Thứ năm, Tháng mười 17
Shadow

Hóa ra, thua Thái Lan chưa phải là điều đau đớn nhất với U22 Việt Nam

Thái lan, sea games 29, hữu thắng, U22 Việt Nam

Sau lời từ chức của HLV Hữu Thắng, một loạt các học trò lên tiếng bênh vực HLV xứ Nghệ này. Phải chăng người hâm mộ đã sai khi quá khắt khe với Hữu Thắng, với U22 Việt Nam?

1. Thất bại tại AFF Cup năm ngoái được kết luận do cả yếu tố khách quan và chủ quan. Khách quan ở việc chọn đối thủ giao hữu, cọ sát trước giải quá yếu, và chủ quan là do các cầu thủ thực hiện lối đá xấu xí, bạo lực và.. thiếu may mắn. Không một dòng nhắc đến HLV trưởng Hữu Thắng.

À nhầm, Hữu Thắng có được nhắc đến một lần, ở đoạn này: “Mặc dù trong quá trình tập luyện chuẩn bị cho trận bán kết, HLV trưởng Hữu Thắng đã chọn phương pháp tạo sự thoải mái tâm lý, không tạo áp lực nặng nề. Tuy nhiên trước sức ép phải ghi bàn thắng và thời gian không còn nhiều trong trận bán kết lượt về, cầu thủ đã không giữ được bình tĩnh“.

Hóa ra, Hữu Thắng không sai, lỗi tại cầu thủ.

Thái lan, sea games 29, hữu thắng, U22 Việt Nam

Theo báo cáo của Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh (trái), HLV Hữu Thắng hoàn toàn “vô can” trong thất bại của ĐTQG ở AFF Cup 2016.

Cùng đọc lại nguyên nhân đầu tiên mà Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh nêu ra: “Trong hai tuần tập huấn tại Hàn Quốc, đội có 3 trận giao hữu là phù hợp nhưng đáng tiếc là 3 đối tượng cọ xát không thực sự đủ mạnh khiến cầu thủ chưa có sự nỗ lực vượt bậc“.

Ơ, thế trong quy trình tập huấn cho U22 Việt Nam ở SEA Games lần này, người ta quên tiệt mất cái báo cáo vừa đọc dõng dạc mới nửa năm trước, hay quẳng nó vào sọt rác rồi, mà lại cũng chọn Hàn Quốc, cũng chọn 2 đội “yếu như sên” để giao hữu?

Hóa ra, Hữu Thắng không có lỗi, lỗi tại văn bản năm ngoái đọc xong rồi để quên đâu mất.

Thái lan, sea games 29, hữu thắng, U22 Việt Nam

Ai chưa đọc, thì đây là những gì Xuân Trường tâm sự sau trận thua Thái Lan: “Cả đội bước vào trận với rất nhiều vết thương trên người, và áp lực từ chính người hâm mộ”, “Em thực sự khó hiểu khi đội ở vào tình thế khó khăn sau trận hòa Indonesia mà người hâm mộ lại quay lưng, thậm chí chửi rủa một thành viên trong đội”.

Người hâm mộ sai rồi. Và chắc hẳn điều này sẽ là điểm mới duy nhất trong bản báo cáo nguyên nhân thất bại của U22 tại SEA Games của VFF, ngoài những nguyên nhân… y hệt năm ngoái.

2. Tú Chinh, nữ vận động viên điền kinh SEA Games lần này giành 3 chiếc huy chương vàng về cho đoàn thể thao Việt Nam ở các nội dung 100m, 200m và 4x100m nữ. Trước thềm SEA Games, cô gái 20 tuổi này đã tự nguyện khóa tài khoản Facebook, từ chối mọi cuộc hẹn hò với bạn trai để tập trung toàn tâm, toàn ý vào tập luyện và thi đấu.

Xem thêm  Thái Lan lo ngại về sự tiến bộ của Việt Nam ở SEA Games

Đội tuyển U20 tham dự World Cup vừa rồi, và trước đấy là U19 tham dự giải vô địch châu Á dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn đều đoạn tuyệt với mạng xã hội, điện thoại, thiết bị di động để tập trung vào tập luyện và thi đấu. Thành tích của họ thế nào, hẳn không ai còn xa lạ.

Thái lan, sea games 29, hữu thắng, U22 Việt Nam

Họ thành công vì sự hi sinh và tinh thần chuyên nghiệp.

Với Tú Chinh, HLV Hoàng Anh Tuấn và các cầu thủ U20, đấy đơn giản là sự hi sinh nhất thời để có sự tập trung cao độ và tốt nhất, hướng tới thành tích tốt nhất cho bản thân, cho Tổ quốc. Và với họ, đấy là điều bình thường mà bất cứ vận động viên chuyên nghiệp nào cũng nên làm.

Quay lại với tâm sự của Xuân Trường. Trong thời gian SEA Games diễn ra, hẳn Trường và các đồng đội của mình theo dõi khá sát những diễn biến trên mạng xã hội, để rồi nhận lấy áp lực cho chính mình, cho toàn đội, bị chi phối bởi những thông tin tiêu cực mà mình nhận được.

Khoan hẵng nói đến chuyện người hâm mộ Việt Nam đúng hay sai khi lên án Hồ Tuấn Tài, Công Phượng hay HLV Hữu Thắng. Cũng khoan hẵng nói chuyện phản ứng của Xuân Trường với người hâm mộ là đúng hay sai, đúng ra sao và sai thế nào. Chuyện cần nói là liệu Hữu Thắng có quá buông tuồng với các học trò?

Giới chuyên môn và người trong nghề chẳng ai lạ với cách quản học trò của Hữu Thắng. Nhà cầm quân xứ Nghệ “quản quân” theo kiểu “đại ca giang hồ” hơn là trên tư cách một người thầy. Hữu Thắng thích các học trò nể mình, chứ không cần phải sợ hay nghe lời. Với các “học trò cưng”, Hữu Thắng luôn là “vòng tay dang rộng” bất chấp đúng sai.

Thái lan, sea games 29, hữu thắng, U22 Việt Nam

3. Những ngày U22 “nước sôi lửa bỏng” với SEA Games, HLV Hoàng Anh Tuấn túc tắc ở Hà Nội huấn luyện, GĐKT Jurgen Gede ngồi dự khán các trận cầu của U22 Việt Nam, nhưng là đi du lịch cùng vợ và… mua vé vào ngồi xem từ khán đài B.

Họ, những người từng sát cánh bên nhau làm nên thành công của U20 Việt Nam mới vài tháng trước, dường như vẫn đau đáu theo bước chân của U22 Việt Nam, nhưng tuyệt đối không động tay vào, theo kiểu “nước sông không phạm nước giếng”.

Bởi dĩ nhiên là họ biết cách làm bóng đá của Hữu Thắng khác một trời một vực với họ – những HLV chuyên nghiệp với bằng cấp đầy mình, với kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn, luôn phải làm bóng đá từ những điều nghiêm ngắn nhất, là kỷ luật, là sự tập trung, là tính chuyên nghiệp.

Xuân Trường trách người hâm mộ Việt Nam, cũng đúng thôi. Bởi ngôi sao ấy bước ra từ một thế giới khác, nơi cậu được cấp nhà, cấp xe, được trả tiền để thỉnh thoảng ra sân cho cổ động viên thấy mặt, để báo chí viết đến, còn công việc làm nhiều nhất là… làm đại sứ.

Xem thêm  CĐV Indonesia "khiêu khích" Công Phượng vì không ghi bàn, fan Việt Nam lao vào tranh cãi

Thái lan, sea games 29, hữu thắng, U22 Việt Nam

Làm đại sứ mới là… công việc chính của Xuân Trường.

Ngôi sao ấy đá có tệ đến đâu, thì cái CLB Hàn Quốc mà cậu đang thi đấu cũng tâng bốc bằng những lời lẽ mà có lẽ Trường cũng sẽ phát ngượng khi đọc được. Là ngôi sao, dù chẳng mấy khi được ra sân, có lẽ những lời cay đắng của cổ động viên Việt Nam quá xa lạ với một cầu thủ “đẳng cấp”, được thi đấu ở một giải đấu “đẳng cấp” như Trường.

Hai trận cầu quan trọng nhất, trước U22 Indonesia và U22 Thái Lan, ngoài những cá nhân thảm hại như Hồ Tuấn Tài, Phí Minh Long hay Công Phượng, chính Xuân Trường là ngôi sao mờ nhạt nhất trong tay Hữu Thắng.

4. U22 đáng lẽ ra đã không phải rời khỏi SEA Games với bộ mặt cúi gằm đến dường ấy. Hữu Thắng đáng ra đã không phải từ chức ngay sau trận đấu, nếu như không có sự ngoan cố đến đáng ngạc nhiên trong quyết định không để Hà Đức Chinh vào sân trong trận gặp U22 Indonesia, sau tình huống đối phương mất người.

Thái lan, sea games 29, hữu thắng, U22 Việt Nam

Với Hà Đức Chinh, SEA Game 29 hẳn là kỷ niệm đáng quên?

Đấy là một canh bạc, mà Hữu Thắng thua khi tưởng rằng đã cầm chắc phần thắng trong tay. Nếu Tuấn Tài ghi bàn, Hữu Thắng chiến thắng. Nhược bằng không, vẫn còn trận gặp Thái Lan để tính tiếp. Như từng loại Anh Đức để chắc suất cho Công Vinh, hết lòng bảo bọc Quế Ngọc Hải, lần này Hữu Thắng đánh đổi vì Hồ Tuấn Tài.

Nhiều năm về trước, cựu tiền đạo CAHN Vũ Minh Hiếu đã từng phải ngậm ngùi “trốn” khỏi đội tuyển quốc gia vì sức ảnh hưởng của các cầu thủ Thể Công, rồi sau này là đến “dây” SLNA – sức mạnh của họ, cứ hỏi cựu trung vệ Vũ Như Thành thì biết. “Bè cánh” một thời là “đặc sản” của đội tuyển Việt Nam.

Tưởng rằng các “truyền thống” ấy đã mất đi từ sau thời HLV Calisto, gần đây nhất là Miura, nhưng…

Thái lan, sea games 29, hữu thắng, U22 Việt Nam

Chẳng mấy khó hiểu khi trước thềm AFF Cup 2016, giới chuyên môn và người hâm mộ phát hoảng với “sắc vàng” trên ĐTQG.

Và không nói thì ai cũng biết vì sao bầu Đức nhất định phải “giật sập” HLV Miura, để đưa bằng được Hữu Thắng lên chiếc ghế HLV trưởng. Cứ nhìn vào danh sách thi đấu SEA Games của U22 Việt Nam thì biết, nhìn vào nét mặt của HLV Hoàng Anh Tuấn khi hay tin học trò của mình bị loại khỏi danh sách dự SEA Games thì biết.

Thua Thái không phải là điều đau đớn nhất. Thua Thái cũng chẳng phải là điều đáng lo nhất lúc này. Dọn dẹp những gì bầu Đức và Hữu Thắng để lại, hóa ra ấy mới là điều đáng lo trên hết.

Theo Soha