Thứ sáu, Tháng mười hai 6
Shadow

Nói phố Trần Duy Hưng không có ‘biểu hiện mại dâm’ là ‘rất buồn cười’

Trước việc Sở Lao động và thương binh xã hội Hà Nội vừa công bố những tụ điểm có biểu hiện mại dâm, chuyên gia cho rằng, cách xác định điểm mại dâm của Sở này ‘có vấn đề’ và ‘hết sức ngớ ngẩn’.


Những cảnh như thế này không hiếm ở thủ đô. Ảnh minh họa, nguồn: Glamour.

Theo đó, Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội vừa công bố một số điểm biểu hiện mại dâm và điểm nghi ngờ có hoạt động mại dâm. Tuy nhiên, trong danh sách lại không có trường hợp của phố Trần Duy Hưng, một địa điểm lâu nay được cho là ‘phố đèn đỏ’ sôi động ở Hà Nội.

Trước thông tin này, lãnh đạo Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội cho biết, Chi cục này đã đi khảo sát nhiều nhưng phố Trần Duy Hưng toàn là những nhà nghỉ. Bảo đây là điểm mại dâm thì UBND địa phương không công nhận, “bảo phải bắt mới được”. Do đó, phố Trần Duy Hưng không được liệt kê trong danh sách những điểm biểu hiện mại dâm và nghi ngờ có hoạt động mại dâm.

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học), nếu xét theo mục tiêu kiên quyết loại bỏ các tụ điểm mại dâm thì cách tiếp cận của giới chức Hà Nội chưa đúng.

Xem thêm  Phóng sự: Hà Nội nở rộ hình thức "massage sung sướng" tại nhà giữa dịch Covid-19, khách tranh thủ vợ đi vắng để gọi phục vụ từ A đến Z

Ông Bình cho rằng nếu mại dâm vào nhà nghỉ mà cơ quan chức năng kiểm tra không phát hiện có biểu hiện hành nghề ở ngoài đường thì chắc chắn là mại dâm “cao cấp”, sử dụng hình thức tinh vi hơn, chứ không thể nói là không có.

“Tôi cho rằng đấy không chỉ là cách thức tiếp cận về mại dâm của giới chức Hà Nội, mà đấy còn là quan điểm của họ, chứ không phải họ không biết. Phải chăng, giới chức Hà Nội chỉ nhằm mục tiêu loại bỏ những điểm mại dâm hạng thấp, đứng bờ bụi, ngoài đường tại một số nơi như Phạm Văn Đồng, Tam Trinh, bến xe Giáp Bát….? Còn mại dâm cao cấp thông qua những hình thức phức tạp hơn như Facebook, Zalo, mạng xã hội… thì chưa đề cập?”, ông Bình nêu vấn đề.

Theo ông Bình, nếu như cách tiếp cận chưa đúng, chưa chuẩn sẽ dẫn đến việc quản lý chưa phù hợp. Do đó, việc cung cấp danh sách điểm nghi mại dâm cũng không đầy đủ. “Ở đây cũng phải đặt câu hỏi vì sao giới quản lý lại có cách nhìn như vậy”. Theo ông Bình, thực tế, mại dâm vẫn đang tồn tại trong đời sống và chúng ta đang phải “chung sống” với điều này.


Theo các chuyên gia, mại dâm được xác định qua nhiều hình thức tinh vi, phức tạp khác nữa chứ
không chỉ có ‘đứng đường’

Theo một chuyên gia xã hội học (giấu tên), trong bối cảnh các hình thức mại dâm ngày càng tinh vi, phức tạp, thì việc xác định các điểm mại dâm thông qua mắt thấy, tai nghe, xem những người hành nghề mại dâm có đứng đường hay không là hết sức ngớ ngẩn.

Xem thêm  Việt Nam có 15.000 hay 300.000 người bán dâm?

“Giống như trước đây, việc phát biểu Quất Lâm (Nam Định), Đồ Sơn (Hải Phòng) không có mại dâm, thì nay lãnh đạo Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội lên tiếng phố Trần Duy Hưng không có biểu hiện mại dâm thì rất buồn cười. Hoặc là họ né tránh, hoặc là họ quản lý mà không sát thực”, vị này cho hay.

Trong khi đó, lãnh đạo Cục phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB-XH) cho biết, thông tin của Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội gây xôn xao là bình thường. Việc họ phát biểu và nhận diện điểm mại dâm như thế nào, thì cứ để họ trả lời, Bộ không can thiệp và cũng không có quan điểm gì về việc này. Hiện, Cục phòng chống tệ nạn xã hội đang xây dựng một Ban nghiên cứu nên chưa có quan điểm chính thống về nghề, xác định điểm mại dâm thế này, thế kia.

Theo Tiền Phong

Link