Không thể tưởng tượng được cuộc sống của chúng ta sẽ như thế nào nếu không có mẹ. Mẹ chính là món quà quý giá nhất mà tạo hóa ban tặng. Trên đời này, không có thứ gì đánh đổi được sự hy sinh và tình yêu thương lớn lao mà mẹ dành cho con.
Một thầy giáo trẻ đang giảng dạy tại trường tiểu học ở quê nhà. Hàng ngày đến lớp, thầy giáo vẫn đưa người mẹ già của mình theo. Khi thầy giảng bài cho học sinh thì mẹ già ngồi nghỉ ngơi tại một góc nhỏ trong lớp. Mặc dù lũ trẻ không có phàn nàn gì về sự xuất hiện của một người lạ trong lớp học, nhưng tất cả các phụ huynh thì khác… Họ cảm thấy việc thầy giáo đưa mẹ già đến trường phần nào ảnh hưởng đến việc học tập của những đứa trẻ.
Đa số các phụ huynh cho rằng, thầy giáo nên thuê người để chăm mẹ già tại nhà chứ không nên đưa mẹ cùng đến trường, để ảnh hưởng đến việc dạy học. Một số vị phụ huynh còn quả quyết, nếu thầy giáo tiếp tục đưa mẹ đến lớp, anh sẽ chuyển trường học khác cho con.
Ý kiến của phụ huynh khiến thầy hiệu trưởng đành phải góp ý với thầy giáo Prajak. Ông đề nghị thầy Prajak nên tìm cách giải quyết triệt để vấn đề và gợi ý sẽ giúp thầy Prajak tìm một người phù hợp để chăm sóc mẹ của anh. Tuy nhiên, câu trả lời của thầy giáo trẻ lại khiến thầy hiệu trưởng sững sờ: Cảm ơn thầy hiệu trưởng. Nhưng đây là mẹ em, em không muốn để người ngoài chăm sóc bà…”.
Khi 2 người trò chuyện thì người mẹ già của thầy Prajak đang ngồi chờ bên ngoài đã đi lạc đâu mất. Thầy giáo trẻ vô cùng lo lắng tìm kiếm mẹ ở khắp nơi. Trước tình huống đó, những em học sinh đang chuẩn bị ra về cùng cha mẹ không ai bảo ai đều lập tức quay lại lớp học, cùng thầy giáo của mình tìm bà ở khắp nơi. Sự sốt sắng của những đứa trẻ với một người già, thường xuyên xuất hiện ở lớp học đã khiến cho tất cả các vị phụ huynh nghẹn ngào.
Trong buổi họp phụ huynh, thầy hiệu trưởng nhắc đến vấn đề các phụ huynh phản ánh việc thầy giáo Prajak đưa mẹ đến lớp học, gây ảnh hưởng đến sự tập trung và hiệu quả học tập của các học sinh.
“Mẹ của thầy Prajak bị bệnh Alzheimer. Thầy thường xuyên đưa mẹ đến trường cùng mình. Vì vậy mới có buổi họp phụ huynh hôm nay. Tuy nhiên, thầy ấy đã nói với tôi, em chỉ có một mình mẹ. Và mẹ cũng chỉ có một mình em. Trước đây nhiều trường khác đã mời thầy Prajak về dạy, nhưng thầy đã từ chối hết. Thầy muốn dạy ở trường gần nhà để tiện chăm sóc cho mẹ. Có ai hỏi thì thầy nói rằng: Mẹ là người đã sinh ra mình mà.
Tôi biết rằng, mỗi vị ở đây đều có lý khi muốn những điều tốt nhất cho con mình. Vậy, nếu ai trong các vị cảm thấy thầy Prajak không nên dạy ở đây nữa, xin hãy ký tên vào bản danh sách này”, thầy hiệu trưởng nói.
Sau lời nói của thầy hiệu trưởng, tất cả các vị phụ huynh đều im lặng. Có lẽ, sẽ không ai trong số họ có thể phản đối việc một người con chăm sóc cho người mẹ của mình.
Các bạn có thấy hình bóng của chính mình trong câu chuyện trên hay không?
Bất kỳ ai trong chúng ta cũng có mẹ, và sẽ trở thành cha hoặc mẹ. Nhưng chỉ khi có con, chúng ta mới thấu hiểu được tấm lòng của một người mẹ. Sinh con ra trong bao nhiêu khó nhọc, vất vả nuôi con khôn lớn, những đứa trẻ là nguồn sống của người mẹ. Bất kỳ bà mẹ nào cũng luôn hết mình, hy sinh vì con.
Thế nhưng, những đứa con lớn khôn rồi cũng sẽ có một ngày rời vòng tay mẹ. Công việc, cuộc sống cuốn những đứa con đi xa nhà. Những bữa cơm quây quần của cả gia đình trong cả năm có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sự bận rộn khiến thời gian gọi một cuộc điện thoại cho cha mẹ cũng trở nên hiếm hoi.
Bạn đã bao giờ tính xem, năm nay bạn 30 tuổi, cha mẹ đã gần 60 tuổi, họ còn có thể ở bên bạn bao nhiêu lâu nữa, bạn có thể sống cùng cha mẹ bao nhiêu ngày nữa?
Chắc hẳn, bạn đã không ít lần nghe nói đến những bà mẹ từng còng lưng nuôi nấng đàn con, nhưng đến khi về già, những đứa con ấy lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, cuối cùng mẹ già là lủi thủi một mình chống chọi với cuộc sống, với tuổi già. Trong những trang cuối của tập truyện “Mẹ điên” (Nhiều tác giả – Trang Hạ tổng hợp lại), có một bài thơ khiến tôi càng đọc càng rơi nước mắt. Càng đọc, càng thấy mình cần phải biết yêu thương mẹ nhiều hơn.
Bài thơ “Thơ viết trên tường nhà dưỡng lão” được viết trên tường một viện dưỡng lão ở khu phố phía Tây đường Dân Quyền (Thành phố Đài Bắc – Đài Loan) có thể sẽ khiến rất nhiều người muốn chạy ngày về nhà, ôm lấy người mẹ kính yêu của mình mà khóc:
Con ơi ! Khi con còn thơ dại,
Mẹ đã mất rất nhiều thời gian
Mẹ dạy con cầm thìa, dùng đũa ăn cơm
Mẹ dạy con buộc dây giày, chải tóc, lau nước mũi
Những kỷ niệm về những năm tháng mẹ con mình sống bên nhau
Làm mẹ nhớ thương da diết
Vì thế, khi mẹ chóng quên, mẹ chậm lời
Con hãy cho mẹ chút thời gian, xin con chờ mẹ chút
Cho mẹ suy nghĩ thêm
Cho dù cuối cùng ngay cả định nói gì
Mẹ cũng quên…
Con ơi ! Con quên là mẹ con ta đã tập luyện hàng trăm lần
Con mới thuộc khúc đồng dao đầu đời?
Con nhớ không mỗi ngày mẹ đáp
Những câu ngây ngô, hàng trăm câu con hỏi từ đâu
Nên nếu mẹ lỡ kể lể nhiều lần những câu chuyện móm răng
Ngâm nga những khúc ru con thời con bé
Xin con tha thứ cho mẹ
Xin con cho mẹ chìm trong những hồi ức ấy nhé!
Xin con đáp lời mẹ kể những chuyện vụn vặt trong nhà!
Con ơi ! Giờ mẹ thường quên cài nút áo, xỏ dây giày,
Ăn cơm vãi đầy vạt áo
Chải đầu tay bần bật run
Đừng giục giã mẹ
Xin con nhẫn nại chút và dịu dàng thêm
Mẹ chỉ cần có con ở bên
Mẹ đủ ấm.
Con ơi! Bây giờ mẹ đi chân không vững, nhấc không nổi bước
Mẹ xin con nắm tay mẹ
Dìu mẹ, chậm thôi
Như năm đó….
Mẹ dìu con đi những bước đầu đời
Luật sư nói về vụ việc nữ sinh ném con: “Sự trượt dài về hành vi, thể hiện lối sống buông thả, dễ dãi của bộ phận giới trẻ”
Thu Hoài
Theo Thời đại