Không còn là bản hợp đồng du học sang Nhật Bản như hai năm trước, hôm nay Công Phượng đã đường đường chính chính đến giải đấu cao nhất của Hàn Quốc.
Công Phượng đã trở thành cầu thủ thứ 3 của Việt Nam xuất ngoại trong năm 2019, sau Văn Lâm và Xuân Trường, nhưng có thể vị trí và vai trò của Công Phượng còn cao hơn thế. Phượng sẽ không chỉ đến Incheon United để phục hận chuyến xuất ngoại thảm họa năm nào (đến Mito Hollyhock, Nhật Bản), mà còn mang gánh nặng của người mở đường.
Huyền thoại về Hidetoshi Nakata và Park Ji-sung
Hidetoshi Nakata là huyền thoại một thời của bóng đá Nhật Bản, một cầu thủ nổi tiếng từng sống trong giai đoạn Serie A xưng hùng xưng bá ở cuối thập niên 90 thế kỷ XX vắt qua đầu thế kỷ XXI, và khoác áo của 3 trong “7 chị em” lẫy lừng Italia là AS Roma, AC Parma và Fiorentina.
Park Ji-sung thì thi đấu cho Manchester United trong 7 mùa bóng, giành 4 danh hiệu Premier League, 3 League Cup, 1 UEFA Champions League và 1 Club World Cup, trở thành cầu thủ châu Á thành công nhất lịch sử.
Trước khi Nakata đến Italia, và Park Ji-sung thành công ở một CLB lớn tại châu Âu, bóng đá châu Á đã có Cha Bum Kun, Yasuhiko Okudera ở thập niên 70 thi đấu tại Bundesliga, hay xa xôi hơn là Paulino Alcantara, huyền thoại người Philippines thi đấu cho Barcelona ở giai đoạn trước và sau thế chiến thứ nhất.
Thế nhưng, không ai trong số 3 con người ấy tạo ra được ảnh hưởng và gây dựng được cách mạng như Nakata và Park Ji-sung.
Đầu tiên và quan trọng nhất, hai cầu thủ ấy đã thay đổi tư duy của người châu Âu về cầu thủ châu Á. Park Ji-sung đã chứng minh cho thế giới châu Âu thấy một cầu thủ châu Á có thể trở thành cầu thủ trụ cột cho một CLB vĩ đại như Manchester United, có thể đá chính trong trận chung kết Champions League, và có thể giành được những danh hiệu lớn lao nào.
Bây giờ, những hình ảnh như Park Ji-sung đã trở nên rất nhiều. Cuối tuần trước, khi Tottenham đả bại Leicester City với tỉ số 3-1, người hâm mộ chứng kiến bàn thắng nâng tỉ số lên 3-1 của Tottenham là một kịch bản mà 20 năm trước ngỡ như không bao giờ có thể tồn tại. Đó là cảnh J.Evans – một cầu thủ châu Âu, lại chậm chạp, vật vã chạy phía sau lưng Son Heung-min – một cầu thủ châu Á đang bứt tốc như xé gió, rồi sút tung lưới K.Schemeichel.
Nakata thậm chí còn đem đến một điều lớn lao hơn cho bóng đá Nhật Bản nói riêng và bóng đá châu Á nói chung. Đó không chỉ ở trên sân cỏ, mà còn ở tính thương mại bên ngoài sân cỏ. Huyền thoại Nhật Bản được gọi là “David Beckham châu Á”, anh sở hữu khối tài sản khổng lồ nhờ kinh doanh và sở hữu khuôn mặt hút hồn người, trở thành đại diện của Nike, Canon, hay Coca-Cola. Nhìn Nakata, người ta có thể hiểu được bóng đá châu Á có thể đi đến đâu, và làm được những gì.
Từ đó về sau, các cầu thủ châu Á tại châu Âu được mặc định ở hai điểm quan trọng: trình độ khá, giá rẻ, nhưng thu được nguồn quảng cáo lớn từ một thị trường khổng lồ là quê hương của những cầu thủ ấy.
Nếu trước Nakata và Park Ji-sung, cầu thủ châu Á ở châu Âu lơ thơ vài người, thì sau họ, làn sóng cầu thủ châu Á thi đấu ở châu Âu chính thức tràn ngập. Ví dụ như trận tứ kết giữa Việt Nam và Nhật Bản tại Asian Cup vừa rồi, Nhật sử dụng một đội hình ra sân với 100% cầu thủ thi đấu ở châu Âu. Tất cả sẽ không có được nếu không có sự tiên phong của Nakata.
Nếu bóng đá phân ra những cấp độ, và chiếu theo tính chất tương đồng, thì có thể nói rằng bóng đá Đông Nam Á trong những năm qua đã và đang đóng vai trò của “bóng đá châu Á” trong lòng một “bóng đá châu Âu” là hai giải K-League và J-League. Các cầu thủ của Thái Lan, Việt Nam đang thực hiện các bước đi chinh phục “châu Âu” của riêng mình.
Nguyễn Công Phượng chính là Nakata, là Park Ji-sung của Việt Nam
5 ngày trước, có một thông tin liên quan đến HLV Park Hang-seo khi ông đang ăn Tết tại quê nhà, đấy là việc quận Sancheong, thuộc tỉnh Gyeongsang đã bổ nhiệm HLV Park Hang-seo làm đại sứ của quận.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc bổ nhiệm ông làm Đại sứ để quảng bá các sản phẩm nông sản của đất nước này. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gọi HLV Park Hang-seo là thành tựu lớn nhất của ngoại giao giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc. Đi cùng với đó là tỉ lệ xem đài của người dân Hàn Quốc trong các trận đấu của Việt Nam tăng vọt.
Đội tuyển quốc gia Việt Nam trở thành mối quan tâm mới của người dân xứ Hàn. Từng đó thông tin để ta biết rằng vấn đề của con người giữa Việt Nam – Hàn Quốc bây giờ đã không chỉ gói gọn trong một trái bóng.
Vậy thì, điều gì sẽ xảy ra nếu cầu thủ được yêu mến nhất của Việt Nam thi đấu tại Hàn Quốc? Đấy sẽ là một bản hợp đồng xứng đáng từng xu mà người Hàn Quốc tìm kiếm, vì được cả hai nước quan tâm.
Hai năm trước, Xuân Trường đã đến nơi này nhưng khi đó Việt Nam chưa có HLV Park Hang-seo, và những kỳ công chưa xuất hiện, để khiến người Hàn Quốc chú ý đến bóng đá Việt Nam. Ngoài ra, khác với Xuân Trường chỉ là “du học trẻ” thì Công Phượng đã khẳng định được bản lĩnh thi đấu, trình độ chuyên môn tại giải đấu hàng đầu châu lục, Asian Cup 2019.
Tức là, chúng ta đang nói tới một cầu thủ đúng với tiêu chuẩn Park Ji-sung, Nakata ở Châu Âu năm xưa: trình độ khá, đủ khả năng đá chính trên 50% số trận, giá rẻ, nhưng tính thương mại cao, và cả tính ngoại giao cũng rất cao.
HLV Jorn Andersen của Incheon United trả lời báo chí rằng họ “Chọn Công Phượng vì chuyên môn, không phải là để làm thương mại.” Câu nói này có lẽ chỉ mang tính lịch sự dành cho một đất nước sở hữu nhiều người rất giàu lòng tự trọng (hoặc có thể là tự ái tùy góc nhìn của bạn) như Việt Nam.
Tuy nhiên “thép đã tôi” khá lâu để cá nhân Công Phượng hay người hâm mộ Việt Nam không bận tâm nhiều đến chúng. Điều mà cả Công Phượng và những người có tầm nhìn với bóng đá nước nhà nghĩ đến lúc này là hai chữ “cơ hội”.
Thương mại cũng được, chuyên môn cũng được, điều quan trọng nhất chính là sự mở đường trên đất Hàn, qua đó làm được những việc mà năm xưa Nakata, Park Ji-sung đã làm để “cõng” Nhật – Hàn đến với thế giới.
Việt Nam chưa vội mơ thế giới, cứ mơ châu lục trước cái đã.
Theo Dũng Phan/Trí thức trẻ- Soha