Thứ sáu, Tháng mười một 15
Shadow

Cảnh báo vấn nạn hiệu trưởng lạm quyền

 Thay vì nói lời xin lỗi nhưng muốn “cứu vớt tội lỗi” sau 231 cái tát với trò, để bảo vệ danh hiệu “Trường chuẩn Quốc gia mức độ II”, Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh (Quảng Bình) đã phát phiếu điều tra với 23 học trò phải tát bạn theo lệnh cô chủ nhiệm. 


Bà Hiệu trưởng “quyền lực” của ngôi trường có HS bị tát 231 cái.

Qua sự việc này, chúng ta giật mình không chỉ về cái ác, về bệnh thành tích, mà chính bởi nhận thức của một Hiệu trưởng hành xử theo cách “một tay che cả bầu trời”…

Bất chấp tới mức…rùng mình

Nửa tháng qua, dư luận chưa nguôi ngoai chuyện cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy (Trường THCS Duy Ninh) ra hình phạt tát trò 231, thì truyền thông và mạng xã hội lại phản ứng gay gắt với Ban Giám hiệu Trường THCS Duy Ninh, đứng đầu là Hiệu trưởng Phan Thị Lệ Anh trong việc phát phiếu thăm dò (gồm 19 câu hỏi) với 23 học trò đã tát bạn theo lệnh cô Thủy.

Bà Hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh, sau khi bị cộng đồng lên án dữ dội, vẫn khăng khăng là việc phát phiếu điều tra không có gì là sai trái, mục đích là nhằm tìm ra sự thật của 231 cái tát. Và kết quả “điều tra” này còn được bà Phan Thị Lệ Anh đưa vào Báo cáo số 46 gửi Phòng GD-ĐT huyện Quảng Ninh.

Trong khi sự việc đã rõ ràng và cơ quan công an cũng đã khởi tố vụ án thì bà Lệ Anh còn muốn làm rõ sự thực nào nữa hay bà muốn dùng sự trí trá nhằm biện hộ cho sai trái?

Sự việc này khiến chúng ta liên tưởng tới 2 năm trước, dư luận từng bức xúc chuyện bà Tạ Thị Bích Ngọc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng phát phiếu khảo sát với những học trò mới có 8 tuổi, rằng có nhìn thấy xe ô tô cán vào chân bạn Trần Chí Kiên, học sinh lớp 2A2 trong sân trường.

Rõ ràng chiếc xe taxi chở bà Bích Ngọc (Hiệu trưởng), bà Nguyễn Thị Hương (Hiệu phó) đi trong sân trường, đâm vào cháu Kiên đang giờ ra chơi, các bạn chơi cùng Kiên đều nhìn thấy 2 cô ngồi trong xe, bước xuống.

Khi nhìn thấy cháu Kiên bị xe đâm ngã xuống, bà Ngọc điềm nhiên xuống xe đi vào Phòng Hội đồng, chỉ có bà Hương và bảo vệ dìu cháu Kiên đến phòng chức năng của Nhà trường. Khi biết cháu Kiên gãy chân, các bạn cùng lớp đều nói do xe chở cô Ngọc và cô Hương đâm vào.

Để chạy trốn trách nhiệm của mình, cả hai bà Hiệu trưởng và Hiệu phó phủ nhận không có chuyện ngồi trên xe taxi. Họ sẵn sàng lấy phiếu như là “dân chủ” nhưng thực chất là để bắt những đứa trẻ 8 tuổi nói dối. Sau cùng, cả hai đã bị cách chức vì không thể “một tay che cả bầu trời”.

Trước sự việc của Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh, Nhà văn Sương Nguyệt Minh thẳng thắn chỉ ra một thực tế rằng, một nền giáo dục vốn ảnh hưởng nặng nề tư tưởng độc đoán, phong kiến, lại bị bệnh thành tích học đường thì học sinh chúng ta hai lần bất hạnh.

Ở đâu cũng thấy phong trào thi đua. Tổ thi đua với tổ. Lớp thi đua với lớp. Trường thi đua với trường. Giáo dục huyện này thi đua với giáo dục huyện kia. Tỉnh này xếp loại dưới tỉnh kia là lãnh đạo giáo dục không chịu được.

Xưa nay, tội vạ đến thường là cấp trên đổ lên đầu cấp dưới, cấp dưới như cái sọt rác đựng nỗi tức giận của cấp trên. Chả thế mà cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy sống quá nửa đời người còn hành động như kẻ mất trí vì sợ lớp xếp bét trường. Áp lực thi đua là một trong những nguyên nhân sinh ra lắm quy định phiền hà, nhiều báo cáo vô nghĩa, lắm việc làm vô ích.

Xem thêm  Vụ học sinh lớp 2 bị tát 50 cái: Cô giáo có nói dọa "tát cho bạn cái"

Giáo viên áp lực thành tích, hiệu trưởng cũng áp lực thành tích. Áp lực thi đua, thành tích mới sinh ra bao che, ém nhẹm thông tin, cô Hiệu trưởng mới cầu khẩn báo chí không đưa tin để trường được công nhận chuẩn quốc gia khi đang chờ xét. Trường chuẩn gì mà học trò “đánh hội đồng” bạn học theo sự chỉ đạo của cô giáo? Thi đua và thành tích mới tự… sinh ra các tổ chức “quyền nghiêng thiên hạ” như vậy.


Phiếu thăm dò của Hiệu trưởng.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng bày tỏ quan điểm: “Bất hạnh cho ai trong đời phải gặp thầy cô nào đó kỉ luật học trò bằng bạo lực, hành vi côn đồ. Rõ ràng là “đầu vào” các trường sư phạm đang có vấn đề chất lượng, lỏng lẻo, dễ dãi ở khâu tuyển sinh. Khi mà cả thí sinh điểm thi dưới trung bình cũng được “vơ bèo, vạt tép” vào để đào tạo thành những người đi dạy và càng không chú ý đến thải loại những người không đủ tư cách làm thầy tương lai”.

Ở góc độ chuyên môn, TS. Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội) cũng cho rằng, lẽ ra trường phải dũng cảm nói với các em rằng, vừa qua, việc làm của cô Thủy là không đúng, ảnh hưởng đến học sinh trong lớp.

Giáo viên, nhà trường phải nói thẳng với học sinh, cô giáo phải xin lỗi, làm gương cho học trò và khích lệ cho các em lần sau có điều gì chưa bằng lòng phải mạnh dạn có ý kiến. Không ý kiến với cô giáo chủ nhiệm thì ý kiến với Ban Giám hiệu nhà trường, chứ không thể để tình trạng như vậy!

Quyền lực của Hiệu trưởng đến đâu?

Trước đây, đã từng nhiều thầy cô thẳng  thắn chỉ ra, Hiệu trưởng tại nhiều trường là những “ông vua con” đầy quyền sinh, quyền sát (!). Giáo viên bị ghét có thể bị phân công vào những lớp khó vực “thành tích” lên…

Hoặc ở không ít địa phương, giáo viên, bất kể chính, phụ, dạy giỏi hay dạy kém, cứ 5 năm lại “được” Hiệu trưởng “nhắc nhở” điều chuyển công tác. Luân chuyển không phải để có cơ hội cống hiến cao hơn khi trở về, mà để nhắc trước ba tháng, nếu muốn ở lại thì phải có một mức “chi phí” nhất định!(?!)

Có thể nói, mối quan hệ giữa nhà giáo với các cấp quản lý giáo dục hiện nay vô cùng hà khắc. Trong lĩnh vực giáo dục, “vòng kim cô” kìm kẹp trên đầu, trên cổ nhà giáo không phải chỉ là bệnh hình thức, bệnh thành tích hay bệnh giả dối, vốn được tạo ra bởi các chỉ tiêu và các phong trào thi đua, mà còn do những mối quan hệ cấp trên – cấp dưới đầy áp đặt.

Trước đây, câu chuyện “vua một xứ” đã từng rất đúng với Hiệu trưởng Trường Mầm non An Đông, TP Huế khi đối chiếu những hành động đầy tính “quyền lực” của vị Hiệu trưởng với các giáo viên trong trường. Chuyện này chỉ bị bung ra sau nhiều tích tụ, bất bình từ những giáo viên bị đối xử bất công, thiếu tình người trong Trường Mầm non An Đông.

Theo đó, bà Nguyễn Thị Hồng Thanh (SN 1980, ngụ tại Huế) được lãnh đạo UBND TP Huế bổ nhiệm chức Hiệu trưởng Trường Mầm non An Đông (phường An Đông) khi tuổi đời còn rất trẻ. Cũng từ đó, bà Thanh liên tục có những việc làm, cách xử lý công việc “không giống ai”, thậm chí trái quy định pháp luật, tàn nhẫn đối với thuộc cấp.

Xem thêm  Mặt học sinh. Mặt trưởng khoa. Mặt hiệu trưởng và cái má sưng vù của nền giáo dục

Đỉnh điểm là tháng 8/2016, dù chỉ mới nghe qua thông tin cô Dương Thị Trang (công tác cùng trường) đánh học sinh, bà Nguyễn Thị Hồng Thanh vội vàng họp hội đồng sư phạm, lấy phiếu kín để “buộc tội” cô Trang có sai phạm. Cuộc họp kéo dài từ 17h30 đến gần 23h.

Những ngày sau đó, bà Hiệu trưởng tiếp tục “trừng phạt” giáo viên gần tuổi nghỉ hưu Dương Thị Trang với “độc chiêu” quen thuộc là bắt làm kiểm điểm. Và ngày 19/9/2016, cô Trang bị buộc phải làm việc trực tiếp với Hiệu trưởng, tiếp tục viết kiểm điểm nhiều giờ, trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, ngồi không vững trên ghế.

Hậu quả, cô Trang bị ngất xỉu, gục ngay trên bàn làm việc vào thời điểm gần 12h trưa, phải cấp cứu tại Khoa Cấp cứu Hồi sức, Bệnh viện T.Ư Huế – nơi chuyên dành điều trị bệnh nhân nguy kịch.

Theo nhiều giáo viên Trường Mầm non An Đông, vụ việc bà Thanh tìm cách “buộc tội”, ép một nữ giáo viên bằng tuổi mẹ mình viết kiểm điểm qua nhiều giờ đồng hồ khi sức khỏe suy kiệt, căng thẳng dẫn đến ngất xỉu, nhập viện cấp cứu trong tình trạng “thập tử nhất sinh” chỉ là vấn đề “giọt nước tràn ly”. Suốt thời gian làm Hiệu trưởng, bà Thanh còn gây ra nhiều chuyện “động trời” khác…

Trở lại sai lầm nối tiếp sai lầm của bà Hiệu trưởng ngôi trường có học sinh bị bạn học tát 231 cái theo lệnh cô chủ nhiệm, khi ép 23 học sinh điền vào phiếu điều tra chẳng phải bà Hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh đang muốn tìm sự thật về 231 cái tát do “hung thần” Nguyễn Thị Phương Thuỷ chỉ đạo.

Mà thực tế, dư luận cho rằng, bà đang lo chiếc ghế Hiệu trưởng của mình bị lung lay. Bắt 23 học sinh ghi rõ giới tính, phải trả lời đủ 19 câu hỏi “điều tra”, yêu cầu các em phân loại ra bao nhiêu cái tát mạnh, tát nhẹ, tát vừa… cuối cùng là ký tên cam đoan. Bà biến học trò của mình như những tên tội phạm bị hỏi cung!

Rõ ràng, bà Hiệu trưởng đang vì lợi ích của cá nhân, xuất phát từ sự ích kỷ, sự nhỏ nhen đầy thiển cận. Hiệu trưởng chẳng phải vì cô giáo gây ra 231 cái tát vào mặt em N., cũng chính là những cái tát như trời giáng vào ngôi trường bà đang quản lý. Và bà cũng chẳng phải vì những học trò nhỏ bị bạo hành, đang khủng hoảng tinh thần.

Nếu bà nghĩ đến học trò, chắc chắn bà không tiếp tục tra tấn tinh thần chúng một lần nữa. Trên hết, bà đang ép chúng, dạy chúng biết cách nói dối. Những đứa trẻ phải lừa dối chính bản thân và cha mẹ, bạn bè để bảo vệ Hiệu trưởng.

Và môi trường giáo dục ấy tạo ra những học sinh rập khuôn. Có nhiều những clip ghi lại hình ảnh các giờ giảng “mẫu” của giáo viên, có dự giờ, đánh giá của đông đảo lực lượng thanh kiểm tra chuyên môn. Giờ dạy mà học sinh được tập dượt để trả lời như rô bốt, phát âm chữ K chuẩn tăm tắp như nhau, lần lượt 2 bạn đứng lên theo bàn, không bạn nào khác bạn nào… Điều ám ảnh, những gương mặt thơ ngây ấy, đều còn rất bé bỏng…

Theo baophapluat

Link