Thứ tư, Tháng Một 15
Shadow

Không phải Quách Gia hay Giả Hủ, đây mới là mưu sĩ đắc lực nhất dưới trướng Tào Tháo

Mưu sĩ đắc lực nhất dưới trướng Tào Tháo không chỉ là người đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong tập đoàn chính trị của ông mà còn là nhân vật có nhiều cống hiến hơn cả.

Tào Tháo

Nhắc tới sự nghiệp của Tào Tháo, có ý kiến cho rằng tập đoàn mưu sĩ dưới tay ông đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp vị quân chủ này gây dựng cơ đồ.

Theo sử liệu ghi lại, Tào Tháo năm xưa từng dùng nhiều phương thức để chiêu mộ nhân tài trong thiên hạ. Trong số đó, có khoảng hơn 100 vị được lưu rõ tên tuổi, nhóm người không rõ danh tính ước chừng cũng có không ít.

Những nhân tài tinh anh này đã được Tào Tháo tập hợp và trở thành hội đồng cố vấn trong tập đoàn chính trị của ông.

Vào giai đoạn đầu, tập đoàn mưu sĩ dưới tay Tào Ngụy có 5 nhân vật nổi bật hơn cả. Đó là Tuân Úc, Tuân Du, Giả Hủ, Quách Gia và Trình Dục.

Những người này được xếp vào hàng 5 đại mưu sĩ trong buổi đầu khi Tào Tháo bắt đầu gây dựng sự nghiệp.

Sau này, tập đoàn chính trị Tào Ngụy còn có thêm 3 mưu sĩ nổi bật khác là Lưu Diệp, Tưởng Tế và Tư Mã Ý.

Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra quyết sách về quân sự và hành chính của Tào Ngụy, thế nhưng ai trong số những anh tài kể trên mới thực sự là mưu sĩ đắc lực nhất dưới tay Tào Tháo?

Những mưu sĩ đắc lực nhất dưới tay Tào Tháo: Không có chuyện “sóng sau xô sóng trước”!

Tào Tháo

Những tên tuổi như Tư Mã Ý, Tưởng Tế, Lưu Diệp được đánh giá là không có nhiều đóng góp bằng 5 đại mưu sĩ đời đầu của Tào Tháo. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).

Khi Tào Tháo đã bước sang độ tuổi gần đất xa trời, Ngụy – Thục – Ngô lúc bấy giờ tuy chưa chính thức lập quốc, nhưng thế chân vạc về cơ bản đã bắt đầu hình thành.

Vào lúc bấy giờ, Lưu Diệp, Tưởng Tế và Tư Mã Ý được xem là những gương mặt nổi bật trong tập đoàn cố vấn của Tào Mạnh Đức.

Trong số đó, Lưu Diệp được vị quân chủ họ Tào xem như đại quân sư về phương diện chiến lược. Vị mưu sĩ này cũng chính là người từng khuyên Tào Tháo thừa dịp đất Thục chưa ổn định, tấn công Lưu Bị.

Nếu lúc đó Tào Tháo chịu nghe theo lời đề nghị này của Lưu Diệp, thế cục Ngụy – Thục – Ngô tam phân thiên hạ rất có thể đã không hình thành.

Bên cạnh vị mưu sĩ họ Lưu, Tưởng Tế và Tư Mã Ý cũng được xem như những quân sư đắc lực trong tập đoàn Tào Ngụy lúc bấy giờ.

Khi Quan Vũ dùng kế khiến nước ngập bảy quân, Tào Tháo từng lo sợ tới mức muốn dời đô. Tuy nhiên chính hai mưu sĩ này đã ra sức khuyên ngăn quân chủ.

Thế nhưng nếu đánh giá tổng quát từ cuộc đời của Tưởng Tế cùng Tư Mã Ý, không khó để nhận thấy năng lực của họ chỉ thực sự được phát huy sau khi Tào Tháo qua đời. Cho nên, hai nhân vật này khó có thể xếp vào hàng ngũ mưu sĩ đắc lực dưới thời Tào Mạnh Đức.

Theo nhận định của KKNews, những mưu sĩ phò tá Tào Ngụy ở giai đoạn sau này tuy cũng có công lao không nhỏ, nhưng xét về vai trò của họ lại không quan trọng bằng các mưu sĩ thời kỳ đầu.

Do đó, để tìm ra vị mưu sĩ đắc lực nhất dưới tay Tào Tháo, hậu thế vẫn nên đánh giá 5 đại mưu sĩ thời kỳ đầu để có được cái nhìn khách quan nhất.

Vậy trong số 5 quân sư nổi tiếng là Tuân Úc, Tuân Du, Giả Hủ, Quách Gia và Trình Dục, ai mới thực sự là người đưa ra những mưu kế đắc lực nhất đối với Tào Tháo nói riêng và tập đoàn Tào Ngụy nói chung?

Năm đại mưu sĩ dưới trướng Tào Mạnh Đức: Ai là người góp nhiều mưu kế nhất?

Tào Tháo

Quách Gia, Trình Dục, Tuân Úc… đều là những mưu sĩ từng đưa ra cho Tào Tháo nhiều kế sách đắc lực. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).

Quách Gia

Vị quân sư họ Quách này đi theo Tào Tháo từ năm Kiến An thứ nhất, tổng cộng hiến 6 mưu kế nổi bật.

Xem thêm  Tiết lộ về "mối hận" hơn 30 năm trong Tây du ký 1986

Trước trận Quan Độ, ông đưa ra thập thắng thập bại bàn về cơ sở giúp Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu. Sau đó, Quách Gia cùng Tuân du hiến kế, khiến nước ngập Hạ Phì, bắt sống Lữ Bố.

Chưa dừng lại ở đó, vị quân sư này cũng chính là người có đồng quan điểm với Trình Dục trong việc đề nghị giết Lưu Bị, nếu không thì nên giam lỏng.

Quách Gia lúc sinh thời cũng từng đưa ra dự đoán về sự kiện Tôn Sách bị ám sát. Ông còn dùng trí phá hai Viên (Viên Đàm, Viên Thượng) và cũng là người góp lực giúp Tào Tháo bắc chinh Ô Hoàn, bình định Liêu Đông.

Tuân Du

Xét về thời gian phò tá, Tuân Du có điểm tương đồng với Quách Gia khi cũng bắt đầu sự nghiệp phụng sự Tào Tháo kể từ năm Kiến An thứ nhất.

Sinh thời, Tuân Du cùng Quách Gia đã cùng nhau hiến kế giúp quân chủ bắt sống Lữ Bố. Trong trận Quan Độ, ông cũng là người đưa ra kế sách giương đông kích tây, góp phần vào chiến tích chém Nhan Lương, giết Văn Xú.

Tuân Du cũng là người đề nghị phái Từ Hoảng đốt lương thảo của Viên Thiệu. Sau này, ông còn ra sức dẹp bỏ nghị luận, chủ trương ủng hộ Tào Tháo tiêu diệt thế lực của con cái họ Viên.

Tào Tháo

Quách Gia và Tuân Du còn được đánh giá là hai chủ mưu chiến thuật trong tay Tào Tháo. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).

Trình Dục

So với hai mưu sĩ trên, Trình Dục có thời gian đi theo Tào Tháo sớm hơn, bắt đầu từ năm Sơ Bình thứ hai dưới thời Hán Hiến Đế.

Trình Dục và Quách Gia từng có chung chủ kiến đề nghị Tào Tháo giết Lưu Bị. Ông cũng là người từng cùng Tuân Úc bảo vệ ba huyện của Duyện Châu, giúp Tào Tháo giữ được đại bản doanh trước trận đánh úp từ phe Lữ Bố.

Vào giai đoạn quân Tào Tháo gặp khó khăn trong trận giao tranh với Lữ Bố, Trình Dục cũng là người ra sức khuyên quân chủ không nên bắt tay với Viên Thiệu. Ông còn từng thay Tào Tháo thủ thành, góp kế giúp Tào Ngụy mưu phá hai Viên.

Từ đó có thể thấy, Trình Dục từng đóng góp cho Tào Tháo 5 mưu kế nổi bật.

Tuân Úc

Tuân Úc cũng giống như Trình Dục, bắt đầu đi theo phò tá Tào Tháo từ năm Sơ Bình thứ hai. Trong số các mưu sĩ dưới tay Tào Mạnh Đức thời kỳ đầu, Tuân Úc có thể coi là mưu sĩ quan trọng nhất.

Ông cũng chính là người từng đề xuất Tào Tháo nắm lấy Thiên tử để ra lệnh cho các chư hầu. Tuân Úc còn xây dựng đường đi nước bước cho kế hoạch thống nhất bắc nam của Tào Tháo, cũng nhiều lần đưa ra đề xuất sửa đổi phương châm chiến lược cho tập đoàn chính trị này.

Giả Hủ

Vị mưu sĩ họ Giả bắt đầu phụng sự Tào Tháo từ năm Kiến An thứ tư. Có lẽ bởi phò tá muộn hơn, Giả Hủ có phần ít lên tiếng.

Lúc sinh thời, ông chỉ hiến 2 mưu kế cho Tào Tháo. Tuy nhiên cả hai kế này đều có vai trò vô cùng quan trọng.

Mưu kế thứ nhất của Giả Hủ chính là chủ trương gắng sức cùng Viên Thiệu quyết chiến trong trận Quan Độ.

Mưu kế thứ hai là kế sách ly gián Mã Siêu và Hàn Toại, giúp Tào Tháo bình định Quan Trung.

Xếp trên Quách Gia, Giả Hủ, nhân vật này mới thực sự là mưu sĩ đắc lực nhất dưới tay Tào Tháo

Tào Tháo

Có ý kiến cho rằng, trong số năm đại mưu sĩ, Quách Gia và Tuân Úc là hai nhân vật đóng vai trò quan trọng hơn cả. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).

Bên cạnh số lượng mưu kế, tầm quan trọng của những kế sách này cũng là yếu tố cho thấy sự đắc lực của các mưu sĩ đối với quân chủ.

Xem thêm  Chuyên gia công nghệ: "Quy mô VSmart vượt Blackberry, ngang với LG ngay tại trụ sở chính"

Ở vào giai đoạn trước và sau trận Quan Độ, Quách Gia có biểu hiện rất vượt trội. Ông được xem là mưu sĩ chủ chốt giúp Tào Tháo công phá Liêu Đông, cũng là người lập được công lớn trong sự nghiệp thống nhất phương Bắc của vị quân chủ này.

Đánh giá về tài năng của mưu sĩ họ Quách, Trần Thọ từng nhận định ông là người “tài sách mưu lược”, Tào Tháo xem ông là “kỳ tá”, luôn đem theo bên mình để thuận tiện bàn bạc kế sách, tùy cơ ứng biến.

Bên cạnh Quách Gia, Tuân Du cũng được xem là một trong số chủ mưu chiến thuật dưới trướng Tào Tháo.

Tuân Du làm việc chu đáo, khiêm tốn, linh hoạt, nhiều lần thay đổi sách lược quân sự và chiến thuật khắc chế quân địch, nhận được sự tán thưởng sâu sắc của Tào Tháo và cũng được xếp vào hàng “chủ mưu”.

Nếu so với 6 mưu kế của Quách Gia, Tuân Du lúc sinh thời từng hiến tổng cộng 12 kế sách. Tuy nhiên theo KKNews, một số kế sách của ông không được ghi lại cụ thể, cho nên Tuân Du được xếp cao hơn Quách Gia một bậc.

Trình Dục được xem là nhân vật có vị trí khiêm tốn trong hàng ngũ 5 đại mưu sĩ. Số lượng mưu kế của ông thấp hơn Quách Gia, hơn nữa lại từng có tư binh, tiếng tăm không được tốt nên có vẻ không mấy được Tào Tháo trọng dụng.

Giả Hủ mặc dù đi theo Tào Tháo muộn nhất, số lượng mưu kế cũng không nhiều.

Tuy nhiên trên thực tế, ông chính là người đầu tiên đưa ra kế sách nắm Thiên tử lệnh chư hầu, hơn nữa ông từng hiến kế giúp Trương Tú đánh bại Tào Tháo, lại có công ly gián Mã Siêu và Hàn Toại, giúp quân chủ bình định Quan Trung.

Giả Hủ được xem là người rất có tầm nhìn chiến lược vào thời loạn thế lúc bấy giờ.

Trong thời kỳ loạn lạc, ông vẫn có thể bảo vệ cả gia đình chu toàn, thậm chí còn được yên ổn chết già trong khi từng phụng sự dưới trướng một vị quân chủ đa nghi như Tào Tháo, cho nên được coi là người thông minh nhất và được xếp hạng cao hơn Tuân Du một bậc.

Tào Tháo

Theo xếp hạng của KKNews, Tuân Úc là vị mưu sĩ đắc lực nhất dưới trướng Tào Tháo, vượt qua những tên tuổi trong hàng ngũ đại mưu sĩ như Quách Gia, Giả Hủ, Tuân Du… (Ảnh minh họa).

Nếu Tuân Du, Quách Gia được xem như chủ mưu chiến thuật, thì Tuân Úc lại được ví như chủ mưu chiến lược dưới trướng Tào Tháo.

Chủ mưu chiến lược luôn được xếp cao hơn chủ mưu chiến thuật, vì vậy không khó hiểu khi Tuân Úc là người đắc lực nhất trong hàng ngũ 5 đại mưu sĩ của Tào Ngụy thời bấy giờ.

Ông từng giúp Tào Tháo nắm Thiên Tử để ra lệnh cho các chư hầu, từng cùng Trình Dục thủ vững ba thành Duyện Châu trước quân của Lữ Bố, trợ lực giúp Tào Tháo đánh thắng Viên Thiệu.

Điều đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, Tuân Úc chính là người đề tiến cử cho Tào Tháo hàng loạt nhân tài, trong đó có những tên tuổi nổi tiếng như Chung Diêu, Tuân Du, Hí Chí Thành, Quách Gia…

Cũng bởi nắm giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong hàng ngũ mưu sĩ, Tuân Úc từng đảm nhiệm chức Thượng thư lệnh tới mười mấy năm, xử lý nhiều sự vụ quân quốc, được người đời kính trọng gọi là Tuân Lệnh quân, còn được chính Tào Tháo xem như “Tử Phòng” (Trương Lương) của mình.

Bởi Tuân Úc được xem như đại công thần và là mưu sĩ thủ lĩnh giúp Tào Tháo thống nhất phương Bắc, nên ông hiển nhiên giữ vị trí số 1 trong hàng ngũ quân sư.

Vì vậy, thứ hạng của 5 đại mưu sĩ dưới trướng Tào Tháo trong thời kỳ đầu lần lượt là:

Vị trí thứ năm: Trình Dục

Vị trí thứ tư: Quách Gia

Vị trí thứ ba: Tuân Du

Vị trí thứ hai: Giả Hủ

Vị trí thứ nhất: Tuân Úc.

Theo Trần Quỳnh- Trí thức trẻ/Soha

Link