Thứ tư, Tháng Một 15
Shadow

Bệnh sán lợn khiến 400 trẻ mầm non Bắc Ninh hốt hoảng đi xét nghiệm nguy hiểm thế nào?

Trưa nay (15/3), khoảng 400 trẻ ở Trường mần non Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đã phải ra Hà Nội xét nghiệm sán lợn, sau khi 2 em có kết quả dương tính với sán lợn.

Xem thêm  Ai phải chịu trách nhiệm vụ học sinh nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh?

400 gia đình hốt hoảng sợ con bị sán lợn

Vừa qua, trên mạng xuất hiện video được cho là của một số phụ huynh đăng hình ảnh món thịt lợn nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh lợn gạo, trong bữa ăn tại Trường mầm non Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. 

Ngay sau đó, tập thể phụ huynh đã lên gặp Ban giám hiệu nhà trường phản ánh, nhưng chỉ nhận được câu trả lời “vòng vo, không thỏa đáng”.

Sau đó, có 2 gia đình đã đưa con ra BV Nhiệt đới Trung ương xét nghiệm, kết quả dương tính với sán dây lợn (Taenia solium). 

Hốt hoảng, sáng 15/3, gia đình của khoảng 400 học sinh trường này đã lũ lượt đưa con đi xét nghiệm ở Bệnh viện Nhiệt đới trung ương và Viện Sốt rét, ký sinh trùng trung ương. 

Các bác sỹ của bệnh viện tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tại Hội trường BV Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Hoàng Hải – Hoàng Đan.

Giáo sư Nguyễn Văn Đề, nguyên Chủ nhiệm bộ môn ký sinh trùng Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết bệnh lợn gạo có tên khoa học Cysticercus cellulosae, gây ra bởi ấu trùng sán dây lợn (hay sán dải heo), ấu trùng này có tên khoa học Taenia solium.

Biểu hiện của thịt lợn gạo (lợn nhiễm ấu trùng Taenia solium) là trong thịt những bọc màu trắng đục, đó chính là nang sán, bên trong có chứa đầu sán và chất dịch, kích thước nang to như hạt gạo.

Nguyên nhân mắc sán dải lợn thường là qua đường ăn uống thực phẩm có nhiễm ấu trùng Taenia soliumTrứng sán theo đường tiêu hóa vào máu đi chu du khắp cơ thể và gây bệnh tại những nơi chúng trú lại.

Khi mắc sán thời kỳ đầu người bệnh có thể bị cảm giác chán ăn, buồn nôn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, nhưng phần lớn lại diễn ra âm thầm, lặng lẽ với các triệu chứng mờ nhạt.

Những biến chứng đáng sợ

GS Nguyễn Văn Đề kể về trường hợp anh Nguyễn Văn Th (41 tuổi, Yên Bình, Yên Bái) thường xuyên bị đau đầu, đi khám ở tuyến cơ sở còn bị nghi bị u não. Tới khi lên Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra bác sĩ không phát hiện u, nhưng não có tổn thương.

Cho làm xét nghiệm ký sinh trùng kết quả đó là do sán dây lợn ký sinh ở não. Ổ sán tập kết dưới màng nhện của não, gây đau đầu và những cơn động kinh cho bệnh nhân.

3 năm nay, anh Th vẫn đi lại điều trị dai dẳng mà bệnh không khỏi. Nhiều lần mệt mỏi anh nghĩ rằng nếu mắc bệnh nan y nào đó có thể chết ngay được.

Gia đình anh Th có thói quen ăn thịt tái, đặc biệt là nem tái. Thịt luộc anh cũng thích phải tái để thưởng thức vị tươi ngon – đó chính là nguyên nhân tình trạng bệnh của anh nhiều năm nay. 

GS Đề cho biết, khi ăn phải thịt lợn gạo chưa nấu chín kỹ, tái sống, các nang sán vào cơ thể người và gây ra nhiều biến chứng cho vật chủ, đặc biệt là ở não. Khi ấu trùng sán ký sinh tại não thì chúng có thể gây ra tăng áp lực nội sọ gây nhức đầu, động kinh cục bộ, suy giảm trí tuệ, yếu, liệt chi thậm chí có thể rối loạn tâm thần. 

Tất cả các triệu chứng trên ở mức độ nào còn tùy thuộc vào số lượng và vị trí ký sinh của ấu trùng sán trong não người.

Sán cũng có thể ký sinh tại hốc mắt, mí mắt, kết mạc mắt hoặc trong mắt, gây ra những rối loạn thị giác.

GS Nguyễn Văn Đề cho biết sán lợn dễ tấn công lên não, đặc biệt nguy hiểm.

Ngoài ra, sán còn cư trú ở các mô khác nhau trong cơ thể, với những vị trí này thì tuy người bệnh ít có biểu hiện lâm sàng, nhưng với số lượng nhiều chúng có thể gây đau cơ, và sau thời gian dài chúng sẽ bị vôi hóa ngay trong cơ, nơi chúng định cư.

Sán ký sinh ở da có thể thấy những nốt lổn nhổn có thể sờ thấy rõ, đôi khi chúng gây ngứa.

Khi nhiễm ăn phải sán lợn, người bệnh có thể đến các cơ sở y tế để kiểm tra. Nếu có các triệu chứng lâm sàng tại các nơi ấu trùng ký sinh, có thể làm xét nghiệm huyết thanh ELISA để phát hiện sán và dùng thêm nhiều biện pháp chuyên môn chẩn đoán chính xác loại sán gì.

Để phòng bệnh sán, giáo sư Đề nhấn mạnh cần đảm bảo ăn, uống hợp vệ sinh, không ăn thịt lợn gạo, lợn bệnh, đồng thời quản lý và xử lý tốt nguồn chất thải (phân) của người và heo, bò, đặc biệt những khu chăn nuôi heo, bò. 

Xem thêm  Ăn 'thịt bẩn, gà thối' ở trường mầm non: Số trẻ dương tính với sán lợn tăng lên 124

Ngọc Anh – Trí thức trẻ

Link