Đối với nhiều người, việc theo đuổi hạnh phúc là hành trình không ngừng nghỉ và càng bỏ nhiều công sức càng có được nhiều.
Trong quyển hồi ký truyền cảm hứng mang tên “Ăn, Cầu nguyện, Yêu”, tác giả Elizabeth Gilbert nhắc lại một vài lời khuyên từ người thầy của mình: “Hạnh phúc là kết quả của nỗ lực cá nhân.
Chúng ta đấu tranh và nỗ lực để đạt được hạnh phúc, kiên định với nó và thậm chí đi khắp thế giới để tìm kiếm hạnh phúc.
Một khi đạt được trạng thái hạnh phúc, chúng ta phải nỗ lực mạnh mẽ để bơi về hướng hạnh phúc đó mãi mãi, để luôn nổi trên đỉnh hạnh phúc. Nếu không làm vậy, sự hài lòng của bản thân sẽ dần bị mất đi”.
Thái độ trên có thể hiệu quả với một số người. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học mới nhất cho thấy nó cũng có thể phản tác dụng với nhiều người, như dẫn đến cảm giác stress, cô đơn và thất bại.
Theo quan điểm này, hạnh phúc giống như chú chim nhút nhát – càng cố gắng bắt nó, nó càng bay xa.
Bà Iris Mauss, tại Trường ĐH California (Mỹ), là một trong những chuyên gia tâm lý đầu tiên tìm hiểu vấn đề trên dưới lăng kính khoa học.
Bà được truyền cảm hứng từ một lượng lớn các loại sách “tự lực” – sách hướng dẫn người đọc tự giải quyết các vấn đề cá nhân thông qua kinh nghiệm của người viết – được xuất bản tại Mỹ trong vài thập niên qua.
Nhiều quyển trong số này cho rằng hạnh phúc là điều kiện không thể thiếu cho sự tồn tại.
“Người ta có thể đặt tiêu chuẩn rất cao cho hạnh phúc của chính mình vì tác động của những quyển sách này.
Họ nghĩ mình lẽ ra phải luôn hạnh phúc hoặc cực kỳ hạnh phúc và điều này khiến họ thất vọng với bản thân, thất bại nhanh chóng và gây ra cảm giác tự chuốc lấy thất bại” – bà nhận định.
Bà Mauss nói thêm rằng việc khao khát (và theo đuổi) hạnh phúc cũng có thể làm tăng cảm giác cô đơn và tình trạng mất kết nối, có lẽ vì điều này khiến bạn chỉ chú ý đến bản thân và cảm xúc cá nhân hơn là những người xung quanh.
Ông Sam Maglio thuộc Trường ĐH Toronto (Canada) chỉ ra rằng mạng xã hội khiến mọi người đặc biệt chú tâm vào cuộc sống được tô vẽ của người khác, làm bản thân thêm khao khát một cuộc sống hạnh phúc và thú vị hơn.
Chuyên gia này cho rằng mọi người có thể hạnh phúc hơn nếu không nhìn vào người khác để đưa ra tiêu chuẩn cho chính mình về những yếu tố hình thành nên cuộc sống ý nghĩa và tốt đẹp.
“Nếu ai đó liên tục bị gây ấn tượng về những địa điểm tuyệt vời hay bữa tối sang trọng của bạn bè, hành động đó có thể xem như một kiểu nhắc nhở rằng người khác đang hạnh phúc hơn mình và khiến bản thân lại bắt đầu mục tiêu đạt được hạnh phúc lần nữa.
Khao khát về hạnh phúc ngày nay đang tăng dần” – ông Maglio nhận định.
Trong khi đó, bà Mauss chỉ ra có rất nhiều nghiên cứu cho thấy những người có thái độ “chấp nhận” hơn đối với cảm xúc tiêu cực thay vì liên tục cố chống lại chúng về lâu dài lại thỏa mãn với cuộc sống hơn.
Hạnh phúc thực sự là một con vật “nhút nhát”. Khi ngừng đuổi theo, bạn có thể nhận ra hạnh phúc tự nhiên sẽ đến.
(Theo BBC)
Xuân Mai – theo Người lao động