Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

Cậu bé 13 tuổi đạp xe 100 km về Hà Nội: Dũng cảm hay liều lĩnh? Ca ngợi hay cảnh tỉnh?

Hành trình của câu bé miền núi Quyết Chiến đã kết thúc có hậu. Nhưng hàng triệu phụ huynh có thể rút ra cho mình bài học, cả về sự yêu thương và cảnh tỉnh.

Năm 2012, chàng trai người Mông, Vừ Già Pó, chỉ cần sai 1 ly đã đi sai đến hơn 5.800 km, sống kiếp lưu lạc xứ người trong 2 năm, tưởng không có ngày về.

Định hướng sai, Pó băng qua cả dãy Himalaya đến tận bang Azad Kashmir (Pakistan). Chỉ có may mắn thần kỳ mới đưa một người không biết tí gì ngoại ngữ như anh, được trở về quê cũ.

Trong hai năm ấy, không chỉ có Vừ Già Pó là người đau khổ. Gia đình anh chắc cũng hết sạch hy vọng về người con biệt tích.

Dù vượt qua cả dãy Himalaya hùng vĩ, nhưng hành động ấy của Pó không chứng minh anh dũng cảm. Anh liều lĩnh và thiếu hiểu biết.

Trở lại chuyện của cậu bé 13 tuổi đạp 103 km xuống Hà Nội vì nhớ em.

Trẻ con các nước tiên tiến, ai cũng được dạy 7 kỹ năng sống thiết yếu: Học bơi, học cách sơ cứu, nhớ số điện thoại khẩn cấp, an toàn giao thông đường bộ, người lạ nguy hiểm, quy tắc đồ lót và đi xe đạp.

Hành trình của cậu bé 13 tuổi Quyết Chiến đã “phạm” tới 4/7 kỹ năng sống ấy (nhớ số điện thoại khẩn cấp, an toàn giao thông đường bộ, người lạ nguy hiểm và đi xe đạp).

Hành trình ấy, ngoài “nỗi nhớ em” trong vắt, có những gì?

Đó là những cung đường có tới 15 đèo dốc quanh co thăm thẳm mà Chiến chưa từng đi và đích đến cũng là một “Hà Nội không biết ở đâu”.

Đó là một cái túi chẳng có đồng tiền nào song hành cùng một chiếc dạ dày lép kẹp và con số 0 về kỹ năng tự cứu mình khi suýt ngất.

Xem thêm  1 bát mỳ hại đời 1 đứa trẻ: Câu chuyện cảnh tỉnh tất cả những người làm cha mẹ!

Đó là một chiếc xe không phanh (phải lấy dép làm phanh) cũng nguy hiểm không kém những người lạ nguy hiểm có thể gặp dọc đường…

Khi xã hội đang xảy ra rất nhiều điều vô cảm, câu chuyện của Quyết Chiến, đã khiến chúng ta xúc động. Về mặt tình cảm, chắc chắn đó là một bài hát tràn đầy tình yêu thương.

Nhưng xin khẳng định rằng, nếu ai coi đây câu chuyện về lòng dũng cảm, xin hãy nghĩ kỹ. Đây là việc làm liều lĩnh, thiếu hiểu biết và thiếu kỹ năng sống. Điều gì sẽ xảy ra nếu “nỗi nhớ em” biến thành “cơn ác mộng” bởi những bất trắc trên đường?

Nhưng xét cho cùng, Quyết Chiến không có lỗi khi thiếu kỹ năng sống. Hơn nữa, Chiến còn mắc một căn bệnh bẩm sinh có liên quan đến thần kinh, khiến đôi khi em ngất xỉu vì không được tỉnh táo – như lời kể của người mẹ.

Nếu một đứa trẻ hoàn toàn bình thường hành động như Chiến, thì chắc chắn thiếu sót thuộc về người lớn. Đó là thiếu sót của gia đình, nhà trường, khi chưa thể trang bị cho các em những kỹ năng sống tối thiểu, để tồn tại và bảo vệ mình.

Trong các chương trình thể thao mạo hiểm, nhiều tiết mục ảo thuật, thi Got Talent ở nước ngoài, người ta thường khuyến cáo rất rõ: Không được bắt chước dưới mọi hình thức.

Đã có những đứa trẻ bắt chước siêu nhân, bay từ tầng 2 xuống đất để lại nỗi ân hận cả đời cho những người còn sống. Khi các bậc bố mẹ không thấy lỗi tại mình, mà chỉ đổ lỗi cho siêu nhân, thì rất có thể những đứa con khác của họ, sẽ gặp những hiểm nguy tương tự.

Khi viết những bài báo ca ngợi những người mẹ nhẫn nhục chịu đựng chồng vũ phu, cờ bạc, rượu chè, nuôi con ăn học thành tài, phóng viên không biết rằng mình vô tình cổ súy cho sự bất bình đẳng giới, cho việc thỏa hiệp với tệ nạn, với cái xấu.

Xem thêm  Lá thư xúc động cô giáo gửi học trò: “Trừ một số ít người sinh ra với sứ mệnh làm vĩ nhân đổi thay thế giới, còn đa số chúng ta là những người bình thường. Hãy là người BÌNH THƯỜNG TỬ TẾ"

Khi lũ trẻ tung hô thần tượng Khá Bảnh, một dân xã hội xăm trổ đầy mình, chuyên phát ngôn bậy bạ, cha mẹ và thầy cô cần phải biết rùng mình. Nếu lũ trẻ hàng ngày được soi vào tấm gương mẫu mực, truyền cảm hứng của bố mẹ, thầy cô chúng thì thần tượng của chúng chắc chắn không phải là Khá Bảnh.

Dù một đứa trẻ đi được đến 103 km, thì hành trình phía trước của chúng còn dài và gian nan hơn rất nhiều chặng đường ấy, nếu muốn thành công.

Nhưng làm sao trở thành một người thành công nếu không biết đích đến thực sự của cuộc đời mình là gì, giống như không biết Hà Nội ở đâu, mà vẫn đi? Làm sao thành công, nếu ngay cả tính mạng của mình cũng lệ thuộc vào hoàn cảnh?

Vì vậy, hãy cứ ca ngợi tình cảm ruột thịt tuyệt vời của Quyết Chiến, nhưng chúng ta hãy biết giật mình và dạy con không nên bắt chước hành động liều lĩnh. Câu chuyện của một cậu bé miền núi có thể trở thành liều thuốc cho tất cả những ông bố bà mẹ chưa thực sự quan tâm đến việc trang bị kỹ năng sống cho con.

Mẹ của Quyết Chiến đã rơi nước mắt vì thương con, nhưng chị cũng nhận ra rằng: “đây cũng là bài học để hai vợ chồng biết cách quan tâm các con nhiều hơn”.

Hãy dạy con yêu thương nhưng đừng mù quáng, dạy dũng cảm nhưng đừng liều lĩnh, dạy bản lĩnh nhưng hãy biết sợ.

Con cái chính là của để dành quý giá nhất. Đừng để con bơ vơ, cô đơn, yếu ớt, mụ mị trên đường đời thăm thẳm. Chuẩn bị hành trang đầy đủ cho một đứa trẻ, không những giúp chúng làm chủ cuộc đời, mà còn là sự chuẩn bị tốt nhất cho hậu vận của mình.

Bùi Hải – Trí thức trẻ

Link

 

 

Comments are closed.