Thứ tư, Tháng Một 15
Shadow

Nhà báo Minh Đức: “Đọc kỹ phỏng vấn của Tùng Dương thấy không có dòng nào nói xấu Bolero”

Nhà báo Minh Đức, phỏng vấn, Tùng Dương, bolero

Một, hai năm nữa nhìn lại, khi dòng nhạc khác lên ngôi, chúng ta sẽ thấy mình đang làm những chuyện phi nghĩa.

Liên quan đến những tranh cãi xoay quay phát ngôn của Tùng Dương về nhạc Bolero và phản ứng mẽ của nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, phóng viên đã tìm đến nhà báo Minh Đức, từng là giám khảo chương trình Solo Cùng Bolero mùa 1 và 2 (Đài TH Vĩnh Long) , để biết ý kiến của anh.

Từ cái nhìn trung gian, nhà báo Minh Đức đã đưa ra những nhận định cá nhân sắc sảo và vô cùng thuyết phục.

– Anh có thể chia sẻ quan điểm về nhạc Bolero và vị trí của nhạc Bolero trên bản đồ âm nhạc Việt Nam?

Quan điểm về Bolero gây tranh cãi từ xưa chứ không phải là bây giờ, khi Việt Nam bắt đầu hình thành các dòng nhạc khác nhau. Dòng Bolero lên đỉnh cao từ những năm 60 và dường như thời đó người ta đã có sự phân định mơ hồ giữa nhạc sang và nhạc sến rồi.

Ngày ấy, Bolero được xem là dòng bình dân, song song tồn tại với những dòng khác thường được coi một cách không chính thức dành cho giới trí thức như nhạc Trịnh Công Sơn hay Ngô Thuỵ Miên. Nói như thế để thấy sự xung đột này đã âm ỉ từ lâu chứ không phải đến bây giờ mới có.

Sau năm 1975, có một thời gian rất dài, dòng Bolero không xuất hiện trong nền âm nhạc chính thống mà chỉ sống len lỏi, âm ỉ nên người ta không so sánh nó với bất cứ dòng nào cả. Cho đến một thời điểm nhất định thì nó trở lại, như bây giờ chúng ta đang chứng kiến một sự bùng nổ thật sự.

Bản thân tôi không bao giờ phân biệt dòng nào hơn, dòng nào kém. Có thể một thời điểm nào đó, tôi thích hơn dòng này hơn vì có nhiều bài hay để nghe trong khi những dòng khác chưa có những ca khúc hay.

Bolero, ban đầu chỉ là tên của một điệu nhạc được sử dụng phổ biến để soạn ca khúc, nhưng khi số lượng ca khúc Bolero nhiều lên áp đảo, nó được coi như một dòng và có vị trí của nó, chúng ta không nên so sánh nó với các dòng khác. Có thể xem nó là một dòng cũ cũng được nhưng không có nghĩa là nó kém những dòng mới.

Trên thế giới cũng vậy thôi, có những dòng nhạc đã ra đời từ lâu và bây giờ đã được xem là kinh điển, đó là nhạc pop thập niên 50, 60, gần đây, nhiều ca sĩ nổi tiếng đã quay lại hát dòng đó như Annie Lennox, Gloria Estefan, thậm chí cả ngôi sao nổi loạn và đầy cách tân như Lady Gaga cũng hát “nhạc xưa” đó.

Nói vậy để thấy rằng cũ hay mới đều tồn tại song song với nhau chứ không cắt nhau hay có sự cạnh tranh nào cả.

– Vậy thì theo anh, những xung đột đang xảy ra bắt nguồn từ đâu và tại sao?

Thông thường thì nó sẽ bắt nguồn từ những quan điểm có tính chất rất cá nhân. Quan điểm của tôi trong trường hợp này là mình không thích thì mình không nghe, trừ khi phải nghe vì công việc.

Các bạn nghe Bolero nhiều, các bạn không nghe được những dòng nhạc cách tân, những dòng nhạc thể nghiệm không có nghĩa là nó kém. Những người thích những dòng nhạc mới mẻ, họ không thích Bolero không có nghĩa là Bolero dở. Nó không có giá trị với bạn thì nó có giá trị với người khác.

Trong sự thưởng thức âm nhạc, tất cả chúng ta đều bình đẳng. Tôi có rất nhiều người bạn, họ là dân làm trong lĩnh vực âm nhạc hàn lâm.

Họ hàng ngày lên lớp dạy sinh viên nhạc cổ điển và là những người có tư duy âm nhạc rất cấp tiến, nhưng trong số đó, có những người thích nghe Ngọc Sơn, có những người cực kỳ thích nghe Đàm Vĩnh Hưng. Bản thân họ cũng không thể và cũng không cần giải thích về sở thích đó. Thấy thích thì nghe thôi.

Nhà báo Minh Đức, phỏng vấn, Tùng Dương, bolero

Tranh cãi của Tùng Dương – Đàm Vĩnh Hưng khiến showbiz Việt nổi sóng.

Tôi thì quan niệm việc ai người đó làm, và cứ làm tốt nhất việc của mình đi. Tùng Dương là người tôn thờ và theo đuổi những giá trị cách tân mới mẻ thì anh ấy cứ tiếp tục công việc đó. Việc Bolero cần phải hát thế nào với đúng, phải hiểu ra sao mới cảm, rồi có nên đua đòi hay không…sẽ có người khác lo giùm anh ấy.

Nếu anh ấy không nghe, không hát và không quan tâm đến Bolero, anh ấy cũng không cần phải lên tiếng về các chuẩn mực của nó. Dòng Bolero có những chuẩn mực riêng và những người theo đuổi dòng nhạc đó tự họ đã có suy nghĩ riêng khi lựa chọn.

Và việc họ theo được hay không thì tự thị trường sẽ đào thải. Họ không cần người theo dòng nhạc khác lại dạy họ phải hát như thế nào.

Tôi đọc kỹ bài phỏng vấn của Tùng Dương thì thấy anh không có dòng nào nói xấu về Bolero cả. Tùng Dương chỉ đang nói một ý là Bolero là dòng nhạc xưa cũ và nếu chúng ta cứ đắm đuối vào đó thì không phải là một điều hay. Theo tôi, đó không phải là việc một ca sĩ nên bình luận, hãy để việc ấy cho các nhà phê bình.

Trong sự vụ này, mọi người đang bị sa đà vào đả kích cá nhân. Đó là điểm tôi thấy không hay lắm trong văn hoá tranh luận của người Việt. Khi xảy ra việc gì đó, thay vì tranh luận về mặt quan điểm, chúng ta lại chọn đả kích cá nhân, chửi rủa nhau rồi gọi nhau bằng “thằng này”, “con kia”… rất không nên.

Xem thêm  Thông tin bất ngờ và hiếm hoi về vợ của MC Lại Văn Sâm

Nhà báo Minh Đức, phỏng vấn, Tùng Dương, bolero

Nhà báo Minh Đức và ca sĩ Giao Linh.

– Nhưng những lời nói đó thật sự khiến không ít người bức xúc…

Chúng ta hiểu được bức xúc của những người mê Bolero, có thể họ thấy bị tổn thương, có thể họ thấy dòng nhạc họ tôn thờ bị một người khác coi thường. Song, chúng ta yêu thích một thứ không có nghĩa là nó có giá trị vĩnh viễn với tất cả mọi người.

Cũng như dòng nhạc thể nghiệm Tùng Dương đang theo đuổi, có thể ít khán giả nhưng cũng có lượng khán giả của riêng và không có nghĩa là những người đó không biết thưởng thức Bolero. Có những người là fan của Tùng Dương nhưng hàng ngày vẫn nghe nhạc Bolero hoặc ngược lại.

Để nói rằng khán giả số đông về phe nào rất chủ quan. Anh Đàm Vĩnh Hưng có thể nói là anh ấy có số người hâm mộ đông đảo, anh ấy có quyền và đủ tư cách để nói như thế dựa trên những thành công đã đạt được. Thế nhưng, số đông ấy là bao nhiêu và là ai thì rất khó để định lượng.

Ngược lại với Tùng Dương cũng vậy. Tùng Dương là một trong số những ca sĩ ít ỏi mỗi năm đều làm show ở Cung Văn hoá Hữu Nghị Việt Xô và đều bán hết vé dù nhạc được mặc định rất kén người nghe.

Rõ ràng mỗi ca sĩ đều có khán giả của mình nên đừng chủ quan khi nói, vì lượng khán giả không bằng nên nảy sinh đố kỵ và “gato”. Chúng ta cũng không nên dựa vào lượng khán giả tự cho là đông để nói rằng số đông luôn đúng.

Quan điểm của tôi trong chuyện này là không có đúng hay sai, chỉ là quan điểm cá nhân và cách nói không khéo. Khi làm trong cùng lĩnh vực với nhau thì việc mình khen cái này hay chê cái kia đôi khi là chuyện hết sức tế nhị.

Chúng ta không thể nói trước là cơn sốt Bolero sẽ kéo dài tới khi nào, có thể không bao giờ hết, có khi 1-2 năm là nguội như đã từng với một số dòng nhạc khác. Rất có thể khi nó nguội, chúng ta nhìn lại những tranh cãi ngày hôm nay và thấy chúng ta đã làm chuyện ruồi bâu.

Nhưng nếu nó không nguội, 1-2 năm nữa ai đó lại xới cái link bài báo kia lên, và mọi người lại lao vào cãi nhau từ đầu, lặp lại chính những gì mình đã nói hôm nay. Như thế chẳng phải rỗi hơi là gì?

– Vậy theo anh, những tranh luận từ các fan của Bolero đang mang tính chất đả kích cá nhân?

Bản thân trong cách nhìn nhận của anh Dương đã mang tính chủ quan. Nhưng suy cho cùng, đó là quan điểm cá nhân, anh Dương nói thế không có nghĩa là nền âm nhạc thụt lùi thật. Anh Dương có thể đúng, có thể sai nhưng một khi đã nói ra tức là anh chấp nhận tranh luận với dư luận.

Anh Hưng cũng có quyền đưa ra những ý kiến chủ quan vì anh Hưng có đủ trải nghiệm và thành công để làm việc đó. Có thể anh Hưng thấy khi hát nhạc trẻ, anh chỉ thành công 8 nhưng chuyển sang Bolero, anh thành công 10.

Xét ở góc độ bản thân thì chỉ có hơn không có kém, anh có nhiều khán giả hơn, cát-xê cao hơn… Cho nên, anh Hưng có thể nói được chuyện đó trong khi người khác chưa chắc đã nói được.

Hai người trong cuộc tranh luận này đều có cái đúng và đều có tư cách phát ngôn, những phát ngôn này dựa trên vị trí và chỗ đứng của họ thì mới có quyền. Anh Hưng rất tự tin và có quyền tự tin như thế.

Anh ấy không phải chứng minh nhạc của tôi hay hay dở vì anh ấy lấy chính mình ra để ví dụ, thành công của anh ấy đã chứng minh Tùng Dương sai. Bởi nếu nhận định thụt lùi của Tùng Dương là đúng thì tại sao Đàm Vĩnh Hưng có thể lên được vị trí số một ở thị trường bây giờ mà các ca sĩ theo đuổi những dòng nhạc khác cũng phải dè chừng.

Thế thì phải xem lại sự thụt lùi ở đây là thụt lùi về cái gì? Thị trường, thị hiếu hay thẩm mỹ âm nhạc? Mà thẩm mỹ ở đây lại không có mẫu số chung, không có một khuôn thức cố định nào. Cho nên, cuối cùng mọi thứ quy về là chúng ta có quyền nghe những gì chúng ta thích.

Đành rằng thế giới âm nhạc là mênh mông thật, song với quan điểm của tôi, đừng bắt âm nhạc gánh những sứ mệnh quá lớn lao trong khi với hầu hết công chúng, sứ mệnh chính của âm nhạc là giải trí cho con người.

Nhà báo Minh Đức, phỏng vấn, Tùng Dương, bolero

– Hai người theo đuổi hai thể loại khác nhau, phải chăng trong trường hợp này “Nước sông không nên phạm nước giếng”?

Trước đây tôi có viết một bài báo như vậy khi mọi người cãi nhau ầm ĩ quanh việc anh Quốc Trung và Huy Tuấn nêu quan điểm về nhạc xưa. Tôi nói rằng hãy để trách nhiệm khen chê cho những người ở giữa, những nhà phê bình âm nhạc, nếu chúng ta ít nhà phê bình quá, hoặc nhà phê bình không chịu lên tiếng, thì thôi chấp nhận rằng thời thế nó thế.

Trên thế giới cũng vậy thôi. Và trong một lĩnh vực khác, một người nhận xét phim hay hay dở tốt nhất nên là nhà phê bình. Còn bây giờ, anh là người làm phim, người ta cũng là người làm phim mà anh ngồi anh chê phim của người ta theo quan điểm làm phim của riêng anh, như thế là không ổn.

Trong âm nhạc cũng vậy, anh theo đuổi những giá trị như thế này thì nó là giá trị của anh và những giá trị ấy không áp dụng cho đối tượng khác. Ví dụ như cách hát dòng Tiền chiến không áp dụng được cho cách hát nhạc Bolero và cách hát nhạc Bolero không áp dụng được cho cách hát nhạc trẻ.

Xem thêm  Tùng Dương tuyên bố hát được Bolero, Vượng Râu: Phải 15 năm nữa bạn ấy mới hát được...

Bolero tồn tại đến bây giờ mấy chục năm, một phần có liên quan tới bối cảnh lịch sử, cũng không có nghĩa nó là giá trị bất biến và vĩnh viễn.

Có thể mấy mươi năm nữa, một vài thế hệ sau sẽ coi nó là cái gì đó cũ kỹ và nhất quyết đoạn tuyệt, thì tôi hay bạn nếu có sống được tới lúc đó cũng phải chấp nhận thực tế ấy thôi, cũng như bao dòng âm nhạc dân gian, cũng là tiếng lòng là tâm hồn người Việt đó mà nay đang trên đà mất đi không thể cứu vãn.

Người Việt mình hay nói câu “Chúng ta phải biết gìn giữ cho muôn đời sau”, nghe thì rất hay, rất có ý nghĩa, nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi mình lấy tư cách gì để nói thay thế hệ mai sau, chắc gì thế hệ mai sau đã cần những cái mà nay chúng ta nằng nặc đòi giữ cho họ.

Với âm nhạc cũng vậy thôi, chúng ta hãy biết đến hiện tại và thưởng thức những cái đang có. Thế hệ sau có thể vẫn trân trọng những gì đã có, nhưng sẽ cho nó vào bảo tàng cất kỹ, hoặc họ sẽ quên lãng luôn vì họ có thể sáng tạo ra những thứ hoàn toàn mới và không bao giờ nghe lại cái cũ nữa. Chính chúng ta cũng đang như thế đó thôi.

– Theo anh, lý do gì khiến Bolero trở lại thịnh hành như bây giờ?

Trên thế giới hiện nay cũng đang có xu hướng về nguồn. Các ca sĩ vốn nổi tiếng là cách tân nay cũng ra album nhạc xưa, bên Âu-Mỹ gọi là oldies. Tôi nhớ ở lễ trao giải Grammy năm 2015, một không khí nhạc xưa tràn ngập, khiến màn trình diễn phô trương tân kỳ của Madonna trở thành lạc lõng.

Đời sống âm nhạc vẫn luôn có những chu kỳ như vậy. Đến một lúc nào đó những cái mới chưa đủ thuyết phục thì tự khán giả và nghệ sĩ sẽ tìm lại những giá trị cũ. Và trong những giá trị cũ sẽ có những thứ được ưu tiên hơn, ví dụ như bây giờ là Bolero nhưng ở thời điểm cách đây 20 năm thì là nhạc Tiền chiến.

Bolero bắt đầu bùng nổ khi những chương trình truyền hình thực tế mà nhạc trẻ là chính bắt đầu bão hoà, các nhà sản xuất phải tìm những hình thức mới, và họ nhận ra một điều, vốn là hiển nhiên, đó là đối tượng xem tivi nhiều lại không phải là khán giả trẻ mà phần lớn là những người trung niên, cao niên, ở cả thành phố và các tỉnh, với họ phương tiện giải trí chủ yếu là tivi.

Và đối tượng khán giả đó lại thích nghe những gì trữ tình, gần gũi, thế nên sự xuất hiện của Bolero trên truyền hình giống như là gãi đúng chỗ ngứa. Cứ như thế, Bolero thắng thế.

– Nhưng sự trở lại này cũng kéo theo không ít hệ luỵ. Trong mắt của “Ông vua nhạc sến” Vinh Sử bây giờ, Bolero chẳng khác gì một nồi lẩu Thái?

Đó là quan điểm riêng của nhạc sĩ Vinh Sử thôi, và không phải ai cũng nghĩ như thế. Nói điều này sẽ bị đụng chạm nhưng tôi biết rất nhiều người đang tự cho rằng mình mới là người hiểu Bolero, ai hiểu khác họ tức là sai, là không biết gì.

Trong khi những người đưa Bolero lên truyền hình họ hiểu rộng hơn thế, và quan trọng là họ cần làm ra thứ được khán giả truyền hình yêu thích. Có những khái niệm theo thời gian sẽ thay đổi, và được chấp nhận một cách rất tự nhiên.

Ban đầu, Bolero là những bài hát viết theo điệu Bolero, thế thôi, thế nhưng, khi Bolero trở thành một trào lưu, và sau này thành một khái niệm không chính thức, thì nhạc Bolero không còn bó hẹp như xưa nữa.

Trong một chương trình Bolero trên truyền hình, nhà sản xuất sẽ chọn những bài hát viết theo điệu Bolero và cả những điệu khác như Tango, Chachacha, Slow Rock… nhưng họ sẽ chọn những bài hát gần gũi nhau về nội dung ca khúc, về màu sắc âm nhạc. Chúng tôi khi làm chương trình hay nói ngắn gọn với nhau là “Cứ sến mà chơi!”…

Còn gọi tên thì đôi khi còn vì những lý do nghe có vẻ tế nhị, chẳng hạn gọi “sến” thì mang tiếng hạ thấp dòng nhạc, gọi “trữ tình” thì chung chung quá, gọi “nhạc xưa” càng mênh mông hơn, và mọi người thấy là gọi Bolero nghe có vẻ “sang” hơn, nghe là hình dung ra dòng nhạc ngay, trong đó tất nhiên không có nhạc Trịnh, không có Đoàn Chuẩn – Từ Linh…

Những phát ngôn như của nhạc sĩ Vinh Sử thì có thể đó là là từ chính tâm huyết của người nói, họ thích những bài Bolero được chơi, được hát đúng điệu đó, một cách chân phương. Nhưng những người trẻ họ sẽ có những suy nghĩ khác khi muốn đem dòng nhạc ấy đến cho khán giả cũng trẻ như họ.

Và chúng ta nên chấp nhận sự thay đổi. Có rất nhiều người quan niệm, thậm chí khăng khăng khẳng định phải người miền Nam mới hát Bolero hay, thế nhưng rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng của dòng Bolero hóa ra lại là người gốc Bắc.

Và gần đây nhất, ca sĩ Lệ Quyên thành công rực rỡ với dòng này, trở thành nữ ca sĩ ăn khách nhất của bolero hiện nay, người Nam, người Bắc và cả người Việt hải ngoại đều nghe và yêu thích, chẳng phải quan niệm kia đã sai hay sao?

Thời gian sẽ còn làm thay đổi rất nhiều thứ khác nữa, và chúng ta chẳng thể làm gì hơn là hãy quen với điều đó.

Theo Trí Thức Trẻ