Thứ sáu, Tháng mười một 15
Shadow

Cuộc sống như nô lệ của người nhập cư lậu vào Anh

Khi Li Hua trao 14.000 bảng cho một băng đảng “đầu rắn” buôn người chuyên nghiệp Trung Quốc, anh được hứa hẹn về cuộc sống “trong mơ” ở Anh.

Nhưng hành trình không dễ dàng, nó kéo dài tới hai năm và Li phải lao động như một nô lệ để trang trải chi phí cho quá trình này. “Hai năm di chuyển đầy cực nhọc trên đường, chúng tôi đi qua hàng trăm địa điểm xa lạ”, Li chia sẻ trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Sun. “Chúng tôi không được phép hỏi bất kỳ điều gì”.

Đặt chân tới Anh vào năm 2004, Li lập tức đối diện với sự thực nghiệt ngã. Anh ở trong một căn phòng tồi tàn, ngủ trên sàn bêtông cùng 25 người đàn ông khác, ngày ngày đi thu hoạch sò trên vịnh Morecambe, vùng Lancashire.

nhập cư

Một người đào sò ở vịnh Morecambe hồi năm 2004. Ảnh: BBC.

Chỉ một tuần sau khi Li bắt đầu công việc, thảm kịch đã xảy ra. Không một lời cảnh báo, anh cùng 23 “nô lệ” khác phải đấu tranh giành giật sự sống vì bị mắc kẹt dưới vịnh lúc thủy triều dâng. Li là người duy nhất sống sót.

Thảm kịch của các nô lệ đào sò ở Morecambe có nhiều nét tương đồng với vụ 39 nạn nhân, nghi là người nhập cư trái phép, bị chết trong thùng container ở hạt Essex hồi tuần trước.

Giống với Li Hua, các nạn nhân dường như cũng đã trả một số tiền lớn, lên tới 33.000 bảng (hơn 42.000 USD), để những băng đảng “đầu rắn” đưa họ vào Anh làm việc chui.

Li sinh ra và lớn lên tại một tỉnh nghèo ở miền nam Trung Quốc. Anh đặt chân tới Anh năm 26 tuổi. Và như nhiều lao động nhập cư Trung Quốc khác, anh phải oằn mình gồng gánh một khoản nợ khổng lồ vì giấc mơ đổi đời ở trời Âu.

“Ở làng, tôi bán rau để kiếm sống nhưng chỉ đủ ăn. Tôi muốn làm nhiều hơn cho gia đình”, Li nói.

Vì thế, khi những kẻ buôn người mời chào anh cơ hội đến Anh, anh lập tức nắm lấy, dù chi phí phải trả lên đến 14.000 bảng (gần 18.000 USD). Mẹ Li phải lấy ngôi nhà của gia đình ra cầm cố cho những kẻ buôn người.

“Tôi đã trả rất nhiều tiền và được hứa hẹn một công việc tốt hơn. Họ bảo tôi sẽ được sống ở một nơi thoải mái, tiện nghi”, anh nhớ lại.

Câu chuyện của Li Hua có thể xem là điển hình ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, nơi cộng đồng dân cư thường có xu hướng sẵn sàng bỏ toàn bộ tiền tiết kiệm để gửi những nam giới trẻ đi lao động ở châu Âu với hy vọng thu về một khoản tiền xứng đáng sau 3 đến 4 năm.

Xem thêm  Lễ đăng cơ của Quốc vương Thái Lan: Tắm "nước thiêng", đội trên đầu hơn 7kg vàng và những điều độc đáo khác

Nhờ trốn trong thùng xe tải, Li Hua tới Anh thành công. Anh sau đó được đưa đến London và bị bỏ lại đây không xu dính túi. Li cũng không biết nói tiếng Anh.

“Tôi bị ném xuống khu phố người Hoa ở London và không được phép hỏi bất cứ thứ gì”, anh cho hay. “Một người đàn ông tiếp cận và bảo tôi có một công việc ở Liverpool. Tôi chấp nhận, không chần chừ”.

“Khi đến nơi họ mới bảo tôi công việc là đi nhặt sò. Không ai trong chúng tôi từng làm công việc này trước đây nhưng tất cả chúng tôi đều cần công việc để tồn tại”, Li nói.

Thay vì có một cuộc sống dễ dàng như hứa hẹn, Li, hiện 42 tuổi, buộc phải làm việc 7 ngày mỗi tuần trong điều kiện lạnh giá với thù lao chỉ 10 bảng (gần 13 USD) một ngày.

nhập cư

Nơi ở tồi tàn của Li Hua cùng 25 người đàn ông khác. Ảnh: PA.

“Công việc rất vất vả, làm cả 7 ngày trong tuần. Bạn được giao cho một công cụ để đào, nhìn thấy sò thì dùng tay nhặt vào túi. Một người phải nhặt ít nhất 2 đến 3 túi mỗi ngày”, Li kể.

Nhóm của Li hàng ngày chỉ được ăn bánh mỳ và nước trắng, ngủ trên sàn bêtông lạnh buốt. Anh sợ những kẻ mafia buôn người đến nỗi chấp nhận làm cả tuần mà không có thù lao và với rất ít đồ ăn mà không dám phàn nàn nửa lời.

“Nơi ở bốc mùi và lạnh giá, không có máy sưởi”, Li kể. “Chúng tôi chỉ có bánh mỳ và trà hoặc nước lọc cho bữa sáng. 25 người chúng tôi ngủ chung một phòng, tất cả xếp hàng nằm cạnh nhau trên nền bêtông, mỗi người một chiếc chăn. Không có thứ gì sạch sẽ cả nhưng bạn chỉ cần một chỗ để nghỉ ngơi và ngủ mà thôi”.

“Mỗi ngày bạn sẽ phải làm việc đến kiệt quệ, không còn sức mà nấu nướng, ăn hay tắm. Chỉ ngủ thôi”, Li nói.

Những “nô lệ” như Li không được cung cấp các thiết bị an toàn, như áo phao. Họ còn không được cảnh báo về mối nguy hiểm của việc thủy triều lên xuống thất thường và hố cát sụt.

“Chúng tôi chỉ làm theo lệnh, không biết nguy hiểm là gì bởi không có lựa chọn nào khác ngoài tin vào ông chủ”, Li kể.

Xem thêm  Bên trong trại ẩn náu của người Việt chờ sang Anh

Vào một đêm đông rét buốt tháng 2/2004, Li cùng 23 người khác bị nhấn chìm dưới làn nước triều lạnh giá của vịnh Morecambe khi đang làm việc. Li bị những con sóng dữ quật lên xuống trong lúc anh cố bơi để sinh tồn.

“Ai cũng la hét, gào khóc và hoảng loạn. Tận mắt tôi thấy cảnh người ta chết đuối, chìm nghỉm dưới đáy biển và không bao giờ nổi lên nữa”, Li cho biết. “Tôi sợ hãi, hoảng hốt và bất lực. Tôi nghĩ chắc chắn mình sẽ chết. Nhưng bỗng nhiên, mọi thứ xung quanh tôi trở nên tĩnh lặng. Tôi không còn nghe thấy âm thanh gì, cũng không cảm nhận được chuyển động xung quanh, chỉ còn sự im lặng chết chóc bên cạnh tiếng sóng biển”.

“Toàn thân tôi tê dại, thậm chí còn không cảm thấy lạnh nữa khi nhận ra tất cả những người cạnh tôi ngày hôm ấy đã chết đuối cả”, anh nói.

Li sau đó được lực lượng bảo vệ bờ biển giải cứu và đưa về bờ. Anh nhìn thấy thi thể 23 công nhân đào sò nằm xếp hàng dài trên bãi biển. Quần áo họ bị sóng dữ lột sạch. Kết quả điều tra cho thấy ông chủ của Li kiếm khoảng một triệu bảng (gần 1,3 triệu USD) mỗi ngày từ mạng lưới “nô lệ” nhưng các nạn nhân chỉ được trả 10 bảng cho công sức mà họ bỏ ra.

Thậm chí sau thảm họa, Li bị các ông chủ đe dọa đến mức anh phải khai với cảnh sát rằng mình và cả nhóm đang đi dã ngoại thì bị thủy triều cuốn trôi. Các điều tra viên lập tức nhận ra anh quá sợ hãi nên không dám nói thật. Họ đưa anh vào chương trình bảo vệ nhân chứng.

Nhờ những bằng chứng mà Li cung cấp tại tòa, ông chủ của hệ thống “nô lệ thời hiện đại”, Lin Liang Ren, đã bị kết án tội danh ngộ sát, chứa chấp người nhập cư bất hợp pháp và cung cấp điều kiện lao động dưới tiêu chuẩn. Tên này bị kết án 14 năm tù.

Li giờ đây đã tạo dựng lại cuộc sống và có hai con. “Tôi muốn giành lại công lý cho những người đã chết”, anh nhấn mạnh. “Tất cả những gì tôi muốn chỉ là kiếm đủ tiền để sống qua ngày và được đối xử công bằng nhưng mọi thứ hắn ta (Lin Liang Ren) quan tâm chỉ là tiền”.

nhập cư

Lin Liang Ren, ông chủ của mạng lưới “nô lệ thời hiện đại” mà Li Hua là nạn nhân. Ảnh: PA.

Vũ Hoàng (Theo Sun) VNEXPRESS