Thứ sáu, Tháng mười một 15
Shadow

Bị lũ trẻ làm phiền, ông già toan la mắng rồi nghĩ ra diệu kế và bài học ai cũng cần đến

Đây là bài học vô cùng thiết thực cho những ai muốn có được thành công trong cuộc sống.

Xem thêm  'Muốn con thành công, hãy để bé thất bại' - bài học của một tổng biên tập

Có một người đàn ông thông thái, sau khi về hưu đã mua một ngôi nhà ở làng cũ và chuyển tới đó sống một cuộc đời yên bình.

Tuy nhiên, những tháng ngày yên ả dường như đã kết thúc khi năm học mới bắt đầu. Để tới trường, các học sinh phải đi qua nhà ông. Có một nhóm các nam sinh tinh nghịch thường mang theo trống và gõ ầm ĩ mỗi khi đi qua đây, khiến cho ông lão luôn khổ sở vì những âm thanh ồn ào chói tai.

Ông lão rất muốn quát mắng các cậu bé và bắt giữ yên tĩnh, nhưng vì cũng từng là một đứa trẻ, ông biết rằng hành động đó chỉ như một thứ xúc tác, khiến chúng cứng đầu và muốn trêu ngươi ông hơn mà thôi.

Sáng hôm sau, vào đúng lúc các cậu bé đi qua, ông mới thò đầu ra cửa sổ và nói “Ta rất thích nghe tiếng trống của các cháu, nếu sáng nào các cháu cũng đánh như vậy thì ta sẽ cho các cháu 1 đô la”.

Các cậu bé mừng rơn và rồi hôm nào cũng đánh trống. Được vài ngày, ông lão nói do tình hình kinh tế khó khăn, giờ đây ông chỉ có thể trả 50 xu thôi. Lũ trẻ nghe vậy cũng tiu nghỉu, nhưng rồi vẫn đánh trống “phục vụ” ông lão.

Vài tuần sau, ông lão mới gọi đám trẻ lại và nói vì mình đã nghỉ hưu và không có trợ cấp, nên ông chỉ có thể 20 xu.

Đám trẻ tức giận và gào lên: “Ông nghĩ chúng cháu sẽ chơi trống vì 20 xu sao? Hãy tìm người khác nhé” rồi bỏ đi.

Kể từ đó về sau, đám nam sinh tinh nghịch tuyệt nhiên không bao giờ động đến chiếc trống nữa, và cuộc sống tĩnh lặng yên bình đã trở về với ông lão.

Từ câu chuyện này, ta có thể rút ra rất nhiều bài học.

Bài học thứ nhất: Người đàn ông hoàn toàn có thể chọn cách dễ nhất, đó là la mắng bọn trẻ, bắt chúng không được gõ trống mỗi khi qua nhà ông.

Thế nhưng, với những cậu trai đang tuổi dậy thì với khuynh hướng nổi loạn, khả năng chúng phản ứng tiêu cực, thậm chí “trêu ngươi” ông lão là rất cao.

Ông cũng có thể tìm tới tận nhà và “mách” phụ huynh của chúng cũng như giáo viên của chúng, nhưng cách này cũng không đảm bảo bọn trẻ sẽ không tái phạm và sẽ không nghĩ ra trò gì đó còn khủng khiếp hơn để trả thù ông lão.

Do đó, biết nắm bắt tâm lý của trẻ con để hướng chúng đi đúng theo ý mình mà khiến chúng đang được làm như chúng muốn mới là cảnh giới cao nhất trong việc uốn nắn con trẻ mà các bậc phụ huynh cần phải tham khảo.

Cũng từ đó, ta thấy rằng có nhiều cách để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Hãy kiên nhẫn, lên kế hoạch một cách bài bản và biết rõ cần phải tác động đến đối tượng nào, đánh vào tâm lý của họ ra sao sẽ là các yếu tố đem lại thành công cho bạn trong cuộc sống, đó là bài học thứ 2.

Ngoài ra, qua câu chuyện này ta cũng thấy sự khác biệt đáng kể giữa làm việc và vui chơi. Nếu bạn làm việc gì đó để vui chơi, để thư giãn, thì dù chẳng có ai giám sát hay tặng phần thưởng cho bạn, bạn vẫn cứ làm mà không kêu ca.

Tuy nhiên, cùng là một hoạt động đó, nếu nó trở thành công việc, thành công cụ để kiếm sống thì dần dần bạn sẽ mất đi hứng thú và sẽ chẳng buồn động tay khi không còn được trả công nữa.

Do đó, hãy biến công việc mang tính trách nhiệm thành đam mê cá nhân, bạn không những có thể tăng năng suất làm việc, mà còn giải tỏa áp lực, xóa bỏ đi sự mệt mỏi và cho mình một tâm trạng luôn vui vẻ, thoải mái, đó là bài học thứ 3.

Thanh Hương – Trí thức trẻ

Link