Thứ sáu, Tháng mười hai 6
Shadow

Bác thông tin vụ “vợ chém chồng vì rửa bát bẩn” ở Thái Nguyên

Lãnh đạo địa phương khẳng định trên địa bàn không có vụ việc nào như hình ảnh và tin đồn loan truyền trên mạng xã hội.

Dư luận người dân huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đang bàn tán thông tin vụ việc một người đàn ông rửa bát không sạch khiến hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Người vợ tức giận đã cầm dao ném thẳng vào đầu chồng.

Cụ thể, thông tin lan truyền khi xuất hiện trên mạng xã hội: “Anh Vũ Đức D. (34 tuổi ở Đại Từ, Thái Nguyên) do mâu thuẫn với vợ trong lúc cãi nhau về chuyện anh D. rửa bát không sạch nên hai vợ chồng đã xảy ra xô xát.

Anh D. tát vợ một cái, không ngờ chị vợ cầm ngay con dao ném thẳng về phía anh D. làm con dao cắm vào đầu. Ngay sau đó, người nhà đã đưa anh D. lên bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên để cấp cứu”.

chém chồng
Công an Thái Nguyên đã xử phạt nhiều trường hợp tung tin thất thiệt.

Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Trung Thành (Giám đốc bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên) cho biết, tại bệnh viện không tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nào như trên.

Một lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên cũng cho biết, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận vụ việc nào tương tự. 

Xem thêm  Bà cụ 86 tuổi quyết ly hôn ông chồng 'cả đời không một lần rửa bát'

“Nhiều khả năng đây là thông tin không đúng sự thật…”, vị này cho biết thêm.

Luật sư Nguyễn Trung Tiệp (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: Nếu các cá nhân, tổ chức đăng tải những thông tin thất thiệt không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức, cộng đồng hoặc quốc gia khác thì các chủ thể bị xâm hại (người bị hại) có quyền yêu cầu các “đối tượng” đó chấm dứt ngay hành vi vi phạm theo các quy định của pháp luật.

Theo luật sư Tiệp, những thông tin thất thiệt có nội dung vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân là những nội dung bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 6, Nghị định 97/2008/NĐ-CP.

Tại khoản 2, Điều 9, Nghị định 28/2009/NĐ-CP và điểm b, khoản 5, Điều 6, Nghị định 63/2007/NĐ-CP cũng quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Cũng theo luật sư Tiệp, tại Điều 37, Bộ luật Dân sự quy định: Danh dự, nhân phẩm và uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Người nào tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một tổ chức, cá nhân cụ thể thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại theo quy định.

Xem thêm  Kết đắng cho anh chồng Thái Nguyên ngủ với “vợ“ mà vẫn phải đi tù

Như vậy, việc tung tin sai lệch lên mạng, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự. Cụ thể, tại Điều 122, Bộ luật Hình sự quy định phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội Vu khống.

Trong trường hợp không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người đưa tin lên mạng thì áp dụng theo quy định tại Điều 226, Bộ luật Hình sự, tội Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật (nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ luật này).

Những tin đồn thất thiệt, gây hoang mang tâm lý dư luận, tác động đến lĩnh vực kinh tế… nếu không đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính.

Xuân Hòa

Theo Nguoiduatin

Link gốc