“Sang Hàn Quốc chơi bóng là sự mạo hiểm cho cả Công Phượng và Incheon”, trong bài biết của mình mới đây, ký giả Seo Ho-joong gửi lời cảnh báo từ góc nhìn “trong cuộc” của mình.
1. Theo phóng viên thể thao này, những tháng ngày trước mắt sẽ là thử thách thú vị, nhưng cam go của cả chân sút hàng đầu Việt Nam, cũng như CLB K.League vừa mượn được anh từ HAGL. “Cả hai từng thất bại ở những tình huống tương tự trong quá khứ“.
Quả tình, 3 năm trước Incheon United cũng từng rầm rộ chào đón Lương Xuân Trường – ngôi sao của bóng đá Việt Nam với những lời khen đầy hoa mỹ, cùng một tương lai rạng ngời được vẽ ra.
Nên nhớ, ngày ấy đội bóng Hàn Quốc thậm chí còn ký bản hợp đồng mượn tiền vệ người Tuyên Quang này những 2 năm – gấp đôi Công Phượng, nhưng rốt cuộc “mối tình” ấy đứt gánh giữa đường, và dấu ấn của Xuân Trường để lại trên đất Hàn, cả với Incheon United lẫn Gangwon FC – về mặt chuyên môn, chỉ là một con số không tròn trĩnh.
Cũng 3 năm trước, Công Phượng sang Nhật Bản khoác áo Mito Hollyhock cũng với sự kỳ vọng chẳng kém Xuân Trường, để rồi kết thúc cũng chẳng có gì khác biệt. Cũng một con số không tròn trĩnh. Cũng thất bại.
Dẫu vậy, trong bài viết của mình, ký giả Seo Ho-joong cũng phân tích rằng thương vụ ngày ấy với Xuân Trường có khá nhiều sự khác biệt với hợp đồng mang tên Công Phượng vừa qua.
Theo phóng viên Hàn Quốc này, 3 năm về trước, Incheon United ký hợp đồng với Xuân Trường mà không hề nghĩ đến việc kỹ năng của tiền vệ này hoàn toàn không thích hợp với đặc thù của K.League, vốn đòi hỏi thể lực, khả năng hỗ trợ phòng ngự, cũng như sự cạnh tranh gắt gao nơi hàng tiền vệ.
Thay vào đó, họ vội vã ký hợp đồng là bởi “Các công ty Hàn Quốc mong muốn bước vào thị trường Việt Nam, họ cần quảng bá ở Việt Nam nên tìm mọi cách tận dụng giá trị quốc tế của tiền vệ Việt Nam này“.
Thậm chí, ký giả này còn tiết lộ rằng có sự chia rẽ rất lớn giữa nội bộ bộ máy lãnh đạo của Incheon United và HLV của họ trong thương vụ mang tên Xuân Trường. Và đấy cũng là lý do khiến bộ máy của CLB này phải xáo xào không lâu sau khi tiền vệ Việt Nam đặt chân đến nơi đây.
Nói tóm gọn lại, ngày ấy bản hợp đồng mang tên Xuân Trường bị chi phối bởi tính thương mại đậm đặc, mà bỏ quá hoàn toàn yếu tố chuyên môn.
2. Trong bài viết của mình trên Naver Sports, ký giả Seo Ho-joong đánh giá rất cao tính chuyên môn trong quyết định lựa chọn Công Phượng của Incheon United, cũng như chọn Incheon United của Công Phượng:
“Thật không dễ dàng để chọn một cầu thủ đến từ Đông Nam Á tại K.League – giải đấu chỉ cấp hạn ngạch cho 4 ngoại binh (trong đó có 1 cầu thủ châu Á) trong vài năm nay. Đây không chỉ là cầu thủ đơn thuần, mà còn là suất ngoại binh châu Á duy nhất, trực tiếp tác động tới sức mạnh của đội bóng“.
“Nếu ở lại Việt Nam, Công Phượng vốn rất nổi tiếng sẽ có thể tận hưởng sự giàu có và danh tiếng ổn định, nhưng anh vẫn quyết định chuyển đến K.League“, Seo Ho-joong viết.
Thực ra những gì phóng viên Hàn Quốc này viết là không sai, tuy nhiên vẫn còn vài điểm chưa ổn lắm. Bởi với những gì mà Incheon United đang làm mấy ngày gần đây – kể từ khi ra mắt Công Phượng, không khó để nhận ra điểm tương đồng với màn ra mắt đầy ấn tượng của Xuân Trường 3 năm về trước. Những màn làm truyền thông, làm hình ảnh được đẩy lên ở mức độ quyết liệt, đậm đặc.
Thậm chí trong buổi lễ ra mắt Công Phượng, HLV Park Hang-seo còn được bố trí ở một vị trí rất thấp và rất khuất, nhường toàn bộ sự chú ý cho cậu học trò của mình.
Phát biểu của HLV Jorn Andersen: “Tôi chọn Công Phượng vì chuyên môn, không phải vì thương mại” khiến rất nhiều người hâm mộ Công Phượng ấm lòng, nhưng nên nhớ trước đó, cũng chính HLV này từng tâm sự rằng cầu thủ Việt Nam mà ông yêu cầu CLB ưu tiên chiêu mộ không phải là Công Phượng, mà là Quang Hải.
Dĩ nhiên, việc Công Phượng có đi vào “vết bánh xe” mà Xuân Trường để lại ở Incheon United hay không, điều quan trọng nhất vẫn là màn thể hiện trên sân cỏ của tiền đạo gốc Nghệ An này. Nhưng nếu 3 năm trước, Xuân Trường thất bại vì không cạnh tranh được vị trí trên hàng tiền vệ Incheon United, thì hôm nay, chắc gì Công Phượng đã thành công trên hàng tiền đạo đội bóng này.
Nên nhớ, chân sút Stefan Mugosa đang độc chiếm vị trí trung phong trên sao nhất hàng tiền đạo Incheon United. Công Phượng lại là mẫu tiền đạo không thể đá trung phong, nên nếu có được tung vào sân thay người để tạo nên sự đột biến, những cầu thủ xung quanh cũng phải thay đổi lối chơi để phù hợp, và đấy không phải là điều dễ dàng, khả thi khi bản thân đội bóng này chưa phải là một thế lực thực sự ở K.League, những mùa trước đều chấp chới cửa trụ hạng.
Còn bố trí Công Phượng đá hộ công, thậm chí là dạt cánh, sẽ lại rơi lại vào “vết chân” của Xuân Trường ngày xưa, khi các cầu thủ HAGL chưa bao giờ được đánh giá cao về thể lực – kể cả là ở V.League, còn với bóng đá Hàn Quốc, thể lực là yếu tố được đặt lên hàng đầu.
Thêm nữa, đã từ lâu HLV Park Hang-seo “đi ni đóng giày” cho Công Phượng chơi ở vị trí cao nhất trên hàng tiền đạo, như ở Asian Cup vừa rồi. Ở Incheon United, chắn hẳn tiền đạo này sẽ phải “học lại từ đầu”, điều không chỉ Công Phượng, mà những cầu thủ xuất thân từ lò HAGL đều không mấy linh hoạt.
Sau cùng, bài viết của ký giả Seo Ho-joong – cũng như phát biểu của HLV Jorn Andersen, đem lại sự ấm áp, cảm giác tự tin cho Công Phượng, sự tin tưởng của những người yêu mến chân sút này, nhưng rốt cuộc lại ẩn chứa trong đấy là những lời tán dương đậm chất truyền thông, như với Xuân Trường ngày nào.
Nên nhớ rằng trong suốt hơn một năm qua ở Việt Nam, HLV Park Hang-seo đã rất nhọc nhằn để đưa Công Phượng tỏa sáng ở lại, nhờ vào việc khiến tiền đạo này phải “nép mình” để học hỏi nhiều hơn, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn, để thoát khỏi cái bóng ngôi sao U19 rực rỡ ngày nào, chứ không phải nâng đỡ, ưu ái như những gì Incheon United đang dành cho anh.
Theo Trí thức trẻ/Soha