Thứ sáu, Tháng mười một 15
Shadow

Nỗi đau mất con của những ông bố Tây khi ly hôn vợ Nhật

Để được gặp con sau khi ly dị vợ, nhiều nam giới ngoại quốc phải trầy trật đấu tranh với hệ thống pháp lý Nhật.

Anh Emmanuel, Stephane, Henrik và James gốc gác khác nhau nhưng có chung trải nghiệm đau thương trong cuộc chiến với hệ thống pháp lý tại Nhật Bản để được gặp con sau ly hôn. Các ông bố này cho biết, họ bị chặn liên lạc với con khi mối quan hệ với vợ đổ vỡ, kể cả đôi khi phán quyết của tòa nghiêng về họ.

Các luật khắt khe và những chuẩn mực trong chế độ phụ hệ tại Nhật thường dành quyền chăm sóc con cho người mẹ sau ly hôn – với khoảng 80% tổng thời gian theo thống kê chính thức, nghĩa là các ông bố hiếm được gặp lại con.

Ông bố Pháp Emmanuel de Fournas đã đấu tranh nhiều năm để được gặp con gái sau khi vợ cũ quay về Nhật. Mặc dù thắng kiện trong phiên tòa xử ở Pháp và trình lên Công ước Hague về khía cạnh dân sự liên quan đến bắt cóc trẻ em vào tháng 9/2014, anh vẫn chưa được gặp con.

“Tôi đã tưởng mình sẽ được hưởng quyền từ các quy định rõ ràng trong Công ước Hague nhưng những điều đó không được tôn trọng tại Nhật. Tôi đã mất tất cả, khoản dành dụm, công việc”, anh nói trong nước mắt với AFP. Hãng thông tấn này không liên lạc được với vợ cũ của anh.

Anh James Cook bên những bức tranh và đồ chơi của con tại nhà mẹ anh ở Minnesota,
Mỹ. Anh là một trong số nhiều ông bố ngoại quốc đang phải tranh đấu với hệ thống pháp lý tại
Nhật để được đến gần con sau khi ly dị vợ. Ảnh: AFP. 

Trường hợp của anh Emmanuel không hiếm. Anh Henrik Teton, ở Canada và anh James Cook, ở Mỹ có tình cảnh tương tự.

Xem thêm  MC kể lại phút kinh hoàng khi sóng thần ập tới "nuốt chửng" ban nhạc và hàng loạt người

“Pháp lý ở đâu nếu các quyết định không được thực thi. Rõ ràng có nhiều việc cần làm và có thể làm tốt hơn”, Richard Yung, một thượng nghị sĩ Pháp từng đến Nhật để biện hộ cho một số cha mẹ Pháp, nói.

Theo Bộ ngoại giao Mỹ, mặc dù Nhật đã ký công ước Hague về việc ngăn bố hay mẹ đưa con ra nước ngoài và cản người kia tiếp cận trẻ, Tokyo vẫn thể hiện “thái độ không tuân thủ” các quy định.

Với các phụ huynh ngoại quốc, hầu hết là các ông bố, “đây là vấn đề lớn và họ không thể hiểu cũng như chấp nhận việc mình mất quyền nuôi hay thăm con”, Nahoko Amemiya, một luật sư của văn phòng công pháp Tokyo, nói.

Theo Japantoday, ngay cả khi các ông bố nước ngoài thắng kiện tại tòa án Nhật, việc thực thi cũng qua loa. Báo cáo của Bộ ngoại giao Mỹ năm 2018 mô tả “các hạn chế” trong luật Nhật Bản bao gồm những yêu cầu rằng “việc thăm nom phải diễn ra ở nhà và có mặt cha/mẹ đang được quyền chăm sóc trẻ; trẻ sẵn sàng đi với bố, mẹ đến thăm và không gặp các nguy cơ bị tổn thương tâm lý”.

Khi tranh cãi về việc điều gì gây chấn thương tâm lý cho trẻ chưa chấm dứt, thời gian trẻ bị chia tách khỏi cha hay mẹ càng lâu thì các nhà chức trách càng do dự trong việc can thiệp.

“Không phải tòa án Nhật thiên vị cha mẹ Nhật mà là họ đang ưu ái cho ‘kẻ bắt cóc con trẻ”, anh John Gomez, người sáng lập nhóm Kizuna – tập hợp các bố mẹ bị chia tách khỏi con, nói.

Chính phủ Nhật vẫn bảo vệ luận điểm của mình, nói rằng, hầu hết trong số 81 vụ việc được trình lên theo công ước Hague từ năm 2014 đã được giải quyết.

Xem thêm  Khoa học đã chứng minh: Đàn ông không giúp vợ việc nhà, gia đình dễ ly hôn

“Phần lớn các vụ đó đều đã ổn thỏa nhưng chúng tôi biết có 6-7 trường hợp mà các phán quyết không thể thực thi được”, ông Shuji Zushi, quan chức Bộ ngoại giao Nhật, nói. Ông cho biết, các trường hợp này đều có mâu thuẫn gay gắt giữa hai bên, dẫn tới sự chú ý của truyền thông hay các can thiệp về chính trị.

Mỗi lần nhớ con, anh Stephane Lambert chỉ biết mang ảnh bé ra ngắm nhìn. Ảnh: AFP.

Anh Stephane Lambert đã nhiều năm đòi quyền được gặp con trai sau khi vợ con anh bỏ đi khỏi nhà họ ở Nhật Bản. “Cảnh sát Nhật đã chẳng làm gì hết. Theo tòa xử, tôi được gặp con trai tổng cộng 14 tiếng một năm nhưng từ lúc xét xử tới nay tôi chưa thấy mặt cháu vì vợ không cho thăm. Nhìn ảnh con, tôi đau lòng quá. Tôi phải học cách quên con đi”, ông bố bày tỏ.

Có một số dấu hiệu cho thấy đã có sự thay đổi về luật pháp: Một hội đồng các chuyên gia đã gặp nhau hồi tháng 6 để thảo luận về những biện pháp mới nhằm tăng cường việc thực thi các phán quyết, cũng như đề ra vấn đề cùng nuôi con và thay đổi luật.

Nhưng bất chấp những thay đổi đó, nỗi đau phải xa cách cha mẹ luôn gây tổn thương nghiêm trọng – như trường hợp của Joichiro Yamada, người chứng kiến bố người Nhật và mẹ người Mỹ chia tay lúc mình 10 tuổi.

“Bố đã bảo tôi: ‘Từ nay con về ở với bố”, chàng trai giờ 20 tuổi vừa kể vừa khóc vì “cú sốc đáng sợ” khi bị chia tách khỏi mẹ. “Tôi đã ở với bố một năm và chỉ muốn quay về bên mẹ. Một năm đó dài như vô tận”, Yamada nói.

Vương Linh – Theo VNE

Link gốc