Chủ Nhật, Tháng mười hai 29
Shadow

“Dùng nghèo để nuôi con trai, dùng giàu để nuôi con gái”: Ở Việt Nam thì ngược lại, con trai được nuông chiều nên lười biếng, yếu kém, phụ thuộc vào bố mẹ

Cái khó chính là để con gái bạn được lớn lên như một cái cây mọc ở vùng đất phù sa ven sông màu mỡ còn con trai bạn lại như một cây cổ thụ bén rễ đâm sâu vào sỏi đá vươn cành trên núi cao.

Tôi đã làm mẹ được 4 năm. 4 năm nuôi nấng dạy dỗ một bé gái. Trong 4 năm đó có 2 năm (và hiện tại) đồng thời nuôi dưỡng và dạy dỗ một bé trai. 

Chắc đọc tới đây sẽ có nhiều người cười nhẹ bởi 4 năm quá ít ỏi, chưa đủ để một bà mẹ lên tiếng chia sẻ điều gì đó về cái gọi là kinh nghiệm nuôi dạy con. 

Nhưng, với bản thân tôi, 4 năm đã mang lại cho tôi rất nhiều trải nghiệm. 

Những trải nghiệm đủ để tôi nhìn lại bản thân khi còn bé, quá trình tôi lớn lên trong sự dạy dỗ của mẹ, những tác động của hoàn cảnh gia đình đối với sự phát triển trong tâm sinh lý của một con người và đặc biệt là đối với một cô gái.

Tại sao lại phải nói cụ thể “một cô gái”? Bởi vì, nếu tôi là con trai, chắc chắn sẽ là rất khác biệt. 

Cùng một nền giáo dục trong một gia đình, cùng một hoàn cảnh nghèo khó hoặc giàu có nhưng nếu bạn có hai hoặc nhiều đứa con với giới tính khác nhau, chúng sẽ có những bước trưởng thành với kết quả khác nhau và có thể chệch hướng so với kỳ vọng của bạn.

Tôi đã từng dành thời gian nhìn ngắm, phân tích, ngẫm nghĩ về những người bạn xung quanh mình. Con trai có, con gái có. Thật trùng hợp khi hầu hết bọn họ đều là con nhà khá giả.

Sự khác biệt giữa một cô gái con nhà giàu và một chàng trai con nhà giàu là gì? Chúng ta sẽ phân tích kỹ một chút. 

Cô gái con nhà giàu lớn lên trong “nền giáo dục tốt” thường sẽ là những cô gái rất tự trọng và kiêu sa. 

Cô ấy không những không bị mặc cảm mà còn luôn tự hào về gia đình mình, tự tin và chủ động khi yêu, tự cho mình quyền được lựa chọn với những đối tượng mà cô ấy cảm thấy tương xứng.

Đối với một cô gái thì gia đình chính là nền móng của cuộc đời. 

Nếu nền móng đó vững chắc (ví dụ: có bố mẹ hạnh phúc, gia cảnh khá giả, từ tấm bé luôn được sống trong sự đầy đủ và sung túc – không có nghĩa là dư dả hay quá phung phí) thì cuộc đời về sau của cô ấy khả năng cao cũng sẽ tìm được một ý trung nhân, một công việc tốt và có một cuộc sống đủ đầy, viên mãn. 

Tại sao vậy? Bởi vì họ không bị cái nghèo làm cho ám ảnh để trở nên thèm khát sự giàu có. Đủ sự bình tâm để nhìn nhận và chọn lựa một nửa hoàn hảo dành cho mình.

Thời học sinh, tôi chơi cùng một đám bạn. Một lần nọ, khi đang ngồi tám chuyện trong giờ lao động dưới gốc cây phượng ở sân trường thì bất ngờ một hot boy đi qua. 

Anh bạn này là con nhà giàu, dù mới là học sinh cấp 3 nhưng đã đi xe Spacy, dùng đồ hiệu. Phản ứng của chúng tôi rất khác nhau. Một nửa đám thì gào thét lên. 

Một số rất bình thản. Còn tôi thì dù mê lắm nhưng chỉ giữ yên lặng. Đám gào thét ấy đều là con nhà nghèo nhưng vô tư. Đám bình thản là tụi con gái nhà giàu. 

Còn tôi là một cô bé nhà nghèo nhưng biết rõ mình đang đứng ở đâu và luôn mang trong mình nỗi mặc cảm nên luôn luôn che giấu đi cảm xúc thật của mình.

Một sự việc rất nhỏ nhưng liệu các bạn nhìn vào đó và có nhận ra điều gì đó không? 

Đám bạn con nhà nghèo nhưng vô tư kia thường là người đã CHẤP NHẬN cái nghèo và sau này đúng là đều không đi đâu xa quê hương, luẩn quẩn sống bằng nghề làm ruộng, ruộng bán rồi đi làm công nhân, xuất khẩu lao động. 

Đám con nhà giàu hiện tại đều đã lập gia đình với những người đàn ông tương xứng. Còn tôi, tôi chính là mẫu người thừa nhận mình nghèo khó nhưng luôn không bao giờ chấp nhận cái nghèo.

Tôi thừa nhận rằng, chính sự khó khăn trong hoàn cảnh sống đã cho tôi một ý chí rất cao, tinh thần mạnh mẽ nhưng cũng phải nói trắng ra, chính cái nghèo đã khiến tôi luôn bị hấp dẫn bởi sự sang trọng, tiền bạc, vẻ hào nhoáng. 

Chính sự tan vỡ của bố mẹ và lòng thù hận của họ đã tạo nên trong sâu thẳm tâm hồn tôi một khoảng trống tinh thần khiến nó luôn bất ổn và chống chếnh, luôn cảm thấy cô độc dù đứng giữa hàng trăm nghìn người…

Đó chính là điểm yếu của rất nhiều những cô gái sinh ra từ cái nghèo và rơi vào hoàn cảnh gia đình ly tán như tôi. 

Ai đó đọc bài viết này, cũng có một tuổi thơ nghèo khổ, có dám thừa nhận rằng: bản thân từng thực sự bị xuyến xao trước một người đàn ông giàu, đi xe đẹp, ở nhà đẹp hay không? “ĐÃ TỪNG” thường là thời điểm khi bạn còn rất trẻ, ở cái tuổi đang trưởng thành mười tám, đôi mươi.

Xem thêm  Sự thật cay đắng về một số hảo hán Lương Sơn Bạc: Trở thành anh hùng vì bị "cắm sừng"

Tất nhiên, xao xuyến không có nghĩa là sẽ chọn lựa nhưng đó chắc chắn sẽ là yếu điểm. Chọn lựa hay không còn tùy thuộc vào anh ta và vào hoàn cảnh ở thời điểm bạn đưa ra quyết định. 

Ví dụ biết anh ta không phải người sẽ mang lại hạnh phúc lâu dài cho bạn nhưng ở vào thời điểm khi bạn quá cô độc, lạc lõng và thiếu thốn, chọn đi về phía anh ta sẽ là một phương án tối ưu nhất… 

Sau đó khi cuộc sống đã không còn thiếu thốn, bạn lại tự dằn vặt bản thân khi đời sống tinh thần không được viên mãn. Bạn đang phải sống một cuộc đời không như bạn mong muốn. Ấy chính là cái trớ trêu của cuộc đời.

Đó chính là lý do mà ai đó đã nói rằng: “Nuôi con gái, nên nuôi bằng sự giàu có”. Sự giàu có ở đây không có nghĩa là phung phí hay thừa thãi. 

Nó chính là sự tròn trịa, vừa đủ. Cha mẹ đủ hạnh phúc, đủ tri thức và sự hiểu biết, đủ tình yêu thương dành cho con, đủ tiền bạc để con gái không cảm thấy thiếu thốn. 

Thêm cả “đủ sự dịu dàng và ngọt ngào” để con gái bạn sau này không trở thành một cô gái quá chanh chua nhưng cũng không quá nũng nịu tiểu thư công chúa. 

Đối với một cô gái nghèo khó có ý chí cao thường sẽ phải bươn trải khá sớm. Sự bươn trải này khiến cô ấy trở nên khá gai góc và quyết liệt. Đôi khi, nó vô tình làm giảm đi sự nữ tính trong tâm tính của cô ấy.

Những phụ nữ lớn lên trong nghèo khó rồi từ hai bàn tay trắng gây dựng sự nghiệp thành công lẫy lừng lại quá trải nghiệm, quá hiểu đời. 

Đó là lý do khiến họ cô đơn vì rõ ràng Tập xác định đàn ông của họ đã bị thu hẹp ở phạm vi rất nhỏ. 

Họ khó có thể rung động trước một anh chàng ủy mị, cũng không đánh giá cao những anh chàng đi làm công ăn lương. 

Cuối cùng lại vẫn là sự cô đơn bủa vây lấy cuộc đời của họ. Tất nhiên, những người phụ nữ như thế không có nhiều nhưng không quá ít để tôi không kể ra đây.

Tóm lại, khi nuôi nấng, dạy dỗ một bé gái, cha mẹ cần cho con những gì? 

Chính là tình yêu thương, sự vững tâm, niềm tự hào về gia đình, vừa đủ về vật chất, cho con những tri thức, dạy con biết thế nào là tự lập và niềm kiêu hãnh khi được sống là chính mình, tin tưởng vào chính mình, tự quyết định cuộc đời mình mà không để bị hoàn cảnh nghèo túng chi phối.

Còn đối với con trai thì sao? Quay trở lại chủ đề, những cậu con trai con nhà giàu. 

Tôi sinh ra ở vùng nông thôn, nơi mà cánh nhà giàu có cũng không ít nhưng sự giàu có ở vùng nông thôn lại không thường đi song song với tri thức và sự hiểu biết. 

Bởi vậy cho nên những cậu trai con nhà giàu mà tôi biết lại thường được sống trong sự chiều chuộng, không được giáo dục nghiêm khắc nên đa phần đều trở thành những anh chàng công tử bột tiêu tiền như nước, ham ăn chơi nhưng lười biếng làm việc, chểnh mảng học hành.

Trong số những anh chàng này, có anh chàng thì được bố mẹ bao trọn gói từ A đến Z. Học hộ, thi hộ, xin việc hộ. 

Có anh chàng thì ngay từ thời học sinh đã ham mê gái gú rồi khi tuổi vừa tròn 18 đã vội vã lập gia đình vì bác sĩ bảo cưới. Sau đó, chẳng bao lâu vẫn là cái kết chẳng mấy đẹp đẽ cho một cuộc tình. 

Có anh chàng mà tôi quen, 29 tuổi nhưng đã có tới 3 đời vợ ấy cũng là vì vậy.

Nhưng, những chàng trai sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó thì khác. Tôi quen rất nhiều những người đàn ông như vậy. 

Tất nhiên, sẽ vẫn có những người trong quá trình trưởng thành họ bị tha hóa nhân cách, lưu manh hóa… nhưng đa phần, những người đàn ông sinh ra trong gia đình nghèo thường lại rất chịu khó, cần cù và có chí tiến thủ rất cao. 

Nếu như, sự nghèo khó tạo cho con gái những yếu điểm thì cũng vẫn là nó lại trở thành một nguồn động lực rất lớn đối với các chàng trai để khiến họ trở lên mạnh mẽ, quyết liệt, kiên trì, bền bỉ. 

Đó chính là khác biệt trong sự phát triển tâm sinh lý giữa con trai và con gái.

Sự khác biệt này ắt sẽ gây khó khăn đối với những gia đình có cả con trai và con gái. Bởi vì, họ phải dạy chúng theo những cách hoàn toàn khác nhau. 

Đó cũng chính là một phần lý do tại sao người ta hay nói rằng “những gia đình sinh con một bề” khả năng cao sẽ giàu có hơn những gia đình sinh đủ nếp đủ tẻ. 

Nói thế đủ để chúng ta nhận thức được, việc nuôi dạy con cái quan trọng đến mức nào. 

Nó chính là việc bạn gieo nhân để gặt quả trong tương lai. Khi bạn gieo xuống đất hai hạt mầm cùng giống, thật dễ dàng có thể chăm sóc chúng vì cách chăm sóc tương tự nhau. 

Khi bạn gieo xuống đất hai hạt mầm của hai loại cây khác nhau, sẽ khó khăn hơn nhiều đấy. Bởi vì, điều kiện sinh sống của chúng chưa chắc đã giống nhau.

Xem thêm  Sắp tới 3 con giáp này có vận may lội ngược dòng: Tháng 2 quý nhân xuất hiện, tháng 3 tài vận đến tận nhà

Có thể một cây cần sống nơi phì nhiêu màu mỡ nhưng có cây lại cần một nơi cằn cỗi toàn sỏi đá hoặc cát bụi như sa mạc. Hoặc có cây thì cần tưới nhiều nước, bón ít đạm nhưng có cây lại cần nhiều đạm ít nước.

Làm ngược lại là sai, không đủ nước cũng là sai. Thừa đạm làm cái cây cành lá xum xuê nhưng không ra hoa kết trái, thiếu nước lại khiến cái cây cằn cỗi cành lá không phát triển… 

Tóm lại, hai cái cây đó tương lai có đơm hoa kết trái hay không, phát triển có chuẩn hay lệch lạc chính là do cách chăm bón của các bạn. 

Nuôi con chính là như vậy đó. Tôi thực sự chia vui với những gia đình sinh con đủ nếp đủ tẻ nhưng cũng thực sự bày tỏ sự cảm thông và cùng lo ngại với họ trong hành trình nuôi dạy con đầy gian nan. 

Làm thế nào để cả con trai, cả con gái đều phát triển tốt, trưởng thành trở thành những người đúng như mong muốn của cha mẹ là điều vô cùng khó và tốn nhiều công sức. 

Thậm chí, cha mẹ sẽ còn phải trải qua nhiều thử thách và nhiều ca xoắn não, bủn rủn tay chân, sôi sục đầu óc…

THỰC TẾ VIỆC NUÔI DẠY CON TẠI VIỆT NAM ra sao?

Điều này ai trong chúng ta cũng dễ dàng nhìn thấy. Việc sinh đẻ, nuôi nấng và dạy dỗ con cái tại Việt Nam lại thường do người mẹ đảm nhận phần nhiều. 

Tỷ lệ có thể là 70-30, thậm chí 80/90-10 trong trách nhiệm giữa mẹ và bố đối với con cái. Ấy mà, theo như khoa học đã chứng minh: mẹ lại thường bị hút bởi con trai hơn và đẩy con gái. 

Đó là sinh lý hết sức tự nhiên. Bởi vậy, chúng ta thường thấy tấm gương những người CHỊ CẢ đảm đang hết lòng hy sinh cho các em.

Trong các ca khúc nổi tiếng như bài CHỊ TÔI mà Quang Linh từng hát cũng khắc họa rõ nét hình ảnh này. Nghe bài hát đó mà tôi cảm thấy xót xa kinh khủng. Nó liên quan gì đến vấn đề mà tôi đang nói? 

Ấy là, những bà mẹ Việt Nam của chúng ta cả trong thời đã xa và hiện tại đều có xu hướng nghiêm khắc với con gái và nuông chiều con trai. 

Không phải họ cố tình làm vậy đâu mà bởi CẢM XÚC của họ cứ bị đi theo chiều hướng như vậy.

Thành ra, con gái thì cứ trở nên rất cần cù, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó, tự lập từ sớm mà con trai thì cứ nũng nịu mẹ, lớn rồi cũng chẳng chịu buông tay. 

Có phải rằng: ngoài kia, bạn bắt gặp vô số kể những người đàn ông lười biếng làm việc, yếu kém trong chuyên môn mà vẫn còn phụ thuộc vào bố mẹ khi đã ở vào độ tuổi cần phải tự lập không? 

Đó chính là sự lệch lạc của cán cân giáo dục giữa hai giới tính.

Đối với những gia đình mà công việc nuôi dạy con cái được chia đều 50-50 cho cả vợ và chồng, gia đình đó lại có cả con trai và con gái thì sự lệch lạc này thực sự không cần quá bận tâm. Bởi tất cả đã vừa đủ, tròn trịa để bù trừ. 

Mẹ nghiêm khắc với con gái, nuông chiều con trai. Bố lại nghiêm khắc với con trai, nuông chiều con gái. Bọn chúng lớn lên vừa được nghiêm khắc, vừa được vỗ về. 

Ắt đó sẽ là một môi trường tốt hơn cho sự phát triển nhân cách, tính cách. Đó chính là lý do tại sao người ta luôn mong muốn có một gia đình hạnh phúc để tạo môi trường phát triển tốt cho con.

Nhìn lại hành trình 4 năm nuôi con, tôi đã tự nhận ra những lỗ hổng và mất cân đối trong cách nuôi dạy 2 con mình. 

Nó xuất phát từ việc bản thân quá mỏi mệt nên thành ra lười biếng trong việc rèn luyện đứa con thứ hai, lười cả việc thể hiện tình yêu thương với đứa con thứ nhất. 

Tôi cũng dám chắc, ấy chính là lỗi của nhiều ông bố bà mẹ, đặc biệt là đối với những gia đình đông con. Người con cả luôn là người vất vả nhất, càng về út, càng nhàn hạ và lười biếng hơn. Nó chính là do cách dạy dỗ của bố mẹ.

Vậy cho nên, các bố mẹ à. Hãy cố gắng lên! 

Dù tôi biết rằng việc phân bổ thời gian, tâm sức sao cho đồng đều trong việc nuôi dạy các con là vô cùng khó khăn, nan giải nhưng vì những thế hệ tương lai CỰC PHẨM hãy cố gắng, cố gắng hơn nữa. 

Một chút nữa, một chút nữa thôi đôi khi cũng sẽ tạo nên những kết quả khác rồi.

Thêm một điều nữa mà tôi muốn nhấn mạnh:

– CÁC BÀ MẸ HÃY NGỌT NGÀO VÀ DỊU DÀNG HƠN VỚI CON GÁI, NGHIÊM KHẮC HƠN VỚI CON TRAI.

– CÁC ÔNG BỐ HÃY NGHIÊM KHẮC HƠN VỚI CON GÁI VÀ ĐỪNG QUÁ KHẮT KHE VỚI CON TRAI.

Cái khó chính là để con gái bạn được lớn lên như một cái cây mọc ở vùng đất phù sa ven sông màu mỡ còn con trai bạn lại như một cây cổ thụ bén rễ đâm sâu vào sỏi đá vươn cành trên núi cao.

Theo Trí thức trẻ

Link