Thứ sáu, Tháng mười hai 6
Shadow

Em bé Hà Nội bị bà giúp việc đắp tỏi để chữa ho, nào ngờ hậu quả đau lòng lại xảy ra khiến bé bỏng nặng, nhập viện gần 2 tuần mới khỏi

Có rất nhiều trường hợp chữa bệnh theo phương pháp dân gian truyền miệng đã để lại những hậu quả khôn lường cho mẹ và bé.

Xem thêm  18 năm cùng con chữa bệnh tự kỷ, mẹ Việt ở Đức tìm an yên trong ban công ngập hoa

Câu chuyện của chị Sunny Lee và bé Cỏ (9 tháng tuổi), hiện đang sống ở Hà Nội là một trong số đó. Cách đây 2 tháng, bé Cỏ bị bà giúp việc đắp tỏi vào chân để chữa ho, nào ngờ gây ra vết bỏng nặng, sâu, phải nhập viện, điều trị tích cực gần 2 tuần mới khỏi. Hiện tại, vết sẹo từ bỏng vẫn chưa hết dù mẹ bé đã tích cực chăm sóc cẩn thận, bôi những loại thuốc trị sẹo tốt nhất nhưng vẫn khó lòng mờ đi.

Buổi chiều bị đắp tỏi, buổi đêm chân bé Cỏ đã bị phồng rộp.

Chị Sunny Lee kể lại: “Bé nhà mình chỉ bị ho húng hắng, mũi dãi do thời tiết. Trước đó chồng mình đã dặn dò cẩn thận bà giúp việc là không được đắp tỏi vào chân con vì bà nói ra ý định ấy, nhưng ở nhà thì bà vẫn tự ý giã tỏi ra để đắp. Nhưng khi thấy con bị bỏng đỏ thì bà sợ nên giấu, còn cho con mặc bộ đồ body che hết chân con và chỉ nói là hôm nay con quấy lắm. Buổi đêm hôm đó nằm ngủ, mình thấy con quấy, cứ khóc lóc vật vã đau đớn, ưỡn người lên khóc, bú không chịu bú, nằm không chịu nằm, bế ngửa là ưỡn người lên, chỉ chịu cho bế vắt vai. Mình nghĩ hay do con nóng quá nên mới cởi bộ body suit của con ra và bật đèn lên kiểm tra thì tá hỏa phát hiện ra vết phồng rộp lớn ở chân con.

Lúc đầu mình còn tưởng kiến ba khoang cắn cơ nhưng kiểm tra cả người con không thấy gì, soi khắp màn khắp giường cũng không thấy con kiến nào. Kiểm tra lại bộ body con mặc thì có hai vết ố nước ở đúng phần chân. Mình gọi điện hỏi bà thì bà bảo có đắp tỏi nhưng đắp một tí, bà còn chối là đắp từ thứ 7, có cả bà nội ở đó. Dù thực tế là bà đắp chiều thứ 2 và đến tối thứ 2 thì mình phát hiện ra con bị bỏng. Sau đó, mình đưa con sang viện bỏng thì bác sĩ chỉ định cho nhập viện vì bỏng tỏi với vết thương như vậy, bác sĩ nhận định là bỏng rất sâu, sợ có nguy cơ nhiễm khuẩn”.

Bé Cỏ khi nhập viện điều trị vết bỏng, hai chân bé bị băng kín.

Hai ngày đầu nhập viện, bé còn bị sốt.

Mẹ bé chia sẻ, vì là dịp sát Tết, công việc của cả hai vợ chồng chị đều rất bận. Chị đã cố gắng để xin bác sĩ về điều trị tại nhà nhưng bác sĩ vẫn không đồng ý vì vết bỏng đã là mức độ nặng, phải nhập viện để theo dõi sát sao hơn. Sau khi nhập viện, bé Cỏ bị sốt trong 2 hôm đầu tiên và được uống thuốc hạ sốt. Tổng cộng 12 ngày ở viện, bé được bác sĩ chỉ định cho uống kháng sinh, và mỗi ngày 2 lần uống thuốc chống bội nhiễm. Mỗi ngày bé đều được thay băng, vệ sinh vết bỏng và kiểm tra một lần. May thay, bé diễn biến tốt nên sau 12 ngày đã khỏi, vết bỏng đã lên da non và được xuất viện. Nhưng cho đến hiện tại, đã 2 tháng trôi qua, vết sẹo bỏng vẫn không hề mờ đi.

Bé Cỏ hiện tại đã khỏe mạnh bình thường nhưng sự việc vừa qua vẫn luôn khiến cả gia đình rùng mình sợ hãi.

Vết sẹo trên chân bé đến hiện tại hơn 2 tháng trôi qua vẫn không bị mờ đi.

Trải qua sự việc nhớ đời, chị Sunny Lee rất muốn chia sẻ lại câu chuyện của mình để góp thêm tiếng nói cảnh tỉnh đến các bố mẹ khác, tránh trường hợp có bé bị bỏng tương tự.

Lương y đa khoa, cựu đại tá Bùi Hồng Minh (Phó chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) cho biết, trong Đông y, tỏi có vị cay, tính ấm, đi vào hai kinh tì và vị, có tác dụng trong tiêu hóa, hô hấp, giải độc, trừ đờm, lợi niệu, tẩy giun… Tỏi có rất nhiều tác dụng chữa bệnh, trong đó có những bệnh phụ nữ nói chung.

Trong cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, GS Đỗ Tất Lợi cũng khẳng định, thành phần chủ yếu của tỏi là một chất kháng sinh alixin, một hợp chất sunfua có tác dụng diệt khuẩn rất mạnh. 

Trước những thông tin đó, nhiều bà mẹ thường truyền tai nhau kinh nghiệm dân gian đắp tỏi để chữa và phòng một số bệnh cho trẻ như đầy bụng hay đắp vào gan bàn chân để chữa những bệnh hô hấp. Tuy nhiên, những trường hợp này đa số khiến trẻ bị bỏng do không kiểm soát liều lượng. Không chỉ đắp lên da, việc tự ý cho trẻ uống nước tỏi trị ho khi đói cũng gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe.

“Mặc dù có tính kháng khuẩn cực mạnh nhưng điều đó không có nghĩa là bạn có thể tự ý đắp tỏi cũng như cho con uống nước tỏi. Tỏi có tính nóng, vì vậy tuyệt đối không nên dùng cho trẻ sơ sinh bởi da trẻ sơ sinh rất mỏng manh, việc dùng tỏi giã dập buộc đắp vào chân để qua đêm có thể gây bỏng da cho trẻ. Khi trẻ bị bỏng da do tính nóng của tỏi gây nên, nếu không được điều trị đúng cách có thể gây ra nhiễm trùng. Khi cho trẻ uống, nguy cơ tổn thương họng, lưỡi… cũng không thể tránh”, lương y Bùi Hồng Minh cảnh báo.

Theo ông, khi thấy trẻ xuất hiện dấu hiệu bệnh đường hô hấp hay bất cứ bệnh lý nào cũng cần đi thăm khám bác sĩ ngay. Nếu thực sự muốn sử dụng tỏi chữa bệnh cho con theo mẹo dân gian nhất định phải tham khảo ý kiến chuyên gia Đông y bởi tùy tiện dùng chắc chắn khó lường trước được hậu quả.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết thêm, đây là giai đoạn chuyển giao mùa, làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Để đề phòng bệnh hô hấp cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý giấc ngủ, bữa ăn của trẻ, không tự ý dùng kháng sinh, không cần vệ sinh mũi nếu không có biểu hiện bệnh, đặc biệt không tự ý dùng khí dung. Cho trẻ ăn uống dinh dưỡng đầy đủ, gồm cả vi chất. Tăng cường ăn rau quả. Chú ý đảm bảo lịch tiêm phòng đầy đủ cho trẻ. Khi trẻ xuất hiện những biểu hiện bệnh đường hô hấp tốt nhất là đến thăm khám tại các bác sĩ chuyên khoa Nhi càng sớm càng tốt.

Theo Helino

Link