Thứ hai, Tháng mười hai 9
Shadow

Cha làm phần mềm học chữ tặng con

Từ món quà dành cho con vào tiểu học, phần mềm của thầy Đinh Công Ninh thu hút 25.000 thành viên gồm cả Việt kiều ở nước ngoài, trẻ khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số… vào học toán và tiếng Việt.

cha, làm phần mềm, học chữ, tặng con

Tám năm trôi qua, con trai lớn của thầy Ninh giờ đã học lớp 9 (bìa trái). Phần mềm học chữ, tính toán giờ đây được thầy Ninh hướng dẫn tiếp cho con trai đang học tiểu học của mình – Ảnh: NHƯ HÙNG

Tôi quyết định miễn phí toàn bộ chương trình để trẻ và phụ huynh dễ tiếp cận hơn. Nhiều cha mẹ bận rộn đã chọn website cho con học ghép vần. Trẻ gặp rắc rối với chương trình toán tiểu học cũng vào website thường xuyên để nâng cao kiến thức toán cho mình

Thầy Đinh Công Ninh

Một người cha đã làm phần mềm tặng con mình học những chữ cái, con số đầu đời. Tám năm trôi qua, phần mềm hiện có 25.000 thành viên gồm cả Việt kiều ở nước ngoài, trẻ khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số… vào học tiếng Việt và toán tiểu học.

Chuyện bắt đầu từ năm 2009. Khi con trai chuẩn bị vào lớp 1, thầy giáo dạy nghề tin học Đinh Công Ninh nung nấu suy nghĩ: “Trên mạng có rất nhiều chương trình, bài giảng, website dành cho học sinh THCS, THPT nhưng tiểu học thì chưa… Mình có thể làm một website học tập cho học sinh tiểu học được không?”.

Con học đến đâu, cha sẵn sàng đến đó

Nghĩ và quyết làm bằng được, coi như món quà đặc biệt mình làm tặng con, website học tập 360do.vn của thầy Đinh Công Ninh ra đời từ đó.

Thầy bắt đầu với những bài học về phép cộng trừ trong phạm vi 3, rồi đến cộng trừ phạm vi 5, phạm vi 10… Cứ ở trường con học đến đâu, ở nhà phần mềm của cha sẵn sàng đến đó.

Những con số và dấu cộng trừ sinh động sắc màu ở trang. Trẻ chỉ cần thao tác kéo chuột, thả những con số 1, 2, 3 vào vòng tròn kết quả rồi hào hứng với lời khen “giỏi lắm”, “đúng rồi”, “xuất sắc” khi kết quả đúng hoặc “sai rồi” lúc lỡ làm sai…

Rồi một phụ huynh có con học toán lớp 1 trên 360do.vn đã nhắn tin đặt hàng: “Tôi thấy việc kéo, thả các con số như thế cũng rất phù hợp với việc học ghép vần trong tiếng Việt lớp 1, sao thầy không làm?”.

Xem thêm  Cha là gì? Mẹ là gì? Bài viết sâu sắc thức tỉnh tất cả những người làm con!

Từ sự gợi ý đó, thầy Ninh nghĩ mình có thể viết chương trình ghép vần như một kiểu minh họa sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1. Chương trình này gồm bài học nhận biết chữ cái tiếng Việt và 34 trang thực hành. Mỗi trang chứa khoảng 20 từ để bé học ghép vần và luyện đọc một câu đơn.

Cứ như thế, hiện nay gần 350 bài giảng với 629 trang bài tập, 508 video bài giảng của website đã có trên YouTube. Nhiều phụ huynh nhận xét đó là một “kho tàng” bài giảng và bài thực hành toán tiểu học đầy đủ, sinh động.

Ở đó có những dòng tâm tư của học sinh lớp 4 bày tỏ những khó khăn em gặp phải với toán lớp 4; có thật nhiều lời chia sẻ, cảm ơn, góp ý, đặt hàng với tác giả…

Và thầy Đinh Công Ninh luôn giải đáp mọi thắc mắc của người học liên quan đến chương trình, kể cả việc hướng dẫn trẻ giải bài tập của thầy cô ở trường. Hiện tại vào tối thứ ba và thứ sáu hằng tuần lúc 20h, tác giả có chương trình Live Stream qua kênh YouTube dạy trực tiếp chương trình toán lớp 4 và lớp 5.

Đến website miễn phí cho cộng đồng

Tám năm đã qua, từ món quà tặng con, website không ngừng nâng cấp, bổ sung cả nội dung và hình thức thể hiện. Công sức viết phần mềm, nghiên cứu chương trình sách giáo khoa tiểu học, sưu tầm tài liệu làm nội dung… kể như không tính.

Để bài học hấp dẫn hơn, tác giả đã chi phí thêm cho các khoản lồng tiếng, thu âm hàng trăm bài học. Ban đầu tác giả thu phí 150.000-250.000 đồng/năm với mỗi tài khoản thành viên nhằm mục đích duy trì hoạt động và phát triển website.

Đến ngày 20-11-2013, trên website xuất hiện tài khoản thành viên tên Hoàng Phương Thảo có avatar rất lạ. Đó là ảnh của một nhóm trẻ em, phía sau có dòng chữ Trung tâm Huấn nghệ cô nhi Biên Hòa (Đồng Nai). Thành viên này đã đóng 250.000 đồng học phí.

Khi tác giả gửi email cho anh Tuấn Nguyễn, người đăng ký tài khoản cho Thảo, mới biết anh Tuấn là nhân viên phụ trách phòng máy tính của trung tâm. Thảo, khi ấy là học sinh lớp 2, một trong số những cô nhi ở đó. “Sao mình lại nhận tiền từ các em nhỏ này? Tôi đã hết sức xấu hổ!” – thầy Ninh bày tỏ.

Xem thêm  Đọc hai bức thư gửi mẹ của một tử tù và một CEO để thấy "yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" quả không sai

Từ đó, website miễn phí cho các thành viên ở trung tâm khuyết tật, bảo trợ xã hội, trẻ bị nhiễm chất độc da cam… Ngày kia, một chú thương binh có con nhiễm chất độc da cam ở tận Thái Bình đã gọi đến để đăng ký cho con học tiếng Việt, bé khuyết tật không thể đến trường và bố mẹ không muốn con mình mù chữ.

Thầy Ninh cũng kể ngày càng nhiều phụ huynh có IP từ Canada, Mỹ, Úc đăng ký cho con học. Đó là những Việt kiều tìm đến website với mong muốn con mình biết đọc tiếng Việt.

Đặc biệt hơn, tháng 3-2016, anh Nguyễn Hữu Phước – một người dân ở Q.9, TP.HCM – đã tìm đến tác giả Đinh Công Ninh. Đôi bên bắt tay nhau phát triển chương trình học toán cho học sinh nghèo người dân tộc Cơ Ho ở ấp 7, xã Phú Tân, Định Quán, Đồng Nai. Anh Phước sẵn có một phòng máy tính dạy miễn phí tin học ở đó, thầy Ninh hỗ trợ phần mềm toán 360do.

Anh Phước cho biết: “Chúng tôi đã nhờ các thanh thiếu niên địa phương hướng dẫn các em nhỏ học, chủ yếu cho các em rèn bài tập toán từ lớp 1 đến lớp 5. Có 22 trẻ theo học chương trình, hiện nay nghỉ hè cũng học. Nhiều em học toán tiến bộ hơn, được cô giáo ở trường 
ghi nhận”…

Giữ sự trong sáng của tiếng Việt trên Internet

“Tôi may mắn đăng ký được tên miền 360do.vn. Cũng có nhiều người hỏi mua lại nhưng tôi quyết định dành trọn cho việc học của các em.

Trên website này, các trò game bạo lực, những hình ảnh phản cảm, những thông tin không có lợi cho việc học của trẻ sẽ không có chỗ để xuất hiện. Những bình luận với lời lẽ thách đố, xỉ vả, thô tục sẽ bị cấm bình luận mãi mãi.

Có thể vì một lý do nào đó, chúng ta viết sai chính tả tiếng Việt thì cùng nhau bổ sung để hoàn thiện. Nhưng website yêu cầu bình luận bằng tiếng Việt có dấu. Tôi nghĩ chúng ta phải cùng nhau giữ gìn vẻ đẹp và sự trong sáng của tiếng Việt trên Internet” – tác giả Đinh Công Ninh chia sẻ.

Theo Tuổi Trẻ