Bất ngờ quay lại xét hỏi thay vì tuyên án, tòa làm rõ việc Bộ Y tế cấp phép sai; VN Pharma chi tiền hoa hồng cho bác sĩ, làm giả con dấu đối tác…
Vụ án Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch VN Pharma) và đồng phạm, nhập thuốc trị ung thư “kém chất lượng” H-Capita về bán cho các bệnh viện, thêm kịch tính khi sáng 23/10 TAND Cấp cao tại TP HCM quyết định không tuyên án như dự kiến, mà quay lại phần xét hỏi.
Ngay chiều cùng ngày, tòa tiếp tục có động thái bất ngờ – bắt giam Hùng và Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty thương mại hàng hải quốc tế H&C), sau hơn nửa năm họ được tại ngoại. Ngoài ra, HĐXX cũng triệu tập nhiều cán bộ cấp cao tại Bộ Y tế, đại diện Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao, để làm rõ hành vi liên quan.
Nguyễn Minh Hùng khóc bày tỏ ăn năn, xin được tại ngoại. Ảnh: Thành Nguyễn.
Bộ Y tế cấp phép cho công ty ‘ma’
Sau khi đại diện Bộ Y tế – ông Giang Hán Minh (Phó chánh thanh tra) – được cử đến tòa nhưng không trả lời, chỉ ghi nhận, HĐXX triệu tập khoảng 10 người thuộc Bộ này, bao gồm các cán bộ Cục quản lý Dược để thẩm vấn bổ sung.
Trả lời về việc Công ty Helix Canada (bán thuốc H-Capita cho VN Pharma) được Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam, ông Đỗ Trung Hưng (vụ phó vụ pháp chế) thừa nhận có chuyện này.
Ông Hưng khẳng định, trước khi cấp phép, việc xác minh tính hợp pháp của công ty này là “bắt buộc”. Tuy nhiên, Bộ Y tế chỉ căn cứ hồ sơ xin cấp phép “có giấy phép đăng ký kinh doanh của công ty này được hợp pháp hóa lãnh sự”. (Trong khi đó Bộ Ngoại giao từng có văn bản trả lời đây là công ty “ma” và Lãnh sự quán Việt Nam tại Canada xác định tài liệu này là giả).
Là người phụ trách chuyên môn, bà Phạm Thị Ngân Hạnh (Phó trưởng phòng quản lý Dược, Cục quản lý Dược) cũng cho rằng việc cấp phép cho Helix Canada “đúng quy trình”. Song, bà này thừa nhận “chỉ xem trên giấy tờ”, thẩm định dựa theo hồ sơ doanh nghiệp cung cấp.
Liên quan việc cấp phép cho VN Pharma nhập 7 loại thuốc khác của Công ty Helix, đại diện Bộ Y tế cho biết “sau khi vụ án VN Pharma bị khởi tố đã rút giấy phép những lô hàng này”.
Cục quản lý Dược sai phạm khi cấp phép nhập thuốc H-Capita
Có vai trò quan trọng nhất, ký giấy cấp phép cho VN Pharma nhập 9.300 hộp H-Capita nhưng ông Trương Quốc Cường (Thứ trưởng Y tế) cùng một số cá nhân khác không có mặt theo lệnh triệu tập của tòa. Tuy nhiên, HĐXX đã làm rõ nhiều sai phạm của cơ quan này.
Vụ phó pháp chế Bộ Y tế Đỗ Trung Hưng, bà Hạnh và một số đại diện khác của Bộ đều khẳng định việc cấp phép cho VN Pharma nhập lô thuốc là “đúng quy trình”. Tuy nhiên, khi được hỏi có truy xuất nguồn gốc thuốc cho phép nhập khẩu hay không, họ nói “chỉ xem trên hồ sơ”.
Đối với việc chỉ có 7/10 chuyên gia trong tổ thẩm định hồ sơ đồng ý cho phép nhập khẩu, ông Hưng cho rằng vẫn hợp lệ vì “không nhất thiết tất cả các chuyên gia thẩm định đồng ý mới được cấp phép”.
Trả lời VKS về việc Cục quản lý Dược thẩm định và cấp phép cho VN Pharma thế nào, khi giấy phép của công ty cung ứng thuốc cho Việt Nam là Austin Hong Kong đã hết hạn ngày 6/10/2013, trong khi đơn đặt hàng ký ngày 26/10/2013; đơn xin gia hạn giấy phép hoạt động cũng nộp cho chính Cục quản lý Dược.
Ông Hưng nói, hồ sơ xin nhập khẩu chỉ cần đủ các loại giấy phép, khi nào nhập về mới cần giấy phép có hiệu lực.
Một đại diện khác của Bộ Y tế được gọi đối chất, khẳng định: “Giấy phép phải còn hiệu lực vào thời điểm Hội đồng thẩm định xét duyệt”.
“Như vậy việc cấp phép cho VN Pharma nhập khẩu lô thuốc H-Capita là sai”, VKS nhận định.
Ngoài ra, Viện cũng công bố chứng cứ thể hiện thông tin thuốc ghi trên hồ sơ xin cấp phép về màu sắc, thiết kế, hướng dẫn… không đúng với sản phẩm nhưng Cục quản lý Dược vẫn cấp phép. Từ đó, VKS kiến nghị xem xét trách nhiệm của các cá nhân liên quan.
Ông Đỗ Trung Hưng (đại diện Bộ Y tế) liên tục xin chủ tọa lấy hồ sơ ở hàng ghế dưới. Ảnh: Thành Nguyễn.
Làm rõ chứng cứ 7,5 tỷ đồng chi cho bác sĩ
HĐXX, VKS và luật sư nhiều lần thẩm vấn về số tiền 7,5 tỷ đồng có hay không dùng chi hoa hồng cho các bác sĩ để kê đơn thuốc của VN Pharma. Hùng và cấp dưới Ngô Anh Quốc đều khẳng định chỉ là chi cho việc bán hàng.
Tuy nhiên, trong phần thẩm vấn bổ sung, khi bị VKS liên tục dẫn dắt và truy vấn, cựu Chủ tịch VN Pharma thừa nhận tiền này chi cho nhân viên bán hàng, sau đó họ chi bác sĩ.
VKS công bố lời khai của Trần Lê Hồng Sơn (nhân viên bán hàng của VN Pharma) xác nhận 7,5 tỷ đồng ghi trên tờ đề nghị thanh toán là tiền “chi phần trăm cho bác sĩ”. Căn cứ để đưa ra con số đó là dựa trên kinh nghiệm của nhân viên bán hàng đề xuất, lệnh chi do Phan Xuân Thiện (Phó tổng giám đốc VN Pharma) ký duyệt.
Cựu chủ tịch VN Pharma có dấu hiệu tội buôn thuốc chữa bệnh giả
VKS viện dẫn quy định về thuốc kém chất lượng và thuốc giả. Theo đó, thuốc giả là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp: không có dược chất; có dược chất nhưng không có hàm lượng đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn…
Đối chiếu với kết luận giám định của Bộ Y tế: “Lô hàng có nhãn mác thuốc H-Capita 500mg Caplet chứa 97,5% hoạt chất Capecitabine là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”.
Tuy nhiên, VKS cũng cho rằng, kết luận giám định này còn nhiều mâu thuẫn do không kết luận thuốc H-Capita là thuốc giả. Do đó cần phải giám định lại đảm bảo tính khách quan trước khi định tội danh các bị cáo.
Phát biểu quan điểm sau khi xét hỏi bổ sung, đại diện VKS nhận định, hành vi của Hùng và các bị cáo “có dấu hiệu phạm tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”, đề nghị HĐXX khởi tố điều tra làm rõ.
VN Pharma nâng khống giá thuốc gấp 3 lần
Lần đầu tiên hành vi nâng khống giá thuốc lên gần gấp 3 lần của VN Pharma được đề cập. HĐXX dành khá nhiều thời gian thẩm vấn các bị cáo.
Cường đặt mua thuốc H-Capita của Raymundo (Công ty Helix Canada) giá 18 USD mỗi hộp, bán cho Hùng giá 27 USD mỗi hộp. Tuy nhiên, VN Pharma thể hiện trên hợp đồng ký kết giả tạo với Austin Hong Kong là 75 USD.
Trả lời nghi vấn về việc nâng khống giá thuốc để lấy tiền chi hoa hồng cho bác sĩ, Hùng phủ nhận, cho rằng “chỉ để tăng lợi nhuận cho công ty và linh hoạt trong việc bán hàng”. Còn Cường cho rằng, đồng ý ghi vào hóa đơn thanh toán giá đã nâng khống vì “tạo điều kiện thuận lợi” theo yêu cầu của đối tác.
Chủ tọa công bố thông tin, tổng số tiền nâng khống giá thuốc của VN Pharma lên đến 157 tỷ đồng. Công ty sau đó đã để cho nhân viên đem đi gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, con số này trước đó chưa từng được cấp sơ thẩm cũng như trong cáo trạng, bản án nhắc đến và cho thấy liên quan đến việc nâng khống lô thuốc nào.
VN Pharma sử dụng con dấu giả của Công ty Helix Canada
Trả lời VKS về con dấu của Công ty Helix cảnh sát tìm thấy tại VN Pharma, Bùi Ngọc Duy (nguyên trưởng phòng nghiên cứu và phát triển VN Pharma) không thừa nhận làm giả con dấu của đối tác. Trong khi đó Phan Cẩm Loan (phó trưởng phòng xuất nhập khẩu) nói rằng có nhận được email của Duy nói về việc nói làm con dấu này.
Duy thừa nhận đã dùng con dấu này đồng thời giả chữ ký của Raymundo để đóng trên một số giấy tờ, nhưng không phải là giấy tờ để làm hồ sơ nhập khẩu lô thuốc H-Capita.
Là người được Công ty Helix ủy quyền tại Việt Nam, Võ Mạnh Cường khẳng định “có duy nhất con dấu của Công ty Helix được Raymundo đưa” và không giao con dấu này cho bất cứ ai.
Nhân viên VN Pharma xóa dữ liệu, cản trở điều tra
Ngoài việc làm rõ sai phạm của Duy trong việc vứt bỏ con dấu của Công ty Helix, VKS cũng thẩm vấn và đưa ra các chứng cứ cho thấy người này còn chỉ đạo nhân viên xóa các tài liệu liên quan vụ án, gây khó khăn cho cơ quan điều tra.
Duy cho là “nghĩ con dấu này không còn sử dụng vì để lâu quá rồi” nên sai nhân viên vứt. Còn việc chỉ đạo họ xóa hết các file tài liệu liên quan việc nhập thuốc của VN Pharma, bị cáo này nói “không có chủ ý”. Lúc đó anh ta không hề biết sếp Hùng đã bị khởi tố, không biết những con dấu, tài liệu này liên quan đến vụ án.
VKS công bố lời khai của Phạm Thị Hồng Hạnh (nhân viên VN Pharma) xác nhận: “Sau khi công ty bị khám xét, Bùi Ngọc Duy đã chỉ đạo nhân viên phòng nghiên cứu phát triển xóa các file liên quan đến công ty Helix”.
Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất bị truy trách nhiệm
Là đơn vị làm thủ tục thông quan, đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương và cá nhân hải quan duyệt hồ sơ nhập khẩu lô thuốc H-Capita cũng được triệu tập đến tòa.
Tuy nhiên, họ cho rằng thông quan lô hàng này là “đúng quy trình”. Việc VN Pharma làm giả giấy tờ hóa đơn thanh toán và giấy chứng nhận thuốc, cán bộ hải quan không thể phát hiện.
Theo VKS, cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm của các nhân viên tham gia thông quan lô thuốc, với lý do “không biết Hùng và đồng phạm làm giả giấy tờ”, là chưa đúng bản chất. Bởi tờ khai có nhiều dữ liệu thể hiện sự gian dối nhưng hải quan lại không phát hiện ra… do đó cũng cần điều tra làm rõ.
Đại diện Bộ Ngoại giao. Ảnh: Thành Nguyễn.
Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao liên quan thế nào đến vụ án
Quá trình điều tra, Bộ Công thương đã có công văn trả lời cơ quan tố tụng về việc “không tìm thấy mã vạch của các nước liên quan đến thuốc H-Capita”. Tuy nhiên, đại diện của đơn vị này tại tòa không trả lời được với lý do “không phải chuyên môn”.
Tương tự, liên quan sự tồn tại của Công ty Helix Canada, trước đây Bộ Ngoại giao đã có văn bản xác nhận đây là công ty “ma” không có đăng ký kinh doanh tại Canada. Đại diện cơ quan này được triệu tập đến tòa cũng xin phép trả lời bằng văn bản.
Theo Vnexpress