Trái ngược với suy nghĩ của những người xung quanh khi chứng kiến cảnh cụ già làm vãi thức ăn ra quần áo, anh con trai đã có một thái độ và hành động khiến họ không nói nên lời.
Hành động đáng ngưỡng mộ của người con trai đưa bố đi ăn
Có một người con trai nọ đưa người cha tuổi đã xế chiều vào một nhà hàng để dùng bữa.
Vì tuổi tác đã cao nên ông cụ thật sự gặp khó khăn trong việc kiểm soát các động tác của mình một cách linh hoạt. Chính vì thế mà trong quá trình ăn cơm, không ít lần ông cụ làm thức ăn rơi ra ngoài, bẩn hết cả quần áo.
Những vị khách khác dùng bữa trong nhà hàng chứng kiến cảnh tượng này, ít nhiều đều cảm thấy ái ngại cho người con trai trước tình huống mà anh ta gặp phải.
Thế nhưng, mặc cho mọi ánh mắt đang dồn về mình và người cha tuổi đã cao, người con trai vẫn giữ một thái độ hết sức bình tĩnh.
Đợi cho đến khi bố mình ăn no, anh con trai liền đưa cụ vào nhà vệ sinh, giúp ông cụ chỉnh sửa và làm sạch lại quần áo, đồng thời giúp bố chải lại tóc.
Khi họ từ nhà vệ sinh đi ra, những vị khách có mặt trong nhà hàng trong chốc lát bỗng trở nên im lặng. Họ lại dồn ánh mắt vào cặp cha con nọ.
Ảnh minh họa.
Thanh toán tiền ăn xong, người con trai đỡ bố chậm rãi ra khỏi nhà hàng. Đúng lúc đó, phía sau họ bỗng vang lên tiếng nói của một ông cụ: “Cậu có để quên thứ gì không?”
Người con trai nghe xong liền đáp: “Cụ à, cháu không để quên thứ gì ạ.”
Ông cụ kia tiếp tục nói: “Có đấy, cậu đã để lại một thứ có thể đem đến cho tất cả những người làm con ở đây một bài học, đồng thời cũng khiến cho mỗi một người làm cha mẹ có thêm hy vọng!”
Nghe những lời nói đó, tất cả những người có mặt trong nhà hàng lúc đó đều im lặng, cúi đầu, chẳng ai nói được câu nào!
Lời bình
Hãy thử nghĩ xem, khi nhìn thấy cha mẹ già làm vương vãi cơm và thức ăn ra quần áo trước mặt bao nhiêu người trong nhà hàng hay nơi công cộng, có bao nhiêu vị khách không vì thế mà cảm thấy xấu hổ hay mất mặt?
Đó là lý do vì sao khi nhìn cách người con trai trong câu chuyện nhẫn nại và yêu thương cha như thế, họ đã cảm thấy xấu hổ, hổ thẹn với cha mẹ và với chính bản thân mình.
Mặc dù cha đã già yếu, người con trai vẫn tình nguyện sẵn sàng đưa ông cụ ra ngoài ngắm nhìn thế giới bên ngoài, không vì hành động của cha mà cảm thấy mất mặt. Ngược lại, anh ta còn nhẫn lại đủ lâu để giúp cha chỉnh sửa lại quần áo, tư trang, đầu tóc.
Thử hỏi bao nhiêu người trong chúng ta có thể tự hào khẳng định mình đã làm rất tốt việc làm nhỏ bé này?
Từ nhỏ, bố mẹ đã là người bảo vệ và chăm sóc chúng ta, cho đến khi chúng ta có thể tự chăm lo cho cuộc sống của chính mình, vì tương lai của mình mà biết cố gắng phấn đấu.
Thế nhưng cùng với sự cố gắng không ngừng đó, thời gian lâu dần, bố mẹ chúng ta sẽ dần già đi. Và điều họ cần, không phải là rất nhiều tiền. Thứ họ trông đợi chính là tình yêu và sự quan tâm của con cái dành cho mình.
Cổ nhân dạy rằng: “Bách thiện hiếu vi tiên”, trong trăm điều thiện, chữ hiếu đứng đầu. Hiếu kính và lễ phép với bố mẹ là một trong những biểu hiện của đạo làm con.
Thế nhưng cuộc sống bận rộn và những lo toan vật chất đôi khi cuốn chúng ta đi theo dòng chảy xô bồ đó, vô tình, chúng ta ít nhiều lãng quên những đấng sinh thành.
Bố mẹ vốn luôn yêu thương chúng ta và chẳng bao giờ ngừng quan tâm tới chúng ta dù chỉ một ngày, ngay cả khi chúng ta lãng quên hoặc làm tổn thương họ.
Vì thế, hãy quan tâm đến bố mẹ mình nhiều hơn, bằng những hành động nhỏ ngay trong cuộc sống hằng ngày các bạn nhé! Cuộc sống này ngắn ngủi lắm. Thế nên, hãy tận dụng những năm tháng còn ở bên bố mẹ để cảm ơn đấng sinh thành bằng cả tấm long.
Theo Trí Thức Trẻ