“Có thể sẽ rất ít người đi theo con đường mà tôi đã chọn, nhưng nếu việc chia sẻ kinh nghiệm có thể giúp một vài người chiến thắng ung thư thì cũng đáng giá lắm”.
Giành giật sự sống
“Ung thư vú: 3 từ lạnh lùng đó đã khiến tôi có không biết bao nhiêu cảm xúc lẫn lộn: giận dữ, sợ hãi, căm ghét đến phẫn nộ.
Năm 1982, 47 tuổi, tôi vẫn thường xuyên chạy bộ, đã bỏ rượu, cai thuốc lá và không ăn thịt đỏ từ lâu. Tôi đã không tin vào tai mình khi nghe bị ung thư vú. Chắc hẳn phải có một sự nhầm lẫn ở đây.
Lí do tại sao? Thật không công bằng!”
Đó là những câu mở đầu trong cuốn sách A race for life của tiến sĩ triết học Ruth Heidrich, được xuất bản vào năm 2000. Trong cuốn sách này, bà đã ghi lại hành trình chiến đấu căn bệnh ung thư vú.
“Bệnh của tôi là một loại ung thư di căn khá nhanh nhưng lại diễn ra âm thầm. 3 năm sau khi phát hiện, khối u đã to như quả bóng đánh golf. Tôi biết vì tôi nhìn thấy nó. Còn tế bào ung thư đã lan đến xương và phổi.
Bác sĩ khuyên tôi nên phẫu thuật cắt bỏ cả toàn bộ phần ngực để có thể triệt tiêu các tế bào ung thư gốc”.
Trong sự tuyệt vọng, bà đã tình nguyện đăng ký tham gia một công trình nghiên cứu bệnh ung thư vú của bác sĩ John McDougall, với một chế độ ăn chay rất nghiêm ngặt.
Đó là chỉ ăn rau củ quả, không được ăn các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật.
Kèm theo đó là một cam kết không được thực hiện phương pháp điều trị hóa trị hay xạ trị bởi các bác sĩ muốn biết liệu một người chỉ ăn kiêng thì có thể chống lại căn bệnh ung thư được hay không.
Khi đó, mọi người thân trong gia đình, kể cả chồng bà đều nghĩ đây là một quyết định điên rồ, vì không ai tin chỉ ăn kiêng lại có thể chữa được ung thư. Họ coi đó là thông tin “rác rưởi”. Tuy nhiên, không ai có thể khuyên can bà.
Tiến sĩ Ruth quyết định đi theo con đường đã chọn.
Trong quá trình điều trị ung thư, bà tình cờ biết đến một sự kiện thể thao có tên “Cuộc thi ba môn phối hợp dành cho người có ý chí sắt thép”.
Bà rất hâm mộ những vận động viên trẻ tuổi chiến thắng qua quãng đường bơi gần 4 km, sau đó là đạp xe đạp hơn 180 km, rồi chạy marathon dài 42 km.
Bà Ruth tự an ủi rằng một phụ nữ gần 50 tuổi, lại mắc ung thư vú di căn sang xương và phổi, ước mơ được tham gia không bao giờ trở thành sự thật. Nhưng đó không phải là suy nghĩ tiêu cực mà là sự mách bảo của lý trí.
“Với chế độ ăn uống mới, tôi thấy mình khỏe hơn, nhẹ nhàng và nhanh nhẹn hơn. Thế là tôi quyết định luyện tập để tham gia cuộc thi”.
Bà tăng cường chạy bộ, bơi, đạp xe và thậm chí tập tạ. Các bác sĩ đều khuyên bà nên nghỉ ngơi vì những bài tập đó không tốt cho sức khỏe. Chạy bộ sẽ làm suy giảm hệ thống miễn dịch.
Đó cũng chính là lúc bà không còn nghe theo lời khuyên của bác sĩ.
Để có thêm kinh nghiệm cũng như rèn thêm sức khỏe, bà đã tham gia rất nhiều cuộc thi như “Cuộc đua tới mặt trời”, một cuộc đua dài gần 60 km, chạy lên đỉnh ngọn Haleakala cao 3.048 mét trên đảo Maui, Hawaii.
Có những lúc bà muốn bỏ cuộc giữa đường vì sức khỏe không cho phép. Nhưng ý chí đã giúp bà cán đích an toàn.
Sau một thời gian luyện tập, bà nhận ra mình ngày càng mạnh khỏe hơn, các nhóm cơ bắt đầu phát triển. Bà đã đi kiểm tra ung thư định kỳ.
Một lần nữa, bà Ruth lại không dám tin vào tai mình. Những đốm đỏ trên xương, dấu hiệu của ung thư di căn, giờ đã biến mất và khối u ở phổi vẫn giữ nguyên kích cỡ.
Kết quả này đã giúp bà tránh được những đợt hóa trị liệu và xạ trị đồng thời cho phép bà được tiếp tục tham gia cuộc nghiên cứu tính hiệu quả của chế độ ăn kiêng.
“Thứ duy nhất gợi nhớ lại căn bệnh ung thư vú đó là 2 vết mổ dài, đỏ tươi nằm trên ngực cùng với bộ ngực phẳng lì như ngực của đàn ông.
Tôi rất muốn có một cơ thể bình thường như trước kia. Thế là tôi quyết định đi giải phẫu thẩm mỹ để lại có được một cơ thể bình thường như bao người phụ nữ khác.
Hiện giờ trên cơ thể tôi chẳng còn một dấu vết nào của căn bệnh ung thư nữa. Tôi vẫn tiếp tục chế độ ăn kiêng tôi ăn rất ít chất béo trong vòng hơn 20 năm qua; tôi chưa bao giờ cảm thấy mình khỏe mạnh săn chắc như thế này”.
Tại thời điểm đó, mật độ xương của bà đã tăng lên, một điều thường được cho là “không thể xảy ra” ở độ tuổi 50-60.
Huyết áp là 90/60, nồng độ mỡ trong máu dưới 150, 15 % trọng lượng cơ thể là chất béo và lượng sắt trong máu đạt chỉ số an toàn.
“Từ khi ăn kiêng, tôi không ăn thịt hay các sản phẩm làm từ bơ và sữa. Mọi người nghĩ rằng tôi sẽ bị thiếu protein, canxi và sắt nhưng có lẽ tôi là một trường hợp hy hữu trong y học.
Có thể nói, chế độ ăn kiêng và sự luyện tập thể dục thường xuyên chưa phải là một giải pháp kỳ diệu cho tất cả bệnh nhân ung thư. Nhưng tôi nghĩ mình là một ví dụ điển hình cho việc dám thay đổi lại số phận từ chính quyết định của chính mình”
Vẫn tiếp tục tham gia các sự kiện thể thao và chế độ ăn chay nghiêm ngặt
Đến nay, ở độ tuổi 80, tiến sĩ Ruth đã tham gia 6 lần tham gia “Cuộc thi ba môn phối hợp dành cho người có ý chí sắt thép”, giành 8 huy chương vàng tại Thế vận hội Người cao tuổi Mỹ.
Bà cũng có mặt ở hơn 100 cuộc thi thể thao 3 môn phối hợp quy mô nhỏ khác, 67 cuộc thi chạy marathon và hàng trăm cuộc thi chạy ngắn khác.
Năm 1999, tiến sĩ Ruth được có tên trong danh sách “10 phụ nữ có thân hình cân đối nhất Mỹ” do Tạp chí Living Fit (Mỹ) bình chọn.
Tiến sĩ triết học Ruth Heidrich thường xuyên chia sẻ câu chuyện thay đổi lối sống để chiến thắng bệnh tật với mong muốn giúp thêm nhiều người có đủ sức mạnh để đánh bại ung thư và giành lại sự sống từ tay thần chết.
Sau cuốn sách A race for life, tiến sĩ Ruth còn xuất bản thêm 3 cuốn sách nữa là Lifelong Running, Senior Fitness và The CHEF Cook/Rawbook.
Câu chuyện về sự nỗ lực tập luyện và tính kỷ luật trong ăn uống của tiến sĩ Ruth Heidrich cũng được đưa vào cuốn sách Hạt giống tâm hồn: Tìm lại bình yên, đã được dịch sang tiếng Việt.
Chế độ ăn chay hàng ngày của Tiến sĩ Ruth được đăng trên trang web cá nhân
Bữa sáng
Một bát to các thực phẩm thô sống, bao gồm nhiều loại rau xanh như cải xoăn, phần đầu của rau xà lách romaine, rau mùi tây hoặc mùi thường… Tiếp đó là vài miếng xoài, chuối hoặc một chùm nho Globe và một lát gừng tươi.
Bà còn uống thêm một cốc 100% bột ca cao ngọt với cây cỏ ngọt.
“Bởi vì tôi ăn sáng sau khi tập thể dục nên bữa ăn này thường muộn và không ăn trưa”, bà Ruth cho biết.
Bữa nhẹ vào buổi tối
Rất nhiều rau xanh hữu cơ như 3-4 búp hoa súp lơ, rau cải xoăn, giá ủ bằng đậu xanh (tôi luôn trồng trong bồn rửa trong nhà bếp), bắp cải xanh hoặc tím, cà rốt, ớt chuông (xanh, đỏ hoặc vàng), cà chua nhiều, thi thoảng thêm một nhánh đinh hương hoặc 2 củ tỏi, gừng tươi thái nhỏ, khoai mỡ hoặc khoai lang.
Chế biến: Trộn rau cùng với nước sốt cay hữu cơ (nguội hoặc nóng) để tăng hương vị cho món ăn. Thêm một thìa mù tạt, một thìa bột cà ri (chủ yếu là nghệ và thì là), giấm balsamic và một ít hạt tiêu đen.
Tráng miệng
Chủ yếu là quả việt quất (tươi hoặc đông lạnh, phụ thuộc vào từng mùa). Có thể thay thế bằng một số loại trái cây khác như mận khô, dâu tây hay cherry. Có thể ăn kèm với một chút bột quế.
Món ăn nhẹ
Những khi đói quá, tôi thường ăn những gì có trong tay. Đó có thể là cà rốt, táo, nho, mơ khô, chà là, quả sung và buổi tối thì thường là bỏng ngô nổ theo cách air-popped rất lành lạnh.
Bổ sung hàng ngày: 1000 mcg B-12.
* Tổng hợp từ nhiều nguồn
Hoàng Hương, theo Trí Thức Trẻ, Soha