Bộ Xây dựng đồng ý với đề xuất của Hà Nội về việc chuyển đổi nhà ở sinh viên đang triển khai dở dang tại Pháp Vân- Tứ Hiệp (Hoàng Mai) sang nhà ở xã hội (NOXH). Xung quanh việc chuyển đổi này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có sự nghiên cứu kỹ, đặc biệt về vấn đề hạ tầng, tránh tình trạng cái trước đã ế, cái sau nếu không nghiên cứu cũng sẽ ế.
Ký túc xá nghìn tỷ “chết yểu”
Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp gồm có 6 khối nhà (ký hiệu từ A1 đến A6) cao 19 tầng với hơn 1.400 phòng. Theo thiết kế, khu này có khả năng đáp ứng chỗ ở cho hàng vạn sinh viên. Dự án được khởi công từ tháng 9/2009. Tháng 1/2015, 3 tòa nhà cao tầng khang trang được đưa vào khai thác có khả năng đáp ứng nhu cầu ở của 1,1 vạn sinh viên.
Tuy nhiên, sau gần 2 năm đưa vào sử dụng, công suất khai thác của 3 tòa nhà A1, A5, A6 chỉ đạt khoảng 30% do những bất cập về quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông. Ba tòa nhà sinh viên chưa vào ở hết, trong khi đó 2 tòa nhà cao tầng A2, A3 đã xây xong phần thô từ lâu nhưng chưa được hoàn thiện, vẫn nằm phơi nắng phơi mưa gây lãng phí trong thời gian dài.
“Vấn đề chuyển đổi cần có sự đánh giá, nhìn nhận, nghiên cứu đặt ra nhiều vấn đề. Tránh việc để cái trước đã không nghiên cứu sinh ra ế cái mới nếu không nghiên cứu thì cũng sẽ ế”.
Tổng vốn đầu tư của toàn dự án nhà ở sinh viên này là gần 1.500 tỷ đồng được trích từ nguồn trái phiếu chính phủ (TPCP). Tuy nhiên do biến động giá cả tổng mức đầu tư bị tăng thêm hơn 300 tỷ đồng lên gần 1.900 tỷ đồng. Theo Sở Xây dựng Hà Nội do không bố trí được tiếp nguồn vốn nên dự án đang dang dở.
Trước thực trạng trên, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị chuyển đổi mục đích sử dụng 3 hạng mục đầu tư thuộc Dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp sang NOXH để bán cho nhóm đối tượng thu nhập thấp. Bộ Xây dựng đã đồng ý với đề xuất này của Hà Nội.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, bất động sản có đặc tính là dễ chuyển đổi hơn những thứ khác. Về khả năng mà nói nếu ế loại này mà muốn chuyển sang loại khác thì cũng là chuyện bình thường ở trong thị trường. Tuy nhiên, theo ông Liêm vấn đề chuyển đổi cần có sự đánh giá, nhìn nhận, nghiên cứu đặt ra nhiều vấn đề không phải cứ nói đổi là đổi được.
Tính toán lại hạ tầng
Tại cuộc họp báo mới đây của Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, một số dự án thu hút sinh viên không tốt trong khi quỹ nhà ở xã hội chưa được lớn. Bộ Xây dựng đồng ý chủ trương chuyển đổi của UBND TP. Hà Nội nhưng phải tuân thủ nguyên tắc việc chuyển đổi từ vốn TPCP thành vốn xã hội hóa có ưu đãi phải tính toán cụ thể, làm sao thu hồi được vốn ngân sách đã đầu tư. Vấn đề thứ 2 là đối tượng ở sau chuyển đổi là các hộ gia đình. Kèm theo đó là hạ tầng xã hội như trường học, trạm y tế, vui chơi giải trí… cần phải được tính toán cho phù hợp.
Cũng đặt ra bài toán về hạ tầng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng: “Bây giờ chuyển đổi sang NOXH tức là căn hộ gia đình. Nếu chuyển sang căn hộ có thể chuyển được nhưng cần phải giải quyết vấn đề về hạ tầng, con cái họ học ở đâu rồi chợ búa, siêu thị mua sắm… Quan trọng là hạ tầng có cân đổi không? Nếu chuyển đổi mà cái đó không có thì người ta cũng không đến”.
Theo ông Nguyễn Trọng Ninh – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), Bộ đã trực tiếp xuống kiểm tra dự án. Theo đó, dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp có 6 khối nhà, 3 khối đã đưa vào sử dụng nhưng thưa thớt sinh viên đến ở. TP Hà Nội cũng có báo cáo về việc đang gặp khó khăn về vốn và xin Thủ tướng chuyển đổi từ nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp, từ nhà ở cho thuê sang để bán, cho thuê, cho thuê mua. 3 khối nhà, trong đó 2 khối nhà mới xây thô xong và 1 khối nhà quy hoạch rồi nhưng chưa giải phóng mặt bằng thì xin chuyển sang đầu tư nhà ở xã hội theo phương thức xã hội hóa.
“Bộ Xây dựng có ý kiến, nếu thành phố muốn chuyển đổi sang nhà ở xã hội phải thực hiện thanh quyết toán, hoàn vốn theo đúng quy định. Khi hoàn vốn xong rồi, thực hiện phải đấu thầu, tăng nguồn cung NOXH”, ông Ninh nói.
Hiện những căn phòng dành cho sinh viên đang được thiết kế với diện tích gần 60m2 nếu được chuyển đổi dự án có thể có sức hút với người có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên câu chuyện đầu tư vào nhà ở sinh viên này vẫn là một ví dụ điển hình về việc cứ đầu tư mà không tính đến hạ tầng và quy hoạch, khiến xảy ra tình trạng lãng phí.
“Sinh viên thì luôn luôn cần nhà nhưng tại sao loại hình bất động sản nhà ở sinh viên lại ế không phải bán mà chỉ cho thuê thôi cũng ế. Ở đây cũng đặt ra câu hỏi đặt ra lúc làm dự án anh có nghiên cứu gì không? Đây là đầu tư bằng tiền nhà nước, đầu tư không hiệu quả thì nhà nước chịu. Đặt ra như vậy để thấy rằng, còn có vấn đề đạo đức công vụ ở đây. Khi nói đến đầu tư công cần phải nhấn mạnh cái đó để tăng cường kiểm soát” – ông Liêm nêu ý kiến..
Vấn đề chuyển đổi cần có sự đánh giá, nhìn nhận, nghiên cứu đặt ra nhiều vấn đề. Tránh việc để cái trước đã không nghiên cứu sinh ra ế cái mới nếu không nghiên cứu thì cũng sẽ ế” – vị Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh.
Theo Vietnamnet