Thứ ba, Tháng Một 14
Shadow

Góc khuất bên trong các tòa soạn báo

Thông tin một cộng tác viên của một tờ báo nghi bị sếp tại tòa soạn này xâm hại lan truyền trên mạng xã hội Facebook vào tối 18/4 khiến cả làng báo bàng hoàng.

Dù sự việc vẫn đang được điều tra, một lần nữa, nạn quấy rối tình dục nơi công sở – chuyện mới mà không mới, lại như hồi chuông cảnh tỉnh.

tòa soạn báo, quấy rối tình dục
Goc khuat ben trong cac toa soan bao

Ảnh minh họa

Số lượng nhà báo nữ tỷ lệ thuận với quấy rối

Hiện nay, đội ngũ phụ nữ làm báo ở các vị trí, công việc khác nhau cũng như trong các cơ quan quản lý, in ấn, xuất bản, phát hành… tại Việt Nam đang ngày càng tăng. Theo một thống kê, đội ngũ này chiếm trên 50% lực lượng làm báo cả nước.

Tuy nhiên, nghiên cứu của Viện đào tạo Nâng cao nghiệp vụ báo chí Thụy Điển (FoJo) phối hợp với Trung tâm Sáng kiến truyền thông và Phát triển (MDI) gần đây cho thấy, tỷ lệ quấy rối đối với nhà báo ở nước ta khá cao, bao gồm cả việc quấy rối từ những người trong nội bộ cơ quan lẫn từ những người bên ngoài (nguồn tin). Có không ít nhà báo nữ bỏ việc hoặc bị hạn chế phát huy khả năng làm việc. Điều này cũng xảy ra đối với nhà báo nam, dù số lượng ít hơn nhiều so với nhà báo nữ. Chưa kể, nhóm dễ bị tổn thương nhất là sinh viên báo chí đi thực tập và phóng viên nữ mới vào nghề, lại chưa được trang bị những kỹ năng “thoát hiểm” cần thiết.

Trong khi đó, tại các cơ quan báo chí nói riêng hay môi trường công sở nói chung tại nước ta, chưa có quy định hoặc có quy định nhưng không rõ ràng để phòng ngừa, giải quyết và hỗ trợ khi vụ việc quấy rối xảy ra. Các nạn nhân cũng không nhận được nhiều hỗ trợ từ đồng nghiệp. Vì nhiều lý do mà họ không thể lên tiếng hoặc lên tiếng mà trở thành đối tượng bị công kích.

tòa soạn báo, quấy rối tình dục
Goc khuat ben trong cac toa soan bao

Ảnh minh họa

Khó thực hiện

Năm 2016, Bộ Quy tắc Ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc được Vụ Pháp chế (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cùng Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam với sự giúp đỡ của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) được ban hành. Trong đó có định nghĩa rất rõ về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Đó là hành vi, tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, là hành vi không được chấp nhận, không được mong muốn, không hợp lý, xúc phạm người nhận, tạo môi trường đáng sợ, khó chịu và thù địch.

Xem thêm  Cảnh éo le của gia đình 4 người tử vong trong vụ cháy: Sống ở gian bếp chỉ chừng 6m2

Các hình thức quấy rối tình dục gồm: quấy rối thể chất như tiếp xúc, cố tình đụng chạm, sờ mó, cấu véo, thậm chí tấn công tình dục, cưỡng dâm. Hành vi quấy rối bằng lời nói bao gồm nhận xét không phù hợp, không đứng đắn, có ngụ ý về tình dục, đề nghị, đưa yêu cầu không mong muốn một cách liên tục. Hành vi quấy rối phi lời nói bao gồm ngôn ngữ cơ thể không đứng đắn, nháy mắt, phô bày tài liệu khiêu dâm.

Tuy nhiên, việc thực thi các quy định trong bộ quy tắc ứng xử nêu trên lại gặp nhiều khó khăn. Thực tế, một số người lao động, người sử dụng lao động, đại diện công đoàn không nhận thức đúng đắn, chính xác thế nào là quấy rối tình dục, nhầm lẫn giữa quấy rối tình dục và trêu đùa. Chưa kể, tâm lý e ngại, sợ bị trả thù làm người bị quấy rối không dám đứng lên tố cáo. Nạn nhân thường không được bênh vực mà trái lại, thường bị bạn bè, đồng nghiệp, vợ, chồng, cha mẹ… nghi ngờ, chê bai, cho họ là người thiếu đứng đắn.

Cuối cùng, họ đành chọn cách im lặng, lâu dần thành thói quen, thành “văn hóa” nơi công sở.

Đậu Dung

Thạc sĩ Phạm Thị Thúy – Chuyên viên tâm lý: “Ở Việt Nam, nạn nhân không tìm đến”

Phóng viên: 17 năm tư vấn tâm lý cho các nạn nhân bị quấy rối tình dục, câu hỏi chị nhận được nhiều nhất là gì?

Thạc sĩ Phạm Thị Thúy: Câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất là nên tiếp tục hay thôi việc khi bị quấy rối. Tôi luôn lắng nghe hết câu chuyện, xem mức độ nghiêm trọng đến đâu. Nếu bị quấy rối thường xuyên, mật độ ngày càng tăng, tôi khuyên họ nên chuyển chỗ làm. Bảo đảm an toàn cho mình vẫn là trên hết.

Xem thêm  Luật sư 'có chứng cứ đầu độc chết 9 người' bị Tòa chê mập mờ, nhắc nhở nghiêm khắc!

* Còn chuyện đổi tình? Khi sự việc xảy ra, không ít người cho rằng, đó là “tại anh tại ả”?

– Việc đổi tình lấy việc là có, thậm chí có nhiều. Thế nhưng, đó là câu chuyện khác – một thỏa thuận mang tính chất mua – bán. Chúng ta không thể đánh đồng với chuyện quấy rối nơi công sở. Xâm hại tình dục là khi nạn nhân không hề muốn mà vẫn bị tấn công. Ta cũng không được đổ lỗi cho nạn nhân vì kẻ quấy rối mới là kẻ có tội. Ta không thể nói, tại nạn nhân ăn mặc hở hang, quyến rũ mà có quyền xâm hại. Một người có đạo đức sẽ không bao giờ có hành vi xâm hại tình dục. Anh thấy người ta quyến rũ và nhầm tưởng rằng người ta dễ dãi, cho phép anh làm chuyện đó, đấy là tội của anh.

* Vai trò của các chuyên gia tâm lý ở Việt Nam dường như còn quá ít?  

– Không phải chuyên gia không sẵn sàng giúp mà là nạn nhân không tìm đến chúng tôi. Người Việt Nam rất kín kẽ chuyện tình dục và coi đấy là chuyện tối kỵ, xấu xa. Họ rõ ràng chẳng có tội, nhưng lại coi mình là kẻ tội đồ. Nếu nói ra, họ nghĩ mình sẽ bị chê trách, bị phán xét.

* Khi nỗi đau không được nói ra thì…? 

– Nỗi đau sẽ lớn dần như một vết thương không bao giờ liền da. Nó như một hòn đá tảng trước ngực khiến nạn nhân mất niềm tin vào người khác, vào cuộc sống và cũng không tự tin ở bản thân. Họ sống mà như tồn tại với nỗi đau đó. Có nạn nhân không chịu được, đã chọn cách chết đi để giải thoát mình.

Theo Phunuonline