Thứ năm, Tháng mười hai 19
Shadow

Lời xin lỗi của trưởng phòng và câu trả lời bất ngờ của Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La

Các thuộc cấp của mình bị đề nghị khởi tố vì liên quan tới gian lận thi THPT quốc gia năm 2018, nhưng Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La chẳng có lấy một lời xin lỗi.

5 nút thắt cần gỡ ngay sau chấn động gian lận thi cửThủ tướng giao Bộ Công an xác minh việc đưa và nhận hối lộ vụ gian lận điểm thi’Gọi nhập học những thí sinh mất chỗ oan vì gian lận thi cử sẽ gây xáo trộn lớn’

1 ngày sau khi bị phản ánh phần thưởng cho học sinh tiên tiến bị làm cẩu thả, vị trưởng phòng một quận ở thủ đô đã viết ngay thư ngỏ xin lỗi học sinh, phụ huynh. 10 tháng sau khi gian lận thi cử bị phanh phui với nhiều cán bộ dưới quyền bị đề nghị khởi tố, Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La chẳng những có lấy một lời xin lỗi mà còn nói rằng thông tin nói mình nhờ vả chạy điểm là “bố láo, bố lếu” khi có báo hỏi.

Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La vừa kết thúc điều tra vụ án gian lận thi cử, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đề nghị truy tố 8 bị can về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong vụ việc gian lận thi THPT quốc gia năm 2018.

Báo Tuổi Trẻ công bố những thông tin “tày trời”: Ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La đã gọi Phó Giám đốc đến phòng làm việc của mình, đưa 2 tờ giấy ghi thông tin cá nhân của 8 thí sinh nhờ nâng điểm kèm theo “đặt hàng”. Kết quả điều tra cho thấy 5 người của ngành giáo dục nhận giúp 44 thí sinh, 2 người của ngành công an nhận giúp 3 thí sinh. Có bị can khai chi phí giúp mỗi trường hợp vào được đại học là 1 tỉ đồng.

Nhiều người đã choáng váng với con số sững sờ này.

Xem thêm  Những hình ảnh của 152 du khách Việt biến mất ở Đài Loan: Vào khách sạn 1 giờ để thay quần áo rồi bỏ trốn

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Giám đốc ĐH quốc gia TP.HCM đã phải thốt lên: “Thật chua chát, cả đời tôi cống hiến cho nhà nước đến khi về hưu mà không có được nửa tỷ; thế mà nâng điểm 1 thí sinh được 1 tỉ thì quá kinh hãi”.

Ông Nghĩa cho rằng điều đáng buồn hơn là những liên minh ma quỷ đó lại đội lốt nhà giáo và các nhà quản lý giáo dục để kiếm tiền quá dễ dàng từ quyền lực trong tay.

Nhà báo Hoàng Hải Vân, nguyên Tổng Thư ký tòa soạn báo Thanh Niên đã chỉ mặt hiện tượng đó là “nền giáo dục chợ đen”. Ông bình luận: “Đó không chỉ là sự sơ hở trong quản lý thi cử bị lợi dụng. Đó là cái giá “khởi điểm” trong thang bậc thị trường chợ đen bằng cấp, mà thị trường chợ đen bằng cấp là “khởi điểm” của thị trường chợ đen mua quan bán chức”.

Còn nhà báo Hoàng Nguyên Vũ thì gọi tên bản chất sự việc là “tham nhũng tương lai”. Anh viết: “Có người nói 1 tỷ có thể cho các cậu ấm cô chiêu này du học ngon lành. Nhưng mấy ai hiểu, chúng cần thủ khoa để sau này về làm cán bộ nguồn, lại ngồi trên đầu dân như cha chú chúng đang ngồi. Tham nhũng tương lai là thứ tham nhũng đáng sợ nhất!”.

Tâm đắc với cách gọi “tham nhũng tương lai”, chị Hồ Thị Hải Âu, một bà mẹ Việt “dạy con sánh bước toàn cầu” đã phải cảm thán: “Tôi đã hiểu vì sao biết bao người trẻ là nhân tài đất nước, đã chọn con đường một đi không ngoái đầu trở lại, dù họ tha thiết gắn bó với gia đình, vẫn đành bôn ba xứ người chứ không chịu quay về! Tôi đã hiểu vì sao bao năm nay thị trường mua bán bằng cấp sôi động đến thế! Vô số kẻ sở hữu nhiều bằng cấp nghe rất kinh, liệt kể tràn cả trang A4 cũng chưa hết, nhưng thực chất là rỗng tuếch”.

Vụ việc ở Sơn La mới kết thúc điều tra giai đoạn 1; những lời khai của bị can sẽ hé mở những việc phải làm trong giai đoạn 2.

Xem thêm  Phụ huynh đã biết sợ thành tích?

Trong tuần đầu tiên của kỳ họp Quốc hội vừa qua, vấn đề xử lý gian lận thi cử vẫn chưa “giảm nhiệt” bên hành lang khi cánh báo chí truy vấn những người có liên quan. Chủ tịch Hòa Bình nói đang cân nhắc thời điểm công bố danh sách sai phạm cho phù hợp. Thường vụ Đảng ủy tỉnh này cũng đang xét xét kiểm điểm 26 đảng viên liên quan đến gian lận thi cử. Tỉnh ủy Sơn La thì đang yêu cầu những cán bộ liên đới giải trình. Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh thì nói: “Tôi thì dư luận phán xét xong rồi”.

Gian lận thi cử “chưa từng có” xảy ra đã gần 1 năm, với mấy chục người liên đới và sẽ phải chịu trách nhiệm và chắc chắn không thể dừng lại ở “rút kinh nghiệm sâu sắc”, “tôi xin nhận trách nhiệm”. Dù nói lời nói không giải quyết được hậu quả, nhưng cho đến nay ngoài Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình, chưa thấy ai lên tiếng xin lỗi về trách nhiệm đã để xảy ra gian lận.

Những cách xử lý “đã, đang, sẽ…” nửa vời, bao che…sẽ chẳng thấm tháp vào đâu, chưa nói đến tiếp tục làm cạn dần niềm tin của xã hội. Mọi hành vi đổi chác, mua bán điểm thi; các cá nhân tham gia thị trường “chợ đen” phải được lôi ra ánh sáng để tương lai của giáo dục không bị “đổi trắng thay đen”, tương lai của nước nhà không bị chảy máu chất xám, chảy trôi các giá trị tích cực và chảy ngược dòng chảy tiến bộ của nhân loại.

Sau khi báo Tuổi Trẻ thông tin về lời khai của các bị can trong quá trình điều tra vụ gian lận thi cử ở Sơn La, báo Người đưa tin đã liên hệ qua điện thoại với ông Hoàng Tiến Đức để hỏi về việc ông “nhờ” sửa bài nâng điểm cho 8 thí sinh, ông Đức tỏ ra bất ngờ và bức xúc, rồi trả lời: “Bố láo, bố lếu, làm gì có chuyện đấy”.

>>Chỉ một bài tập Tiếng Việt bắt tìm chủ ngữ của câu mà khiến dân mạng chia phe cãi nhau kịch liệt

Theo Vietnamnet

Link