Thứ Sáu, Tháng Ba 22
Shadow

Không phải Lưu Thiện, đây mới thực sự là tội đồ khiến nhà Thục Hán sớm diệt vong

Bàn về sự diệt vong của Thục Hán, có người cho rằng trách nhiệm lớn nhất thuộc về Hoàng đế vô năng Lưu Thiện, có người lại khẳng định tội vốn đến từ chủ soái Khương Duy hiếu chiến.

Ảnh minh họa.

Có người lại quy hết cho đám hoạn quan, nịnh thần lộng hành trong triều lúc bấy giờ.

Thế nhưng ít ai thực sự nhìn ra rằng, sự sụp đổ nhanh chóng của tập đoàn chính trị này thực chất còn liên quan mật thiết với một nhân vật thuộc dòng họ Gia Cát danh tiếng. Đó chính là Gia Cát Chiêm – con trai ruột của Gia Cát Khổng Minh.

Theo nhận định từ Qulishi, chính quyết sách sai lầm của Gia Cát Chiêm trong trận chiến Thục – Ngụy năm xưa đã khiến lực lượng hữu sinh cuối cùng của Thục Hán bị tiêu diệt, từ đó đánh mất khả năng kéo dài tình thế để trừ hoãn chiến sự, cũng triệt tiêu cơ hội cải tử hoàn sinh cuối cùng đối với tập đoàn chính trị này.

Đường quan lộ thuận buồm xuôi gió và những tranh cãi xung quanh thực tài của Gia Cát Chiêm

Tài năng và những đóng góp của Gia Cát Lượng đối với Thục Hán đã phần nào tạo lập địa vị chính trị vững chắc cho con cháu trong gia tộc. (Ảnh minh họa).

Nhắc tới tên tuổi của dòng họ Gia Cát, phần lớn hậu thế đều quen thuộc với vị mưu sĩ đại tài thời Tam Quốc là Gia Cát Lượng.

Cùng với danh tiếng lẫy lừng của Khổng Minh, Gia Cát Chiêm con trai ông cũng từng được xem là nhân vật có tiếng tăm thời bấy giờ.

Từ lúc sinh ra cho đến khi bước chân vào chốn quan trường, cuộc đời của Gia Cát Chiêm có thể coi là tương đối thuận buồm xuôi gió.

Sau khi Gia Cát Khổng Minh qua đời, ông trở thành Phò mã đô úy đương triều. Năm 261, Gia Cát Chiêm tiếp tục được thăng làm Hành quân hộ vệ tướng quân, sau lại thống soái chư tướng, trở thành một nhân vật có tiếng nói trong tập đoàn chính trị Thục Hán.

Nhắc tới người con trai này của Gia Cát Lượng, “Tam Quốc chí” có ghi lại:

“Gia Cát Chiêm giỏi thư họa, hiểu rộng nhớ lâu. Người ở nước Thục đều nhận định Tử Viễn (tên tự của Chiêm) sẽ bắt kịp Khổng Minh nên hết sức quý trọng tài ấy. Mỗi khi triều đình có hỷ sự, dù ông không ở đó khởi xướng, mọi người đều bảo nhau rằng: ‘Gia Cát hầu ở đây vậy’. Thế rồi lời vui tràn đầy, có khi còn hơn cả lúc ông có mặt ở đó”.

Nói cách khác, Gia Cát Chiêm trong triều đình Thục Hán chính là một nhân vật có xuất thân từ gia tộc của đại công thần. Chỉ tiếc rằng ông lại không có được tài năng xuất chúng như người cha của mình.

Mặc dù là con trai của Gia Cát Khổng Minh, Gia Cát Chiêm thực sự khó có thể so sánh với cha mình trên phương diện mưu lược. (Tranh minh họa).

Trong trận chiến quyết định sự tồn vong của Thục Hán, Gia Cát Chiêm với khí tiết trung nghĩa đã kiên quyết từ chối thư dụ hàng của Đặng Ngải, còn thẳng tay chém sử giả quân địch.

Mặc dù Gia Cát Chiêm và Gia Cát Thượng (con trai ruột của Chiêm) đều hy sinh trong trận chiến khốc liệt này, nhưng dòng họ Gia Cát với 3 đời hết lòng phụng sự cơ nghiệp Thục Hán đã để lại tiếng thơm lưu danh muôn thuở.

Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, nếu phân tích kỹ càng cục diện trận chiến Thục – Ngụy năm xưa, không khó để nhận thấy Gia Cát Chiêm cũng phải gánh một phần trách nhiệm không nhỏ về sự sụp đổ của tập đoàn chính trị Thục Hán.

Nhìn lại cuộc chiến Thục – Ngụy năm ấy, bất luận là về tầm nhìn chiến lược hay chiến thuật, những quyết sách của Gia Cát Chiêm đều khó nhận được những lời đánh giá cao từ hậu thế.

Xem thêm  Lăng mộ Võ Tắc Thiên: Ngàn năm không ai dám xâm phạm vì sợ những chuyện rùng rợn này

Do đó, có ý kiến cho rằng phần lớn những lời tán dương về Gia Cát Chiêm đều bắt nguồn từ thành tựu của Khổng Minh và uy danh của gia tộc nên có phần phản ánh không đúng thực lực.

Gia Cát Chiêm không cầm quân, Thục Hán chưa chắc đã tận?

Nếu Gia Cát Lượng là công thần từng gây dựng nên cơ nghiệp Thục Hán thì Gia Cát Chiêm lại là người quyết định vận số của tập đoàn chính trị này. (Ảnh minh họa).

Năm 263 sau công nguyên, thời thế cuối cùng đã cho Gia Cát Chiêm một cơ hội để thể hiện tài năng của mình.

Vào năm ấy, Tư Mã Chiêu phát động cuộc chiến diệt Thục, phái Chung Hội và Đặng Ngải dẫn quân tham chiến. Cánh quân của Chung Hội đã bị Khương Duy, Đổng Quyết, Liêu Hóa và Trương Dực chặn lại.

Trước tình thế đó, Đặng Ngải mang một nhánh quân đi tắt qua đường núi Âm Bình để chuẩn bị đánh thẳng vào Thành Đô, còn Hậu chủ Lưu Thiện thì phái Gia Cát Chiêm thống soái binh đoàn Thục Hán đi nghênh chiến.

Nếu đánh giá một cách khách quan, thế lực của Tào Ngụy bấy giờ quả thực có phần áp đảo. Vì vậy kết cục diệt vong của Thục Hán âu cũng chỉ là chuyện sớm muộn.

Thế nhưng sự thực là vào thời điểm xảy ra cuộc chiến tranh nói trên, Thục Hán chưa hoàn toàn bị đẩy vào cảnh cùng đường.

Bởi lẽ, nội bộ Tào Ngụy bấy giờ đang nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn. Ngay tới hai tướng Ngụy tham gia phạt Thục là Chung Hội và Đặng Ngải cũng nảy sinh bất đồng, ấp ủ ý đồ riêng.

Hơn nữa vào lúc này, mối quan hệ của Đông Ngô với Thục Hán tuy không còn hòa hợp như trước, nhưng người cầm quyền của Tôn Ngô cũng lo lắng viễn cảnh “môi hở răng lạnh”, vì thế ắt sẽ không chịu ngồi yên bỏ mặc Thục Hán.

Chưa dừng lại ở đó, tập đoàn chính trị Thục Hán dù có sở hữu thực lực yếu nhất trong Tam Quốc, thì một số chiến thắng nhất định trong các chiến dịch “lục xuất Kỳ Sơn”, “cửu phạt Trung Nguyên” cũng khiến cho lòng quân ổn định, chưa đến mức rệu rã không gượng dậy nổi.

Trong khi đó, các quan viên phe Tào Ngụy thực chất chỉ có Chung Hội thực sự xông xáo trước công cuộc phạt Thục, còn các đại thần khác (bao gồm cả Đặng Ngải) cũng không dám chắc sẽ dành chiến thắng trong trận chiến quyết định này. (Theo nhận định của Qulishi).

Từ những nguyên nhân trên, có thể nhận định rằng yếu tố quyết định sự tồn vong của Thục Hán chính là trận đánh ở Miên Trúc, mà Gia Cát Chiêm mới thực sự là nhân vật then chốt nắm giữ trong tay sinh tử của tập đoàn chính trị này.

Mắc nhiều sai lầm trên chiến trường, hậu nhân của gia tộc Gia Cát phải trả giá bằng cả mạng sống

Trận đánh ở Miên Trúc không những không phải là nơi để Gia Cát Chiêm bộc lộ tài năng mà còn trở thành nơi khiến ông vong mạng. (Ảnh minh họa).

Gia Cát Chiêm khi nhận mệnh xuất binh đã từng nói với Lưu Thiện một câu:

“Xin bệ hạ đem hết quân ở Thành Đô cấp cho thần, thần xin lĩnh quân đi, quyết tử một trận với quân giặc”.

Từ những lời này có thể nhìn ra, Gia Cát Chiêm ngay từ đầu đã không có tầm nhìn chiến lược và quyết định sai phương châm tác chiến.

Sự thực là Hoàng đế muốn ông lãnh binh đi tiêu diệt Đặng Ngải, cứu nước cứu dân. Thế nhưng vị tướng họ Gia Cát này lại hiểu rằng đây là trận đánh tử chiến vì quốc gia.

Gia Cát Chiêm căn bản không hiểu được tình thế của phe mình lúc bấy giờ. Bởi lẽ, khi ấy Thục Hán không cần một trung thần quyết tử tận trung mà cần một chiến thần để bảo vệ cơ ngơi xã tắc.

Xem thêm  5 danh thần trung thành nhất Tam Quốc, Gia Cát Lượng chỉ xếp chót bảng

Chưa dừng lại ở đó, khi lựa chọn người tiên phong, Gia Cát Chiêm tiếp tục phạm phải một sai lầm nghiêm trọng. Đó chính là để con trai ruột của mình là Gia Cát Thượng nhận lấy trách nhiệm nặng nề này.

Diễn biến của trận chiến sau đó đã chứng minh, Gia Cát Thượng tuy có tài năng, có lòng trung nghĩa nhưng lại thiếu kinh nghiệm thực chiến và tầm nhìn chiến lược.

Khi quân Ngụy có phần nản chí trước sự chống trả quyết liệt từ binh lính Thục Hán, Đặng Ngải đã dẫn một nhánh quân đi tắt qua đường núi Âm Bình để đánh thẳng vào Thành Đô. Nhánh quân của vị tướng họ Đặng đã đụng độ với Gia Cát Chiêm ở gần địa phận Miên Trúc.

Vào thời điểm mới tham chiến, xét về số lượng, quân số trong tay Gia Cát Chiêm đã nhiều hơn nhánh quân Đặng Ngải.

Thực tế, nếu Gia Cát Chiêm có thể tranh thủ thời cơ tấn công ngay khi quân của Đặng Ngải vừa vượt qua núi cao đường dài, tinh thần mệt mỏi, thì có lẽ Thục Hán đã có một kết cục khác.

Chỉ tiếc rằng vị tướng ấy đã bỏ lỡ thời cơ tốt, để cho Đặng Ngải nắm lấy cơ hội ngàn vàng. Quyền chủ động trên chiến trường cứ như vậy mà được Đặng Ngải giành về cho phe Tào Ngụy.

Khi đã ý thức được sự lợi hại của Đặng Ngải, lẽ ra Gia Cát Chiêm nên củng cố thành trì, chờ đợi quân cứu viện, tuyệt đối không nên hành động lỗ mãng.

Tuy nhiên vị tướng thiếu kinh nghiệm thực chiến lại có phần chủ quan, thậm chí còn chủ động xông ra tuyên chiến với phe địch. Kết quả là Gia Cát Chiêm trúng kế mai phục, quân Thục đại bại và phải quay về Miên Trúc.

Tới lúc này, phe của Đặng Ngải bất luận là về số lượng hay tinh thần binh lính đều đã áp đảo đội quân của Gia Cát Chiêm. Tình thế của Thục Hán cũng bởi vậy mà càng thêm nguy nan.

Bấy giờ Gia Cát Chiêm vốn có thể cố gắng cầm cự, kéo dài thời gian để chờ viện binh, hoặc dẫn toàn quân lui về Thành Đô, bảo toàn lực lượng để quyết chiến với quân địch ở kinh đô.

Chỉ tiếc rằng, vào thời điểm ấy, ông lại quyết định trao quyền thủ thành cho con trai, còn mình thì dẫn quân mở cổng thành để xông ra liều chết.

Chính vì quyết sách sai lầm này, Gia Cát Chiêm một lần nữa lọt bẫy mai phục. Con trai của Khổng Minh cứ như vậy mà phải chịu cảnh “da ngựa bọc thây” nơi sa trường.

Cơ nghiệp Thục Hán mà cả đời Gia Cát Lượng cúc cung tận tụy lại bị chính tay hậu nhân của ông hủy đi trong nháy mắt. (Ảnh minh họa).

Vào lúc đó, hậu duệ còn lại của ông là người con Gia Cát Thượng vốn không thông hiểu binh pháp mà chỉ có tinh thần quyết chiến. Trước sự hy sinh của cha, Gia Cát Thượng lại đem quân liều mạng với Đặng Ngải và tiếp tục bỏ mạng.

Khi đã hạ được thành Miên Trúc, chẳng bao lâu sau quân Đặng Ngải đã xâm chiếm Thành Đô khiến Lưu Thiện buộc phải đầu hàng, đặt dấu chấm hết cho chính quyền Thục Hán.

Kết cục đáng tiếc này khiến một số người cho rằng, Gia Cát Chiêm thực sự là tội nhân khiến Thục Hán càng tuột dốc nhanh trên đà triệt vong, từ đó tống táng cơ nghiệp mà Khổng Minh cha ông đã cả đời đã cúc cung tận tụy.

Thậm chí, Qulishi còn đưa ra nhận định, sự trung nghĩa quyết tử của Đặng Ngải không thể báo đáp ân huệ của triều đình, cũng không cứu vãn được tình thế thất bại của Thục Hán mà còn khiến tập đoàn chính trị này bị phá hủy trong nháy mắt.

Theo Thời đại

Link