Thứ Năm, Tháng Tư 18
Shadow

Cuộc đời thăng trầm của cố Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee

Thành công của cố Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee không thể phủ nhận, nhưng cuộc đời sự nghiệp ông cũng có những “nốt trầm” khi vướng bê bối chính trị.

Con đường kế vị

Ông Lee Kun-hee, kiến ​​trúc sư của tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc, Samsung Group, nổi bật trong lĩnh vực kinh doanh, xã hội và thậm chí cả chính trị của Hàn Quốc kể từ khi nắm quyền lãnh đạo đế chế kinh doanh từ cha mình nhờ những cách tiếp cận và tầm nhìn kinh doanh khác biệt.

Ông Lee Kun-hee thừa kế vương miện Samsung vào năm 1987 ở tuổi 45 khi cha ông, Lee Byung-chull, người sáng lập Tập đoàn Samsung ngày nay, qua đời. Dưới sự lãnh đạo của ông, tập đoàn đã phát triển nhà sản xuất chip nhớ và điện thoại thông minh lớn nhất thế giới Samsung Electronics Co. và hàng chục chi nhánh khác nhau, từ Samsung Life Insurance Co. đến Samsung Heavy Industries Co.

Nhưng ngoài hình ảnh sáng bóng của “Đế chế Samsung”, như tập đoàn thường được gọi, mối thù gia đình đã bị phơi bày trước công chúng và các nhà phê bình không ngừng cáo buộc rằng đế chế này nhiều lần vi phạm pháp luật – theo Yonhap.

Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee trong một sự kiện tại Seoul, ngày 22.3.1988. Ảnh: Yonhap

Sinh ngày 9.1.1942 tại thành phố Daegu, miền đông nam Hàn Quốc, ông Lee Kun-hee là con trai út của ông Lee Byung-chull – người có 3 con trai và 5 con gái.

Ban đầu, ông Lee Kun-hee không phải là người kế vị dự kiến, mà là người anh cả Lee Maeng-hee, như thông lệ trong một xã hội Châu Á bị ảnh hưởng sâu sắc bởi Nho giáo.

Nhưng trong mắt cha, Maeng-hee không có đủ các kỹ năng cần thiết. Maeng-hee và người anh trai khác, Chang-hee, cả hai đều bị “thất sủng” sau một bản án hình sự về buôn lậu đường và một bản kiến ​​nghị lên văn phòng tổng thống – được cho là của hai người – cáo buộc cha họ trốn thuế và đưa tiền ra khỏi đất nước một cách bất hợp pháp.

Sau khi học kinh doanh tại Đại học Waseda của Nhật Bản và Đại học George Washington ở Mỹ, ông Lee Kun-hee bắt đầu đào tạo quản lý kinh doanh tại Tongyang Broadcast Co., một công ty liên kết của Samsung vào thời điểm đó.

Sự tham gia quản lý chính thức của ông bắt đầu vào năm 1978, khi ông được thăng chức làm Phó chủ tịch Tập đoàn Samsung, bước đầu tiên để chuẩn bị cho ngai vàng Samsung.

Xem thêm  Từ scandal chấn động của Seungri và Jung Joon Young: Quay lén đã trở thành một đại dịch tại Hàn Quốc

Năm 1993, ông Lee Kun-hee công bố triết lý kinh doanh thương hiệu đầu tiên của mình, “Sáng kiến ​​Quản lý Mới”, được Samsung áp dụng như một học thuyết cho đến nay. Câu nói nổi tiếng nhất từ ​​triết lý đó, được hình thành qua gần ba tháng họp với các CEO được triệu tập ở Châu Âu và Nhật Bản, là “Hãy thay đổi mọi thứ trừ vợ và con của bạn.”

Trước khi thông báo được công bố, ông Lee đã bị sốc bởi một đoạn băng ghi hình các công nhân đang tự tay sửa lại vỏ máy giặt bị lỗi bằng cách dùng dao cắt bỏ các cạnh.

Hai năm sau, ông Lee Kun-hee đốt 150.000 chiếc điện thoại không dây cho tất cả mọi người xem để gửi thông điệp rằng ông sẽ không dung thứ cho những sản phẩm lỗi.

Lee Kun-hee đã sắp xếp hợp lý cơ cấu tập đoàn để tập trung có chọn lọc vào các lĩnh vực chính. Ông đã tách Shinsegae Co., một bộ phận bán lẻ, vào năm 1991 và Cheiljedang, hiện được gọi là CJ Group, vào năm 1993.

Năm 2006, ông công bố “Sáng kiến ​​Quản lý Mach”, so sánh Samsung với một chiếc máy bay không chỉ phải thay đổi động cơ mà còn tất cả các vật liệu và hệ thống để có thể bay nhanh hơn tốc độ âm thanh. “Samsung cũng phải thay đổi cấu trúc và cốt lõi bên trong của mình để đưa tập đoàn lên vũ đài thế giới” – ông Lee nói.

Trong bức ảnh chụp ngày 21.4. 2011, Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee (thứ 3 từ trái), con trai Lee Jae-yong (thứ 2 từ trái), và các quan chức khác của công ty bước vào tòa nhà văn phòng Samsung Electronics ở Seoul. Ảnh: Yonhap

Thành công và thất bại

Các chiến lược đã được đền đáp. Samsung Electronics đã vượt qua Sony Corp của Nhật Bản trong lĩnh vực TV vào năm 2006 và Apple Inc. trong thị trường điện thoại thông minh vào năm 2012.

Nhưng thành công cũng đi kèm với thất bại. Ông nhảy vào lĩnh vực ô tô vào năm 1995 bằng cách thành lập Samsung Motors Co., nhưng việc kinh doanh ô tô gặp khó khăn và sáp nhập vào Renault Samsung Motor Co. sau khi nhà sản xuất ô tô Pháp mua 80,1% cổ phần của công ty.

Một cuộc khủng hoảng khác xảy ra vào năm 2007, khi một cựu cố vấn pháp lý cho Samsung tiết lộ sự thật rằng tập đoàn này điều hành các khoản tiền khổng lồ và sử dụng chúng để hối lộ những người có ảnh hưởng, bao gồm các chính trị gia, công tố viên và quan chức chính phủ, để họ lờ đi những hành vi phạm pháp của Samsung, bao gồm cả việc chuyển giao tài sản cho các thành viên trong gia đình.

Xem thêm  Đây là lý do vì sao tỷ phú Amazon say mê nhân tình như điếu đổ, chấp nhận đánh mất một nửa tài sản

Ông Lee Kun-hee từ bỏ mọi công việc quản lý vào tháng 4.2008 dưới áp lực ngày càng lớn của dư luận. Vào tháng 8.2009, ông bị kết tội trốn thuế và che giấu tài sản của mình trong tài khoản của các phụ tá. Ông Lee bị kết án 3 năm tù treo và nộp phạt 110 tỉ won (109 triệu USD). Ông cũng đã nộp 45,6 tỉ won (40,3 triệu USD) tiền thuế chưa nộp.

Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee (phải) bắt tay Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế lúc đó là Jacques Rogge tại một sự kiện ở Daegu, Hàn Quốc, ngày 28.8.2011. Ảnh: Yonhap

Tuy nhiên, nhà tài phiệt đã được Tổng thống Lee Myung-bak ân xá 4 tháng sau đó. Tổng thống cho biết đất nước cần nhà lãnh đạo Samsung giúp giành quyền đăng cai Thế vận hội mùa đông 2018. Lee Kun-hee là thành viên của Ủy ban Olympic Quốc tế từ năm 1996.

Hàn Quốc cuối cùng đã thắng và tổ chức thành công Thế vận hội mùa đông PyeongChang vào tháng 2.2018.

Lee Kun-hee được phục hồi làm Chủ tịch Samsung Electronics vào tháng 3.2010 theo yêu cầu của các CEO của tập đoàn, những người nói rằng họ rất cần kinh nghiệm và kỹ năng kinh doanh của ông để tồn tại trong cuộc khủng hoảng mà tập đoàn phải đối mặt.

Dòng sản phẩm điện thoại thông minh Galaxy của Samsung cũng được coi là một trong những dự án thành công nhất của Lee Kun-hee.

Ông Lee Kun-hee kết hôn với bà Hong Ra-hee, người có cha hai lần giữ chức Bộ trưởng Nội các vào năm 1966. Họ có một con trai và ba con gái. Cô con gái út tự tử năm 2005.

Ngôi vị Chủ tịch Samsung của ông Lee Kun-hee đã được trao cho con trai duy nhất của ông và con cả Lee Jae-yong, còn được biết đến là “Thái tử Samsung”.

Ông Lee Jae-yong đã và đang nỗ lực mở đường cho quyền thừa kế quyền quản lý của mình, bao gồm cả việc khởi động Samsung C&T Corp. với tư cách là công ty nắm giữ trên thực tế của tập đoàn.

Lee Jae-yong hiện là Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung nhưng được coi là nhà lãnh đạo trên thực tế của đế chế công nghệ kể từ khi cha ông nằm viện vì một cơn đau tim vào tháng 5.2014.

Trong khi đó, con gái lớn của ông Lee Kee-hun, Lee Boo-jin, điều hành khách sạn của Samsung, Hotel Shilla Co., trong khi con gái thứ hai của ông, Lee Seo-hyun, phụ trách Tổ chức phúc lợi Samsung.

Theo Laodong