Nói “thật đáng buồn” vì phủ nhận của cục trưởng Hóa, Dương đưa ra nhiều chứng cứ thể hiện quan hệ giữa CNC và C50.
Sáng nay, khi cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa nói giữ nguyên lời khai ngày hôm qua, phủ nhận CNC là công ty bình phong, chủ tọa gọi bị cáo Nguyễn Văn Dương (cựu chủ tịch CNC) lên đối chất.
Ông Hóa đi vào khu vực dành cho bị cáo trong sáng 21/11. Ảnh: Phạm Dự
Chủ tọa dẫn lại lời khai ông Hóa rằng C50 ký với CNC bản ghi nhớ vào năm 2011 song đây không phải thỏa thuận hợp tác vì vậy không có giá trị. Điều đó đồng nghĩa CNC không phải là công ty bình phong của C50 trong giai đoạn 2011-2015.
Bị cáo Dương trả lời: “Tôi thấy anh Hóa trình bày không đúng sự thật. Chúng tôi nỗ lực cố gắng để đạt mong muốn của các anh. Hôm qua đáng buồn vì anh Hóa phủ nhận toàn bộ thành tích chúng tôi đạt được”.
Dương khai sau khi được sự giới thiệu và mong muốn phát triển công ty nghiệp vụ của thứ trưởng Bộ Công an (đã mất), ông Hóa nói C50 chỉ có 30 người nên rất cần doanh nghiệp ngoài hỗ trợ cả nhân lực, trình độ.
Năm 2012 dù CNC còn non trẻ, hạn chế công nghệ nhưng đã tìm mọi cách để xác định đối tượng theo yêu cầu của Cục, đề xuất phương án cụ thể. “Anh Hóa có bút phê và nói với tôi thường xuyên phải hoạt động như vậy”, Dương khai.
Năm 2013-2014, Dương thường xuyên có hội thảo, đến đâu đều có báo cáo với lãnh đạo cấp trên. “Một lãnh đạo Bộ Công an từng nói cảnh sát công nghệ cao nếu không có lực lượng như chúng mày thì không hoạt động tốt, thế mà hôm qua anh Hóa nói như vậy, thật đáng buồn”.
Ngồi cạnh Dương, ông Hóa nhắm mắt nghiền, mặt mệt mỏi.
Bị cáo Dương – Hóa đối chất tại tòa. Ảnh: Phạm Dự
Dương khai trước khi vụ án xét xử, các luật sư bào chữa nói CNC trong quá trình phạm tội như cáo buộc đã được sự đồng ý cho phép của Cục. “Nếu có tài liệu chứng minh điều này, tôi xin tòa giảm nhẹ trách nhiệm cho tôi. Với vai trò đứng đầu CNC, mong HĐXX xử tôi với tư cách doanh nghiệp bình thường dù hình phạt ấy có thể cao hơn với công ty nghiệp vụ”, cựu chủ tịch CNC trình bày.
Dương khẳng định hàng tháng, quý năm đều báo cáo hoạt động với ông Hóa, C50. “Nếu ông Hóa nói ký ghi nhớ không có giá trị nhưng vì sao sau đó lại ký ủy quyền tất cả cho tôi. Nếu không liên quan thì sao ông Hóa phải có những công văn trao đổi với đơn vị khác nói đây là công ty nghiệp vụ C50. Điều đó là mâu thuẫn”.
“Việc ủy quyền vốn của C50 và đại diện cho Cục ở CNC là “điều mấu chốt” để xác định bản ghi nhớ có được công nhận hay không”, Dương khai và nhắc lại nhiều lần nội dung phủ nhận của ông Hóa là “điều đáng buồn cho cá nhân và tập thể CNC”.
Khi hoạt động game bài, Dương khẳng định có xin ý kiến ông Hóa và được cho biết việc vận hành cổng thanh toán cho game là cần thiết vì giúp nắm bắt được thông tin người sử dụng, tốt cho hoạt động nghiệp vụ.
Trả lời về việc game Rikvip chưa được cấp phép không song đã hoạt động, Dương khai thời điểm đó nhận thức về cấp phép hạn chế, hơn nữa thấy gần như không game nào được Bộ Thông tin Truyền thông cấp phép hoạt động. Đến khi game đã vận hành, Dương nói ông Hóa xin Tổng cục Cảnh sát cho phép làm thí điểm.
Lời khai của ông Hóa bị Nguyễn Văn Dương phủ nhận. Ảnh: Phạm Dự
Đối chất lời khai của Dương, ông Hóa nói “không đồng ý”. “Chúng tôi với anh Dương chỉ có bản ghi nhớ, không có văn bản nào khác để ràng buộc C50 với CNC về mặt pháp lý”, ông trình bày. Về việc CNC báo cáo, cựu cục trưởng khẳng định mọi tin báo đến đều được quý trọng, còn C50 không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của CNC, kể cả sau năm 2015 khi được Tổng cục Cảnh sát công nhận là công ty bình phong.
“C50 chỉ là đơn vị trinh sát kỹ thuật, không có uy quyền to để thực hiện yêu cầu của ai đó. Anh Dương có thể trách móc chúng tôi nhưng nhiệm vụ của chúng tôi là như thế”, ông trả lời.
Theo VNE