Tăng men gan là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý khác nhau do vi rút, nhiễm độc, nhiễm trùng – ký sinh trùng, bệnh tự mien…
Tăng men gan do gan bị ngộ độc
Gan là một trong những cơ quan nội tạng trong cơ thể, có nhiệm vụ đảm nhận khoảng 200 chức năng khác nhau. Trong cơ thể gan đảm nhận chức năng thải độc, khi gan bị quá tải có thể sẽ bị tổn thương (tăng men gan).
Thời gian gần đây, tình trạng tăng men gan tại Việt Nam tăng, có liên quan tới thói quen, lối sống, bệnh lý…
PGS.TS.BS Trịnh Thị Ngọc, Phó chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, Nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai tăng men gan là tình trạng phản ánh có một phần tế bào gan bị tổn thương, hoặc tình trạng nhiều enzyme có trong tế bào gan có giá trị cao hơn mức bình thường.
Tăng men gan, không phải là bệnh mà là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý khác nhau. Mức độ nguy hiểm của tăng men gan phụ thuộc và nguyên nhân gây ra triệu chứng.
Bác sĩ Ngọc cho biết thói quen rượu bia, thuốc lá gây ra tình trạng ngộ độc cho gan. Chất cồn trong rượu khi đi vào cơ thể được chuyển hóa thành andehit. Nếu cơ thể không chuyển hóa hết andehit, nó sẽ trở thành chất độc gây hại cho gan.
Lạm dụng rượu làm tăng tình trạng tăng men gan dẫn tới các bệnh lý của gan như: viêm gan, xơ gan và có thể tiến triển thành ung thư gan.
Thói quen dùng thuốc không theo đơn, lạm dụng thuốc kháng sinh của người Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể, trong đó có gan.
“Hiện nay, rất nhiều người cho rằng các loại thuốc giải độc gan uống càng nhiều càng tốt, đây là một quan niệm rất sai lầm. Việc dùng thuốc thải độc gan không đúng theo liều lượng chỉ định của bác sĩ sẽ gây độc cho gan và làm tăng men gan”, bác sĩ Ngọc khuyến cáo.
Một số bệnh lý đường mật như viêm đường mật, viêm túi mật, sỏi mật… có thể gây ra tổn thương gan và tăng men gan.
Thói quen ăn đồ sống, đồ tái có thể bị nhiễm ký sinh trùng. Khi nhiễm ký sinh trùng có thể gây tổn thương tế bào gan và làm tăng triệu chứng tăng men gan.
Nhiễm vi rút
TS.BS Ngọc cho hay tăng men gan còn có liên quan tới vi rút, có 5 loại vi rút gây ra viêm gan A, B, C, D và E.
Trong đó, virut viêm gan B và C có tỷ lệ mắc cao tại Việt Nam. Cụ thể, tỷ lệ nhiễm viêm gan vi rút B khoảng 6-20% dân số, với viêm gan C 2-4% dân số. Viêm gan vi rút B và C nếu không được điều trị và kiểm soát, sau 15-20 năm có thể gây ra xơ gan và tiến triển thành ung thư gan.
Ngoài ra, một số bệnh lý tự miễn của gan có thể gây ra tình trạng tăng men gan.
Do tăng men gan là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý khác nhau. Việc điều trị tăng men gan hiệu quả cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa tìm ra nguyên nhân gây bệnh, sẽ giúp điều trị tăng men gan hiệu quả.
“Trong thời gian, tìm nguyên nhân làm cho men gan tăng cao, cần có chế độ ăn tốt cho gan. Nên tăng rau xanh, hoa quả, hạn chế ăn chất béo. Ăn cá, tôm sẽ dễ tiêu hóa hơn là nhiều thịt. Người bị tăng men gan nên uống các loại nước giúp mát gan như nhân trần, atisô”, bác sĩ Ngọc khuyên.
theo Trí Thức Trẻ