Thứ sáu, Tháng mười 18
Shadow

“Mảnh ghép thứ 7” trong hệ sinh thái Vingroup và trận đánh 3,5 tỷ USD của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Dường như VinFast đã hội tụ đủ ‘thiên thời địa lợi nhân hòa’ cho giấc mơ thương hiệu ô tô quốc gia.

Ngày 2/9 vừa qua, công nghiệp ô tô Việt Nam chào đón sự tham gia của ông lớn Vingroup. Đây được xem như một dấu mốc quan trọng trong hơn 20 năm phát triển của ngành này tại nước ta.

Tập đoàn Vingroup đã chính thức khởi công Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, Hải Phòng. Quy mô tổ hợp trị giá 3,5 tỷ USD này cũng đã xác lập ô tô trở thành lĩnh vực kinh doanh cốt lõi thứ 7 của tập đoàn Vingroup, bên cạnh bất động sản (Vinhomes), du lịch nghỉ dưỡng (Vinpearl), bán lẻ (Vinmart), giáo dục (Vinschool), y tế (Vinmec) và nông nghiệp (Vineco).

Có thể nói, với sự xuất hiện của Vingroup cùng với tỷ phú Phạm Nhật Vượng, niềm tin về một thương hiệu ô tô quốc gia đang dần trở lại. Người ta tin rằng VinFast rồi sẽ làm nức lòng người Việt như cách mà 6 mảnh ghép trước đó đã ghi dấu ấn.

Giấc mơ ô tô nội địa: Trung Quốc, Malaysia đã làm được; Việt Nam vẫn loay hoay 20 năm qua

Trong bối cảnh những tên tuổi danh tiếng của Phương Tây, Hàn Quốc, Nhật Bản ngày càng lớn mạnh, những giấc mơ ô tô nội địa đâu đó vẫn còn sống, và khỏe mạnh, trên đất châu Á.

Đó là tại Trung Quốc, khi người ta thấy các tập đoàn nội địa như Geely, Great Wall, Dongfeng đang nắm thị phần hàng đầu, đe dọa cả những ông lớn từ châu Âu, Mỹ, Nhật. Thậm chí, Geely còn đang nắm sở hữu của hãng xe Thụy Điển Volvo, trong khi Great Wall cũng đang dự định thâu tóm hãng xe Mỹ Jeep. Còn ở khu vực, hai hãng xe nội địa Malaysia là Perodua và Proton đang áp đảo doanh số trên thị trường: Perodua luôn ở vị trí cao nhất, Proton thường trực trong top 3.

Những chiếc ô tô nội địa này có đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế. Theo tờ ChinaDaily thì cứ với mỗi nhân dân tệ ngành công nghiệp ô tô nội địa tạo ra, GDP của Trung Quốc tăng tới 8 nhân dân tệ. Theo Shu Chang – người làm việc 10 năm tại công ty tư vấn hàng đầu của Đức là Roland Berger – thì “nhìn suốt cả chuỗi giá trị, từ nhà sản xuất đến nhà cung ứng, công nghiệp ô tô nội địa Trung Quốc đang tạo ra rất nhiều việc làm”.

Hay như với chính nhà máy VinFast tại Hải Phòng, người ta ước tính số ngân sách nộp vào có thể bằng cả tỉnh Hải Phòng nộp hiện tại.

Điều này giải thích vì sao nhiều quốc gia lại thèm muốn có một ngành công nghiệp ô tô của riêng mình đến vậy. Không chỉ là lợi ích kinh tế, những chiếc ô tô nội địa còn là niềm tự hào dân tộc về một thương hiệu của đất nước.

Nhắc lại về giấc mơ của ông Bùi Ngọc Huyên và Vinaxuki: Vì sao lại thất bại?

Nói tới ô tô thương hiệu Việt, có lẽ nhiều người sẽ nhớ đến một người đàn ông đã từng ‘đau đáu’ về giấc mơ này trong khoảng thời gian tới hơn chục năm. Đó là ông Bùi Ngọc Huyên, với thương hiệu mang tên Vinaxuki.

Khởi đầu từ một doanh nghiệp làm xe tải đặt nhà máy tại Thanh Hoá, Công ty ô tô Xuân Kiên của ông Huyên làm ăn tốt đến mức người ta tính toán rằng nếu cứ trung thành với xe tải thì có lẽ người đàn ông “U80” này đã có khối tài sản tới hàng nghìn tỷ đồng.

Thế nhưng, ông Huyên đã bỏ lại tất cả để đi theo giấc mơ ô tô Việt Nam, một quyết định từng bị gọi là ‘không tỉnh táo’.

Năm ngoái, ở vào thời điểm những chiếc xe Ấn Độ giá chỉ hơn 80 triệu đồng tràn về Việt Nam thì cũng là lúc thất bại của Vinaxuki được phơi bày trên truyền thông. Những nhà máy đắp chiếu, dù đã đầu tư trước đó cả nghìn tỷ, khiến ông Bùi Ngọc Huyên phải bán nhà trả nợ vẫn chưa đủ, còn giấc mơ ô tô Việt Nam thì bị gọi là ‘hoang đường’.

Thất bại của Vinaxuki được giải thích bởi nhiều yếu tố. Thứ nhất là vì Việt Nam thiếu một ngành công nghiệp phụ trợ ô tô đủ vững mạnh. Từ đó, doanh nghiệp làm ô tô như Vinaxuki đã không thể tìm đâu được các nhà sản xuất linh phụ kiện trong nước với giá vừa phải.

Lý do thứ hai là do Vinaxuki thiếu vốn. Còn nhớ, chiếc xe thuần Việt của Vinaxuki được ông chủ Bùi Ngọc Huyên tâm đắc nhất, Vinaxuki VG, thì cho đến thời điểm này vẫn chưa thể hoàn thiện.

Xem thêm  Lò đào tạo của Vingroup bổ nhiệm Ryan Giggs làm Giám đốc bóng đá

Hai khó khăn khó vượt qua này đã khiến cho Vinaxuki sản xuất ra những chiếc ô tô mà theo ông Phạm Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương – nhận xét là “chỉ giống ô tô thôi, trong khi ô tô là sản phẩm phức tạp, đòi hỏi công nghệ cao”. Nhiều chuyên gia nhận định ngay cả khi những chiếc ô tô Vinaxuki có thể xuất xưởng thì cũng chưa chắc có thể cạnh tranh về chất lượng với các hãng nước ngoài.

Vinfast: Khắc phục mọi sai lầm của Vinaxuki ngay từ khi khởi đầu

Khác với Vinaxuki, Vingroup không hề đơn độc, họ đã “quy tụ” được rất nhiều ông lớn toàn cầu tham gia trợ giúp vào tất cả các khâu.

Về vốn, Vingroup có tập đoàn tài chính Thụy Sĩ Credit Suisse AG tuyên bố sẽ cho VinFast vay khoản vốn lên tới 800 triệu USD. Để có những chiếc ô tô Việt Nam chất lượng nhất, Vingroup hợp tác với Bosch – hãng sản xuất linh kiện ô tô hàng đầu thế giới – cam kết cùng song hành trong quá trình phát triển sản phẩm.

Đồng thời VinFast cũng hợp tác với Siemens, trong liên minh với Bosch, để có một hệ thống quản lý và vận hành nhà máy tiên tiến nhất theo chuẩn 4.0. Những thiết kế cho xe VinFast sẽ được ‘chắp bút’ bởi các studio danh tiếng của Italy như Pininfarina, Zagato, Torino Design và ItalDesign – các tác giả đã vẽ nên những ‘siêu phẩm’ của làng xe thế giới là Lamborghini, Ferrari, BMW…

Nói chung, dù đây là những chiếc xe Việt Nam, người tiêu dùng vẫn hoàn toàn có thể hy vọng vào trải nghiệm chẳng kém gì xe ngoại nhập.

Giấc mơ ô tô Việt của tỷ phú Phạm Nhật Vượng không chỉ dừng ở đây. Theo phác thảo kế hoạch, Vingroup sẽ cho thành lập hẳn một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) dự kiến sẽ thu hút các chuyên gia ô tô từ Đức và châu Âu tới làm việc.

Bên cạnh đó một trung tâm R&D nữa ở nước ngoài cũng được nhắm tới trong tương lai để tạo ra sự phối hợp với trung tâm trong nước. Tất cả những việc này là điều kiện đảm bảo cho cho sự chuyển giao công nghệ ô tô từ nước ngoài vào Việt Nam diễn ra hiệu quả nhất.

mảnh ghép thứ 7, 7th element, hệ sinh thái, vingroup, vinfast, thương hiệu oto

Thêm một yếu tố làm người ta tin tưởng kế hoạch làm ô tô của Vingroup sẽ thành công, đó là Chính phủ đang rất ưu ái cho ngành này. Hôm 2/9, ngay sau lễ khởi công nhà máy của Vingroup tại Hải Phòng thì Chính phủ cũng đã giảm thuế nhập khẩu linh kiện về 0%.

Một quyết định ra thật đúng thời điểm, giống như đang tiếp thêm sức mạnh cho Vingroup. Phải nói rằng từ năm 1995 đến nay, chưa có một bản kế hoạch nào rõ ràng và có mục tiêu lớn như của VinFast được đặt ta; và cũng chưa khi nào Chính phủ ‘đo ni đóng giày’ chính sách để tạo ra những ưu đãi tốt nhất cho một ngành công nghiệp ô tô nội địa như lúc này.

Trong số 18 khu kinh tế ven biển hiện tại của Việt Nam, khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải được gọi tên đầu tiên trong số 6 khu kinh tế đang được Chính phủ ưu tiên phát triển. Điều đó đồng nghĩa với việc VinFast có thể được hưởng những ưu đãi ‘hết nấc’.

Với quy mô dự kiến 500.000 xe, VinFast sẽ được hưởng hưởng mức thuế suất thuế TNDN 10% áp dụng trong 15 năm, kể từ khi dự án bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh. Kể từ khi có thu nhập chịu thuế, VinFast sẽ được miễn thuế TNDN trong vòng 4 năm liền và được giảm 50% số thuế phải nộp cho tới 9 năm tiếp theo.

Về thuế thu nhập cá nhân, lao động tại VinFast cũng sẽ được giảm tới 50% thuế thu nhập. Ngoài ra, những ưu đãi còn đến từ thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, tiền thuê đất…

Thời điểm Việt Nam đang “khát” ô tô nhất và lợi thế của người đi sau

Thị trường ô tô Việt Nam luôn được các chuyên gia nhận xét là ‘đầy tiềm năng’. Theo số liệu của JATO thì mức tiêu thụ xe của Việt Nam năm vừa qua đạt mức tăng trưởng 27,1%, chỉ xếp sau Singapore trong khu vực.

Thế nhưng, quy mô của thị trường Việt Nam lại nhỏ. Cũng theo JATO thì năm 2016, Việt Nam chỉ tiêu thụ gần 300.000 xe, xếp thứ 34 về quy mô thị trường. So với dân số 90 triệu dân, chưa kể đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, thì rõ ràng dư địa phát triển của ngành này tại nước ta là rất lớn.

Xem thêm  Báo Mỹ nói gì về tham vọng làm ô tô của Vingroup?

mảnh ghép thứ 7, 7th element, hệ sinh thái, vingroup, vinfast, thương hiệu oto

Bằng chứng là dù người dân phải chịu mua ô tô với giá rất cao, các thương hiệu xe lớn trên thế giới hàng năm vẫn tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam và đẩy mạnh bán hàng. Giờ đây, nếu những chiếc xe VinFast chất lượng, giá phải chăng, và đặc biệt là mang danh ‘hàng Việt 100%’ xuất hiện, thì có lẽ một cuộc bùng nổ trên thị trường ô tô sẽ xảy ra.

Và điều này được khẳng định trong những kế hoạch của VinFast. Theo như hãng này thì ô tô sản xuất ra sẽ có tỷ lệ nội địa hóa lên đến 60% với tiêu chuẩn khí thải châu Âu 5.0 và 6.0.

Sau 24 tháng, VinFast dự kiến sẽ xuất xưởng một mẫu Sedan 5 chỗ, một SUV 7 chỗ mang thương hiệu của riêng mình. Nếu thành hiện thực thì đây là dự án có tốc độ hoàn thành nhanh chưa từng có, giúp người Việt tiến rất gần đến giấc mơ sở hữu ô tô thương hiệu Việt.

Những công nghệ mà VinFast hướng tới cũng sẽ đảm bảo cho sự thành công của thương hiệu ô tô này. Trong khi các dòng xe hiện tại ở Việt Nam vẫn chỉ chạy bằng xăng thì VinFast trong thời gian ngắn hạn 12 tháng tới sẽ cho ra mắt những chiếc xe máy chạy điện. Sau 3 năm, VinFast hứa hẹn sẽ có sản phẩm ô tô điện.

Trào lưu dịch chuyển dần dần từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu sạch, với mục đích bảo vệ môi trường, thay thế những chiếc xe động cơ bằng xe chạy điện đang là xu hướng của toàn thế giới. Ngay tại Mỹ, người ta dự đoán những năm tới sẽ là thời của ô tô điện. Sự phổ biến những chiếc xe điện Tesla với hệ thống sạc có trên toàn nước Mỹ là minh chứng cho điều đó.

Vì vậy, không sai khi nói rằng, Vingroup đang đón đầu xu hướng sản xuất ô tô của thế giới. Chính Phó Chủ tịch Nguyễn Việt Quang của Vingroup đã khẳng định: “Chúng tôi muốn sản xuất xe máy, ô tô điện với mong muốn góp phần giảm đáng kể ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe của người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng ô tô điện là xu thế tất của thế giới, và Việt Nam cũng sẽ không phải là ngoại lệ.

Cuối cùng, cũng cần nhắc rằng cho tới sau thời điểm năm 2018, những chiếc xe ô tô nội địa hóa hơn 60% như của VinFast sẽ đủ tiêu chuẩn hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang các nước trong khu vực.

Đồng thời, Vingroup cũng đã tuyên bố đến năm 2025, mục tiêu của nhà máy ở Hải Phòng là chạm tới mốc công suất thiết kế 500.000 xe/năm và nằm trong những nhà máy lớn nhất Đông Nam Á. Phải chăng những toan tính của tỷ phủ Phạm Nhật Vượng đối với ngành ô tô thậm chí còn vượt ra ngoài cả phạm vi lãnh thổ Việt Nam?

Tạm kết: Khi đặt lên bàn cân với một tên tuổi làm ô tô Việt Nam khác là Thaco, nhiều người ví quyết định của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giống như một canh bạc rất lớn của Vingroup.

Tuy nhiên hãy thử nhìn lại lịch sử kinh doanh của tập đoàn này. Hệ thống bệnh viện Vinmec, trường học Vinschool hay Vinmart ra đời trên nền tảng của thương hiệu BĐS nhà ở Vinhomes đã thành danh, hoặc Vinhomes ra đời năm 2009 cũng dựa trên thương hiệu Vincom đã có mặt tại Hà Nội và khẳng định tên tuổi từ 5 năm trước đó.

Vingroup giờ đây là một tập đoàn danh tiếng sở hữu một hệ sinh thái khổng lồ, tạo ra doanh thu chục nghìn tỷ mỗi năm. Điều quan trọng hơn, tập đoàn này rất biết cách tận dụng những gì mình đã có để phát triển một mảng kinh doanh mới, giống như cách họ đã làm với Vinhomes, Vinmart… Vì thế, với VinFast, điều tương tự có thể sẽ xảy ra.

Thêm một cơ sở nữa để tin rằng Vingroup sẽ thành công, đó là cũng như các mảnh ghép trước, VinFast được làm bài bản ngay từ đầu: Tiêu chuẩn châu Âu, chi tiền cho R&D… và đặc biệt là nói không với gia công. Điều này cho thấy một quyết tâm lớn, một tầm nhìn rất xa của Vingroup với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Và chúng ta hãy chờ xem, tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Vingroup sẽ biến giấc mơ ô tô thương hiệu Việt trở thành hiện thực như thế nào.

Theo Cafebiz