Gần như chắc chắn các thiết bị điện sẽ bị hỏng hoặc có vấn đề sau khi ngập nước dù thời gian ngắn hay dài.
Sau mưa bão hay một trận lụt lớn, một trong những vấn đề gây đau đầu với nhiều người khi dọn dẹp nhà cửa là việc phải quyết định sửa chữa hay thay mới các thiết bị gia dụng. Bởi các thiết bị điện tử, đồ điện… thường là đồ vật đắt tiền nhất trong ngôi nhà.
Tuy nhiên, nguyên tắc đầu tiên cần phải nhớ là không bao giờ cắm điện hoặc (khởi động) bất kỳ thiết bị nào, dù lớn hay nhỏ sau khi nó bị ngập nước. Chúng cần phải được làm khô, làm sạch và kiểm tra bởi một chuyên gia hoặc thợ có kinh nghiệm trước khi có thể đem sử dụng lại để đảm bảo an toàn.
Trên thực tế, chỉ một số thiết bị có thể được sử dụng lại sau khi bị ngập, trong khi một số đồ gia dụng khác cần phải được thay thế. Mức độ hư hỏng phụ thuộc vào việc chúng bị ngập sâu tới đâu và trong thời gian bao lâu. Chỉ có kỹ thuật viên đủ kinh nghiệm và dụng cụ mới có thể xác định xem thiết bị sau khi ngâm nước có khôi phục lại để hoạt động một cách an toàn hay không.
Nhìn chung, các thiết bị có thể sửa chữa được (tùy vào mức độ thiệt hại) thường là máy rửa bát, máy sấy, đồ điện tử như TV, đầu đĩa DVD và máy thu tín hiệu, lò vi sóng, lò nướng, bếp điện, máy xay xát…
Các sản phẩm cần được thay thường là điều hòa, thiết bị di động, máy hút ẩm, máy lọc không khí… Trong đó, điều hòa thường bị giảm chất lượng sau khi gặp nước và cũng dễ bị nhiễm bẩn bởi nấm mốc, vi khuẩn. Ngoài ra, do thời gian mưa lụt thường kéo dài nên các bộ phận của điều hòa nếu gặp nước lâu hoặc để trong môi trường ẩm ướt thường dễ gây ra cháy nổ, mang theo nguy cơ hỏa hoạn.
Tủ lạnh và tủ đá tiềm ẩn nguy cơ bị nhiễm bẩn từ trong ra ngoài, cần làm vệ sinh kỹ trước khi sửa chữa.
Các thiết bị nhỏ như máy sấy tóc, lò nướng bánh, máy hút bụi và máy pha cà phê thường không thể sửa được sau khi bị nước vào.
Theo trang Searshomeservices, trước khi sửa chữa hay thay thế đồ gia dụng, có một số yếu tố cần xem xét:
– Nếu chức năng của thiết bị có thể được phục hồi thì nó có đủ an toàn khi sử dụng không?
– Thiết bị này đã bao nhiêu “tuổi”, còn bảo hành hay không?
– Chi phí sửa chữa so với chi phí thay thế có chênh lệch nhiều không?
– Thiết bị có thể chịu ảnh hưởng lâu dài về sau như bị gỉ hoặc ăn mòn bên trong hay không. Có những vấn đề không thể nhìn thấy từ bên ngoài nhưng có thể dẫn đến các chi phí sửa chữa đắt tiền trong tương lai.
– Điều quan trọng nhất vẫn là trước khi quyết định sử dụng lại bất kỳ thiết bị nào, hãy nhờ người có trình độ kiểm tra trước.
Ngoài đồ gia dụng, sau mưa bão hay ngập lụt, người dùng cũng nên kiểm tra và thay thế các thiết bị điện trong nhà như dây dẫn có vỏ bọc bằng nhựa, các bản mạch và thiết bị ngắt điện, hộp cầu chì và cầu chì, công tắc, ổ cắm ngoài… Người dùng nên nhờ một thợ điện tiến hành khảo sát lại toàn bộ hệ thống điện trong gia đình. Bên cạnh đó, các thành phần hoặc bộ phận nối đất cũng cần kiểm tra lại.
Theo Vnexpress