Thứ Năm, Tháng Ba 28
Shadow

Vì sao người Ấn Độ hết mực tôn sùng giáo sĩ bị kết tội hiếp dâm?

Các đạo sư Ấn Độ rất thành công trong việc thuyết phục tín đồ rằng mình là hiện thân của thánh thần với năng lực siêu nhiên.

Bạo loạn bùng nổ ở hai bang miền bắc Ấn Độ cuối tuần qua khi hàng chục nghìn tín đồ đụng độ với cảnh sát để phản đối việc giáo sĩ Gurmeet Ram Rahim Singh bị kết tội cưỡng hiếp hai nữ tín đồ trong giáo phái Dera Sacha Sauda. Theo các chuyên gia phân tích, vụ bạo loạn khiến 38 người thiệt mạng này là minh chứng cho thấy quyền lực và sức ảnh hưởng của các giáo sĩ ở Ấn Độ.

Phần lớn trong 1,3 tỷ dân của Ấn Độ là tín đồ đạo Hindu, thờ phụng trên 3.000 vị thần và có hàng chục nghìn giáo đường, những “vương quốc tôn giáo” được cai trị bởi các đạo sư (guru) có vai trò dẫn dắt tín đồ. Những đạo sư này được cho là biểu tượng cho trí tuệ thông thái, hiện thân của thánh thần và thường được ca tụng là “thánh nhân”, theo Dailyo.

Nhà nghiên cứu Ấn Độ Palash Krishna Mehrotra cho biết phần lớn chức danh đạo sư này là tự xưng, nhưng một khi đã được gọi là “guru”, họ sẽ leo lên đỉnh thứ bậc trong xã hội phân chia đẳng cấp ở Ấn Độ. Với khả năng dẫn dắt, thuyết phục quần chúng siêu phàm, những đạo sư này sở hữu quyền lực và của cải vô biên, đồng thời tự cho mình quyền phá vỡ những nguyên tắc cấm kỵ trong đạo đức truyền thống.

Tuy nhiên hành trình trở thành một đạo sư không hề dễ dàng. Để có thể vươn tới vị trí đứng đầu một giáo phái, những người này phải chứng tỏ cho các tín đồ thấy rằng mình có tài năng, trí tuệ hoặc khả năng lôi kéo, thuyết phục người khác.

Chẳng hạn như đạo sư Rampal, người sáng lập phong trào Satlok Ashram ở bang Haryana, tuyên bố mình là hiện thân của một nhà thơ thời trung cổ, có khả năng dùng siêu năng lực để chữa bệnh cho mọi người. Ông chữa bệnh bằng cách ngâm mình trong sữa rồi dùng sữa đó để làm bánh “kheer” phân phát cho các tín đồ để điều trị vết thương, xua tan bệnh tật.

Xem thêm  Không phải bởi tài năng và mưu lược, vì sao Gia Cát Lượng được cả nước Nhật tôn sùng?

Đạo sư Sathya Sai Baba thì tuyên bố ông có thể dùng phép thuật tạo ra nhẫn vàng, đồng hồ Rolex và “tro thiêng” từ mái tóc bù xù của mình. “Tro thiêng” được ông phát cho các tín đồ để bôi lên trán nhằm giúp họ “phòng trừ bệnh tật”.

Có rất nhiều người tự xưng đạo sư nhưng sau đó chìm nghỉm không để lại tiếng tăm gì. Nhưng cũng có nhiều người bằng khả năng quảng bá của mình đã trở nên nổi tiếng.

Người theo đạo Hindu không thờ một “thượng đế” cụ thể nào và phần lớn các gia đình trung lưu ở Ấn Độ đều tôn sùng một đạo sư. Các đạo sư này đứng ra cử hành hôn lễ cho con cái họ, thuyết phục họ hiến tặng đất đai cho giáo phái, ban lộc cho họ trong các buổi lễ diễn ra tại giáo đường.

người ấn độ, tôn sùng, giáo sĩ, tôn sùng giáo sĩ, đạo sĩ, siêu nhiên

Đạo sư Singh được hàng triệu tín đồ tôn sùng hết mực. Ảnh: IndiaToday.

Theo Mehrotra, trên khía cạnh văn hóa, xã hội Ấn Độ không dựa trên khái niệm cá nhân, tất cả được quy về gia tộc. Nếu bạn muốn thể hiện bản thân, bạn phải làm điều đó thông qua gia tộc của mình. Các gia tộc Ấn Độ thể hiện bản sắc thông qua việc lựa chọn đạo sư. “Họ chọn đạo sư A, còn chúng tôi theo đạo sư B” là cách phân biệt phổ biến nhất trong xã hội nước này.

Bởi vậy, tín đồ của các đạo sư không chỉ có người nghèo. Họ còn là ngôi sao điện ảnh, cầu thủ bóng bầu dục, chính trị gia, các nhà tài phiệt, doanh nhân, các ông trùm truyền thông, tạo nên sức ảnh hưởng và quyền lực rất lớn cho các “thánh nhân” mà họ thờ phụng. Nhờ đó, các đạo sư có sức ảnh hưởng rất lớn với xã hội Ấn Độ, thậm chí còn có thể tác động đến các cuộc bầu cử địa phương.

Điều này giải thích tại sao hàng nghìn tín đồ sẵn sàng kéo đến trụ sở giáo phái Dera Sacha Sauda và sẵn sàng đụng độ với cảnh sát, gây bạo loạn đẫm máu để bảo vệ đến cùng đạo sư Singh, dù tòa án đã phán quyết rằng ông này đã có hành vi hiếp dâm chính nữ tín đồ của mình. Phán quyết này được đưa ra sau 15 năm điều tra, trong đó các điều tra viên thừa nhận họ chịu áp lực vô cùng lớn từ những người có thế lực yêu cầu họ đóng hồ sơ.

Xem thêm  Cánh đồng lúa ở Tam Cốc vào mùa đẹp nhất trong năm

Nhiều người chỉ trích lối sống phóng túng, xa hoa của đạo sư Singh, nhưng trong mắt các tín đồ, việc trở thành “thánh nhân” đồng nghĩa với việc các đạo sư được phép thụ hưởng vật chất. Nữ đạo sư có thể đeo những chiếc túi xách đắt tiền, đi những chiếc xe hơi hạng sang, mua sắm thời trang hàng hiệu. Nam đạo sư có thể sưu tập xe thể thao, tung ra những video âm nhạc hoành tráng, thậm chí đóng vai chính trong các bộ phim kiểu Bollywood.

Tín đồ tham dự buổi biểu diễn ca nhạc của đạo sư Singh.

Các đạo sư Ấn Độ ngày nay không còn ăn mặc đơn sơ như xưa, không ai nghĩ rằng họ cần phải giữ lớp vỏ giản dị nữa. Họ đã trở thành người nổi tiếng và các tín đồ say mê vẻ giàu sang của họ, sẵn sàng cung phụng các đạo sư với tất cả những gì họ có.

Mehrotra cho rằng cốt lõi của tín điều này chính là niềm tin vượt trên thánh thần. Các tín đồ cần một con người bằng xương bằng thịt nhưng mang tầm vóc của thánh thần để thỏa mãn niềm tin tôn giáo của mình. Việc đặt hết niềm tin vào sự đưa đường chỉ lối của một đạo sư giải thoát họ khỏi trách nhiệm phải tự tìm đường đi cho cuộc đời mình.

Theo các chuyên gia, việc tòa án Ấn Độ kết tội đạo sư Singh sau cuộc điều tra kéo dài thể hiện quyết tâm của nhà chức trách nước này trong việc duy trì pháp luật và các nguyên tắc pháp trị. Singh có thể sẽ phải đối mặt với mức án chung thân trong phiên tòa sắp tới.

Theo VNexpress