới là điều quan trọng nhất, nhưng cũng là việc khó khăn và gian nan hơn cả.
Có những người dành cả đời để tìm hiểu thế giới bao la rộng lớn ngoài kia, nhưng đáng tiếc một đời qua đi họ mới nhận ra rằng, thứ chưa hiểu rõ nhất lại chính là bản thân mình….
Theo Cafebiz