Hôm qua, trong khi một người cha khiến cho hàng triệu người rơi nước mắt cảm động thì một người cha khác lại làm con mình đau đớn.
Bản nhạc trác tuyệt…
Khi diễn viên Quốc Tuấn lau khuôn mặt nhòe nhoẹt nước mắt trong khán phòng mà con trai anh biểu diễn Piano bằng những ngón tay dị tật và cái đầu chằng chịt vết mổ, hàng triệu người đã rơi lệ.
Nước mắt rơi, nhưng người cha vĩ đại đồng hành với con mình suốt 15 năm trong trò đùa nghiệt ngã của số phận, lại mỉm cười.
Bôm – đứa con trai đã khiến “người vác tù và hàng tổng” thấy “bầu trời sụp đổ” 15 năm trước khi cậu chào đời – giờ đây đã trúng tuyển top 5 Học viện âm nhạc Quốc gia, thay vì gục ngã trên bậu cửa của sự cam chịu.
Rồi Bôm sẽ còn chơi tặng bố rất nhiều bản nhạc thật hay nữa, nhưng vĩnh viễn không có bản nhạc nào có thể hay hơn những giai điệu trác tuyệt của tình phụ tử.
Hành trình gian nan của cặp bố con ấy chưa dừng lại cho đến khi Bôm có thể nở nụ cười trên gương mặt lành lặn nhất có thể, lướt trên phím đàn bằng những ngón tay lành lặn nhất có thể và reo vui gọi tên bố Tuấn bằng giọng tròn vành nhất có thể.
Nhưng giống như ai đó đã nói rằng, nếu gieo yêu thương và hy vọng, thì chắc chắn sẽ được gặt ban mai trên những cánh đồng.
15 năm trước Quốc Tuấn đã nổi khùng khẳng định với bác sĩ “Con tôi chẳng làm sao cả, tôi sẽ giúp con tôi sống bình thường”. Cánh đồng ban mai mà bố con anh gieo trồng đã gần mùa gặt hạnh phúc hơn bao giờ hết.
Phận làm cha của Hà Văn Thắm và phận làm con Dương Tự Trọng
Hôm qua, trong phòng xử đại án Ocebank, không ít người cũng thấy quặn ruột khi nghe những lời cuối cùng của Hà Văn Thắm và đồng phạm.
Hà Văn Thắm – Một người cứng rắn đến độ xin tòa tăng hình phạt cho mình để giảm tội cho cựu thuộc cấp, một người “gan góc” đến độ nói rằng “trong tù sướng hơn ở ngoài” – vẫn chùng xuống như sợi dây trầm khi nhắc đến con.
“Thưa bố mẹ, anh chị, vợ và các con. Tôi biết rằng với tai nạn này, từ chỗ là niềm tự hào của mọi người, tôi đã trở thành sự đau xót, thậm chí gánh nặng cho mọi người…
Tôi không biết làm sao cả, chỉ cố gắng sống tốt để ít nhất mọi người không bị thất vọng…, không bị đau lòng vì tôi…
Với các con của tôi, rất có thể các con không nghe được những lời này, nhưng bố mong rằng, các con cũng nhìn từ tai nạn của bố, để rút kinh nghiệm, và sống thật tốt, hãy làm những gì mà bố chưa làm được. Hãy chăm sóc ông bà và mẹ.
Bố nghĩ rằng ít nhất các con không phải xấu hổ vì bố”.
Tôi tin những lời cuối cùng của Thắm là gan ruột. Lẽ thường, khi rơi vào vòng lao lý, người ta thường tranh công đổ tội. Hà Văn Thắm làm ngược lại: Tình nguyện gánh tội cho cho cựu thuộc cấp.
Đó chính là một trong vài điều mà con Thắm có thể không xấu hổ vì bố của mình.
Một nhân vật khắc tinh của tội phạm, ngang tàng quá nửa đời người như đại tá Dương Tự Trọng (nguyên PGĐ công an Hải Phòng) cũng đã phải bật khóc trước vành móng ngựa, khi nhắc đến bố mẹ già trong lời nói cuối cùng.
Từ đầu đến cuối phiên xử, Dương Tự Trọng cũng cứng cỏi như Hà Văn Thắm, luôn muốn gánh tội về mình, giảm tội cho đàn em.
Tiếng gọi đau đớn của Trọng đã khiến cho nhiều người quặn ruột: “Tôi có nhiều đêm thức nghĩ về mẹ… Cầu trời phật cho bố mẹ thêm tuổi để ngóng đợi con”.
Thế nhưng, người bố mắc bạo bệnh đã không thể đợi được đến ngày đứa con lầm lạc trở lại với cuộc sống bình thường. Người mẹ già héo hon buồn tủi không biết có chờ được Trọng? Có mấy ông bố bà mẹ già nào chờ đợi được suốt 15 năm dằng dặc với một niềm tin vô bờ bến như diễn viên Quốc Tuấn chờ con?
Khi nói rằng ở trong tù còn đỡ dằn vặt, đau đớn, chịu áp lực hơn ở ngoài, chắc chắn Hà Văn Thắm đã nghĩ nhiều về những đứa con.
Tài sản mà Thắm để lại cho con, có thể không khó khăn về vật chất, nhưng chắc chắn là một hành trình gian nan về tinh thần.
Câu hỏi “ngây thơ”
Người ta hay dùng từ “nước mắt cá sấu” khi các bị cáo nhắc đến con thơ, mẹ già. Tôi thì lại tin đa phần giọt nước mắt ấy được chắt ra từ nơi sâu thẳm. Hổ dữ không ăn thịt con.
Sợi dây phụ tử – mẫu tử luôn chạm tới cung bậc cuối cùng của nhân tính.
15 năm nhẫn nại chiến đấu cùng con, người cha vĩ đại Quốc Tuấn tự dặn mình “với con cái mà không tử tế thì không thể nào tử tế với ai”.
Để tử tế đến cùng tận với con, Quốc Tuấn tự nguyện đánh đổi rất nhiều, đánh đổi cả năm tháng sung mãn nhất trong nghệ thuật.
Tôi tin rằng, trong nhiều khoảnh khắc lao lý, những người như Hà Văn Thắm, Dương Tự Trọng muốn đánh đổi tất cả để có được nụ cười bình an của con, của vợ, của bố mẹ và của chính mình.
Sự tử tế không đến từ mong muốn trong đầu. Những đứa con cần sự tử tế của bố mẹ chúng mỗi ngày.
Những lời nói có tử tế đến cỡ nào nhưng nếu chỉ được thể hiện trước vành móng ngựa hay trong phòng giam, thì nó cũng giống những mũi khoan nhức buốt găm vào trái tim con cái.
Nhiều người đã cười mỉm đánh giá Nguyễn Xuân Sơn “ngây thơ” khi ông ta nói lời cuối cùng trước toà: “Mong những ai đã nhận tiền chăm sóc khách hàng từ bị cáo suy nghĩ thấu đáo hoàn trả lại số tiền ấy để tâm hồn được thanh thản”.
Họ nghĩ chả ai “dại dột” đến như vậy. Tôi thì nghĩ, có thể họ không tự nguyện hoàn trả đồng nào, nhưng rõ ràng số tiền đó không thể mua được sự thanh thản, khi nhìn mái tóc bạc trắng và mức án của “chiến hữu một thời” Nguyễn Xuân Sơn.
Để kết thúc bài viết này, có một câu hỏi “ngây thơ” khác mà tôi vẫn muốn hỏi: Đọc câu chuyện của cha con Quốc Tuấn, liệu những người đứng trước nguy cơ lầm lạc, có rùng mình chút nào khi nghĩ đến sự thanh thản và tương lai con cái, bố mẹ mình?
Theo Soha