“Cút, ông cút đi. Ông làm cháu mất mặt quá!” – cô bé 8 tuổi đã quát mắng ông nội mình như vậy trước mặt mọi người.
Dao Dao năm nay lên 8. Kinh tế của gia đình cô bé ban đầu chỉ được coi là khấm khá nhưng nhờ vài năm trở lại đây, bố mẹ bé kinh doanh phát đạt nên gia đình họ dần trở nên giàu có. Cũng nhờ đó, Dao Dao được học ở trường tiểu học “con nhà giàu” trong thành phố.
Mỗi khi tan học, trước cổng trường Dao Dao học đều có rất nhiều ô tô của phụ huynh dừng đỗ đón họ con. Vì thời gian gần đây bố mẹ cô bé quá bận nên họ đã nhờ ông nội ở quê lên chăm sóc cho cháu gái
Khi Dao Dao và các bạn đang cười nói bước ra khỏi cổng trường, thấy ông nội mặc đồ quê mùa, cô bé lập tức xị mặt. Dao Dao đẩy ông nội đi và nói: “Cút, ông cút đi. Ông làm cháu mất mặt quá! Cháu không muốn nhìn thấy ông.”
Nói xong, cô bé chạy đi, leo lên xe của bạn học, cố ý bỏ mặc ông nội đang chạy theo. Sau một hồi gắng sức đuổi theo, ông của cô bé dừng lại về nhà lặng lẽ thu dọn đồ về quê.
Ảnh minh họa.
Về đến nhà, bố Dao Dao không biết đã xảy ra chuyện này. Chỉ khi hỏi con gái rõ ngọn nguồn, anh mới hiểu ra vấn đề. Cô bé thậm chí còn bồi thêm một câu: “Như thế mất mặt chết đi được.”
Nghe xong, anh chau mày vì thực ra bản thân anh và các anh chị em của mình đều gửi tiền sinh hoạt phí cho bố mình ở quê khá dư dật. Chỉ là bố họ quen sống chất phác, giản dị, chỉ thích mặc quần áo cũ nhưng con gái mình lại vì vậy mà chê bai ông.
Hôm sau, anh xin nghỉ và dẫn Dao Dao đến nhà hàng đồ ăn nhanh mà lâu rồi cô bé không được đến, vui vẻ gọi rất nhiều đồ ăn. Nhưng khi đồ ăn được đặt lên bàn, anh bát ngờ hất hết đồ ăn xuống đất.
Dao Dao sững sờ nhìn thấy mặt bố mình tối sầm. Người bố quát: “Con cút đi. Con không hiểu chuyện như thế, bố không cần con nữa.”
Dao Dao òa khóc nhào đến xin bố đừng bỏ mình.
Ban đầu bố cô bé ngồi yên tại chỗ lạnh lùng nhìn cô bé khiến cho khách trong nhà hàng đều nhìn về phía bàn của họ. Sau đó, đợi con gái khóc mệt lử, người bố mới dịu nét mặt, ôm con gái nói: “Bố chỉ đùa con thôi. Xung quanh có nhiều người thế, con có cảm thấy buồn tủi hay ấm ức không?”
Dao Dao mắt sưng mọng gật đầu, người bố nói: “Hôm qua ở trường, con đối xử với ông nội như thế, ông cũng buồn tủi và ấm ức.”
Lúc này Dao Dao mới hiểu ra hôm qua mình làm vậy là không đúng. Cô bé lại òa khóc trong lòng bố trước khi họ rời quán về nhà.
Vừa về đến nhà, cô bé lập tức gọi điện cho ông nội: “Ông nội ơi, cháu xin lỗi ông. Dao Dao sai rồi. Dao Dao đợi ông quay lại ạ.”
Cô bé thành khẩn nói, cố thêm một câu: “Sau này Dao Dao sẽ không tranh ti vi với ông nữa ạ.”
Trước khi cho thế hệ sau học tri thức, các bậc phụ huynh hãy dạy cho con học cách đối nhân xử thế. Ảnh minh họa.
Nhờ sự giáo dục “kịp thời” này, bố Dao Dao đã giúp con gái mình hiểu được cảm nhận của người khác, đồng thời cũng biết tôn trọng người lớn tuổi.
Nếu không uốn nắn quan niệm và suy nghĩ của con gái kịp thời, rất có thể sau này lớn lên tính cách của cô bé sẽ khó có thể tưởng tượng được.
Giáo dục trẻ nhỏ, một phần là ở trường, một phần là học phụ đạo, một phần là ở xã hội nhưng cơ bản nhất vẫn là sự giáo dục của gia đình. Trước khi cho thế hệ sau học tri thức, các bậc phụ huynh hãy dạy cho con học cách đối nhân xử thế.
Hồng ánh – Trí thức trẻ