“Người giành khôn là kẻ dại, người chịu dại tức là khôn”.
Từ cổ chí kim, có không ít câu nói, không ít chủ đề đều từng đàm luận về người khôn, kẻ dại. Cổ nhân chưa cũng từng truyền lại không ít câu chuyện bàn chuyện dại khôn, và người bị châm biếm, chê cười vẫn thường là kẻ dại.
Thế nhưng sự thực là những câu chuyện nói về cái dại đôi khi không chỉ dùng để châm biếm, mua vui mà còn ẩn chứa những bài học thâm sâu và kín đáo về sự khôn ngoan. 8 câu chuyện dưới đây cũng là một phần trong số đó.
Câu chuyện thứ nhất: Chiếc mũ
Có người nọ đội một chiếc mũ dày đi ra ngoài đường. Hôm đó không khéo lại là một ngày nắng nóng. Người ấy đi được một quãng thì dừng lại dưới bóng cây để nghỉ, thuận tay lấy chiếc mũ dày trên đầu xuống phe phẩy vài cái.
Khi đã cảm thấy mát hơn, người đó liền than một câu: “Hôm nay nếu không có cái mũ này, chắc mình sẽ bị chết nóng mất thôi”.
Bài học rút ra: Không nhìn thấu nguyên nhân phát sinh khó khăn, đem nhân tố có hại ngộ nhận thành nhân tố có lợi, đó chính là lý do thất bại ngốc nghếch nhất.
Câu chuyện thứ hai: Cỏ ẩn thân
“Thận trọng là đứa con trưởng của sự khôn ngoan”. – Sưu tầm – (Tranh minh họa: Nguồn Internet).
Một ngày nọ, A tình cờ gặp người lạ, người ấy đưa cho anh ta một nhánh cỏ và nói rằng đó là cỏ thần kỳ giúp ẩn thân, chỉ cần cầm nó trên tay thì đi đâu làm gì đều không bị người khác nhìn thấy.
A ngây thơ tin là thật, liền nghênh ngang cầm nhánh cỏ kia đi ra đường lớn, thản nhiên lấy tiền trong túi người đi đường.
Người bị mất tiền định vung tay lên đánh A một bạt tai. Nào ngờ anh chàng ấy vẫn còn tự tin đáp trả:
“Có giỏi thì đánh đi, dù sao anh cũng chẳng nhìn thấy tôi”.
Bài học rút ra: Phàm là những việc chỉ mang mục đích tư lợi cá nhân thì khó tránh khỏi sẽ phạm phải sơ xuất, mà lừa mình dối người vốn là sơ suất dại dột nhất.
Câu chuyện thứ ba: Ăn trấu
Có một thanh niên nọ vốn tính ham ăn, lười làm, gia cảnh trong nhà cũng thuộc dạng nghèo túng. Có lần, anh chàng này vừa ăn trấu cầm hơi thì gặp được một vị quan lớn.
Thấy thanh niên có vẻ ngoài không mấy khá giả, quan lớn liền mời anh ngồi ăn cơm chung với mình. Không ngờ anh chàng nghèo thủng thẳng đáp lại:
“Sáng sớm nay tôi mới ăn thịt chó ở nhà đến no căng bụng rồi. Giờ không muốn ăn thêm nữa, nhưng nếu uống một chén rượu thì chắc cũng tạm được”.
Quan lớn nghe xong liền mời anh uống rượu. Thế nhưng anh chàng ấy chỉ vừa uống một chén đã ói lên ói xuống.
Vị quan nhìn bãi nôn của người thanh niên, thấy bên trong đều là trấu nên mới hỏi:
“Cậu nói ban sáng mới ăn thịt chó, vì sao lại nôn ra toàn trấu thế này”.
Người kia bối rối hồi lâu, cuối cùng mới nghĩ ra một câu chống chế:
“Thì tôi vốn là ăn thịt chó, nhưng con chó ấy lại ăn trấu chứ sao”.
Bài học rút ra: Những người không biết cách nói chuyện rất ít khi có được thiện cảm của người khác, mà việc sử dụng ngôn ngữ thiếu khéo léo là điểm yếu thường gặp ở nhiều người.
Câu chuyện thứ tư: Ngạo mạn
“Am hiểu tự hào vì mình biết quá nhiều; khôn ngoan nhún nhường rằng mình chỉ biết đến thế”. – Sưu tầm – (Tranh minh họa: Nguồn Internet).
Có người thư sinh nọ quen thói ba hoa khoác lác, từng nói với bạn mình rằng:
“Từ cổ chí kim, thánh nhân chính là những người khó tìm nhất. Năm xưa kể từ lúc Bàn Cổ vương khai thiên lập địa, vạn vật sống trên đời không ai có thể so với ngài. Cho nên ngài được tính là người thứ nhất”.
Nói xong câu này, thư sinh giơ lên 1 ngón tay để xác nhận.
“Sau đó là tới Khổng Tử, người am hiểu thi thư lễ nhạc, được mệnh danh là thầy của vạn nhà, không ai dám bất kính. Ngài được tính là người thứ hai.” – thư sinh lại giơ thêm một ngón tay, tỏ ý đang đếm.
Thư sinh nói tiếp:
“Từ sau hai người này, không còn có ai đủ khiến tôi cảm thấy nể phục…”.
Thế nhưng chỉ sau vài giây chần chừ, người này lại hớn hở quay sang khẳng định với bạn mình:
“Anh thấy tôi nói có đúng không? Bậc thánh nhân trên đời quả nhiên rất ít, tính cả tôi mới có đúng 3 người”.
Bài học rút ra: Ngạo mạn, cuồng vọng thực chất điều ngốc nghếch và sai lầm nhất của đời người.
Câu chuyện thứ năm: Kẻ ngốc nhà giàu
Gia đình phú ông có một người con trai, tuy đã lớn nhưng đầu óc chậm chạp, lại thường xuyên tiêu tiền hoang phí. Vì muốn con mình nên người, phú ông liền nói:
“Con có lớn mà không có khôn, thậm chí còn chẳng phân biệt được hạt kê và hạt lúa. Ta muốn để con ra ngoài học hỏi thì mới mong có ngày khá được”.
Người con trai nghe vậy cũng đồng ý. Sau khi rời nhà, anh gặp một người thợ đang tạc hai con sư tử đá.
Nhìn dáng vẻ của hai bức tượng, cậu con trai thích chí vô cùng, ngỏ ý muốn mua. Người thợ kia cũng biết cậu ngốc nghếch, bèn cố tình hét giá:
“Con sư tử nhỏ giá 3000 lạng vàng, con sư tử lớn thì 5000 lạng”.
Cậu con trai thản nhiên gật đầu, yêu cầu người đó đem tượng đến nhà mình, người kia liền mang theo bức tượng sư tử nhỏ về trước. Khi về tới nhà, cậu vội vàng khoe với cha rằng mình mua được đồ tốt.
Tới khi nhìn thấy tượng con sư tử đá bình thường mà bị hét giá lên tới mấy ngàn lượng vàng, người cha không khỏi than trời mà nói:
“Con bỏ ra số tiền lớn như vậy để mua thứ đồ vô dụng này, thật đúng là đứa con phá gia chi tử. Chẳng trách vì sao mọi người thường bảo ta thế nào cũng gặp báo ứng”.
Cậu con trai nghe xong lập tức vỗ tay cười lớn:
“Con nói cha nghe, đây mới chỉ là báo ứng nhỏ thôi, còn một báo ứng lớn đang chờ phía sau kia kìa”.
Bài học rút ra: Người thiếu kiến thức và kinh nghiệm sống thường dễ dàng vấp ngã và làm ra nhiều việc ngốc nghếch.
Câu chuyện thứ sáu: Không hiểu mà giả bộ hiểu
“Một đặc điểm của sự khôn ngoan là không bao giờ hành động liều lĩnh”. – Sưu tầm – (Tranh minh họa: Nguồn Internet).
Người nọ mở một cửa hàng cầm đồ nhưng lại chẳng hề có mắt nhìn đồ. Khách hàng mang tới một chiếc đàn gỗ, ông ta liền ra giá:
“Bầu rượu trúc này lấy ba đồng”.
Người khác đem tới một cây sáo làm từ trúc thượng hạng, ông chủ lại nói:
“Ống tre này nào có đáng tiền, chỉ lấy 1 đồng thôi”.
Thế nhưng khi có người cầm đến một cái khăn chùi mông, ông chủ lại tỏ vẻ thích chí:
“Cái khăn hồ ly điểm vàng này giá 2 đồng”.
Bấy giờ, người nô bộc làm trong cửa hàng không hiểu, bèn hỏi:
“Ngài cầm cái khăn ấy thì nào có được cái gì?”.
Ông chủ thủng thẳng đáp:
“Sao lại không? Nếu hắn không tới chuộc thì ta giữ lại cái khăn để lau mồm cũng được”.
Bài học rút ra: Người không hiểu mà còn cố tỏ vẻ hiểu rõ thì chẳng khác nào “múa rìu qua mắt thợ”, có ngày còn rước họa vào thân.
Câu chuyện thứ bảy: Hoang đường
Nhà Vu Công có một băng ghế nhỏ, vừa thấp vừa bé, mỗi lần ngồi lên đều phải kê thêm mấy miếng ngói xuống dưới thì mới được.
Vu Công càng lúc càng cảm thấy bất tiện. Vừa hay trong hoa viên có xây một cái lầu, liền cho người cầm băng ghế lên đó, cho rằng ghế đem lên lầu cao thì ngồi sẽ thấy cao.
Nào ngờ băng ghế đem lên vẫn thấp bé như vậy. Vu Công tức giận quát lớn:
“Kẻ nào nói là lầu cao, ta thấy thật hoang đường”.
Sau đó, ông hạ lệnh phá hủy tầng lầu trong phủ của mình.
Bài học rút ra: Làm việc một cách chủ quan là cố chấp, làm việc bất tuân quy tắc là dại dột.
Câu chuyện thứ tám: Nỗi lo của tử tù
Người quân tử nói ra một lời mà người ta cho mình là khôn, hay khôn khôn, cho nên không thể không thận trọng lời nói. – Tử Cống – (Tranh minh họa: Nguồn Internet).
Một tử tù trên đường bị trói để áp giải lên pháp trường đột ngột yêu cầu được cởi áo, sau đó lấy tay vỗ mấy cái vào ngực. Có người làm làm lạ, bèn cất tiếng hỏi vì sao, anh ta đáp:
“Sợ bị trúng gió, chuyện ấy không đùa được đâu”.
Khi đã áp giải được tới nửa đường, người tử tù chợt nghe thấy tiếng ngựa kêu, lập tức nghiến răng ba lần, miệng lầm rầm mấy chữ. Có người lại hỏi anh vì sao làm vậy, anh ta đáp:
“Nghe tiếng quạ kêu là dễ gặp phải họa thị phi, phải làm thế thì mới hóa giải được”.
Khi đã lên pháp trường và chuẩn bị hành hình, người tử cầu khẩn đao phủ:
“Xin ngài dùng một tờ giấy sạch lau lưỡi đao đi được không? Tôi nghe nói nếu bị đao bẩn cắt trúng thì sẽ bị lở loét. Nếu bị lở loét thật thì tôi sống thế nào đây?”
Bài học rút ra: Không chú ý tới đại cục mà chỉ câu nệ tiểu tiết, đó chính là sai lầm thường gặp trong cuộc sống.
Trần Quỳnh – Soha