Thứ tư, Tháng Một 15
Shadow

GS Terry F. Buss: Tại sao rất nhiều người Việt nói tiếng Anh kém như vậy?

Chúng ta sẽ thấy rất bất thường khi một người Việt Nam được học tiếng Anh từ lâu mà vẫn chỉ sử dụng những câu vỡ lòng “How are you? I am fine?” (Bạn thế nào? Tôi khỏe.).

Mỗi năm, chính phủ, các lãnh đạo doanh nghiệp, các bậc phụ huynh và rất nhiều người trong xã hội Việt Nam chi tổng số tiền lên đến hàng triệu USD cho việc đào tạo tiếng Anh, với mong muốn nâng cao trình độ học thức của người dân.

Tuy nhiên hiện nay vẫn còn rất nhiều người Việt Nam nói tiếng Anh kém. Tại sao lại như vậy?

Trước hết, không có dữ liệu nào đủ chi tiết về mức độ phổ biến của vấn đề này trong xã hội, số tiền chính xác được người Việt bỏ ra để học ngoại ngữ, và những nguyên nhân thực sự gây ra vấn đề này. Do đó tất cả những lời giải thích được đưa ra chỉ đơn thuần là dựa trên suy đoán.

Thứ hai, ngay cả những người nói tiếng Anh bản ngữ cũng gặp nhiều vấn đề trong quá trình học tiếng Việt. Học ngoại ngữ là việc rất khó khăn. Đó là lí do hầu hết mọi người chỉ sử dụng tiếng mẹ đẻ, hoặc nói những thứ tiếng khác không tốt.

Tôi muốn đưa ra một số lời giải thích về vấn đề dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam. Tôi đã cộng tác với nhiều người Việt Nam từ năm 2008 và có vài suy nghĩ về vấn đề này.

Tuy nhiên, tôi đã quyết định tham khảo ý kiến của các giảng viên dạy tiếng Anh tại các trường trực thuộc Đại học Quốc gia, giáo viên tiếng Anh tại các trường tiểu học và trung học, bao gồm cả hệ công lập và tư thục, các trung tâm đào tạo tiếng Anh tư nhân, những người bán hàng, khách du lịch nước ngoài, các em học sinh – sinh viên, và các công chức nhà nước.

Thậm chí tôi còn phỏng vấn cả vợ và các con mình nữa. Sau đây là những điều tôi rút ra được từ câu trả lời của họ và kinh nghiệm của mình.

Quá chú trọng ngữ pháp, từ vựng, kĩ năng đọc và viết. Quá ít luyện nói

Trọng tâm của nhiều khóa đào tạo tiếng Anh tại Việt Nam là ngữ pháp và từ vựng. Học sinh dành rất nhiều thời gian cho các bài tập luyện ngữ pháp ‘chuẩn chỉ’.

Ngoài ra, các em còn phải học thuộc rất nhiều từ vựng. Sau cùng, kĩ năng đọc và viết trở thành trọng tâm của khóa học.

“Để học sinh giao tiếp tiếng Anh tốt như ngôn ngữ mẹ đẻ thứ 2 (ESL – English as a Second Language), trẻ con cần được tiếp xúc và giao tiếp với ngôn ngữ tiếng Anh ngay từ khi mới sinh ra…Tiếng Anh không thể học tốt khi tiếng Việt đã quá vững như độ tuổi khoảng từ lớp 5, lớp 6 trở lên”.

(Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Lâm – nguyên giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội)

Đúng là việc học ngữ pháp, từ vựng, sau đó rèn luyện kĩ năng đọc và viết là điều cần thiết khi học một ngôn ngữ mới, nhưng đó chỉ là bước khởi đầu.

Rất ít chương trình giảng dạy tiếng Anh dành đủ thời lượng cho kĩ năng nói. Các giáo viên được đào tạo, và rất có thể chính họ cũng không muốn tập trung quá nhiều vào kĩ năng này.

Trước đây, khi học sinh được yêu cầu nói tiếng Anh, các em chỉ đơn thuần nhắc ‘vẹt’ từng câu, và hầu như không hiểu tường tận cách phát âm tiếng Anh chuẩn xác.

Xem thêm  Giám thị ký nhầm ô của 1 phòng thi, hơn 6400 học sinh Quảng Bình phải đi thi lại môn Ngữ Văn vào lớp 10

Thông thường giáo viên sẽ đọc to một câu tiếng Anh, và nhiệm vụ của các em học sinh là nhắc lại câu nói đó.

Hãy yêu cầu một học sinh Việt Nam nói một câu tiếng Anh, và bạn sẽ nhận được câu trả lời “How are you? I am fine?” (Bạn thế nào? Tôi khỏe?).

Đây là điều dễ hiểu đối với những người mới học ngoại ngữ, nhưng sẽ là bất thường nếu sau nhiều tháng mà các em học sinh vẫn tiếp tục loay hoay với những câu hay cụm từ đơn giản như vậy.

Ngoài ra, nếu kĩ năng nói tiếng Anh của giáo viên không tốt, thì các em học sinh cũng sẽ nói kém. Sau nhiều năm nghe thứ tiếng Anh không chuẩn mực như vậy, về sau các em học sinh sẽ thấy rất khó khắc phục những thiếu sót về ngôn ngữ của mình.

Nhiều người nói với tôi rằng họ mong muốn có nhiều cơ hội tương tác với người bản ngữ hơn để trau dồi kĩ năng nói tiếng Anh của họ. Cách thông dụng nhất để làm được điều này là xem TV thường xuyên, hoặc đi chơi với người Mỹ nhiều hơn.

Đại sứ quán Mỹ cũng thường xuyên tài trợ các chương trình để giúp người Việt Nam rèn luyện kĩ năng nói tiếng Anh. Và mọi người cũng luôn nói rằng cách tốt nhất để người Việt học tốt tiếng Anh là tìm cho mình một người bạn trai – hay bạn gái – người Mỹ hoặc Anh!

Một giả thuyết khác về giáo dục ngôn ngữ là phát triển kĩ năng nghe – kĩ năng tối quan trọng và có tính quyết định đối với việc nói tốt tiếng Anh.

Tuy nhiên, một số học sinh và sinh viên Việt Nam lại không được học cách luyện tập kĩ năng nghe, bởi vậy nên họ cũng không có kĩ năng nói tốt.

Trong các lớp học áp dụng phương pháp học vẹt, những em học sinh không chú ý lắng nghe sẽ không thể biết nhiều hơn những điều được học.

Kĩ năng nghe bao gồm lắng nghe những thay đổi trong âm điệu, cũng như việc cảm nhận toàn bộ tâm trạng, cảm xúc và những tín hiệu bằng lời nói hết sức tinh tế và cho chúng ta những gợi ý về ý nghĩa của từ được nói.

Người nước ngoài thường không nhạy cảm với những sắc thái nghĩa này, nhất là khi họ học bằng phương pháp học vẹt, và tập trung nhiều hơn vào kĩ năng đọc.

Một ví dụ điển hình cho luận điểm trên là cả tiếng Việt và tiếng Anh đều sử dụng bảng chữ cái La Mã. Nhưng tiếng Việt có nhiều thanh điệu, và mỗi thanh điệu ấy lại thay đổi đáng kể không chỉ cách phát âm, mà còn cả ý nghĩa của từ ngữ đó.

Chắc hẳn việc học nói tiếng Anh (hoặc tiếng Việt) rất khó khăn, khi ngay cả mỗi chữ cái thông thường lại có nhiều cách phát âm khác nhau.

Những câu hỏi trong việc cử giáo viên sang nước ngoài học tiếng Anh

Một trong những biện pháp được đề xuất để giúp cải thiện kĩ năng nói tiếng Anh là cử các giáo viên sang nước ngoài học tập.

Rất nhiều giáo viên người Việt đã tham gia chương trình này, và kĩ năng của họ đã được cải thiện đáng kể. Chắc chắn các em học sinh cũng được hưởng lợi từ điều này.

Xem thêm  Lưu ý phong thủy về dọn nhà cuối năm: Chớ phạm phải những kiêng kỵ này để tránh mất lộc

Tuy nhiên, ngoài những lợi ích trên, việc cử giáo viên sang nước ngoài cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Hầu hết các chương trình đào tạo tại nước ngoài đều ngắn hạn nên không có đủ thời gian cho các giáo viên thực hành kĩ năng để sẵn sàng cho giảng dạy.

Bởi vậy, khi trở về Việt Nam và thực hành những kĩ năng đã học ở nước ngoài, họ có thể gặp khó khăn trong việc duy trì hoặc phát triển những kĩ năng này. Hơn nữa, chi phí dành cho những chương trình này thường rất cao.

Một số nước nói tiếng Anh cũng vô tình dựng lên các rào cản cho người học tiếng. Ví dụ, một giáo viên học tại New York, Texas hay Florida có thể sẽ có giọng điệu địa phương và sử dụng vốn từ địa phương không thông dụng đối với học sinh và sinh viên Việt Nam.

Là một người Mỹ nói tiếng Anh, tôi hoàn toàn có thể xác nhận những khó khăn trong việc nghe hiểu những biến thể ngôn ngữ đa dạng trong xã hội đa văn hóa của nước Mỹ.

Trong một số trường hợp, các giáo viên được cử sang nước ngoài để cải thiện kĩ năng nói tiếng Anh lại là những đối tượng không xứng đáng với cơ hội này.

Rất nhiều trường học Việt Nam cử nhiều giáo viên có thâm niên cao nhưng ít triển vọng tiến bộ sang nước ngoài, trong khi các giáo viên trẻ hơn nhưng có động lực cao và nền tảng tốt hơn lại không được lựa chọn.

Chính sách này sẽ khiến các vấn đề trong việc giảng dạy kĩ năng nói tiếng Anh tiếp tục tồn tại và không được giải quyết.

Việc cử giáo viên sang nước ngoài học tập với hy vọng các kĩ năng ngôn ngữ của họ sẽ được cải thiện đôi khi lại không đạt được kết quả mong đợi, hoặc thậm chí thất bại.

Hầu hết các trường đại học ở nước ngoài không cung cấp đủ hỗ trợ cho các sinh viên nước ngoài muốn lấy bằng cấp. Bởi vậy nên nhiều giáo viên được cử sang nước ngoài dù đạt được bằng cấp, nhưng họ vẫn không thông thạo kĩ năng nói và thậm chí cả kĩ năng viết.

Vấn đề này thực ra khá phổ biến, đặc biệt trong các ngành khoa học, kĩ thuật, toán học và khoa học máy tính, khi các sinh viên chủ yếu học về lý thuyết nhưng không chú trọng nhiều vào các kĩ năng nói và viết.

Ở Mỹ cũng có rất nhiều sinh viên nước ngoài dù có bằng tốt nghiệp đại học nhưng lại không thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh.

(còn nữa)

Terry F. Buss là giáo sư của Đại học Carnegie Mellon, lấy bằng tiến sĩ Khoa học Chính trị và Toán ở Đại học bang Ohio.

Ông đã từng cố vấn cho Ngân hàng Thế giới, cố vấn cho Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị Mỹ; giữ nhiều chức vụ quản lý ở Đại học Quốc tế Florida (Miami), Đại học Suffolk (Boston), Đại học Akron (Ohio), Đại học Carnegie Mellon (Australia). Ông đã tham gia nghiên cứu tại gần 20 nước trên thế giới.

Ông lấy vợ là một thông dịch người Việt nên thường xuyên lui tới Việt Nam.

Theo Trí thức trẻ/ soha

Link