Thứ năm, Tháng mười 17
Shadow

Cha mẹ không còn phải lo lắng việc con mình xem phải clip “bẩn” nữa nếu như biết cách dạy trẻ sử dụng mạng như người mẹ Việt này

Những ngày gần đây khi trên truyền thông xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực khi trẻ nhỏ sử dụng internet, điều này khiến nhiều bậc cha mẹ vô cùng lo lắng, nhiều người thậm chí còn muốn con mình bỏ hẳn việc sử dụng mạng.

Xem thêm  7 câu chuyện ngụ ngôn của Trung Hoa: Người lớn nên đọc, trẻ nhỏ lại càng nên nghe

Thế nhưng trái với quan điểm đấy, chị Linh Phan (32 tuổi, sinh sống tại Na Uy) lại có quan điểm ngược lại, chị cho biết: “Việc sử dụng thiết bị điện tử không xấu, không sớm thì muộn trẻ cũng sẽ tiếp xúc với nó. Nhưng dùng nó như thế nào thì phụ huynh cần có kiến thức cơ bản và hiểu biết đúng. Sự lạm dụng thiết bị di động là do bố mẹ chứ không phải do trẻ vì bố mẹ là hình mẫu mà”.

Chia sẻ về cách cho con mình là Ốc, 4 tuổi, sử dụng mạng và thiết bị điện tử như nào ở nhà, chị Linh chia sẻ: “Mình không cho bé xem Youtube Kids. Mỗi ngày con mình có 10 phút để xem youtube và bạn ấy thường xem nhạc kết hợp dạy chữ cái từ super simple song hoặc abc kids tv. Mình ngồi cạnh để xem cùng và giải thích cho bạn ấy”.

Khi mà mạng xã hội đang rầm rộ chuyện lợn Peppa bị biến tướng thành nhân vật bạo lực đẫm máu hay Youtube Kids xuất hiện những video có nội dung không lành mạnh, khiến nhiều trẻ bị ám ảnh khiến nhiều cha mẹ lo lắng không yên vì con cái ngày nào cũng xem Youtube và sử dụng thiết bị điện tử nhiều. Đứng trước vấn đề này, chị Linh cũng đã có bài viết chia sẻ quan điểm của mình về cách cho con nhỏ sử dụng thiết bị điện tử an toàn, hiệu quả.

Nguyên văn đoạn chia sẻ của chị Linh Phan:

“Mấy ngày nay thấy các phụ huynh xôn xao share nhau về một trò game kinh dị trá hình sau các phim hoạt hình nổi tiếng kiểu Peppa Pig. Các nhóm kín thì mọi người hỏi mình làm thế nào để hạn chế, hoặc con mình bị nghiện điện thoại rồi… Mình thấy câu nói “Mất bò mới lo làm chuồng” của các cụ đúng chẳng sai tí nào.

Thế giới mạng có lẽ tiềm ẩn nhiều thứ kinh khủng với trẻ hơn chỉ là những thứ ma quỷ kinh dị, đó là bạo lực, quấy rối, body shaming v.v. Trước khi cho con động tới điện thoại, phụ huynh có lẽ phải biết những tác động tiêu cực của nó tới con rồi chứ, vậy tại sao vẫn làm?

Trước khi chia sẻ những mẹo về việc sử dụng các thiết bị điện tử đối với trẻ dưới 3, mình sẽ chia sẻ về quan điểm của mình trước:

1. Mình không cấm con sử dụng thiết bị điện tử, bởi vì không sớm thì muộn, con cũng sẽ phải tiếp xúc và sử dụng nó.

2. Con được cho phép xem youtube 10 phút mỗi ngày, được dạy phải hỏi “Bố/mẹ cho con xem nhé” và chỉ khi được đồng ý mới xem. Nếu được đồng ý, đồng hồ bấm ngược 10 phút sẽ chạy, và khi nó báo hết giờ, con sẽ tự giác tắt đi và tự tìm trò chơi khác để chơi. Gần như chưa bao giờ Ốc phá vỡ quy tắc này.

trẻ nhỏ

Bé Ốc – con trai chị Phan Linh được mẹ cho xem youtube 10 phút mỗi ngày

Còn dưới đây là các nhận biết mà bố mẹ phải nằm lòng về việc sử dụng các thiết bị điện tử với con:

1. GIỚI HẠN THỜI GIAN CỐ ĐỊNH NGỒI TRƯỚC MÀN HÌNH để đảm bảo nhiều thời gian chơi trò chơi thế giới thực. Với trẻ từ 2-3 tuổi, 10 phút mỗi ngày là chấp nhận được. Trẻ học nhanh hơn và hiệu quả hơn bằng cách khám phá các đồ vật và tương tác với mọi người chơi.

2. GIỚI HẠN THỜI GIAN SỬ DỤNG THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ KHI Ở CÙNG CON. Giảm bớt phiền nhiễu và gián đoạn bằng cách tắt chuông, cất điện thoại đi khi trò chuyện hoặc chơi hoặc tương tác trực tiếp với con. Cố gắng sử dụng khi không có con ở đó, vì nếu không con chắc chắn sẽ tò mò và đòi hỏi.

3. TRÁNH BẬT RỒI ĐỂ ĐÓ. Tắt tivi khi trẻ đang chơi hoặc không có ai xem, nhất là trong các bữa ăn.

4. LOẠI BỎ THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ RA KHỎI PHÒNG NGỦ. Thời gian tiếp xúc với màn hình/ánh sáng xanh khiến trẻ khó ngủ. Thay vào đó là những câu chuyện, bài hát, âu yếm trước khi ngủ.

5. CHỌN CÁC LOẠI NỘI DUNG CHO TRẺ EM. Một số chương trình của pbskids.org hoặc sesame workshop, commonsensemedia.com là nguồn đáng tin cậy với chương trình chất lượng cao. Chương trình VN cho trẻ dưới 3 đáng tiếc mình không biết.

6. CHỌN CÁC CHƯƠNG TRÌNH GIÚP TRẺ TẬP TRUNG. Như tìm kiếm các ứng dụng, trò chơi và sách điện tử tập trung vào mục tiêu học tập. Tránh những app/game có tiếng chuông, huýt sáo, beat khiến con mất tập trung vào nội dung giáo dục.

7. GIÚP CON KẾT NỐI NHỮNG GÌ NHÌN THẤY TRÊN MÀN HÌNH VỚI NGOÀI ĐỜI THỰC. Nếu một trò chơi trên máy tính bảng cho phép con di chuyển 1 quả bóng bằng cách kéo ngón tay, hãy cho con trải nghiệm bóng lăn, ném và nảy bóng ngoài đời thực. Chỉ ra những thứ trẻ nhìn thấy trong hình như động vật, xe cộ với khi chúng ở ngoài đời.

8. SỬ DỤNG THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ ĐỂ GIÚP PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG NGÔN NGỮ. Đặt các câu hỏi. nói chuyện về các nhân vật trong trò chơi, mô tả những gì bạn nhìn thấy trên màn hình.

Với trẻ dưới 3, nếu cho con sử dụng thiết bị điện tử, thì bố mẹ sẽ làm gì? Câu trả lời là Putting parents in the Driver’s Seat, cho con ngồi lên đùi mình và bắt đầu xem cùng con. Ở bài sau, mình sẽ chia sẻ về việc chia sẻ xem, nghe, đọc cùng con trên các thiết bị điện tử như thế nào để mang tới trải nghiệm học tập hiệu quả tốt nhất với con.

Về câu hỏi làm thế nào khi con đã nghiện điện thoại và khóc lóc khủng khiếp khi không được sử dụng nữa, bố mẹ nên nhớ các nguyên tắc:

– Đặt ra giới hạn và siết chặt giới hạn với con mỗi ngày, ví dụ như giảm từ 1 tiếng xuống còn 45 phút, 40 phút, 30 phút… trong các ngày tiếp theo. Không thể nói cấm là cấm mà không có một sự chuẩn bị hay trò chuyện hợp lý nào.

– Tìm cho con những trò chơi offline khác, chơi cùng con hoặc mang con ra ngoài vào những thời gian mà trước đó con thường ngồi trước các thiết bị điện tử. Nếu bố mẹ nói mình không có thời gian thì có thể nhờ người thân, còn không nữa thì mình hết cách. Nếu muốn thì chẳng cần lí do, còn không muốn thì lí do nào cũng có.

– Kiên quyết, con có thể khóc lóc đập phá trong những ngày đầu tiên, hãy an ủi và trò chuyện thay vì quát mắng, dọa dẫm con.

– Bố mẹ chính là hình mẫu. Cấm con nhưng bản thân mình vẫn dính mắt vào điện thoại cả ngày, thậm chí lúc ăn uống trò chuyện với con thì cũng không có gì lạ nếu con mình không thể thay đổi”.

Nói về việc trên mạng tràn ngập thông tin nhiều trẻ em đã tự sát vì thử thách Momo và Youtube về sau tuyên bố đó là một trò lừa bịp, chị Phan Linh đã có lời nhắn nhủ với tất cả các phụ huynh rằng: “Trẻ không thể chỉ vì xem cái game đó một lần mà tự tử luôn được. Nó là một quá trình và trong một thời gian nhất định rồi mới dẫn tới sự việc đó. Nếu bố mẹ quan tâm đủ sẽ nhận ra các biểu hiện bất thường hoặc trò chuyện cùng con. Nhưng không có bằng chứng nào được tìm thấy cho rằng việc các bé chết có liên quan tới thử thách này. Tuy nhiên thì với mình đây là một lời cảnh tỉnh tốt cho các phụ huynh, những người lạm dụng việc cho con sử dụng thiết bị điện tử”.

Nhi Trần – Helino

Link