Thứ tư, Tháng Một 15
Shadow

Khá Bảnh lại vào đề thi văn: Các giáo viên có đồng tình?

Việc trường THPT Mường Bú (tỉnh Sơn La) đưa nhân vật Khá Bảnh vào đề thi học kì 2 môn Ngữ văn khối 12 lại tiếp tục làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều.

Cụ thể, đề thi Văn THPT Mường Bú đã tổng hợp một đoạn văn viết về nhân vật Khá Bảnh – một hiện tượng mạng của giới giang hồ vừa bị bắt vì tội đánh bạc.

Đề thi văn này cũng nêu rõ việc Khá Bảnh nổi tiếng trên mạng xã hội với điệu múa quạt và có những hành động điên rồ như dàn hàng ngang ra cao tốc chụp ảnh, nhưng lại được giới trẻ thần tượng, ngưỡng mộ.

Khá Bảnh vào đề thi Ngữ văn của trường THPT Mường Bú, Sơn La.

Nhiều người cho rằng, nhắc đến Khá Bảnh sẽ giúp các em tránh được việc học hỏi tấm gương xấu. Tuy nhiên, số khác lại cho rằng, việc đưa Khá Bảnh vào sẽ “vẽ đường cho hươu chạy”, khiến các em học sinh tò mò hơn về nhân vật này.

Nhiều giáo viên, chuyên gia cũng lên tiếng phản đối và khẳng định những đề thi nêu hiện tượng tiêu cực, là mạo hiểm và có thể xảy ra những tác động ngược.

Nhận xét về đề thi nhắc đến Khá Bảnh của trường THPT Mường Bú (Sơn La), thạc sĩ Nguyễn Thuý Toàn – Hiệu trưởng trường THPT dân lập Nguyễn Bình (Quảng Ninh) cho rằng, đề văn đã đưa những vấn đề có tính thời sự giúp học sinh bày tỏ được quan điểm, thái độ về các vấn đề thực tiễn xã hội đang diễn ra và liên hệ tự giáo dục bản thân tốt hơn.

Xem thêm  Đừng nghĩ gộp Tết thì có thể 'văn minh'

“Đề văn không chỉ đưa hiện tượng Khá Bảnh mà đã thể hiện rõ thái độ phê phán những việc làm sai trái của đối tượng và sự lệch lạc trong nhận thức của một bộ phận cư dân mạng. Đồng thời chỉ rõ hậu quả của những hành vi vi phạm pháp luật; đưa ý kiến nhận định của bộ trưởng nhằm định hướng đúng đắn cho học sinh.

Như vậy, đề văn đã đề cập đến hiện tượng có tính thời sự giúp học sinh bày tỏ quan điểm nhận thức, thái độ, kĩ năng… mà vẫn đảm bảo tính giáo dục. Nếu đề chỉ dừng lại ở việc nhắc đến hiện tượng Khá Bảnh thì mới gây tò mò”, thạc sĩ Nguyễn Thuý Toàn nói.

Đồng quan điểm, thạc sĩ Đinh Thanh Hải – giáo viên Ngữ văn, trường THPT Đông Triều (Quảng Ninh) nêu quan điểm, có thể mọi người đang nhìn sự việc theo hướng tiêu cực.

Bởi, văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống thì không có lí nào lại không thể đưa những vấn đề thời sự vào, và những đề thi như thế này sẽ gần gũi và phù hợp hơn với tâm lí học sinh.

Cô giáo Hải chia sẻ thêm: “Đề văn này không có gì là vẽ đường cho hươu chạy, vạch đường chỉ lối để học sinh làm theo cả. Việc cám dỗ phải phụ thuộc vào ý thức và bản lĩnh của từng người”.

Xem thêm  28 giấy khen với "danh hiệu" chưa từng xuất hiện trong trường học

Trong khi đó, cô U.T.N – giáo viên Ngữ văn tại trường THPT Bắc Hà (Đống Đa, Hà Nội) lại có suy nghĩ không phải lúc nào Văn học cũng chỉ có những điều tốt, bởi như vậy sẽ khiến văn học bị biến thành khẩu hiệu, xa vời thực tế.

Việc đưa hiện tượng tiêu cực như trường hợp của Khá Bảnh còn là cách để giúp học sinh, đặc biệt là học sinh giỏi có cách nhìn nhận, đánh giá hiện tượng tiêu cực trong cuộc sống, từ đó có cái nhìn, thái độ sống đúng đắn hơn.

Trước đó, việc Khá Bảnh xuất hiện trong đề thi Ngữ văn của trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng) cũng đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều.

>>Thực hư thông tin Khá Bảnh được tại ngoại sau khi bị khởi tố

Theo Trí thức trẻ soha

Link