Giữa năm 1972, một sự kiện chấn động thế giới xảy ra khi sinh viên Nguyễn Thái Bình “cướp máy bay” Boeing 747 Mỹ để bay ra Hà Nội thay vì về Sài Gòn.
Nguyễn Thái Bình nói chuyện phản đối chiến tranh Việt Nam ở Mỹ – Ảnh tư liệu gia đình
46 năm sau ngày anh mất, nhìn lại sự kiện này từ kho hồ sơ mật của Hội đồng An ninh hàng không và cảnh sát Sài Gòn.
Tân Sơn Nhất. Trưa 2-7-1972. Toàn bộ đơn vị an ninh của chính quyền Sài Gòn và Bộ tư lệnh Không quân số 7 Mỹ đóng ở phi trường này đột ngột báo động khẩn cấp. Tin từ Trung tâm Kiểm soát không lưu Manila cho biết chiếc Boeing 747, mang mã số chuyến bay 841 của Hãng hàng không Mỹ PAN AM đang bị một hành khách là Nguyễn Thái Bình uy hiếp.
Chuyến bay này khởi hành điểm đầu San Francisco với 134 hành khách, trong đó có một trẻ em cùng 17 nhân viên phi hành đoàn. Cơ trưởng là Augene F. Vaughn và tiếp viên trưởng là William Wilcox.
Diễn tiến chính
Diễn tiến tiếp theo thế nào mà người Mỹ lại bắn năm phát đạn giết chết Nguyễn Thái Bình? Phúc trình mật sau đây của Hội đồng An ninh hàng không Tân Sơn Nhất do đại tá Phan Phụng Tiên, chủ tịch hội đồng, ký ngày 28-8-1972 đã phần nào giải mật sự kiện này:
12 giờ 00 phút, giờ Sài Gòn:
Chuyến bay 841 của chiếc B747 đã bay được 45 phút từ phi trường Manila. Nguyễn Thái Bình, ngồi ở số ghế 495 phía đuôi máy bay, bất ngờ yêu cầu hành khách ngồi xung quanh lên phía trước và không cho sử dụng phòng vệ sinh. Anh yêu cầu nữ tiếp viên phi hành đoàn May Yuen, 23 tuổi, người Hong Kong, phải ngồi gần làm con tin. Sau đó anh đưa cho một nữ tiếp viên khác ba tờ giấy đánh máy sẵn, đại ý:
– Tờ số 1: Buộc phi công phải chọn một trong hai điều kiện, hoặc đi Hà Nội hoặc phi cơ sẽ bị nổ trên không.
– Tờ số 2: Ra lệnh cho phi công bay đường nhanh nhất tới Hà Nội.
– Tờ số 3: Đe dọa giết nữ tiếp viên May Yuen nếu không tuân lệnh và cho biết có mang theo hơi ngạt.
12 giờ 03 phút:
Cơ trưởng Eugene F.Vaughn báo cáo cho Trung tâm Kiểm soát không lưu Manila, ông quyết định không bay đi Hà Nội và yêu cầu Manila báo cho Sài Gòn điều động cảnh sát túc trực tại phi trường Tân Sơn Nhất.
Hai phút sau, Trung tâm Kiểm soát không lưu Sài Gòn nhận được thông báo khẩn từ Manila truyền đến Đài kiểm soát Tân Sơn Nhất. Sau khi được cơ quan này thông báo, các giới chức trong Hội đồng An ninh hàng không có mặt sẵn tại các vị trí máy bay đậu để áp dụng những biện pháp dự trù theo quyết định số 3 an ninh hàng không.
Trong lúc đó trên máy bay đang bay, cơ trưởng dùng hệ thống liên thoại intercom nói chuyện với Nguyễn Thái Bình nhằm kéo dài thời giờ và làm cho anh ta bớt chú ý việc máy bay sắp đến Sài Gòn.
12 giờ 20 phút:
Chiếc máy bay B747 từ cao độ 31.000 bộ xuống dần tới 4.500 bộ (khoảng 1.371m) và xin Tân Sơn Nhất dọn đường băng để ưu tiên hạ cánh khẩn cấp.
Lúc này Trung tâm Kiểm soát không lưu Sài Gòn và Đài kiểm soát Tân Sơn Nhất đã áp dụng những biện pháp thích nghi, thỏa mãn hoàn toàn lời yêu cầu của cơ trưởng.
12 giờ 53 phút:
Chuyến bay 841 của chiếc B747 Jumbo Jet hạ cánh an toàn xuống đường băng phản lực 25L và được Đài kiểm soát Tân Sơn Nhất chỉ thị chuyển vận về bến đậu riêng do đại tá Phan Phụng Tiên, chủ tịch Hội đồng An ninh hàng không, chỉ định như dự liệu trong các phương thức của an ninh hàng không.
Cơ trưởng Vaughn, người yêu cầu bắn chết Nguyễn Thái Bình – Ảnh gia đình
Ông Vaughn khóa cổ hành khách Việt Nam và cùng hai hành khách khác vật lộn với anh ấy. Rồi sau đó khi ông Vaughn hô “bắn nó”, người hành khách thứ ba (Mills) đã bắn vào anh ta
Nhân chứng Frank P.Castro
Hạ sát
Sau khi chiếc B747 hạ cánh và đang di chuyển về bến đậu, cơ trưởng Vaughn giao cho phi công phụ W.M.Setterkb điều khiển máy bay.
Ông ta gọi một hành khách tên W.H.Mills lên buồng lái để thông báo có một hành khách Việt Nam định cướp máy bay ra Hà Nội, rồi trả lại khẩu súng ngắn Smith and Wesson 357 Magnum cho Mills. Người này nguyên là viên chức cảnh sát tại California, Mỹ, sang Việt Nam để làm việc cho Hãng Federal Electric Corporation.
Theo luật lệ hàng không, Mills phải thông báo với phi hành đoàn về vũ khí mình mang theo và giao cho họ cất giữ. Khẩu súng ngắn này được cơ trưởng cất ở buồng lái. Khi trả súng lại cho ông Mills, cơ trưởng Vaughn dặn được quyền sử dụng trên máy bay khi có yêu cầu.
12 giờ 55 phút:
Khi chiếc máy bay B747 đang vào bến đậu, cơ trưởng Vaughn từ phòng lái đi xuống phía cuối máy bay gặp người hành khách Việt Nam để thương lượng. Khi đó Nguyễn Thái Bình một tay cầm gói bọc nilông, một tay cầm dao nhỏ khó có thể gây nguy hại được trong điều kiện lúc bấy giờ.
Lợi dụng lúc Nguyễn Thái Bình sơ ý, cơ trưởng phóng tới chụp tay trái cầm gói bọc nilông của hành khách người Việt và khóa cổ anh. Hành khách liền dùng dao đâm Vaughn nhưng chỉ làm rách áo ngoài. Theo lời một nhân chứng tên Frank P.Castro: “Ông Vaughn khóa cổ hành khách Việt Nam và cùng hai hành khách khác vật lộn với anh ấy. Rồi sau đó khi ông Vaughn hô “bắn nó”, người hành khách thứ ba (Mills) đã bắn vào anh ta”.
12 giờ 58 phút:
Sáu cửa cấp cứu của chiếc B747 được mở cầu phao cấp cứu thả phồng xuống đất, một số hành khách thoát khỏi máy bay xuống đất bằng các phao này. Đồng thời từ phao sau phía trái, người hành khách Việt Nam (anh Nguyễn Thái Bình) lăn xuống và nằm bất động trên sân đậu, mặt úp xuống đất. Một hàng rào an ninh đã được thiết lập ngay quanh máy bay…
13 giờ 00:
Phi công từ máy bay gọi cho Đài kiểm soát Tân Sơn Nhất báo: “Người tấn công máy bay đã bị bắn chết”. Các trưởng ban, phó ban thuộc Hội đồng An ninh hàng không phối hợp với Cơ quan OSI, Hoa Kỳ, điều tra nội vụ. Tất cả hành khách được xe của Hãng PAN AM di chuyển về Cam Alfa, khu nhà ga dành cho quân nhân Hoa Kỳ để lực lượng an ninh điều tra và khám xét hành lý.
20 giờ 57 phút:
Chiếc B747 cùng cơ trưởng Vaughn và phi hành đoàn chuyển vận ra đường băng, cất cánh đi Hong Kong sau khi đã hoàn tất các thủ tục điều tra, nhất là đối với ông Vaughn…
Chuyến bay định mệnh
Phúc trình của Hội đồng An ninh hàng không VNCH về vụ giết hại Nguyễn Thái Bình – Tài liệu TTLTQG2
Nguyễn Thái Bình đáp chuyến bay 841 của Hãng PAN AM ngay phi trường đầu từ San – Francisco (Mỹ) về Tân Sơn Nhất. Tuyến bay có ghé lại Honolulu, Guam và Manila trước khi đến phi trường cuối ở Sài Gòn. Chuyến bay khởi hành ngày 1-7-1972 tại San Francisco.
Sau thời gian bay dài và đáp xuống ba phi trường ở Thái Bình Dương, 11 giờ 15 phút ngày 2-7, chuyến bay 841 lại cất cánh từ Manila băng qua Biển Đông để đến phi trường cuối ở Tân Sơn Nhất.
Theo Tuổi trẻ