Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

‘Đại hiệp’ Kim Dung ra đi với nụ cười trên môi

Phút cuối đời, nhà văn không thể nói năng, trút hơi thở khi lắng nghe người thân trò chuyện. 

‘Đại hiệp’ Kim Dung – sự nghiệp lẫy lừng, tình yêu sóng gió / Nhà văn Kim Dung qua đời

Kim Dung và con gái Tra Truyền Nột.

Trên trang cá nhân, nhà văn, nhà báo Đào Kiệt – cộng sự lâu năm của Kim Dung – tiết lộ tác giả mất vào khoảng 16h30 (giờ Hong Kong) ngày 30/10. “Lúc đó, ông ấy đang nghe người thân trò chuyện qua điện thoại. Cứ như thế, ông nhắm mắt, miệng còn vương nụ cười”, Đào Kiệt chia sẻ.

Đào Kiệt (trái) đăng ảnh chụp cùng Kim Dung.

Tuần trước, Đào Kiệt thăm Kim Dung ở bệnh viện. Ông dùng tiếng địa phương Thượng Hải kể cho bạn nghe tình hình thời sự thế giới. “Lúc đó mắt Kim Dung vẫn sáng. Ông nắm tay tôi, tôi nói cho ông hôm nay ngày nào tháng nào, Trung Quốc và Mỹ xảy ra chuyện gì. Kim Dung chăm chú lắng nghe như một đứa trẻ ngây thơ”. Hôm 29/10, Đào Kiệt đến bệnh viện nhưng nhà văn đang ngủ. “Sắc mặt ông vẫn tốt, tôi đã nghĩ ông còn có thể sống thêm vài tuần”, Đào Kiệt viết.

Theo Mingpao, những năm gần đây Kim Dung không thể nói năng. Tờ này ví ông như những nhân vật chính trong các tiểu thuyết của mình: “tung hoành một thời, lặng lẽ ẩn quy”. Kim Dung phải ngồi xe lăn, hiếm khi ra ngoài, ít gặp gỡ bạn bè. Khi còn minh mẫn, ông đọc sách, chơi cờ nhưng thời gian sau trí tuệ giảm sút. Trên Appledaily, một nguồn tin cho biết nhiều lúc Kim Dung không nhận ra ai ngoài vợ – Lâm Nhạc Di. Khi nhà văn Lâm Yến Ni – đàn em thân thiết của ông – qua đời hồi tháng 6, Kim Dung gửi vòng hoa song không thể đến viếng vì sức khỏe không cho phép.

Theo QQ, gia đình Kim Dung muốn cử hành tang lễ riêng tư, quy mô nhỏ, sau đó sẽ tổ chức lễ tưởng nhớ dành cho những độc giả yêu mến ông. Nhà văn có ba người con là Tra Truyền Thi, Tra Truyền Thích và Tra Truyền Nột. Con gái út Truyền Nột là họa sĩ. Cô từng tiết lộ sống ở Hong Kong để tiện chăm sóc bố. Chị cả Truyền Thi định cư ở Canada, có ba người con trong khi con trai thứ Tra Truyền Thích sống ở Thâm Quyến, làm trong lĩnh vực ẩm thực.

Xem thêm  "Lệnh Hồ Xung" lừng lẫy: Từ chối yêu nữ đại gia, bị trả thù khiến cả đời không thể có con

Tra Truyền Nột cho hay Kim Dung không phản đối khi cả ba đều không theo nghiệp văn chương. Nhà văn nhiều lần nói tự hào về các con, dặn con làm điều mình muốn chứ không nên bắt chước ông. “Nhà họ Tra không cần có thêm một tiểu thuyết gia. Cũng như nhiều người, tôi vô cùng ngưỡng mộ tác giả Kim Dung. Khác ở chỗ, tôi vui vẻ làm cô gái bé bỏng dưới nách của đại hiệp”, Tra Truyền Nột nói trên HSB.

Họa sĩ cho biết cha cô không thích để người khác viết tự truyện cho mình, vì các cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp chính là cuộc đời nhà văn. Mỗi tiểu thuyết ông xuất bản đều thể hiện trải nghiệm cuộc đời cùng tư tưởng của Kim Dung.

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga – trưởng đặc khu hành chính Hong Kong – chia buồn với gia đình Kim Dung đồng thời ca ngợi ông học vấn uyên bác, khẳng định Kim Dung có cống hiến to lớn đối với văn hóa Trung Hoa.

Các mốc quan trọng trong sự nghiệp Kim Dung

– 1924: Sinh ra ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, tên là Tra Lương Dung.

– 1932: Đọc cuốn tiểu thuyết võ hiệp đầu tiên: Hoang giang nữ hiệp (tác giả Cố Minh Đạo), từ đó say mê thế giới võ hiệp.

– 1946: Học Luật tại Đại học Đông Ngô, Thượng Hải. Sau đó làm phiên dịch cho tờ Đại Công Báo ở Thượng Hải.

– 1948: Tới Hong Kong làm phiên dịch.

– 1952: Làm biên tập viên của tờ Tân Vãn Báo, viết phê bình điện ảnh với bút danh Lâm Hoan, Diêu Phức Lan. Ông đồng thời viết kịch bản phim.

– 1955: Sáng tác tiểu thuyết võ hiệp đầu tiên: Thư kiếm ân cừu lục, với bút danh Kim Dung.

Xem thêm  Cuộc đời đẫm bi kịch của tác gia võ hiệp Kim Dung: Vợ phản bội, con trai tự sát ở tuổi 19

– 1957: Làm biên kịch ở công ty phim Trường Thành, sáng tác Anh hùng xạ điêu.

– 1958: Đồng đạo diễn phim Hữu nữ hoài xuân.

– 1959: Sáng lập tờ Minh Báo, đăng dài kỳ truyện Thần điêu hiệp lữ trên tờ này đồng thời đăng truyện Tuyết sơn phi hồ.

– 1960: Viết truyện Phi hồ ngoại truyện.

– 1961: Đăng Ỷ Thiên Đồ Long KýUyên ương đaoBạch mã khiếu tây phongtrên tờ Minh Báo.

– 1963: Viết Liên thành quyết đồng thời đăng Thiên Long Bát Bộ trên Minh Báo.

– 1965: Thành lập Nguyệt san Minh Báo, công bố tiểu thuyết Hiệp khách hành.

– 1967: Phát hành báo Tân Minh Nhật Báo tại Malaysia và Singapore, công bố tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ.

– 1972: Đăng trọn tiểu thuyết Lộc Đỉnh Ký, tuyên bố ngừng sáng tác tiểu thuyết võ hiệp.

– 1973: Thăm Đài Loan với tư cách nhà báo, được Tưởng Kinh Quốc (con trai Tưởng Giới Thạch, Thủ tướng Trung Hoa Dân Quốc từ năm 1972 – 1978) tiếp đón.

– 1979: Nhà xuất bản của Đài Loan phát hành tuyển tập tiểu thuyết Kim Dung.

– 1980: Tiểu thuyết xuất bản ở Trung Quốc đại lục.

– 1981: Cùng vợ con thăm Trung Quốc, hội kiến lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình.

– 1985: Làm Ủy viên Ủy ban soạn thảo luật cơ bản đặc khu hành chính Hong Kong.

– 1987: Làm giáo sư danh dự Đại học Hong Kong.

– 1989: Thôi chức Ủy viên Ủy ban soạn thảo luật, thôi chức Tổng biên tập tờ Minh Báo.

– 1993: Thăm Bắc Kinh, hội kiến Tổng bí thư Trung Quốc Giang Trạch Dân.

– 1994: Nghỉ hưu.

– 1996: Tiểu thuyết bắt đầu được dịch và phát hành ở Nhật Bản. Trở thành Viện sĩ danh dự hai viện của Đại học Cambridge (Anh).

– 2018: Qua đời ở Hong Kong, hưởng thọ 94 tuổi.

Như Anh – Theo VNE

Link gốc