Chủ Nhật, Tháng mười hai 22
Shadow

Có nên để chồng theo vợ vào phòng sinh?

Khoa sản của nhiều bệnh viện khuyến khích các ông bố vào phòng sinh để chứng kiến khoảnh khắc đứa con chào đời và để thấu hiểu hơn sự vất vả của người phụ nữ.

Con chào đời là một trong những phút giây quan trọng của người phụ nữ nói riêng, của cả gia đình nói chung. Dân gian gọi đây là thời điểm “vượt cạn”, khi người phụ nữ đối diện với nhiều yếu tố bất trắc, bên cạnh nỗi đau đớn chuyển dạ. Trong thời điểm này, nhiều bà mẹ mong muốn chồng có thể đồng hành ở bên, hỗ trợ tinh thần cho mình.

Xu hướng để chồng vào sinh cùng vợ bắt đầu diễn ra ở các nước châu Âu khoảng 20 năm đổ lại đây. Ảnh minh họa: Bella Labor.

Thấu hiểu nỗi lòng các bà mẹ, lĩnh vực sản khoa hiện đại thường khuyến khích các ông bố tương lai vào phòng sinh với vợ, để thấu hiểu nỗi đau sinh con, từ đó biết chia sẻ với vợ. Tuy nhiên, không ít ông chồng sau khi vào phòng sinh với bà xã đã có dấu hiệu suy giảm ham muốn, mất hứng thú với vợ do “bị ám ảnh”.

Một phụ nữ Bắc Kinh chia sẻ với Sina, cô hối hận khi để chồng vào phòng sinh với mình. Hiện tại, con đã tròn 1 tuổi, nhưng chồng vẫn chưa đụng vào cô lấy một lần. Cô đi đến kết luận rằng chồng đã nhìn thấy “thứ không nên nhìn”, mới dẫn đến tâm lý như vậy: “Tôi cho rằng sinh con là một loại quyền riêng tư của phụ nữ, mà tốt nhất người chồng không nên can dự vào. Chưa kể những hình ảnh lần đầu nhìn thấy, người chồng có lẽ sẽ bị ám ảnh”.

Người mẹ này cho biết, sau khi sinh, cô phục hồi khá nhanh, nhưng chồng cô gần như mất cảm giác. “Khi tâm sự vợ chồng, anh ấy nói cảnh máu me ấy khiến anh vô cùng sợ, không ngờ máu lại ra nhiều thế. Anh ấy còn nói có đêm anh bị bóng đè, mơ thấy bao nhiêu là máu”.

Một người đàn ông khác, anh Lâm nói rằng vợ chồng anh ban đầu quyết định đồng hành trong phòng sinh. Tuy nhiên, việc bắt đầu chứng kiến vợ đau đớn làm anh hối hận: “Cứ nghĩ đến dáng vẻ đớn đau của cô ấy, tôi lại rùng mình và thấy xót xa”. Khi con trai chào đời, anh không có những cảm xúc mà mình mong đợi ban đầu, mà thay vào đó là tâm lý căng thẳng sau khi chứng kiến hành trình ra đời của em bé. Anh thừa nhận sau này từng phải đến bác sĩ tâm lý để được giúp đỡ.

Xem thêm  Thai nhi đạp rách tử cung mẹ, thò chân ra ngoài túi ối

Viện nhân chủng học Max Planck của Đức, qua nghiên cứu về sinh học hành vi đã đi đến kết luận, trong lịch sử, không có chủng tộc nào có truyền thống đàn ông vào phòng sinh cùng với phụ nữ. Xu hướng này đã bắt đầu diễn ra ở các nước châu Âu khoảng 20 năm trở lại đây, dần dần lan rộng ra. Đến hiện tại, Ở Đức, Pháp, Anh, các nước Bắc Âu, Mỹ và Canada, gần 90% ông bố đồng hành cùng vợ vượt qua nỗi đau khi sinh nở. Thậm chí tại Phần Lan, đây còn là một quy định. Mặc dù sự đồng hành của chồng đang dần trở nên phổ biến ở một số quốc gia, nhưng tại nhiều nơi như Australia hay châu Á, tập quán bản địa vẫn cho rằng đàn ông nên ở ngoài, các chị em phụ nữ sẽ đồng hành cùng người vợ.

Ảnh: Today Parent.

Ưu nhược điểm của việc cùng đồng hành với vợ trong phòng sinh là gì?

Khi cùng vợ vào phòng sinh, người chồng hiểu hơn về những khó khăn vợ phải trải qua, từ đó sẽ nâng cao tinh thần trách nhiệm chia sẻ công việc chăm sóc con cái với vợ, giúp sản phụ giảm bớt đau đớn sau giai đoạn “vượt cạn”. Cũng nhờ đó, tình cảm vợ chồng được thắt chặt.

Bên cạnh đó, việc đồng hành với vợ giúp người chồng, nhất là người lần đầu làm bố “nhập vai” nhanh chóng hơn, tâm lý làm chồng, làm cha cũng được khuyến khích. Người chồng cũng có thể chứng kiến khoảnh khắc đứa con – kết tinh tình yêu của mình và vợ chào đời.

Nhưng ở chiều ngược lại, chứng kiến khoảnh khắc nhạy cảm có thể khiến tinh thần, thể chất của nhiều ông bố bị ảnh hưởng. Nghiên cứu của một cơ quan chăm sóc sức khỏe tại Nhật Bản đã đưa ra kết quả khảo sát, cho thấy 50% phái nam trải qua các mức độ căng thẳng tâm lý khác nhau sau khi chứng kiến quá trình sinh nở của vợ. Cá biệt có trường hợp bị rối loạn cương dương.

Xem thêm  Chi tiền để cá cúng ông Táo không bị vợt

Một chuyên gia sản khoa người Anh sau 48 năm nghiên cứu về sản phụ khoa cho rằng việc chồng vào phòng sinh với vợ đôi khi là “một trào lưu” hơn là mang giá trị thiết thực. Chuyên gia giải thích lúc sinh nở, phụ nữ cần phải tập trung toàn lực để sinh con. Tuy nhiên, thái độ lo lắng, nghi ngờ, sợ hãi của người đàn ông bên cạnh có thể khiến họ bị phân tâm. Ông tin rằng mối quan hệ giữa các cặp đôi thường phụ thuộc vào cảm giác bí ẩn giữa hai người, nhưng khi những hình ảnh trần trụi được phơi bầy, cảm giác bí ẩn ấy có thể biến mất, phá hủy đời sống tình dục giữa hai vợ chồng. Thêm vào đó, nhiều ông chồng quá ít kiến thức về sinh đẻ, cảm thấy bực dọc khi vợ đau đớn đến la hét, nên không ít trường hợp vợ chưa kịp đẻ đã quay ra trách móc, cãi cọ nhau.

Thêm vào đó, người cha có thể mang theo vi khuẩn, vi trùng vào phòng sinh, trong khi trẻ vừa chào đời còn non yếu, có thể nhiễm khuẩn.

Cần chuẩn bị gì nếu có kế hoạch vào phòng sinh với vợ?

Nam giới cần có sự chuẩn bị tâm lý trước khi vào phòng sinh với bà xã. Nên đọc sách báo, tìm hiểu các kiến thức về quá trình vượt cạn. Ngoài ra, cần phải điều chỉnh tâm lý của bản thân để tránh bị “sốc”. Một bệnh viện ở Trung Quốc từng ghi nhận trường hợp ông chồng thấy vợ chảy nhiều máu quá đã lăn đùng ra ngất xỉu, khiến ê kíp đỡ đẻ phải nhanh chóng hỗ trợ đưa người đàn ông ra ngoài.

Trong trường hợp khác, thay vì người chồng vào phòng sinh với vợ, có thể nhờ mẹ đẻ, mẹ chồng vào phòng sinh cùng vợ, bởi đó là những người đã có kinh nghiệm vượt cạn, dễ giúp người vợ bình ổn tâm lý.

Thùy Linh (Theo Sina)